Trần Nhân Tông: Lòng nhân Yên Tử

    72

    Đó có lẽ là một buổi sáng, qua Tết chưa lâu nhưng dường như cũng đã lạt màu xuân ở những năm đầu thế kỷ XIV, Yên Tử lặng lẽ, sương mờ mịt bay, lạnh nhưng vẫn thoang thoảng hơi xuân ấm áp hòa quyện hương trầm.


    Bỗng vang lên một giọng thơ khuya khoắt:


    Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,


    Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.


    Như kim khám phá đông hoàn diện,


    Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng


    Tạm dịch:


    Thời trẻ chưa từng hiểu rõ “sắc” với “không”,


    Mỗi khi xuân đến vẫn gửi lòng trong trăm hoa.


    Giờ đã biết được khuôn mặt của chúa xuân,


    Ngồi trên nệm cỏ giữa tấm phản chùa ngắm cảnh hoa rụng“.


    Có lẽ lúc đó Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, nguyên là vị vua thứ ba của triều Trần, thi nhân cư sĩ vương giả, không thể ngờ rằng, 700 năm sau ngày ông mất, những câu thơ ngẫu hứng của ông vẫn còn ngân nga trên đất Việt và gợi lên những suy cảm đượm thiền cho những kẻ hậu sinh vừa muốn thanh tâm, vừa mơ ước góp được phần dù là nhỏ bé cho sự nghiệp chấn hưng mảnh đất Đại Việt, vốn liên tục bị nhấn chìm vào những trầm luân thời cuộc.


    Vua Trần Nhân Tông, tên húy là Khâm, sinh ngày 11/11/1258, là trưởng nam của vua Trần Thánh Tông. Sử cũ chép rằng, khi mới cất tiếng khóc chào đời, thái tử Trần Khâm đã ngay lập tức tỏ rõ phong độ phi phàm, nói theo lời của sách Đại Việt sử ký toàn thư, “tinh anh thánh nhân, thuần tuý đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng“.


    Thêm vào đó lại có nốt ruồi đen trên vai trái, một điềm lành hiếm có nếu tin theo tướng số. Ông nội (Trần Thái Tông) và vua cha (Trần Thánh Tông) đều cực kỳ mừng rỡ, coi như trong vương triều đã sinh ra được Kim Tiên Đồng Tử…


    Thực tế sau này đã chứng tỏ, Trần Khâm là một nhân vật kiệt xuất hiếm có trong vương triều Trần, vốn tự thân đã rất phong phú các danh nhân với những võ công lừng lẫy ba lần đại phá quân Nguyên Mông xâm lược, những kẻ vốn luôn tự đắc vì đã tung hoành khắp hai lục địa Á – Âu suốt mấy trăm năm như ở chốn không người.


    Lên ngôi năm 21 tuổi, Trần Nhân Tông đã cùng vua cha cầm quân hai lần đánh thắng kẻ xâm lược hùng mạnh nhất thời đó (vào năm 1285 và 1288) và có nhiều đóng góp trong việc mở mang và củng cố bờ cõi về phía Tây và phía Nam. Ông là người không bao giờ chủ quan với vốn kiến thức thu lượm được trong cuộc đời không ít biến cố và thử thách và cho tới hơi thở cuối cùng vẫn tràn trề ham muốn thế thiên hành đạo để tôn vinh cái thiện và lòng nhân.


    Sử cũ ghi lại nhiều câu chuyện hay về phép đối nhân xử thế của vua Trần Nhân Tông, cả khi ông còn ngự trên ngôi vua lẫn khi đã xuất gia. Ông là người luôn tìm ra cách giải quyết các vấn đề đầy mâu thuẫn theo cách ít tổn hại nhất.


    Năm 1280, một thường dân đón xa giá của vua kêu về việc mình bị xử ép trong một vụ đụng độ với em trai của công thần Đỗ Khắc Chung. Trần Nhân Tông gọi viên quan xử kiện lên hỏi. Viên quan biện bạch: “Án đã xử xong nhưng hình quan thoái thác không chịu chuẩn định“.


