Trang chủ PGVN Nhân vật Trần Thái Tông: nhân ảnh trong Thiền học Việt Nam (phần II)

Trần Thái Tông: nhân ảnh trong Thiền học Việt Nam (phần II)

198

6. Nhân nghĩa và sáng tạo chuyển nghiệp:


6.1. Chữ Nhân của Phan Phu Tiên


Như trên đã đề cập, sử gia Phan Phu Tiên khi luận về nhân nghĩa, đã cho rằng hành động Trần Cảnh tha tội chết cho anh là Trần Liễu phản loạn không phải là NHÂN, bởi vì Trần Cảnh đã lấy vợ của anh là một điều loạn luân. Phan Phu Tiên quan niệm một chữ NHÂN hầu như đã bị đóng khung của Khổng giáo, ở đó mọi sai lầm thiếu đạo đức đều khó hay không thể sửa đổi, một chữ NHÂN đã bị trói chặt hai chân không cho con người cử động và tiến bước trong quá trình sửa đổi, cải thiện.


Bình luận của Ngô Sĩ Liên và Ngô Thì Sĩ thiển cận theo góc độ hủ nho. Chính những người đại diện Khổng học này đã làm nghèo nàn chữ NHÂN ngay trong lý thuyết Khổng giáo. Chữ NHÂN được viết trong ngôn từ Hán học theo hai lối, một chữ NHÂN 人 đứng trên hai chân và cách thứ hai chữ NHÂN 仁 được chiết tự ra NHÂN 人 và NHỊ 二 , trong nghĩa tôi và tha nhân, nhân quần nhân loại.


Ðạo đức Phật giáo mà Trần Nhân Tông thể hiện theo quan điểm của Phù Vân bao gồm cả hai khía cạnh của chữ NHÂN: ta và thiên hạ trong thể nhất quán đồng đẳng và – đây chính là nét đặc biệt của đạo đức Phật giáo – trong viễn tượng khả thể chuyển nghiệp để thành NHÂN với nghĩa gấp đôi như một cơ hội tốt nhất để thành Phật theo lời dạy của Ðức Phật.


Khuyên Trần Cảnh trở về ngôi vua vì Phù Vân biết rõ Trần Cảnh sẽ không sử dụng thế lực của mình để làm việc bất nhân. Hành động ngăn cản Trần Thủ Ðộ không cho giết anh và bảo vệ anh nên được xem là dấu hiệu “thành nhân” của Trần Cảnh, dấu hiệu đức độ đang hình thành của đoá sen trong biển lửa ân oán nghiệp chướng trầm luân. Nếu biết nhìn xa hơn Phan Phu Tiên sẽ nhận định như Trần Anh Tông về người khai sáng nhà Trần :


Ðường – Việt khai cơ lưỡng Thái Tông
Ðường xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong
Kiến Thành trụ tử, An Sinh tại
Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng.


(Nhà Ðường bên Tàu với Việt nam đều có hai vua Thái Tông
Bên vua Ðường hiệu Trinh Quán, vua Việt ta hiệu Nguyên Phong
Ðường Thái Tông giết anh là Kiến Thành vì làm phản
Trần Thái Tông có anh là An Sinh làm phản mà không bị giết
Tuy miếu hiệu thì giống nhau mà đức độ thì khác nhau
) (17)


Một người hay một nhóm người có thế lực trong tay rất dễ trở thành bất nhân ác đức do tham vọng độc tài bá chủ, vua Ðường Thái Tông giết anh phản loạn để trừ hậu hoạn cho thế lực của mình, vua Trần Thái Tông không giết anh, che chở cho anh, ôm anh mà khóc, có thể xem như một hành động thương yêu và sám hối. Cho nên không thể không làm sáng tỏ sự khác biệt đức độ của hai nguyên thủ áp dụng hai quan điểm đạo đức khác nhau.


Có thể nói hành trạng của Trần Cảnh trong suốt thời gian trở lại ngôi vua là hành trạng của một “kỳ tâm” đã từng bước chứng ngộ sức mạnh “trở thành” của ba chữ “vô sở trụ”, linh hoạt trong ý nghĩa đạo đức không ngừng chuyển nghiệp.


6.2. Sáng tạo trong chuyển nghiệp như là một hành động đạo đức:


Những sử liệu mới nhất trong Trần Thái Tông Toàn Tập của Lê Mạnh Thát về các tác phẩm thiền học của Trần Thái Tông, đã cho ta có thể đi đến một kết luận gần đúng về hành trạng đạo đức của Trần Thái Tông qua các tác phẩm về lý thuyết Phật giáo của ông.


