Trang chủ Văn hóa Tuần Văn hóa Phật giáo tại Huế: Cuộc hội ngộ trí thức

Tuần Văn hóa Phật giáo tại Huế: Cuộc hội ngộ trí thức

51

Chia sẻ tri thức và kinh nghiệm sống


Tuần Văn hóa Phật giáo lần đầu tiên được tổ chức, từ ngày 1-3 đến 7-3-2008, đã thực sự gây ấn tượng đối với công chúng, đồng thời đánh thức những sinh hoạt văn hóa, tri thức phong phú tại thành phố Huế, một trong những trung tâm văn hóa – giáo dục có nhiều nét đặc thù của Việt Nam.


Ngay sau Lễ khai mạc, có khoảng 1.200 người tham dự vào buổi nói chuyện của Hòa thượng Thích Chơn Thiện (Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) về Văn hóa Phật giáo Việt Nam. Lập luận ngắn gọn, súc tích, Hòa thượng đã chỉ ra yếu tính chủ đạo của văn hóa Phật giáo Việt Nam được thể hiện qua bài Chú Đại bi và Bát nhã Tâm kinh trong công phu hàng ngày trong các ngôi chùa ở Huế cũng như ở các miền đất nước, từ đó nêu bật những phẩm tính từ bi, trí tuệ mà các bản kinh này đã chỉ ra. Nếu áp dụng những phẩm tính này vào cuộc sống thì Phật giáo sẽ mang lại hòa bình và tiến bộ cho dân tộc.



Việc giáo sư Cao Huy Thuần (Pháp) trình bày đề tài Xung đột văn minh đã thu hút rất nhiều trí thức thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, các học giả, giảng viên và sinh viên. Sắc sảo và không kém phần dí dỏm, Gs. Cao Huy Thuần đã phân tích những diễn biến mới nhất gây nên những xung đột sắc tộc, tôn giáo và những lý thuyết về xung đột, để chỉ ra những mức độ nguy hiểm mà những xung đột này đã gây ra cho nhân loại. Việt Nam cần hết sức tỉnh táo trước những nguy cơ này và một nền văn hóa giàu bản sắc chính là những nhân tố không thể tách rời trong việc hạn chế những xung đột do quá trình phát triển gây nên.


Thanh niên, sinh viên Huế đặc biệt chú ý tới đề tài Chia sẻ với thanh niên Huế: Bạn có muốn trở thành doanh nhân không? Cách trình bày bài bản, doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo (Tổng Giám đốc Công ty TTNT) không những chỉ ra vai trò, trách nhiệm của doanh nhân trong xã hội mà còn phân tích những điều kiện để bất cứ ai chỉ cần có khát vọng làm giàu là có thể trở thành doanh nhân.


Song doanh nhân không chỉ là những người giàu có thuần túy về vật chất mà còn phải hiểu được giá trị của đồng tiền và sử dụng đồng tiền một cách có ích nhất. Chữ tâm cũng cần được các doanh nhân ý thức, trui rèn. Điểm đáng chú ý là doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo đã nhắn nhủ tăng ni, Phật tử không nên e dè và ngần ngại khi làm giàu, bởi danh xưng Phật tử đã là một “thương hiệu” đáng tin cậy của các đối tác kinh doanh. Những câu trả lời thông minh, quyết đoán của chị thực sự đã tác động nhiều đến cách nghĩ làm sao để trở thành doanh nhân thành đạt của các bạn trẻ Huế.


04-Cuoc-hoi-ngo-7608-300A2.jpg


Những phát biểu thẳng thắn về vấn đề giáo dục gần đây trên báo chí của nhà văn Nguyên Ngọc (người đồng sáng lập Đại học Phan Chu Trinh) đã gây được chú ý của dư luận, chính vì vậy buổi thuyết trình của ông cũng xoay quanh chủ đề về giáo dục, trong đó chỉ ra những nhân cách văn hóa trước và sau Cách mạng tháng 8-1945. Nhiều vấn đề còn gây băn khoăn, tranh luận, nhưng những trình bày của nhà văn Nguyên Ngọc cũng đã đánh động, gợi ra những suy tư nào đó cho hướng đi của giáo dục Việt Nam.


Thời tiết giá lạnh nhưng người đến tham dự mỗi lúc một đông, đề tài Thiền và sức khỏe của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe TP.HCM) đặc biệt gây hứng thú khi tất cả những trình bày đều được lý giải một cách khoa học và thiết thực về lợi ích của việc hành thiền trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.


Những điều bác sĩ trình bày là kết quả của một quá trình tự thân trải nghiệm nên rất thuyết phục người nghe. Mọi người, không phân biệt tôn giáo, tuổi tác, giới tính đều có thể hành thiền. Lợi ích của thiền trong việc trị liệu mang đến hiệu quả rất cao, các công trình nghiên cứu quy mô trên thế giới đều thống nhất chỉ ra điều đó, nhưng tại sao ở Việt Nam, thiền vẫn chưa thực sự được áp dụng trong môi trường giáo dục?