    Trần Nhân Tông hiểu ngay là hình quan suy cho cùng cũng chỉ do sợ Đỗ Khắc Chung nên không dám thực thi đúng chức phận nên đã sai một hoạn quan thân cận đi xác minh được rõ ràng đúng sai. Mọi việc êm đẹp vì kẻ thứ dân bị oan đã được nhận phán quyết đúng.


    Đồng thời vua cũng không trách tội các pháp quan vì những lý do tế nhị đã phải né tránh việc xử lý thẳng tay người thân của một trọng thần. Đó rõ ràng là một phương án để “cừu no mà cỏ vẫn nguyên”. Không nhiều vị vua trung hậu một cách kịp thời và anh minh như thế!


    Với lầm lỗi của người dưới, Trần Nhân Tông biết cách xử lý nghiêm ngắn nhưng không quá khắc nghiệt để luôn có thể mở ra một lối thoát khả dĩ nào đó, thoạt đầu chỉ như lượng khoan hồng với tội đồ nhưng rốt cuộc lại để lại danh thơm muôn đời về lòng nhân hậu. Cũng theo sử cũ, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư vốn có công đánh giặc Nguyên trước đó nên được phong làm Phiêu kỵ Đại tướng quân…


    Ỷ mình được là trọng thần, Trần Khánh Dư bước qua cả lễ giáo, thông dâm với công chúa Thiên Thụy, người đã được gả cho Hưng Nghĩa Vương Nghiễn, con trai Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tội ấy thời đó khó bảo toàn được mạng sống. Tuy nhiên, khi buộc phải ra lệnh trừng phạt Trần Khánh Dư, Trần Nhân Tông vẫn dặn thủ hạ thân tín mở ra cho viên danh tướng này sinh lộ.


    Thoát chết, Trần Khánh Dư lui về Chí Linh làm nghề bán than… Chuyện tưởng như cũng nguôi đi nhưng năm 1282, một lần đi thuyền đỗ ở bến Bình Than, tình cờ Trần Nhân Tông nhìn thấy một người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn trên chiếc thuyền lớn chở than đi ngang qua. Nhớ lại người cũ, Trần Nhân Tông hỏi quan thị thần: “Đó chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao?”. Và vua sai thị thần đuổi theo con thuyền đó hỏi về nhân thân kẻ lái thuyền.


    Trần Khánh Dư vốn tính ngang tàng nên thoái thác: “Lão chỉ là người buôn bán than thôi, hà cớ gì mà nhà vua phải bận tâm“. Nghe thị thần thật thà tâu lại, Trần Nhân Tông nói luôn: “Khẩu khí ấy chắc không phải người thường, có lẽ là Trần Khánh Dư rồi!“.


    Vua sai thị thần gọi ngay người lái thuyền tới. Nhận ra danh tướng cũ, lệ vua như muốn ứa ra. Trần Nhân Tông than: “Là trang nam nhi sống trong trời đất, chỉ vì chuyện mỹ nữ mà rơi vào cảnh bán than như thế thì cũng là tột cùng của sự cực khổ rồi!”. Trần Nhân Tông đổi giận thành lành, ban áo ngự cho Trần Khánh Dư và lại mời ông tham gia cùng bàn việc quốc gia đại sự như các trọng thần khác, nhiều phần tâm đầu ý hợp… Cảm kích về tấm lòng độ lượng của bậc minh quân, Trần Khánh Dư lẽ nào lại không mang hết sức mình giúp dập…


    Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông sau đó, Trần Khánh Dư đã có nhiều đóng góp không nhỏ. (Cũng phải nói thêm rằng, là một dũng tướng trong thời chiến, nhưng trong thời bình, Trần Khánh Dư lại bộc lộ nhiều thói hư tật xấu của quan tham nên rốt cuộc, kết thúc cuộc đời cũng không vẻ vang gì. Khi tiếng xấu động tới tai vua, Trần Khánh Dư đã cả gan biện bạch: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ!”. Có lẽ đây là một trong những hình mẫu tệ hại nhất của quan tham trong lịch sử nước Việt ta).