Khác với phương thức Ngô Thì Sĩ áp dụng khi chia sự nghiệp chính trị văn học của Trần Thái Tông làm hai thời kỳ: thời kỳ cai trị nhập thế và thời kỳ xuất thế rút lui hưởng nhàn và trước thuật tôn giáo, một mô hình kiểu mẫu theo nhân sinh quan Khổng học :


Thái Tông những năm đầu tà hạnh, đều do Thủ Ðộ dẫn dắt. Những năm sau lưu ý học vấn, tấn tới rất sâu, lại thêm nghiên cứu nội điển, viết ra Khoá hư lục, mến chuộng cảnh núi rừng, coi sinh tử như nhau. Tuy ý gần trống vắng, nhưng chí lại nhằm chỗ rộng xa. Cho nên bỏ ngôi báu như cỡi chiếc dép rách” (18).


Ngoài sự hiểu biết rất mù mờ về triết lý đạo Phật của Trần Thái Tông trong lời bàn, lối phân chia này đóng khung hai giai đoạn cuộc đời cũng như con người Trần Cảnh riêng biệt cứng nhắc hầu như không liên hệ với nhau.


Sưu khảo của Lê Mạnh Thát cho ta thấy hoạt động chính trị văn học tôn giáo của Trần Thái Tông nhuần nhuyễn hội nhập trong một ý thức nhất quán của con người Trần Thái Tông. Những tác phẩm tôn giáo và đạo đức học chính yếu nhất của Trần Thái Tông đã được biên soạn và thực hành trong khoảng thời gian gần sau cơn khủng hoảng chạy trốn lên Yên Tử.(19)


Bởi vậy Trẫm với mọi người trong triều mới trở về kinh, miễn cuỡng mà lên lại ngôi báu. Ròng rã trong mười năm trời, mỗi khi có cơ hội việc nước nhàn rỗi Trẫm lại tụ họp các bậc kỳ đức để hỏi đạo Thiền…”


Khoá Hư Lục là quyển sưu tập các bài viết của Trần Thái Tông, trong đó Lục thời sám hối khoa nghi được giữ nguyên vẹn, theo những tài liệu kết hợp, đã được vua tự tay biên soạn trong khoảng thời gian vua trị vì và trước khi nhường ngôi cho con.


Ðiều đó cho ta thấy Trần Thái Tông đã dụng tâm nghiên cứu và có thể nói đã thực hành cho mình nghi thức sám hối trong khoảng thời gian mười năm sau khi trở lại trị vì (1238-1248), rất gần với thời điểm khủng hoảng ân tình của Trần Thái Tông và Lý Chiêu Hoàng.


Tuy nhiên dù niên đại không được chỉ rõ năm tháng, dù Trần Thái Tông đã trước tác trong thời gian cai trị hay sau khi nhường ngôi, nghi lễ sám hối của vị vua đã thâm nhập giáo lý nhà Phật này không phải là giáo lý suông, viết cho người khác, mà đã được viết qua thực chứng của chính con người Trần Cảnh (20)


Khoá Hư Lục thoạt tiên đã dành một bất ngờ khi từng trang được giở ra là một lời sám hối, chưa có một trứ tác nào của một vị vua nói về sám hối tường tận như Lục Thời sám hối khoa nghi. Tuy nghi lễ sám hối thuộc về nghi lễ thường thức trong đạo Phật, có sẵn trong kinh sách thời trước nhưng Trần Thái Tông đã tự tay biên soạn theo sự hiểu biết của ông, chứng tỏ “sám hối” đối với Trần Thái Tông không những về lý thuyết mà còn là một chìa khoá tu thân đặc biệt.


Lục Thời sám hối khoa nghi theo Trần Thái Tông đã được ông chứng thực cho mình và cho người “tự lợi” và “lợi tha”. Trong muôn nghìn công việc đại sự đất nước, Trần Thái Tông đã dành thì giờ để thực hành sám hối, “ghi nhớ trong lòng, thương cảm ngổn ngang”. Chính lời tựa cho thấy tác giả không phải là nhà giảng đạo như Huệ Năng trong Pháp bảo Ðàn kinh giảng về sám hối, mà là một ngưòi trong cuộc, đã trải qua những “nghiệp chướng” của đời người.


Trẫm nhờ trời trên yêu mến hưởng ngôi chí tôn. Việc dân vất vả, việc nước bộn bề. Ngoài thì phồn hoa cám dỗ, trong thì thị dục xé vò. Miệng chán mùi ngon, mình đầy vàng ngọc. Mắt tai tôi tớ sắc thanh, ăn ở yên lành đài tạ. Lại nữa, thói đời khinh bạc, nhân pháp suy vi, kẻ học bướng mù, gốc lành yếu mỏng. Ngày thì bụi căn va chạm, lưỡi nghiệp kéo lôi, tối thì màn ngủ lấp che, dây lười trói buộc. Ngày đêm theo duyên, đâu chẳng là lỗi gây hoạ chuốc hiểm. Trẫm lấy điều đó ghi nhớ trong lòng, thương cảm ngổn ngang, quên ăn mất ngủ.


