Trang chủ Nghiên cứu Triết học Tìm hiểu sâu thêm về ”pháp” (dharma), một trong ”tam pháp bảo”...

Tìm hiểu sâu thêm về ”pháp” (dharma), một trong ”tam pháp bảo” của Phật giáo Theravada

805

Người Khmer ở Nam Bộ và ở Campuchia, người Thái ở Thái Lan, người Lào ở Lào và người Miến ở Mianma hiện nay đều theo Phật giáo Theravada.


Đối với các phật tử Theravada, đạo Phật được cấu thành từ ba viên ngọc quý, hay Tam bảo, là: Phật, Pháp và Tăng (Buddha, Dharma và Sangha), tức Đức Phật, học thuyết về pháp của Phật giáo và tổ chức tăng đoàn. Về hai bảo vật thứ nhất và thứ ba (Phật và Tăng) thì tương đối dễ hiểu và ít nhiều khá cụ thể đối với các tín đồ Phật giáo; còn bảo vật thứ hai, hay Pháp (dharma), luôn là một khái niệm rất trừu tượng và rất quan trọng của giáo lí Phật giáo. Dưới đây, chúng tôi muốn tổng hợp một cách khái quát về khái niệm dharma trong giáo lí của Phật giáo.


Trong Phật giáo, theo các nhà nghiên cứu, thuyết dharma được coi như là cơ sở của giáo lí Phật giáo. Khái niệm “dharma” trong triết học Phật giáo có nghĩa quan trọng đến mức, cả hệ thống Phật giáo, với các nghĩa đã biết, có thể được coi là thuyết dharma.


Thuật ngữ “dharma”, theo các từ điển, có những nghĩa: “tôn giáo”, “luật”, “phẩm chất”… Về mặt từ nguyên học, người ta cho rằng, “dharma” có gốc “dhar” có nghĩa là “mang” còn “dharma” có nghĩa là “vật mang”. Người Trung Quốc khi dịch các tác phẩm Phật giáo, từ “dharma” luôn được biểu đạt bằng từ tượng hình với nghĩa là “luật” và giữ nguyên chữ tượng hình này cả trong trường hợp “dharma” mang những nghĩa hoàn toàn khác. Ngoài ra, thuật ngữ “dharma” còn có nghĩa là “học thuyết” của Đức Phật. Thế nhưng, trong những câu như “thuyết pháp”, “lạy pháp”, hay trong  công thức “Phật, Pháp, Tăng”, thì như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận thấy, “dharma” thường không phải là học thuyết mà là đối tượng của học thuyết, tức Niết Bàn (nirvana). Dù sao đi nữa, như những nhà Phật học đã chỉ ra, ý nghĩa cơ bản và có lẽ là khởi thuỷ của thuật ngữ “dharma” là “vật mang” hay những bản thể chân như không thể nhận thức được. Theo những tài liệu của các tông phái Phật giáo khác nhau, số lượng các “vật mang” có khác nhau: 75, 84, 100… Như vậy là, ít nhất, có thể thấy bảy ý nghĩa của thuật ngữ “dharma”: 1) phẩm chất, thuộc tính; 2) cái mang thực thể ; 3) yếu tố, tức yếu tố cấu thành ý thức; 4) Niết Bàn, tức “dharma” tuyệt hảo, đối tượng học thuyết của Đức Phật; 5) cái tuyệt đối, thực tại chân thật; 6) học thuyết, tôn giáo của Đức Phật và 7) vật, vật thể, khách thể, hiện tượng (pháp). Vì mang khá nhiều ý nghĩa, cho nên các nhà Phật học từ xưa tới giờ có những luận giải khác nhau về khái niệm “dharma”. Thế nhưng, mọi người đều thừa nhận, “dharma” được luận giải sâu sắc hơn và kinh viện hơn trong hệ thống Phật giáo Theravada.


