Trang chủ Văn hóa Trình diễn điệu múa nghi lễ Phật giáo nhân Đại lễ

Trình diễn điệu múa nghi lễ Phật giáo nhân Đại lễ

47

Nhà sư là người đảm nhiệm điệu múa "Giải oan thích kết" trong chương trình biểu diễn nghệ thuật múa “Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa,” một hoạt động quan trọng của Đại lễ diễn ra vào tối 4/10 tại Tượng đài Lý Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm.

Giữa bộn bề các công việc trùng tu, tôn tạo chùa cảnh, cả tháng nay, Đại đức Thích Thanh Phương vẫn dành thời gian, tổ chức cho các tăng ni, phật tử đạo tràng tham gia tập luyện, chuẩn bị cho lễ hội.

Dường như cái nóng hanh hao của tiết thu tháng 10 không làm nhà sư bận lòng. Trên sàn tập chừng 10m2 của căn nhà cấp 4, mặc dù mồ hôi ròng ròng trên gương mặt, nhưng thầy trò đại đức vẫn miệt mài chỉnh sửa từng động tác di chuyển cho nhuần nhuyễn, khớp với phần âm nhạc và trống phụ trợ.

Nóng nực là thế, bận rộn là thế, nhà sư không giấu nổi niềm vui vì được góp sức cho hoạt động của Đại lễ, cho dù việc đưa múa nghi lễ ra trình diễn trước công chúng không hề đơn giản.

Đại đức cho biết "Giải oan thích kết" (hay Chạy đàn cắt kết) là một nghi lễ tâm linh quan trọng của Phật giáo và cũng là điệu múa cổ mang tính nhân văn, với việc lập đàn trai giải oan, cầu siêu tịnh độ, giải trừ oan khổ cho tất cả các vong linh nhiều đời được siêu thoát, để con cháu nơi trần thế được an lạc, thái bình.

Thông thường một đàn cúng kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ, trải qua bảy lần cắt kết, với bảy ấn bắt quyết và diễn ra trong không gian nhỏ hẹp, chừng vài mét vuông của nhà chùa.

Khi tham gia lễ hội, ban tổ chức yêu cầu chỉ gói gọn trong vòng 10-15 phút, buộc nhà sư phải nghiên cứu cách thức bài trí, tổ chức điệu múa sao cho phù hợp, nhưng bắt buộc vẫn phải có “mở,” có “thắt,” giữ được phần “hồn” của điệu múa.

Để phù hợp với sân khấu lớn trước Tượng đài Lý Thái Tổ, nhà sư đã sáng tạo dùng chính người múa thay thế cho các cột và dùng vải trắng tượng trưng cho dây chăng thường thấy trong các đàn kết tại chùa. Điệu múa cũng được rút lại chỉ còn một lần cắt kết và từ một đến hai ấn bắt quyết, chậu hỏa bồn cũng được nghiên cứu sao cho ngọn lửa bốc cao và lâu hơn, cây kéo cũng phải lớn hơn.