Nhân lúc việc triều đình rảnh rỗi, xem hết kinh luân và các nghi văn, biên soạn “phép lợi mình lợi người” để chỉ bảo chúng sinh. Sau đó lại nghĩ rằng: phàm nghiệp chướng tích tụ đều do sáu căn tạo thành. Do thế Thích Ca Văn Phật khi chưa thành đạo trước vào tuyết sơn khổ hạnh sáu năm, cũng là vì sáu căn đó. Vậy trẫm phỏng theo ý ấy, chia sáu căn thành sáu thời, mỗi thời – sám hối một căn, Trẫm tự tay viết ra lời lễ sám, gọi là Lục thời lễ Phật sám hối khoa nghi.” (21)


Trong thời gian “miễn cưỡng lên ngôi báu”, vị vua khai sáng nhà Trần đã làm một việc khác thường mà không một vị vua hay một người bình thường nào trên thế gian có thể nghĩ tới. Bình thường một kẻ lên đến đỉnh cao của quyền lực, giàu sang thường dễ quên hoặc tìm cách che giấu quá khứ nghèo hèn, khổ nhọc hay tội lỗi của họ để củng cố quyền lực, thoả mãn tham vọng giàu sang phú quý, đày đoạ hạ thần, ganh tị với từng người dân, vơ vét của cải của dân càng nhiều càng tốt.


Trần Thái Tông tuy miệng dư thừa thức ngon vật lạ “mình đầy vàng ngọc” nhưng lại thực hiện hàng ngày chuyên cần cho mình (“tự lợi”) sáu thời sám hối “nghiệp chướng“ do sáu căn gây ra để tự giới mình trong bước chuyển nghiệp. Phải là người đã đau khổ cùng tột “đến quên ăn mất ngủ”, “thương cảm ngổn ngang”, hối hận dày vò trong một hoàn cảnh oan trái mới tìm đến “sám hối” để chuộc lỗi lầm. Chính đạo Phật đã cho Trần Thái Tông cơ hội và phương tiện chuộc lỗi đối với chính “tâm ngổn ngang” của mình, với những người thân của mình và với cả với thiên hạ thời ông.


HT Thích Thanh Từ cũng đã cho rằng : “Có lẽ ngài cảm thấy mình tội lỗi nên trằn trọc tìm cách giải những tội lỗi trước kia. Ngài tìm được khoa nghi Sám Hối này, Ngài tự tu, Ngài sám hối, đó là tự lợi, để người sau bắt chước tu theo đó là lợi tha. Như vậy Ngài biết mình không trong sạch nên phải sám hối rồi chỉ dạy cho người biết sám hối như Ngài.” (22)


Hành động này không phải là một hành động tôn giáo huyền bí mà là một hành động tự giác sâu xa về tác nghiệp. Tác giả Lục thời sám hối khoa nghi đã tìm thấy trong các kinh điển diệu dụng của sám hối: “Cho nên kinh Ðại Tập nói : như áo dơ hàng trăm năm, có thể trong một ngày giặt được sạch sẽ. Như thế trong trăm ngàn kiếp đã tích tập các nghiệp chẳng lành, do nhờ lực Phật, khéo thuận tư duy, có thể trong một ngày hay một giờ, trọn hay tiêu diệt” (23)


Lực Phật ấy nằm trong lòng người. Thể nghiệm từ bản thân, giọt nước mắt phản đối phi nhân nghĩa, trái luân thường của Trần Thái Tông là giọt nước mắt trong sáng, có nguồn suối từ “tánh giác thanh tịnh” tròn sáng như hư vô, nhưng một khi chấp nhận dấn thân trong cõi luân hồi đầy vọng tưởng, từ hành động bản thân, hoàn cảnh xã hội, đất nước, gia tộc, phong tục, “vọng tưởng chợt dấy cõi uế hiện thành…”.


Biết huyễn cấu của chúng sinh từ vọng mà sanh, khuyên họ một niệm kính thành qui y sám hối. Khiến thân tâm an tịnh trong sạch như xưa. Gió yên thì sóng lặng, bụi sạch thì gương sáng. Sao thế? Vì trước khởi tâm ác, như mây che mặt trăng, sau sanh tâm thiện, như đuốc sáng tan bóng tối. Ôi! Công dụng sám hối lớn như vậy sao?”. (24)


Sám hối có ý nghĩa rộng lớn bởi lẽ động tác sám hối bao gồm cả ba lãnh vực Giới-Ðịnh-Tuệ. Khởi từ chánh kiến thấy rõ liên hệ nhân quả của lục căn lục trần (Tuệ) trên cơ sở thể nghiệm hội nhập tâm linh (Ðịnh) đến chuyển nghiệp qua hành động đạo đức (Giới) xuyên suốt quá khứ hiện tại và vị lai, sám hối đưa con người thâm nhập ý nghĩa giới hạn của hiện sinh hay ý nghĩa thể tính (ontologische Bedeutung) về thân phận con người trong “giới hạn và trở thành”, từ đó nảy sinh ra ý niệm “nhẫn”, hay “bao dung” hết cả đời người.