Đề tài Phật giáo trong bối cảnh văn hóa đa cực của giáo sư Thái Kim Lan (Tiến sĩ Triết học, Đức) cũng gây sự chú ý của nhiều người. Bằng cách nhìn của người có nhiều năm sinh sống và giảng dạy tại đất nước của nền triết học đồ sộ vào bậc nhất thế giới, Gs. Thái Kim Lan đã thử tương chiếu Phật giáo qua những luận đề mang tầm mức triết học để lý giải xã hội Đông – Tây trong bối cảnh đa dạng và không kém phần phức tạp của những diễn biến hội nhập kinh tế và văn hóa mang tính toàn cầu.


04-Cuoc-hoi-ngo-7608-300A3.jpg


Đề tài Thăm lại những ngôi chùa đã mất của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn (TP Hồ Chí Minh) đã gây được sự chú ý đặc biệt. Tại sao phải đi thăm lại những ngôi chùa đã mất? Những ngôi chùa vì sao mà mất và đã mất như thế nào? đã được nhà nghiên cứu chỉ ra bằng những chứng cớ sử liệu và hình ảnh thuyết phục.


Ở vị trí của một người đam mê sưu tầm đồ cổ, nhà nghiên cứu muốn chuyển đến một thông điệp về di sản, ý thức bảo vệ di sản, đồng thời chỉ ra những giới hạn của lịch sử, của nhận thức đã làm cho nhiều di sản của dân tộc bị mất dấu. Di sản là biểu tượng chủ quyền và biểu tượng văn hóa tâm linh của dân tộc, nên di sản không có lý do gì không được nhà nước và nhân dân bảo vệ.


Buổi thuyết trình Tính cách Ấn Độ của nhà văn Hồ Anh Thái (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội), đã đem đến cho người nghe một cách nhìn lý thú về tính cách và con người Ấn, để từ đó hình dung về một nước Ấn bảo thủ với một trật tự đẳng cấp còn được giữ gìn nghiêm mật trải trên 4.000 năm, một nước Ấn được xếp vào 10 nước công nghiệp hàng đầu vào đầu những năm 1980 và một nước Ấn được dự báo sẽ trở thành cường quốc kinh tế thế giới trong một tương lai không xa.


Có những mâu thuẫn và nghịch lý phát triển của Ấn chưa thể đưa ra lời giải, song tính tự lực tự cường của người Ấn có thể xem như một thành công đáng kể. Quan điểm “Chủ nghĩa tư bản không bao giờ có thể thành công được trên đất Ấn” đang gợi cho mọi người nhiều suy nghĩ.


Đề tài Tính cách Huế trong dòng văn hóa Việt Nam của Gs Bửu Ý đã thu hút hầu hết những học giả, những nhà nghiên cứu tại các trường, viện trong thành phố Huế. Đây là đề tài cuối cùng trong những nội dung thuyết trình. Không phụ lòng người, bài thuyết trình của giáo sư đã thực sự đánh động lương tâm trí thức, lương tâm giáo dục bằng những lập luận sâu sắc, có vấn đề. Tính cách Huế được chỉ ra qua môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa, từ đó có khả năng tiên đoán, Huế sẽ trở thành một trung tâm tri thức, nơi sản sinh ra những bậc trí thức, thiện trí thức thực sự của Việt Nam.


Ngoài những cuộc thuyết trình, Tuần Văn hóa Phật giáo còn tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề Đông – Tây tuyết và hoa của tác giả Thích Minh Hiền (hòa thượng trụ trì chùa Hương); trình chiếu bộ phim Iran Hương vị anh đào (Taste of cherry) của đạo diễn Abbas Kiarostami, Giải Cành cọ vàng LHP Cannes, 1997, với sự điều phối thảo luận của Gs. Cao Huy Thuần; hòa nhạc thính phòng mang chất tâm linh được chọn lọc từ sáng tác của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… và các tác phẩm trứ danh trong kho tàng âm nhạc cổ điển phương Tây.


Mở đầu một sinh hoạt trí thức


Dân số TP Huế hiện nay vào khoảng 320.000 người. Trong suốt một tuần, bình quân mỗi buổi có trên 600 người tham dự, Tuần Văn hóa Phật giáo đã thu hút hầu hết những tên tuổi của nhiều giới trong nhiều lĩnh vực, trở thành một hiện tượng mới trong sinh hoạt văn hóa, tri thức của đất nước.


