Trang chủ Quốc tế Trong sa mạc Arizona, phật tử sẽ bắt đầu khóa tu...

Trong sa mạc Arizona, phật tử sẽ bắt đầu khóa tu ba năm trong im lặng

98
Nằm sâu trong sa mạc hẻo lánh nơi những con rắn chuông ẩn nấp trong bụi rậm, Stéphane Dreyfus và vài chục phật tử khác đang chuẩn bị để trải qua một chuyến hành trình chuyển hóa tâm.
 
Ba năm, ba tháng và ba ngày trong sự tĩnh lặng. 
 
Trong Khóa Tu Lớn này, sẽ không một ai còn được nghe tiếng nói từ thế giới bên ngoài chỉ có sự yên lặng thâm trầm của đá và cây xương rồng, cùng  với thời gian dường như vô tận,  họ sẽ chiêm nghiệm về tánh không của cuộc đời.
 
Dreyfus và những người bạn cùng tu của mình hy vọng sẽ tìm thấy giác ngộ trong im lặng, một món quà mà họ định chia sẻ khi họ xuất hiện trở lại với đời sống thường ngày sau một thời gian dài sống tách biệt.
 
Họ biết rằng những người ngoài cuộc có thể xem họ như những kẻ lập dị trong một chuyến đi không tưởng, nhưng lý lịch cá nhân của họ cho thấy không phải vậy đâu nhé. Trong số họ, có người là phi công, một bác sĩ da liễu, một nhà hóa sinh đã nghỉ hưu và một cựu biên tập viên đài truyền hình. 
 
Họ đang vứt bỏ những ràng buộc của cuộc sống trung lưu của họ để thực hiện truyền thống của Phật giáo đó là đi tìm chân tánh theo sự chỉ dạy của Đức Lạt Ma Tây Tạng. Đối với nhiều người trong nhóm, điều này có nghĩa là  họ phải bỏ lại sau lưng thu nhập gồm sáu con số, con cái hoặc cha mẹ già để đổi lấy tình trạng sống cô độc trong những căn buồng nhỏ tù túng làm bằng gạch sống, gỗ và ngay cả gỗ dùng để đóng các kiện hàng dành riêng cho việc tu tập. 
 
Họ giải thích, sống lâu dài trong sự tĩnh lặng là cách duy nhất để để có thể đi sâu vào nhận thức nhằm đạt tới cái mức mà họ cần phải đạt đến để có thể đem hạnh phúc chân thật đến với đời. 
 
Dreyfus, một công dân của Berkele, 32 tuổi, nói, “ Nếu tôi có thể đạt tới mức có thể thoát khỏi khổ đau hoàn toàn  và phát triển tâm của mình đến mức trong sáng có thể đưa tới sự giải thoát, tôi có thể chỉ cho những người khác làm thế nào có thể đi đến đó một cách nhanh nhất, hoàn hảo nhất.” Deyfrus đã bỏ công việc của mình như một trợ lý biên tập cho chương trình dạy yoga  “Anh chàng độc thân” (The Bachelor)  được công chiếu trên TV vào giờ “vàng” và đang chuẩn bị cho việc tham gia vào khóa tu.
 
Tham gia khóa tu với Dreyfus có Jessica Kung, hôn thê của ông, tốt nghiệp đại học Yale và cũng là cô giáo dạy yoga.
 
Khi họ bắt đầu khóa tu vào cuối năm tới trong cái xó xỉnh thuộc vùng đông nam Arizona này, họ sẽ là một cặp mới cưới cùng chia một căn phòng 18 m2, chỉ giao tiếp với nhau qua điệu bộ, cử chỉ và những biểu lộ trên gương mặt, và kiềm chế tối đa những xúc chạm.  Những khoái lạc có được qua sự xúc chạm như vậy sẽ làm tiêu tan prana—năng lượng bên trong – làm xao lãng công việc chuyển nghiệp sắp tới.
 
Kung, 27 tuổi nói, “Tôi ước ao có một tấm bằng chính quy giống như bằng tiến sĩ về yoga và thiền. Chẳng có gì tốt hơn vậy cho tuổi trẻ của tôi.”
 
