Cuộc hành trình của đoàn chúng tôi khởi hành từ lúc 6 giờ do thầy Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà làm trưởng đoàn. Đi cùng với chúng tôi lần này còn có thêm anh Văn Anh – một nhà khảo cổ học khá am hiểu về lịch sử và đạo Phật. Chúng tôi là những người bạn, những đồng nghiệp, những người thích du lịch tâm linh.
Với sở thích nghiên cứu tôn giáo, nhất là Đạo Phật và với niềm đam mê lịch sử, trên xe anh Văn Anh và thầy Hùng đã kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện lý thú về lịch sử Việt Nam, đặc biệt về Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Những câu chuyện dí dỏm, hài hước xen kẽ nhưng rất sâu sắc về đạo làm người, về cách đối nhân xử thế… làm chúng tôi vui và quên mất quãng đường dài. Mỗi câu chuyện là một bài học bổ ích mà thầy luôn răn dạy mỗi đứa học trò chúng tôi.
Khoảng gần hai tiếng ngồi trên xe, chúng tôi đã có mặt tại chùa Hương. Chúng tôi lên đò và bắt đầu thả sức ngắm cảnh đẹp nơi đây. Yến Khê in dấu thời gian, làn mây sáng sớm ủ êm tà áo. Núi thì cao và đẹp. Suối thì trong và lặng. Cảnh thì nên thơ và ấn tượng lạ lùng. Để rồi điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là đền Trình – một di tích lịch sử văn hóa nằm trong khu thắng cảnh chùa Hương.
Đền Trình, tên chữ là Ngũ Nhạc Linh Từ. Theo truyền thuyết, dãy núi Ngũ Nhạc có hình thể một con rồng lớn, dáng núi uy nghiêm. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã dựng ở đầu dãy núi một ngôi đền nhỏ để thờ vị Thánh Tướng đã có công đánh giặc Ân phò vua Hùng Huy Vương thứ VI.
Theo dòng suối Yến trong xanh, nơi tiếp theo chúng tôi đến là chùa Thiên Trù. Ngồi trên thuyền giữa sông nước mênh mông, vừa ngắm cảnh, vừa tận hưởng không khí trong lành, chúng tôi cảm nhận được cuộc sống thanh bình, yên ả nơi đây.
Chùa Thiên Trù (hay còn gọi là chùa Ngoài) tọa lạc trên thềm núi Lão, được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Với quần thể kiến trúc độc đáo, chùa Thiên Trù chính là trung tâm của thắng cảnh Hương Sơn. Chúng tôi, dưới sự hướng dẫn của thầy Hùng, cùng nhau niệm danh hiệu của Phật Bà Quan Âm “Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm” bằng tiếng Việt và “Nam Mô Avalokiteshvarya” bằng tiếng Phạn tha thiết và thật tâm. Chúng tôi cũng cùng tụng kinh Bát Nhã và lế Phật.
Thầy trò chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình bằng cáp treo để lên tới động Hương Tích mà theo truyền thuyết kể lại, đây là miệng một con rồng lớn, núi Đụn Gạo là lưỡi rồng. Chúng tôi cùng niệm Phật, lễ Phật và tụng chú Đại Bi trong động. Không khí linh thiêng và sâu lắng ngày cuối năm làm ai cũng thấy như được ở trong cõi Phật thật sự. Mỗi thành viên trong đoàn lắng lòng mình và cảm nhận. Tôi thì hít thở thật sâu như để rửa phổi.
Nếu lúc lên động Hương Tích chúng tôi đi cáp treo thì lúc xuống, theo hướng dẫn của Thượng tọa Thích Minh Hiền, chúng tôi thả bộ. Để ngắm cảnh và hòa mình vào thiên nhiên. Chúng tôi qua đền Cửa Võng, chùa Giải Oan và thả bước trên các bậc đá. Khắp nơi, người dân đang sửa sang lại quán xá, chuẩn bị cho mùa trẩy hội sẽ bắt đầu sau 2 tuần nữa.
Điểm thú vị tôi học được từ thầy Nguyễn Mạnh Hùng trong chuyến hành hương này là đến với mỗi di tích lịch sử, đều cùng nhau thành tâm thắp lên nén tâm hương dâng lên Đức Phật, cùng nhất tâm cầu nguyện và mong mọi điều tốt đẹp đến với mỗi chúng tôi, mỗi gia đình và cho cơ quan.