Tuần Văn hóa Phật giáo hứa hẹn mở ra những tiếp xúc gần gũi và thiết thực, cùng quan tâm đến những vấn đề xã hội nổi trội, dần kiến tạo một không gian tri thức hay tìm một tiếng nói chung trong một “mặt bằng trí thức” còn nhiều biến động. Tuy nhiên, nó gần như không có đất trống cho “chủ nghĩa cơ hội mới” vì ở đó thể hiện một lương tâm trí thức và lòng trung thực, không biện minh cho một chính sách hay chủ trương nào ngoài khát vọng tự do tri thức và một thái độ ứng xử văn hóa phù hợp với cá nhân và lợi ích dân tộc.


Sự đa dạng ở chủ đề và thành phần tham dự (trong đó giới trẻ là sinh viên chiếm hơn 1/3) đã nói lên sự khác biệt trong cách nhìn của trí thức, có một độ chênh khá lớn về trình độ nhận thức (không loại trừ những cảm quan trí thức) rất cần được nhanh chóng bổ túc và vượt qua, tiến tới một diễn đàn thẳng thắn, thiết thực hơn.


Ở mức cần và đủ, sự đòi hỏi được đáp ứng những sinh hoạt tri thức chính là sự kỳ vọng vào vai trò của trí thức: dám nói, dám nghĩ, dám làm, và dám tự chịu trách nhiệm. Bởi xã hội hiện đại ngày càng đặt ra nhiều vấn đề khách quan, chủ quan đòi hỏi người trí thức phải thể hiện nhiều hơn nữa vai trò tham dự và hướng dẫn của mình. Những vấn đề kinh tế, chính trị trước cái nhìn nhạy bén của người trí thức chỉ là mặt nổi trong những tảng băng ngầm của những bất ổn về sắc tộc, tôn giáo, môi trường sống (văn hóa, nghệ thuật, thể chế chính trị…) Những tai biến ẩn ngầm ấy đòi hỏi những bộ óc thật sự có suy nghĩ, không thờ ơ và nằm ngoài vận mệnh dân tộc, mà trong đó việc quyết định sống còn hay tôn trọng trí thức phải được đẩy mạnh ở cấp điều hành và quản lý cao nhất.


Tuần Văn hóa Phật giáo đã phần nào chỉ ra: Vai trò trí thức và ứng xử văn hóa phải tương hợp với nhau để cùng nâng tầm mức của những giá trị chân thiện mỹ, và “trí thức” căn bản phải là một người “thầy dạy” đúng nghĩa. Người thầy ấy thấy mình phải nói những điều cần nói, nghe những điều cần nghe và phải mạnh dạn làm những điều cần làm. Trong đó, sự tự do trọn vẹn phải là động lực thúc đẩy trí thức tiến lên một tầm mức cao của tri thức và văn hóa.


Không nói quá rằng trí thức phải thực sự gạn đục khơi trong ở một môi trường xã hội còn nhiều tham vọng hỗn độn. Những biến thể, biến tướng mới của nhiều tầng lớp xã hội đòi hỏi người trí thức phải thâm nhập, để từ một góc nhìn mang tính “phản xạ” và “phản biện”, những sinh hoạt tri thức sẽ trở nên ngày càng thiết thực hơn đối với những vần đề nóng hổi của xã hội và thời đại, và cũng là để danh xưng “trí thức” có thể song hành với bất cứ tầng lớp, tổ chức xã hội nào. Bởi trí thức luôn là lực lượng được trông chờ trước những thời điểm quan trọng. Nói như nhiều người, một “môi trường tự do” và một “nền chính trị tham dự” sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của trí thức, trong đó những giá trị thuộc về dân tộc Việt Nam phải được tôn trọng hàng đầu.


Có thể nói, cái được trong Tuần Văn hóa Phật giáo chính là không “định nghĩa” trí thức qua những cuộc “chạy đua” của học hàm học vị mà chính là thể hiện một thái độ trí thức thực sự cần thiết trước những vấn đề nhạy cảm, “kỵ húy” còn tồn tại dai dẳng và hóc búa. Tuần Văn hóa Phật giáo đã bước đầu làm được điều đó, dẫu rất cần những bước đi thiết thực và sinh động hơn trong phản biện (kể cả phủ bác), để không làm mù quáng những não trạng canh tân và không bảo lưu những giá trị đã lỗi thời, lạc hậu hay cổ vũ cho những bất ổn mới.


Tuần Văn hóa Phật giáo lần đầu tiên tại Huế, do Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo phối hợp cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, hướng về Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc được Chính phủ Việt Nam đăng cai tổ chức và kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế. Hy vọng từ đây sẽ có những Tuần Văn hóa Phật giáo quy mô, hoành tráng, phong phú hơn về hình thức cũng như nội dung trên khắp các thành phố lớn trong cả nước. Và không ngần ngại để tiên đoán rằng Văn hóa Phật giáo sẽ trở thành một “thương hiệu” mạnh trong những sinh hoạt văn hóa, tri thức tại Việt Nam trong một tương lai gần.