Xét cho cùng hiện sinh mỗi người trước tiên là một sự chịu đựng đối với người khác trong giới hạn lục căn của nó, nên sám hối là sám lỗi trước và hối cải lỗi sau theo Huệ Năng25 tạo điều kiện sanh tâm thiện để trở thành Phật.


Ý nghĩa cùa sám hối theo nguyên ngữ đã được Lê Mạnh Thát giải thích rõ :


“Sám là phiên âm của chữ Phạn ksama, nghĩa đen là chịu đựng, tức muốn yêu cầu người mình xúc phạm đến chịu đựng những xúc phạm do mình gây ra và xin tha thứ cho những xúc phạm ấy. Còn hối là mình tự nhận thức những xúc phạm đó và tự bản thân kiên quyết thay đổi hành vi để chúng không bao giờ xảy ra nữa. Sám hối như vậy là một hành động tự giác của mỗi cá nhân trong cuộc sống xã hội, xem xét chính mình có một vi phạm gì làm tổn thương đến người khác và môi trường xung quanh.” (26)


Từ trong ý nghĩa rộng lớn như vậy con người bày tỏ chí tâm của mình:


Chí tâm sám hối
Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay
Bỏ mất bản tâm không theo chánh đạo
Rơi ba đường khổ bởi sáu căn lầm
Không sám lỗi trước, khó tránh hối sau.”



(Trần Thái Tông, Khoá Hư Lục, Lục thời sám hối khoa nghi)


Nghi thức sám hối được thực hiện cho mỗi giác quan của con người trong mỗi ngày “Do thế nghi thức sám hối đã chia ra làm sáu thời điểm trong khoảng một ngày ấy, từ buổi sớm (sơ nhật) hôm trước cho đến tảng sáng (hậu dạ) hôm sau.”


Ðây là nghi thức mà Trần Thái Tông đã đề ra theo cảm nghĩ tâm linh của ông thay vào nghi thức đã có sẵn. Nghi thức này cho mỗi thời và mỗi căn đều tuần tự theo 3 phạm trù cơ bản : Ðịnh-Giới-Tuệ : trước hết phải lắng tâm chú tâm đi vào chiều sâu của ý thức và chiều rộng của Phật lực (Ðịnh) : lễ dâng hương, đọc bài kệ dâng hương và hoa, phát nguyện, tiếp đó dùng trí tuệ chánh kiến để xét điều kiện nhân quả của căn : tâu bạch, sám hối tội căn, xét nghiệp của căn (Tuệ) tiếp theo là khởi ý chí đạo đức, chí tâm khuyết thỉnh, chí tâm tuỳ hỉ, chí tâm hồi hướng, chí tâm phát nguyện (Giới), cuối cùng khởi ý thức hội nhập bằng một bài kệ vô thường cho từng thời nghi : đọc kệ vô thường theo thời nghi.


Chùa Phổ Minh hẳn được làm ra để cho nhà vua thực hiện nghi thức sám hối này. Thực tế thì ngay cả trước khi thoái vị, Thánh đăng ngữ lục tờ 8a1-9a4 đã ghi nhận là ở bên cạnh cung mình ở Thăng Long, nhà vua “cho mở chùa Tư Phúc làm nơi đốt hương tu hành, lại đối với thiền giáo, thỉnh mời các bậc cao toạ trú trì để tiện tham thỉnh, hàng ngày trai tăng 500 vị hơn và độ làm đệ tử hơn 30 người.”  (27)


Ta có thể tưởng tượng một cách có căn cứ, chính tiếng chuông sáu thời sám hối này của Trần Cảnh, đã có thể thoa dịu nỗi đau của những người trong cuộc với ông: Lý Chiêu Hoàng, Trần Liễu, Thuận Thiên và cảm hoá luôn cả Trần Thủ Ðộ và tất cả quần thần dưới quyền của ông. Từ trong gia tộc đến thần dân, Trần Thái Tông đã chứng tỏ khoan dung và đại lượng (28). Sám hối là phương thức trong sạch hoá tâm tham ái mê mờ, chuộc lỗi thành tâm nhất theo vị vua đảm lược đầy tự giác này.