    Với Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, vua Trần Nhân Tông cũng đối xử rất khoan dung và nhân hậu. Biết vị hoàng thân này còn quá ít tuổi để cáng đáng việc nước nên Trần Nhân Tông đã không để chàng can dự vào việc binh đao. Tuy nhiên, khi Trần Quốc Toản hy sinh lúc đối mặt với cường địch, Trần Nhân Tông đã rất lấy làm cảm kích và thân làm văn tế, đồng thời gia phong tước vương cho Trần Quốc Toản…


    Năm 1293, sau khi “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (xã tắc hai phen chồn ngựa đá, non sống một thuở vững âu vàng), Trần Nhân Tông đã nhường ngôi cho con và lui về đất cũ Thiên Trường, dành thời gian chủ yếu để chuyên chú nghiên cứu đạo Phật (tất nhiên, thỉnh thoảng khi cần, Thái thượng hoàng vẫn quay trở lại với chính sự để giúp con cháu một cách tích cực).


    Sử cũ cũng chép một câu chuyện mang tính răn dạy như sau: năm 1299, Thái thượng hoàng bất ngờ từ Thiên Trường trở về kinh đô. Đúng lúc đó, rỗi việc, vua quan trong triều đều uống rượu sương bồ say khướt. Đến bữa, không thấy vua con (Trần Anh Tông) tới, Thái thượng hoàng lấy làm lạ và hỏi rõ sự tình. Cả giận, Ngài lập tức quay trở lại Thiên Trường, xuống chiếu ra lệnh cho các quan ngay ngày mai phải tới đó, ai trái lệnh sẽ bị nghiêm trị.


    Khi tỉnh rượu, vua con giật mình kinh hãi. Tình cờ bắt gặp một thư sinh tên là Đoàn Nhữ Hài, Trần Anh Tông mới sai viết một bài biểu tạ tội với Thái thượng hoàng. May thay, những lời lẽ thống thiết của Đoàn Nhữ Hài đã làm động lòng Thái thượng hoàng nên vụ việc này mới kết thúc êm xuôi. Từ đó trở đi, uống rượu gì thì Trần Anh Tông cũng tự phải biết kiềm chế…


    Tháng 8/1299, Thái thượng hoàng xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh ở ngọn Tử Tiêu, pháp hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, tự là Trúc Lâm Đại Sĩ. Người được coi là ông tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm thời Trần. Bài phú “Cư trần lạc đạo” đã nói rất rõ tâm nguyện của ông những ngày tháng ở sơn lâm.


    Trong bài phú ấy có đoạn kệ như sau:


    Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,


    Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.


    Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,


    Đốt cảnh vô tâm mạc vấn Thiền


    (tạm dịch: Sống giữa phàm trần hãy tuỳ duyên mà vui với đạo, Đói thì ăn, mệt thì ngủ, Trong nhà sẵn của báu đừng tìm đâu khác, Đối diện với cảnh mà vô tâm thì không cần hỏi Thiền nữa).


    Khi còn trên ngôi vua và cả sau này nữa, phương châm hành xử nhất quán của Trúc Lâm Đại Sĩ, nói theo lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên, là: “Thận trọng trước sự răn bảo của trời, làm hết phận sự của người”.


    Cuối đời, trước khi mất không lâu, ông đã viết lên tường một ngôi chùa làng ở thôn Cổ Châu bài kệ những câu thơ thật thấm thía:


    Thế số nhất sách mạc,


    Thời tình lưỡng hải ngân.


    Ma cung hồn quản thậm,


    Phật quốc bất thăng xuân


    (tạm dịch: Số đời hoàn toàn mờ mịt, Tình người đổi thay qua đôi mắt, Khi cung ma bị quản chặt, Cõi Phật tràn ngập màu xuân).


    Trúc Lâm Đại Sĩ băng ở am Ngọa Vân trên núi Yên Tử ngày 3/11/1308. Về sau sử gia Ngô Sĩ Liên có lời bàn như sau về Người: “Nhân Tông trên thờ Từ Cung làm sáng đạo hiếu, dưới dùng người giỏi lập nên võ công. Nếu không có tư chất nhân, minh, anh, võ thì làm sao được như thế?”