Những câu nói như vậy tạo sự hoang mang, nghi ngờ và ngay cả giận dữ từ những thành viên của gia đình của những người sẽ tham dự khóa tu.
 
Hubert Dreyfus, một giáo sư về triết học hiện sinh tại trường đại học California, Berkeley, lo ngại rằng con trai của ông Stéphane đang lãng phí tài năng của mình về viết lách và làm phim để đeo đuổi những ý tưởng mà ông cho là chẳng có nghĩa lý gì.
 
Dreyfus cha thừa nhận con trai mình có hạnh phúc hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, ông không thể hiểu được tại sao ai cũng có thể bỏ những người yêu thương của mình lại đằng sau để biến mất vào trong sa mạc – và trong trường hợp này phải mất đến 1.190 ngày. Dreyfus nói, “ Tôi thật sự thất vọng. Tôi muốn có cháu nội.”
 
Giác ngộ không rẻ
 
Mỗi người tham dự vào khóa tu cần phải có 60.000US$ để xây một căn phòng nhỏ và 75,000 US$ để trả tiền thực phẩm và hàng tiếp tế trong ba năm (thực đơn có thể gồm có những thực phẩm chính như đậu lăng, cơm, đậu, khoai tây và các loại rau quả tươi khác.
 
Một số người đã để dành đủ tiền. Một số người khác đang tìm các nhà bảo trợ qua các buổi hội thảo về yoga và thiền, hoặc dựa vào sự hào phóng của người khác để có tiền tham dự khóa tu.
 
Ben Kramer, 33 tuổi, cư dân Floria nói khi anh tập các tư thế yoga với bạn gái của mình trong ngôi đền làm bằng gạch sống cách nơi tổ chức khóa tu không xa lắm, “Tôi đang đợi phép mầu xảy ra”.
 
Những người tham dự khóa tu sẽ tự nấu nướng trong căn phòng của mình  có trang bị bếp nấu và phòng tắm. Điện sẽ được cung cấp bởi các tấm thu năng lượng mặt trời và các bể chứa khí prôban. Các thành viên sẽ có thể có thể được trang bị thêm những chiếc  còi hơi để kêu gọi giúp đỡ trong trường hợp có sự cố xảy ra.  
 
Những người chăm sóc tình nguyện là những phật tử sống gần đó, sẽ giúp bằng cách trồng hoặc đi mua giúp thực phẩm hoặc giao thực phẩm hai lần một tuần.
 
David Stumf, một nhà hóa sinh đã nghỉ hưu của đại học Arizona đang lập  kế hoạch tham gia khóa tu, ông chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống cung cấp nước trong thung lũng. 
 
Stumpf đã xây gần xong căn phòng 20 thước vuông cho ông và vợ mình là Susan trên một rẻo đất bao quanh bởi cây xương rồng và ocotillo (một loại cây không cành, cuống đầy gai có vẻ như khô [nhưng đến gần thì thấy có những mảng xanh], trông giống cái roi, trên đầu roi có hoa đỏ chói, mọc trong sa mạc vùng tây nam Hoa Kỳ, từ tây Texas đến đông nam California, và bắc Mexico), những bông hoa đỏ của chúng vươn lên từ mặt giống như pháo hoa bắn vào ngày 04/07.
 
Gần đây, một người 56 tuổi cùng  tham dự khóa thiền  khi ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên với phong cảnh nối tiếp nhau và bầu trời dệt bởi những đám mây đã cho rằng đây là nơi lý tưởng có thể đi sâu vào trạng thái định. Ông nói, “ Nơi đây rất tuyệt vời vào lúc bình minh. Ánh sáng tỏa trên sườn đồi thật là huyền ảo.”
 