Có thể nói trong khi Trần Cảnh sám hối tự tánh, ông đã tự “an tâm“ cho mình và cho người thân, từ đó an được “tấm lòng thiên hạ”. Từng giờ từng ngày mật niệm tâm linh về đạo đức chuyển nghiệp trong cuộc đời làm vua, ông đã thực hiện và phát triển được chữ NHÂN trong nghĩa gấp đôi : Thành Nhân để thể hiện Phật tính cho chúng sinh, cũng có nghĩa “lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình”


Trong khi Trần Cảnh tìm thấy trong đạo Phật nền tảng đạo đức cho chính bản thân, ông đã khám phá đặc tính khoan dung của nền đạo đức này bao gồm cho tất cả chúng sinh, đồng đẳng, không phục vụ cho một giai cấp con người trên phương diện ác nghiệp, không phân biệt và khai trừ trong tương quan thiện ác mà đứng trên thiện ác với ý niệm chuyển hoá nghiệp ác sang nghiệp lành. Trong ý nghĩa đó, sáng tạo đạo đức có cơ sở tự chứng trong sám hối.


6.3. Sáng tạo bằng “lấy ngay thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ”:


Ðọc các lời tựa còn truyền lại của Trần Thái Tông từ Thiền nam chỉ tông cho đến Lục thời sám hối khoa nghi, Kim Cương tam muội, văn phong của ông cho thấy ông không phải một thiền sư thoát tục ngồi trên núi cao dạy đạo hay một nhà Phật học lý thuyết suông, mà là văn phong của một người trong cuộc, của một người thao thức khổ tâm, của một kẻ đi tìm chân lý giác ngộ, khác hẳn với văn phong trong các tác phẩm Thiền học về sau.


Vẫn giữ phong độ của một đấng quân vương nhưng không làm dáng khoe khoang, ngược lại là tâm sự trung thực của một kẻ rơi nước mắt lân cảm (29), tuy chẳng thấy một lời biện minh hay xin lỗi với ai, nhưng bàng bạc một lời sám hối với tất cả mọi người, trong cuộc cũng như ngoài cuộc, với cả thế gian, xin thế gian chịu đựng con người – con người nói chung mà cũng là con người Trần Cảnh – để cho con người ấy tạo cơ hội thành Phật.


Sự chiêm nghiệm về sáu căn, ngũ giới, bốn núi, về sắc thân từ kinh nghiệm của chính bản thân, đưa đến sự lý ngộ điều kiện giới hạn của hiện sinh con người nằm trong lục căn lục trần, từ đó thấy được thể tính của hiện sinh là vô thường, năm uẩn đều không, tổng quát hơn, thấy rõ tính Không của các pháp là nền tảng của Từ Bi, cơ sở thể tính (ontologique) của đạo đức học Phật giáo.


Trẫm tự tay viết ra lời lễ sám” sau khi đã chiêm nghiệm được yếu tính của sáu căn và được thuyết phục qua thực chứng tuyệt hảo của Phật Thích Ca.


Ðạo đức học Phật giáo của Trần Thái Tông là thực nghiệm sáng tạo của chính ông, một sáng tạo “lấy ngay thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ”, như lời của Trần Thủ Ðộ khi khuyên nhà vua trờ lại Thăng Long : “Tôi dám nói rằng bệ hạ vì sự tự tu cho riêng mình mà làm vậy thì được, nhưng còn quốc gia xã tắc thì sao ? Nếu để lời khen suông cho đời sau thì sao bằng lấy thân ngay thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ?” (30).


Không phải chỉ một mình Trần Cảnh, sĩ phu thời sơ Trần đã chịu ảnh hưởng Phật gíáo truyền thừa từ đời Lý, quan điểm nhập thế của Trần Thủ Ðộ nói lên một khía cạnh năng động của Thiền học thời bấy giờ. Tư tưởng đạo đức của Trần Cảnh đã gây sinh khí dấn thân, đoàn kết xả thân cho đại nghĩa, phóng khoáng cho nên độ lượng và từ bi rộng đến chúng sinh, bao gồm cá nhân, gia đình và xã hội, tạo nên những anh hùng dân tộc như Trần Hưng Ðạo, Phạm Ngũ Lão, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung thượng sĩ, Trần Quang Khải, những người thấm nhuần giáo lý Thiền tông, và đã thể hiện giáo lý ấy trong văn nghiệp cũng như võ công.


Khai đạo và đặt nền tảng cho một nếp sống đạo đức Phật giáo Việt nam đã là công nghiệp dẫn đầu của vua Trần Thái Tông.


