Trang chủ Đời sống Ẩm thực chay Tính nhân văn trong Hội thi nấu ăn chay vì môi trường

Tính nhân văn trong Hội thi nấu ăn chay vì môi trường

220

Truyền hình An Viên cũng đã có mặt đúng giờ để ghi lại những hình ảnh diễn ra trong Hội thi.

Từ năm 1993 Liên Hiệp Quốc đã có chiến dịch phát động trên phạm vi toàn cầu “Làm cho thế giới sạch hơn” nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Chưa cần nghe các thông tin trên  phương tiện truyền thông thì hàng tỷ người trên thế giới và gần 90 triệu dân ở Việt Nam cũng chứng kiến khí hậu thay đổi mỗi mùa, mỗi năm ngày càng dị thường. Mực nước biển dâng gây ngập lụt trên diện rộng, bão tố xô nát nhà cửa gẫy đổ cây xanh. Đó là một thách thức? Những cảnh báo? Những dấu hỏi đối với những người đang sống trên trái đất?  

Động đất, bão lụt không chừa một quốc gia nào trên hành tinh, những đợt dịch chuyển địa chất lớn trên mặt đất, dưới lòng đất, dưới đáy đại dương đã tạo lên những cơn sóng thần kinh hoàng. Loài người chưa quên những thảm hoạ về động đất và sóng thần trên thế giới, như: Cơn địa chấn ở Chile – Hilo Hawai, sóng thần ở phía Bắc nước Ý làm gần 2000 người chết. Cơn sóng thần sau ngày thứ sáu Tuần Thánh ở Alaska, Britissh Columbia, California ven bờ biển Thái Bình Dương làm 121 người thiệt mạng. Trận sóng thần và động đất ở Mindanao – Philippines phá trên 700 km bờ biển vịnh Mora phía bắc biển Celebeb giết chết khoảng 5.000 người và 2.200 người mất tích, hơn 9.500 người bị thương và 93.500 người trở thành vô gia cư. Năm 2006, trận sóng thần tại đảo Java làm 600 người chết và 160 mất tích. Gần đây nhất là ngày 11/3/2011 những cơn sóng thần hoành hành liên tiếp tại Nhật bản làm cả thể giới kinh hoàng.

Riêng lãnh thổ Việt Nam không năm nào là không có bão lũ hoành hành, có những năm bão lũ diễn ra diện rộng trên cả nước. Hàng chục triệu công dân vừa phải lao động, vừa phải học hành vừa phải đóng góp tài sản, tư lương đối phó với nạn đói, nạn thiếu nhà ở của những nạn nhân của thiên tai. Rất có thể sóng thần sẽ diễn ra tại Việt Nam, mỗi cá thể trong xã hội cần có ngay biện pháp cụ thể thiết thực nhất nào đó chung tay cứu trái đất.

Từ những lý do trên, Trung tâm UNESCO Phát triển Văn hoá Ẩm thực thông qua CLB Văn hoá Ẩm thực chay đã tổ chức Hội thi nấu ăn chay “Văn hoá ăn chay vì môi trường”. Theo quy định của ban tổ chức mỗi đội thi có 2 người nhưng có 2 bạn nữ trẻ và một thí sinh nam đến dự thi có một mình. Đó là Trương Thanh Minh, Nguyễn Thị Ngọc Phượng và Vũ Thị Xuân Lộc. Nhà Xuân Lộc ở quận 2 đi khá xa, em đăng ký dự thi vào ngày chót. Vì không có bếp mini nên Xuân Lộc đã vất vả đi kiếm bếp mang theo, em lựa chọn món sushi để chế biến trong Hội thi với một bông hồng trắng tỉa từ củ quả, thể hiện sự tinh tế không cầu kỳ nhưng thuần khiết, bổ dưỡng. Xuân Lộc, nói: “Em đến đây thấy rất vui, em tham dự Hội thi này không nghĩ là sẽ được giải nào đó mà muốn hoà chung tinh thần vì môi trường với mọi người. Sau khi về nhà, em sẽ kể cho gia đình và bạn bè cùng nghe về không khí sôi nổi của hội thi”. Ngọc Phượng thì cho biết: “Ở nhà em có ăn chay cùng gia đình nhưng thường là do mẹ nấu, em vừa đi học và vừa đi làm thêm ít khi phải vào bếp nên nấu không giỏi, nhưng thấy trên mạng thông báo Hội thi nấu ăn chay vì môi trường, em muốn tham gia. Em biết rằng sẽ không trúng giải nhưng em nghĩ mỗi người nên có trách nhiệm bảo vệ môi trường bằng hành động nào đó. Ví dụ ăn chay là hành động dễ thực hiện nhất trong việc bảo vệ môi trường”.