Lần đầu tiên trong đời tôi được ăn cơm tại chùa Thiên Trù. Bữa trưa muộn ngon đến lạ lùng. Đúng theo nghĩa, Thiên Trù là bếp trời nên … thức ăn ngon và nhiều quá. Quý thầy chuẩn bị sẵn cho thầy trò chúng tôi đến 7 mâm cỗ. Càng ăn càng thấy cơm chay nơi đất Phật quý giá quá.
Buổi chiều, chúng tôi có may mắn lớn nhất trong chuyến đi – được gặp gỡ và trò chuyện với Thượng tọa Thích Minh Hiền – Phó trưởng ban Văn hóa GHPG Việt Nam kiêm trụ trì chùa Hương.
Thầy kể cho chúng tôi nghe về lịch sử chùa Hương, giảng cho chúng tôi nghe về đạo Phật và những tâm sự về cuộc sống, về công việc…
Tôi ấn tượng nhất khi thầy dạy về tiếng Việt, tiếng địa phương. Tôi nhớ không quên câu nhắc của thầy Thích Minh Hiền “Phật viết hoa, ma viết thường”. Thầy nhắc chúng tôi rằng cần hết long vì sách và tri thức. Rằng ngày nay người ta “quan tâm đến khâu dày hơn là khâu sách”. Thầy dùng các câu chuyện để nhắc khéo chúng tôi không nên nói về người thứ 3 vì nếu nói, cuối cùng rất dễ đi đến nói xấu, gây khẩu nghiệp.
Một bất ngờ nữa là mỗi chúng tôi được Thượng tọa Thích Minh Hiền trực tiếp tặng quà – một cuốn tạp chí “Chùa Hương”. Tôi đã đọc ngay cuốn này khi về đến nhà, trong đêm trước khi đi ngủ. Thầy Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng Giám Đốc Thái Hà Books thì còn được thầy Thích Minh Hiền tặng bộ sách quý “Nguyệt Trí Văn Tập” – tuyển tập các bài viết của cố Thượng tọa Thích Viên Thành – tổ thứ 11 của chùa Hương.
17h chiều chúng tôi lên đò về bến Đục. Lòng bâng khuâng không muốn về. Thượng tọa Thích Minh Hiền cũng lên đò về. Sáng hôm sau thầy sẽ giảng tại Học viện Phật giáo Việt Nam trên Sóc Sơn. Tôi xúc động nhất khi biết thầy dành cả một ngày với chúng tôi, thầy từ thành phố về Hương chỉ để đón chúng tôi.
Trên xe về Hà Nội, lại là các câu chuyện của “hướng dẫn viên du lịch” nghiệp dư – tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng. Mỗi câu chuyện đều là một bài học ý nghĩa khuyên răn chúng tôi sống tốt hơn, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Lúc về chúng tôi vui và cười còn nhiều hơn cả lúc đi, nhất là các bài hát, những vần thơ được sáng tác ngay tại chỗ.
Chuyến hành hương kết thúc thành công tốt đẹp đến bất ngờ. Chúng tôi được về với đất Phật Bà Quán Âm trong những ngày cuối cùng của năm. Chúng tôi như được rửa sạch bụi trần, như giảm bớt nghiệp chướng, như được tắm mình trong cảnh sơn thủy hữu tình, như được có 1 ngày cùng với Phật Bà linh thiêng.
Tôi nhớ rằng, tại phòng khách của chùa Thiên Trù, trước khi được gặp và nghe thầy Thích Minh Hiền nói chuyện, sư bác Thích Đạo Dung mong muốn mỗi chúng tôi về Hương ít nhất mỗi năm một lần.
Thầy Đạo Dung còn dặn rằng, đã là học trò của thầy Hùng, đã là Phật tử của thầy Minh Hiền thì cần năng về chùa Hương và nơi đây luôn sẵn long tiếp đón. Tấm lòng rộng mở của quý thầy làm chúng tôi xúc động quá. Tất cả đã để lại trong lòng mỗi thầy trò chúng tôi những xúc cảm khó quên.