Trong hơn 40 năm chuyên cần cho đời và đạo, lấy đạo và đức để dẫn dắt thiên hạ, “sĩ thứ trong nước ai nấy đều phục tùng, đến đứa trẻ lên bảy cũng biết vua là cha mẹ dân”, bình định đất nước phía nam, chỉnh đốn văn học và giáo dục, phát huy kinh tế phồn thịnh cho dân, đồng cam cọng khổ với quân dân chống giặc Nguyên miền bắc, thế hệ Nguyên Phong đã thể hiện tâm thức dấn thân Phật giáo, đã tạo nên một thời đại vàng son nhất của dân tộc Việt nam với những kẻ kế thừa lừng lẫy : Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông đã noi gương Nguyên Phong vừa là chiến sĩ anh hùng, là những Thiền sư chân chính và những nhà văn học nhân bản.


“Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong”


(Trần Nhân Tông, thơ Xuân nhật yết Chiêu Lăng (31))


Nhắc đến Nguyên Phong của những kẻ bạc đầu đã vào sinh ra tử với Nguyên Phong, là nhắc về chiến công oanh liệt, về văn trị sáng ngời, về một con người mang Phật trong lòng đến cho con người Việt nam, không những bằng những bước chân rong ruổi khắp sơn khê đất Việt mà còn bằng một ngôn ngữ thi ca sáng tạo “tâm ngữ tâm” hoà nhập tâm cảnh và tâm thức Việt nam thành một bàn sắc nhầt thể, trong đó nơi mỗi nắng sớm, trăng khuya, chuông chiều, heo may, mưa bão, hoa đất tâm, hương rừng thiền, con người chợt nhận ra khoảnh khắc “ta gặp ta”


Thân như băng gặp nắng
mạng tợ đuốc gió lùa
chớ mãi mê làm khách
quay về sớm chiếu soi
(32)


Thi ca sáng tạo của hơn 70 bài vừa nguyện, tụng, kệ, bạch trùng trùng ngôn ngữ sáng ngời trí tuệ, nhưng người viết lại biết “dừng” không lượt là gấm hoa, nơi hạnh “giới ngữ”:


Văn thì rườm rà, nói thì lời xa xôi. Nếu văn rườm rà thì người lười sám hối, lời xa xôi thì dễ sanh nghi. Cho nên không dùng lời phù phiếm dồn cho đầy quyển, cốt khiến người đọc tụng vui vẻ, người nghe thấy dễ ngộ. Mới mong những kẻ có lòng tin, ngày đêm phát tâm chí thành, theo khoa nghi này làm lễ sám hối. Ðây là chẳng phụ chí nguyện tự lợi lợi tha của trẫm.


Người sáng mắt thời sau, chớ xem nghi văn này mà phát cười. Tuy nhiên như thế :


Không nhân ngõ tía hoa cười sớm,
Ðâu có hoàng oanh đậu liễu xanh.
” (33)


Người đời sau ta hãy cười, xin được cười nụ cười Ca Diếp, về một đoá sen đã nở trên “đất tâm”  (34).


Ðất tâm mở ra, hoa nở rộn
Trời có mưa hoa, vẫn kém thơm
Cành hoa đoá đoá dâng cúng Phật,
Gió nghiệp muôn đời thổi chẳng rơi
.”


Giãi bày thay lời kết:


Bài này được viết trong tâm trạng của một kẻ đi tìm… nhân dạng của một cố nhân xa cách mấy mươi năm, một cố nhân lịch sử trong một buổi học lịch sử Việt Nam của một cô nữ sinh Ðồng Khánh 16 tuổi. Khi học đến đoạn Trần Cảnh bị Trần Thủ Ðộ buộc bỏ vợ Lý Chiêu Hoàng lấy vợ của anh là Trần Liễu đang mang thai, để có con nối nghiệp, cô học trò tức giận thương cảm đến chảy nước mắt.


Tìm lại một Trần Cảnh của thế kỳ 13 để trả lời cho giọt nước mắt đòi chung tình, đòi đoan chính, đòi tình đời phải trong như chén nước không vẩn bụi nhơ, đòi trái tim phải đập một mình cho nhân ái ân nghĩa, cũng như tìm trăng đáy nước, hoa trong gương, cũng như muốn… đập cổ kính ra tìm lấy bóng, chỉ có mảnh vỡ của gương. Cái bóng nào của lý luận là thật? Dữ kiện lịch sử nào là đáng tin ? Lối viết nào là đáng ngờ ? Tương quan nào là khách quan ? Góc độ nào là rộng lượng ? Ðường tìm về vẫn còn hun hút trong lối mòn lịch sử…


May chăng rốt cùng nhặt nhạnh được một hai điều khả dĩ đáp lại giọt nước mắt kia : đó là giọt nước mắt chân thành của Trần Cảnh nhỏ trên Yên Tử như âm vang tâm cảm, tuy hai mà một của sự khát khao nhân nghĩa đòi một nét tuyệt đối trong cuộc đời nhiều lừa lọc ngang trái, vô thường, tương đối. Cộng thêm một linh cảm nhỏ nhoi : viễn tượng sám hối là vệt sáng trên đường luân hồi cho thấy vô thường và tuyệt đối là một không hai, từ đó đã HIỂU giọt nước mắt nói trên liên hệ đến Lục Thời Sám hối khoa nghi của Trần Thái Tông mà không cần phải lý luận dông dài.