Để đến được thung lũng nơi tổ chức khóa thu, bạn phải lái xe 107 dặm từ Tucson nằm trên đường liên bang 10 qua những dãi đất hoang vu của sa mạc đến thị trấn nhỏ Bowie, rồi theo con đường tráng nhựa hẹp để tiến về phía nam. Từ đó, một con đường đất với lòng đường có có nhiều vết lún sẽ đưa bạn đến đại học Diamond Mountain, một khu trường sở phi lợi nhuận của Phật giáo, có một con đường mòn nối nơi đây với một ngôi đền xây bằng gạch sống, một phòng đợi dành cho sinh viên dựng bằng lều và các chiếc lều tròn theo theo kiểu Mông Cổ (yurt).
 
Một con đường ngắn khác từ trường đại học đi đến thung lũng nơi tổ chức khóa thu còn ban sơ hơn nữa, nó chạy qua những sườn đồi bao phủ bởi các bụi cây, nơi đây đã  từng đã ngôi nhà của một  trại nuôi gia súc. 
 
Hiện ra tại trung tâm của thung lũng là một chiếc lều tròn (yurt) cùng với một số căn phòng nhỏ đang xây. Đây là nhà của Geshe (tiến sĩ Phật học) Michael Roach và Lạt ma Christie MeNally, những người sáng lập ra đại học.
 
Roach và McNally đều sinh ra tại Los Angeles hai thập niên trước. Cả hai cùng lớn và  theo nhà thờ Tân giáo.
 
Lúc trẻ, Roach, 56 tuổi, đã từng làm việc như một lễ sinh và nghĩ rằng sau này mình sẽ trở thành một giáo sĩ Thiên chúa giáo. Rồi ông đi đến Ấn Độ và nghiên cứu tôn giáo, học tiếng Sanskrit và tiếng Nga tại trường đại học Princeton. Ông bị thôi thúc bởi câu hỏi mà ông  tin Thiên chúa giáo đã không đề cập tới: Nếu Chúa hiện hữu, tại sao con người đau khổ và chết.
 
Đó là một câu hỏi bi thảm, cha và mẹ của Roach chết vì ung thư khi ông đang ở trong giai đoạn tốt nghiệp trung học và em của ông tự tử – tất cả tuần tự xảy ra chỉ trong vòng một năm.
 
Phật giáo đã cho ông câu trả lời: Sống và chết không có ý nghĩa thực bên trong. Thay vào đó, thực tại tùy thuộc vào sự cảm nhận. Qua hành thiền, yoga các những phương pháp  tu tập khác, những tư tưởng tiêu cực có thể được thay thế bằng những tư tưởng tích cực, cho phép những hạt giống nghiệp gieo trồng trong tim chín muồi thành sự hạnh phúc.
 
Quan điểm về nghiệp là chìa khóa cho câu hỏi: Những gì con người làm trong quá khứ sẽ quyết định những gì mà họ phải trải qua trong đời hiện tại. Roach dành hai năm nghiên cứu Phật giáo tại các tu viện tại Ấn Độ và Hoa Kỳ. Ông thọ giới tu sĩ vào những năm đầu của giai đoạn 30 tuổi và sau đó lấy bằng tiến sĩ Phật học, là một trong những người phương Tây đầu tiên có bằng cấp như vậy.
 
Mcnally, 36, cô học triết học và văn chương tại trường đại học New York và rồi du hành sang Tây Tạng, cô gặp Roach tại một buổi thuyết pháp của ông tại New York vào cuối thập niên 1990. Họ là bạn tình của nhau về mặt tinh thần – không quan hệ tình dục–  trong một thập kỷ. Họ nói rằng, quan hệ đó đã gây ra sự chỉ trích từ một số Phật tử và các nhà học giả Tây Tạng, những người này chỉ ra rằng tu sĩ Phật giáo thì bị cấm quan hệ với phụ nữ.
 
Geshe Michael Roach và Lạt ma Christie MeNally đang trình bày về khóa tu
 
Năm 2006, văn phòng của đức Đại lai Lạt ma, lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng đã viện dẫn “hành động trái với quy ước” của Roach để từ chối nổ lực ông xin dạy tại Dharamsala, Ấn Độ, cơ ngơi của chính phủ Tây Tạng lưu vong.
 