Hệ thống của các dharma được trình bày kĩ trong tập kinh Abhidharma – pitaka. Theo diễn giải của nhà duy thức luận (Vijnanavadina) nổi tiếng Thế Thân, nghĩa hẹp của abhidharma là “tịnh thức” cùng các “dharma” đi theo nó. “Tịnh Thức” là sự suy tư hoặc hướng tới “dharma” tuyệt hảo tức là Niết Bàn; còn các “dharma” đi theo là những yếu tố khác liên kết khăng khít với hiện tượng suy tư trên. Do vậy, abhidharma là một tập hợp các yếu tố tạo ra các phần cuộc đời cá thể, mà ở đấy con người ta “hướng tới” bản chất của các vật thể; hoặc là những yếu tố làm nảy sinh ra xu hướng dập đi cái tồn thể kinh nghiệm- những yếu tố này là tiền đề dẫn tới  giải thoát. Theo nghĩa hẹp, abhidharma là thuật ngữ chung chỉ yếu tố siêu hình hướng tới dharma Niết Bàn, hay hướng đến dharma bản thể. Còn theo nghĩa thông thường, abhidharma là “thức” hướng đến suy tư về Niết Bàn. “Thức” không phải là “tịnh thức” vì nó trộn lẫn vào mình các yếu tố ba động, tức những yếu tố là cơ sở của cá nhân, duy trì sự tồn tại, kinh nghiệm, nhưng vẫn gắn liền những yếu tố nhận biết “thuần tuý” về bản chất sự vật. Như vậy, tồn tại và mục đích của tồn tại, tức Niết Bàn, hay “tĩnh lặng” là đề tài của những tác phẩm kinh Phật về abhidharma. Các tác phẩm này gồm hai phần: phần đầu là thuyết về kinh nghiệm và phần hai là thuyết về cứu độ. Cả hai phần liên hệ chặt chẽ với nhau đến mức chúng đồng thời tạo nên một chỉnh thể, đó chính là thuyết về các dharma mà tất cả các hệ thống giáo lí Phật giáo được quy về Abhidharma như một văn bản về thuyết cứu độ.


Theo phân tích của các nhà Phật học, trong thành phần cái bản thể nằm ngoài phạm vi cá thể kinh nghiệm cùng các xúc cảm của nó, có một số khá lớn những yếu tố đơn nhất rời rạc hay các pháp (“dharma”). Các pháp này được xếp thành các nhóm.


Hữu vi pháp và Vô vi pháp (Sanskrita và Asangkrita). Việc chia các pháp thành Hữu vi và Vô vi là gắn với thuyết vô thường của đạo Phật. Các pháp Hữu vi hay các pháp lưu tồn là những pháp mang bốn biểu hiện sau: Sinh, Trụ, Dị và Diệt. Nghĩa đen của Sanskritadharma là cái có nhiều nhân duyên hay là các pháp chịu sự sinh và diệt. Trong khi đó, đối diện với các pháp Hữu vi là ba dạng pháp không sinh, không diệt. Đó là cái gọi là trống không với nghĩa hoàn toàn không có cái không có và hai dạng kia là hai cái gọi là tĩnh lặng hay không có quá trình sinh và diệt. Cho nên các Hữu vi pháp là lưu tồn, là không có tĩnh lặng và được gọi là bất thường trụ, còn các Vô vi pháp thì được gọi là thường trụ. Và, với việc chấm dứt sinh và diệt là bắt đầu sự tĩnh lặng vĩnh viễn – mục đích cuối cùng của mọi sự tồn tại.


Ba động pháp và Bất ba động pháp (Sasrava và Anasrava). Cách phân loại thứ hai cũng có nguồn gốc về sự tĩnh lặng cuối cùng. Các pháp Bất ba động là những pháp hướng bản thể của cá thể đến tới sự tĩnh lặng cuối cùng. Thuộc các pháp Bất ba động hiển nhiên là không chỉ gồm cả các Vô vi pháp  mà còn gồm một phần các Hữu vi pháp liên quan tới sự giác ngộ. Các Hữu vi pháp còn lại gắn kết chặt chẽ với dục vọng và đời, với nghĩa ham muốn tồn tại, đều được gọi là các pháp Ba động.


Thiện pháp, Bất thiện pháp và Trung tính pháp (Busala, Abusala và Aviyakrita). Cách phân chia này cũng được xem xét dưới góc độ giải thoát luận. Các pháp, ví dụ như các Bất ba động pháp là những thiện pháp vì chúng thúc đẩy việc đạt tới giải thoát. Các pháp khác là Bất thiện và ngăn cản quá trình. Các pháp Bất thiện là những yếu tố đời thường giữ cá thể trong vòng tồn tại. Còn các pháp không có một tác động gì tới quá trình hướng một cá thể tới sự tĩnh lặng cuối cùng, gọi là các pháp “trung tính”.


Phân chia các pháp theo năm phạm trù. Năm phạm trù mà các pháp được chia ra là: 1) sắc (rupa); 2) thức (visvana hay citta); 3) tâm sở pháp (caitta); 4) tâm bất tương ứng thành pháp (sanskara) và 5) vô vi pháp (asanskrita). Theo cách phân chia này, sắc là tất cả những gì mà trong cuộc sống gọi là vật chất; thức là hình thức thuần tuý của thức tách khỏi tất cả những cái mà nó nhận thức; tâm sở pháp là tất cả những hiện tượng được gọi là cuộc sống nội tâm; tâm bất tương ứng thành pháp là các yếu tố như sinh, trụ, dị, diệt của các pháp và các “sự liên kết” các pháp trong từng liên kết tạm thời các yếu tố của từng cá thể; vô vi pháp là các pháp dẫn tới giải thoát.