Muenchen, MÙA PHẬT ÐẢN


Ghi chú:


1 Nguyễn Ðăng Thục, Phật giáo Việt nam, Saigon 1974, 126


2 Công án Trần Nhân Tông I, Thái Kim Lan website Khuông Việt (không còn)


3 Lê Mạnh Thát, Trần Thái Tông toàn tập, 2004, tr. 46, 47)


4 Theo Ðại Việt sử ký toàn thư 5 tờ 1a3-b4: “ Hoàng đế Thái Tông họ Trần huý là Cảnh, trước huý là Bồ, làm chi hầu chính của triều Lý, nhận sự nhường ngôi của Chiêu Hoàng, ở ngôi 33 năm, nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi, băng tại cung Vạn Thọ, chôn ở Chiêu Lăng. Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương. Cho nên, có thể mở nghiệp truyền sau, đặt giềng mối cho chế độ nhà Trần tốt đẹp. Nhưng quy hoạch việc nước đều do Trần Thủ Ðộ làm, chốn buồng the có nhiều nét đáng thẹn.” (Theo Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt nam, tập III, 655)


5 đã dẫn (3)


6 đã dẫn (3)


7 Thiên nam ngữ lục của thiền sư Chân Nguyên (1647 – 1726) ghi :


“Cảnh làm Nhưng hầu bấy chày,
Ra rày vua nhớ, vào rày vua yêu
Chiêu Hoàng dại chửa biết điều
Mặc mẹ toan liều, mình thì ngao du
Có khi muốn ngự vườn hoa
Cành quỳ làm ngựa vua hoà cưỡi vai…
Có khi vua ngự trong cung
Cảnh lên giường rồng quỳ xuống làm voi
Vua bèn ngự cưỡi mà chơi
Mày xuân gió vén cung trời hiện ra…”


(Lê Mạnh Thát, TTTTT, tr. 30)


Ðại Việt sử ký toàn thư 5 tờ 1a3-b4 ghi : “ Vua mũi cao, mặt rồng, giống Hán Cao tổ. Lúc mới 8 tuổi đã làm chi hầu chính của Chi ứng cục triều Lý. Có chú họ là Trần Thủ Ðộ làm điện tiền chỉ huy sứ, vua nhân đó được vào hầu trong cung. Chiêu Hoàng thấy mà vui.” (Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tr. 655)


8 Lê Mạnh Thát, Trần Thái Tông toàn tập, tr. 36 – 39 ; Hoà thượng Thích Thanh Từ, Khoá Hư Lục giảng giải, tr. 15 – 19. Xem thêm Ðại Việt sử ký toàn thư ; Lê Mạnh Thát, TTTTT, tr. 33


9 Lê Mạnh Thát, TTTTT, tr. 48 – 49)


10 Lê Mạnh Thát. TTTTT, đã dẫn


11 sđd, tr. 53


12 sđd, tr. 36-39


13 sđd, tr. 53


14 Hoà Thượng THÍCH THANH TỪ, Khoá Hư Lục giảng giải, tr. 9 – 13


15 Mạnh Từ Chu Hy tập chú, quyển thượng, Lương Huệ Vương (thượng), VII, dịch giả Nguyễn Nhượng Khôi, Saigon 1972


“Tuyên Vương nói rằng : “Ðức thế nào thì có thể làm vua thiên hạ được”. Mạnh tử nói rằng : “Biết bảo vệ nhân dân có thể làm vua thiên hạ được, không ai ngăn cản nổi”. Vua lại nói: “Như quả nhân đây có thể bảo vệ nhân dân được không”. Mạnh tử nói: “Có thể”. Vua nói: “Vì sao mà biết ta có thể?”. Mạnh tử nói: “Tôi nghe ông Hồ Hột nói rằng: “Vua ngồi ở trên đền, có kẻ dắt trâu đi qua dưới đền, vua trông thấy hỏi: “Dắt trâu đi đâu?” Kẻ ấy thưa rằng: “Ðem đi bôi chuông” Vua nói: “Tha cho nó, ta không nỡ thấy nó sợ hãi, như kẻ không có tội mà phải đến chỗ chết”. Kẻ ấy lại thưa: “Vậy thì bỏ việc bôi chuông sao?” Vua bảo: “Bỏ thế nào được. Lấy dê thay vào”. Không biết việc ấy có không?”