Đặc biệt có 3 đội thi đến từ thị trấn Hiệp Hoà (một xã vùng sâu) huyện Đức Hoà tỉnh Long An hầu hết đều lớn tuổi đã cùng thuê một chuyến xe đi từ 2 giờ sáng vượt qua gần 100 km để kịp có mặt tại Hội thi. Chị Hạnh trong đoàn cho biết: “Các bác ăn chay trường, nhưng hồi nào đến giờ ở dưới quê chỉ biết nấu rau củ miền quê rồi ăn thôi. Tối qua, các bác chuẩn bị thực phẩm và bếp núc sẵn sàng, biết là từ quê ra thành phố dự thi vất vả cũng ráng đi để học hỏi văn hoá ăn chay các anh chị thành phố là chính. Dân Long An từng chịu đựng những trận lụt mất mát tài sản hoa màu nên cũng muốn hưởng ứng ăn chay vì môi trường”.

Chủ đề ăn chay vì môi trường đã gợi nhiều ý tưởng cho các thí sinh sáng tạo trong cách trình bày các món ăn. Cặp thí sinh Trần Thị Hoàng Hiệp và Lại Ngọc Hoài Anh có ý tưởng đựng canh trong trái dưa hấu được tỉa chim phượng ngoài vỏ và món chả giò hình 3 cạnh chiên được xếp hình rồng. Hầu hết các thí sinh đều chế biến thực phẩm tươi, không sử dụng thực phẩm chay đông lạnh hoặc thực phẩm khô, một đội của tỉnh Long An còn sáng kiến dùng thân lá lục bình làm hoa giản dị mộc mạc và dễ thương, một bình hoa độc nhất vô nhị ở đất Sài Gòn. Sau 40 phút chế biến, các món ăn của các đội thi lần lượt hình thành. Đội thì nấu các món bình dân kiểu bữa cơm gia đình, đội thì cố gắng trình bày đẹp mắt để món chay bình dân được thăng hoa như trên bàn tiệc. Em Nguyễn Văn Toại cùng bạn thi là Lê Anh Vũ đều là công nhân của Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Toại còn đi học thêm Quản trị kinh doanh, còn Vũ thì học thêm Trung cấp Viễn thông. Nguyễn Văn Toại nói: “Vì đây là Hội thi ăn chay vì môi trường nên tụi em mặc dù vừa đi làm vừa đi học cũng bận lắm, hai đứa em vẫn tranh thủ ngoài giờ tỉa củ quả thành 2 con rồng và phượng để mang đến Hội thi trưng bày cho đẹp. Tụi em  muốn góp một phần công sức của mình bảo vệ môi trường, bảo vệ những người đang sống trên trái đất, trong đó có ông bà, cha mẹ trong gia đình của chúng em”. Lê Anh Vũ còn nói: “Lần sau nếu Hội thi lại diễn ra chúng em tiếp tục hưởng ứng”. Một số thí sinh đã mang bao tay khi trưng bày món ăn, quá trình bếp núc đều đeo khẩu trang, có những cổ động viên cũng đeo khẩu trang khi đứng gần các bàn nấu, thể hiện ý thức tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm.

Số cổ động viên đến với Hội thi đông không kém, ai nấy háo hức như muốn vào chung tay cho các món nấu được nhanh hơn, nét mặt, ánh mắt luôn hướng về người nhà của mình đang thao tác trên bàn thi nấu. Có gia đình cả 3 thế hệ đến để cổ vũ cho đội nhà.