Phân chia các pháp thành uẩn (skanda), xứ (ayatana) và giới (dhatu). Cách phân chia theo skanda là cách phân các pháp thành ngũ uẩn: sắc (rupa skanda) hay cảm tính hay sắc pháp; thọ, tưởng, hành và thức. Thuật ngữ dhatu (giới) được quan niệm như sau: như trong núi có nhiều loại quặng, trong cơ thể hay trong một sinh vật có 18 pháp và các pháp đó được gọi là dhatu. Trong 18 pháp đó, có 10 pháp thuộc về cảm giác (các sắc pháp) gồm: sắc, thanh, hương, vị và xúc (ngũ cảnh) cùng nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt và thức (ngũ căn). Tất cả các pháp không thuộc về sắc pháp được gộp lại và được gọi là “pháp giới” (dharma dhatu). Theo tên gọi và thực chất, 12 xứ hay cơ sở (Ayatana) trùng với 12 dhatu đầu. Các xứ ở hàng đầu cũng được gọi là những khách thể: sắc, thanh, hương, vị, xúc, và vô biểu sắc; còn các xứ hàng thứ hai là các giác quan như nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và ý.


Như vậy là, theo quan niệm Phật giáo, tất cả các pháp (dhama) là một cái gì đó đơn nhất hay đồng lực; tất cả chúng đều liên hệ với nhau. Và, toàn bộ tổng hợp các pháp là một thể hoàn chỉnh: trong thành phần của mỗi sinh vật có ý thức đều có tất cả các pháp. Vì vậy, học thuyết dharma thực sự là sự phân tích một cá thể con người, vì rằng, chỉ ở con người mới có tất cả các yếu tố như cảm giác, ý thức và hành động. Hơn thế nữa, theo quan điểm của Phật giáo, mọi sinh vật đều được phân tích một cách toàn thể: không chỉ cơ thể vật chất và cuộc sống tâm tư của con người đó mà cả những khách thể mà con người đó cảm xúc.


Cũng theo quan niệm của Phật giáo, các pháp “sinh” và “tử” trong từng khoảnh khắc, nhưng không theo nghĩa của sự sinh tử tuyệt đối, hay sự hình thành các pháp từ hư vô, hay từ một cái gì khác, mà theo nghĩa chúng xuất hiện từ siêu tồn tại không được nhân thức để được tiến hành những hoạt động hay những chức năng tạm thời. Theo thuyết của Phật giáo, bản thân các pháp hiện ra trên một thời điểm từ siêu tồn tại thành tồn tại, rồi từ tồn tại đó chúng lại sẽ ra đi. Quá trình hiện ra các pháp tức là “sự sinh ra” cũng như “sự biến mất” của chúng đều không có sự khởi đầu trong thời gian. Một chuỗi vô tận tạo nên những ảo ảnh của tồn tại kinh nghiệm. Bản thân sự kiện tồn tại không thể giải thích bởi các pháp và những quy luật của chúng. Sự biểu hiện hay sự ba động của các pháp, tuy không có khởi đầu, nhưng cũng không phải là vô biên, vì giữa các pháp, có những pháp thể hiện khuynh hướng của tồn tại dẫn đến sự tĩnh lặng tuyệt đối cuối cùng, tức Niết Bàn. Những yếu tố đảm bảo đạt đến giải thoát được biểu hiện trong những cảm xúc tôn giáo của con người, như, trong sự giác ngộ tôn giáo của thần linh, trong trực giác thần bí, trong sự phủ nhận vật chất… Những yếu tố này là dòng các pháp tiến đến mục đích cuối cùng.


Với những quan niệm và những diễn giải tổng hợp và biện chứng về pháp (dharma), Phật giáo đã sản sinh ra một hệ thống triết học đặc biệt gắn một cách lôgích nhận thức luận với bản thể luận. Chính vì thế mà học thuyết về pháp đã được đồng nhất với giáo thuyết của đạo Phật. Bởi vậy, để hiểu rõ hơn và sâu hơn những giá trị của văn hoá Phật giáo nói chung và văn hoá Phật giáo Theravada nói riêng, cần có sự nghiên cứu kĩ giáo thuyết hay pháp thuyết của đạo Phật./.






*. PGS. TS., Viện Nghiên cứu Đông Nam Á.