Tuyên Vương nói: “Có việc ấy” Mạnh tử nói: “Lòng nhân ấy của vua, đủ để làm ua trị thiên hạ. Dân chúng đều cho vua tiếc con trâu, nhưng tôi thì tôi thực biết vua là vì lòng bất nhẫn.”


16 “Quân Mông cổ lần đầu tiên sang xâm chiếm nước ta. Vua tự làm tướng đem quân ra chống giữ biên giới.” Ðại Việt sử ký toàn thư, TTTTT, Lê Mạnh Thát, 84


17 Theo Nguyễn Ðăng Thục, Phật giáo Việt nam, tr. 123


18 Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án 3 tờ 14a4-6, theo Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt nam, 728


19 Lê Mạnh Thát, TTTTT, 188-192


20 Một số tác phẩm của Trần Thái Tông:


Năm Tác phẩm


Quốc triều thống chế, 20 quyển


Quốc triều thường lễ


k. 1240 Thiền tông chỉ nam tự


1240 – 1258 Kim Cang tam muội kinh tự


Bình đẳng lễ sám văn tự


Lục thời sám hối khoa nghi


(xem tiếp, Lê Mạnh Thát, TTTTT, t. 199-200)


21 Lê Mạnh Thát, Trần Thái Tông Toàn tập, 128


22 Hoà Thượng Thích Thanh Từ, Khoá Hư Lục giảng giải, 264


23 xem 18), trang 252


24 như trên


25 “Thiện tri thức, trên đây là VÔ TƯỚNG SÁM HỐI. Thế nào là SÁM? Thế nào là HỐI? Sám là sám trừ tội trước, từ trước tất cả các tội ác nghiệp ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ thảy đều sám hết, chẳng bao giờ khởi nữa gọi là sám. Hối là hối cải lỗi sau, tất cả ác nghiệp ngu mê, kiêu căng, dối trá, ganh tỵ… nay đã giác ngộ, đều cho đoạn dứt, chẳng bao giờ tạo nữa gọi là hối. Phàm phu ngu mê, chỉ biết sám trừ tội trước, chẳng biết hối cải lỗi sau, vì chẳng hối cải, nên tội trước chẳng diệt, tội sau lại sanh, tội trước đã chẳng diệt, tội sau lại tiếp tục, như thế làm sao gọi là SÁM HỐI được”. Huệ Năng, Pháp Bảo Ðàn Kinh, Phẩm Sám Hối thứ sáu, theo thư viện Hoa sen (Hoa Ký) tỳ kheo Thích Duy Lực dịch.


26 Lê Mạnh Thát TTTTT, 213


27 Lê Mạnh Thát, TTTTT, tr. 130


28 Vua đã tha tội Hoàng Cự Ðà chạy trốn khi giặc Nguyên hung hãn và không chịu giúp hoàng thái tử, bời vì chính vua trước đó đã đối xử không công bằng với Hoàng Cự Ðà (ĐVSKTT tờ 22a3-23b4, theo Lê Mạnh Thát, TTTTT, tr. 85 -86


29 “Trẫm nghe lời ấy hai hàng nước mắt tự tràn… Ðối với người hạnh tốt biết đạo mà phải làm việc không hợp đạo lý này, nhà vua rất là đau đớn, không thể nào ngồi yên được… lý do thầm kín ngài nói ra không được, nên khi mở miệng là tràn nước mắt, đau đớn nát lòng… Ðọc tới đây chúng ta mới thấy nỗi đau của ngài, làm vua mà bị ép buộc”, Hoà thượng Thích Thanh Từ, Khoá Hư Lục giảng giải, tr. 8


30 HT Thích Thanh Từ, sách đã dẫn, tr. 9


31 Nguyên Phong : vua Trần Thái Tông cải hiệu là Nguyên Phong năm 1250


Xuân nhật yết Chiêu Lăng
Trượng vệ thiên môn trúc
Y quan thất phẩm thông
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong


(Trần Nhân Tông)


Dịch:


Ngày xuân viếng Chiêu Lăng
Nghi vệ dàn bày đủ
Quân thần mũ áo đông
Bạc đầu lão sĩ nọ
Ôn lại chuyện Nguyên Phong.


(Theo Nguyễn Ðăng Thục, Phật giáo Việt nam, tr.120)


32 Khoá Hư Lục, Lục thời sám hối khoa nghi, Kệ vô thường buổi sớm, theo HT Thích Thanh T ừ, KHLGG 274


33 đã dẫn 254 – 255


34 Kệ dâng hoa, Trần Thái Tông, Lục thời sám hối khoa nghi, theo HT Thích Thanh Từ, KHLGG, 269


Phần một I Phần hai