Trong thời gian Ban giám khảo chấm điểm, các thí sinh đã sôi nổi tham gia văn nghệ, các cháu thiếu nhi cũng đóng góp những bài hát yêu thương động vật, các “diễn viên U60, U70” lên hát nhạc dân tộc, một thí sinh lớn tuổi ở Long An lên ca Dạ cổ hoài lang với giọng tài tử miền tây tròn trịa chân chất mà truyền cảm. Các bạn trẻ thì hát với gương mặt hồn nhiên như hoa dưới nắng ấm. Một không khí trẻ trung không phân biệt tuổi tác, đẳng cấp, cảm động làm ấm lên không khí của Hội thi từ hai phía thí sinh và cổ động viên chung một tinh thần đẹp đẽ cùng hưởng ứng bảo vệ môi trường.

Với kinh phí hạn hẹp, Ban tổ chức chi cho mỗi đội thi nấu 80 ngàn đồng tiền mua thực phẩm hỗ trợ 20 ngàn tiền xe quá ít ỏi giữa thời bão giá thị trường hiện nay. Các thí sinh hầu hết ở ngoại thành cách xa địa điểm thi từ 10 đến gần 30 cây số, giao thông đông đúc nhưng đã gác mọi việc của cá nhân mình đến với Hội thi nấu ăn chay không chút tính toán riêng tư với một tinh thần vô tư. Đội thí sinh Lê Trọng hậu và Hellen Vương còn mang cả tượng Phật đến trưng trên bàn. Đó là giá trị tâm đức mà không thước đo nào có thể tính được mà các thí sinh và cổ động viên đã mang đến Hội thi. “Lửa thử vàng – Gian nan thử sức”, giải thưởng chỉ là thủ tục của một sân chơi, nhưng nó chưa phải là tất cả, hội thi có bao nhiêu gương mặt là bấy nhiêu tấc lòng, tình thương dành cho trái đất xanh. Mỗi bàn thi nấu là một bức tranh ẩm thực đầy mầu sắc thể hiện đầy tính nhân văn của những người chế biến.  

Một cổ động viên lớn tuổi quan sát không khí Hội thi nói chân tình: “Thành phố này có hàng triệu người, chỉ riêng nói vệ sự hiện diện của những người trong Hội thi này là bản thân họ đã chiến thắng những người khác rồi. Tôi thấy trong số người thi có giàm, có trẻ, ai cũng dễ thương, tôi thích lắm. Tôi rất tiếc là sáng nay đi ngang qua đây mới biết nếu không tôi cũng tham dự. Bảo vệ môi trường không phải cụm từ nói chung chung, có người coi như là nhiệm vụ của ai khác chứ không liên quan tới họ, những người tham dự ở đây tôi rất trân trọng họ. Trong khi chờ các chuyên gia và các cơ quan chức năng bàn thảo lên kế hoạch bảo vệ môi trường thì mỗi cá nhân trong xã hội có thể tự đóng góp tâm nguyện bảo vệ trái đất bằng biện pháp ăn chay thuận tiện lắm, ai cũng có thể thực hiện ngay tức thì”.

Theo lời Học Viện Quốc Tế Stockholm Về Nước (SIWI), “Sẽ không có đủ nước trên các cánh đồng trồng trọt để sản xuất lương thực cho khối dân số dự kiến là 9 tỷ người vào năm 2050, nếu nhân loại cứ theo khuynh hướng hiện nay và chạy theo kiểu thực đơn như ở các quốc gia Tây phương”. Một bản tin khoa học cho biết, vào năm 2050 nhân loại có thể bị buộc phải ăn chay. Vì nhân loại hiện ăn vào 20% chất đạm hàng ngày qua sản phẩm liên hệ tới thịt thú vật, theo bản phúc trình của The Guardian tại London. Nhưng bản phúc trình mới đưa ra do viện SIWI nói rằng dân số thế giới sẽ phải cắt giảm con số đó về còn 5% thôi, vào năm 2050, vì địa cầu sẽ bị khủng hoảng thiếu nước… Thế nên, sẽ tới một lúc nhân loạị phải ăn chay để cứu địa cầu. Không có cách nào khác. Đó là nhận xét của các nhà khoa học.  

Những món ăn được thực hiện trong Hội thi này toát lên những ngôn ngữ giàu bản sắc nhân ái của người Việt chuyển tải những thông điệp đầy tính nhân văn trong đời sống thường ngày qua việc ăn chay. Văn hoá ăn chay đang đồng hành với đời sống của con người góp phần làm cho trái đất sạch hơn.