Robert Thurman, giáo sư nghiên cứu Phật giáo tại đại học Columbia, người xem Roach như một người bạn nói, “ Những vị lạt ma lớn tuổi nhất không chấp thuận. Mọi người để ngón tay trỏ bắt chéo qua nhau ngụ ý rằng anh ta nên hồi đầu và phải hành động “đúng với quy ước.”
 
Roach và McNally phản ứng rằng sự hướng tâm của họ đến Phật giáo đã khuyến khích họ đến với nhau và rằng những thầy dạy Phật giáo cũng làm như vậy nhưng họ kín đáo. Sự khác biệt trong trường hợp của họ là họ công khai thừa nhận mối quan hệ của họ.
 
Cả hai đều dâng hiến đời mình cho việc phổ biến lời dạy của Đức Phật. Họ đã viết một số cuốn sách về thiền và yoga và gìn giữ những bản Kinh cổ trong kho dữ liệu rộng lớn trên mạng internet.
 
Vào năm 2000, họ dẫn đầu bốn phật tử khác cùng tham dự khóa tu tại một trại chăn nuôi hẻo lánh không xa thung lũng nơi tổ chức khóa tu kỳ này mấy trong ba năm. Mỗi ngày, họ dậy vào lúc 3:30 sáng để thực hành thời thiền đầu tiên. Mỗi ngày gồm có bốn thời công phu và phải ngồi thiền trong nhiệt độ 120 độ F (48 độ C). Đôi  khi họ chỉ thoắt hiện từ lều của họ — và Roach có thể nhìn thấy họ trong sự  im lặng. Những người tham dự khóa tu tự bịt mắt họ để giúp họ duy trì trạng thái đơn độc.
 
Roach gần đây nói rằng, “Chúng tôi tin rằng mọi người chúng ta hiện đang đau khổ vì tất cả chúng ta đều có những tư tưởng tiêu cực như thế này quanh quẩn trong đầu chúng ta. Nếu bạn có thể tìm ra cách để ngừng nỗi đau của bạn, bạn có thể dạy cho người khác cách để ngừng  nỗi đau của họ.”
 
Những người tham gia vào khóa tu sống quá biệt lập đến nỗi không biết về vụ tấn công ngày 11/9 cho đến khi họ quay trở lại với thế giới bên ngoài 21 tháng sau đó. Roach nói, “Chúng tôi vẫn chưa xem phim về cảnh đó.”
 
Dự án không phải tiến hành mà không gặp rủi ro. Một thành viên bị rắn chuông cắn và được xe cứu thương đưa đến bệnh viện Tucson. Một người phụ nữ rời khóa tu chỉ sau một thời gian ngắn để về nhà chăm sóc cha mình đang hấp hối sau khi bà nhận được lá thư thông báo về tình trạng sức khỏe nguy ngập của cha mình. Việc bỏ về nhà của bà làm những người khác thất vọng, nhưng sau đó  bà ta quay trở lại và tu cho đến hết khóa và tiếp tục một khóa tu khác.
 
Roach và McNelly nói rằng họ tin rằng Khóa Tu Lớn đầu tiên này sẽ tạo ra một kết quả cụ thể: sự ra đời của trường đại học của họ nằm trong những căn hộ bụi bặm dưới cổng vào thung lũng. 

 
Hiện nay, hàng trăm sinh viên tụ tập về Diamond Mountain suốt năm, đóng góp để hổ trợ cho trường đại học và theo học những lớp như “Bản chất của sự toàn tri và sự thanh tịnh của ác nghiệp ”. Những lớp như vậy được dạy miễn phí, ở đây hiếm sự xa xỉ. Chỗ ở dành cho sinh viên gồm có những yurt, lều nhỏ hoặc những căn nhà di động đậu tại công viên bụi bặm trong khi côn trùng lao đến trên đầu và cái nắng lúc nào cũng thường trực.

  
Mặc dù điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt như thế, Bill McMichael, cư dân của Chicago luôn tranh thủ mọi cơ hội để đến Diamond Mountain, đôi khi đem theo cả con gái 7 tuổi và con trai 8 tuổi.  
 
Viên phi công , 42 tuổi,  làm việc cho một hãng hàng không Hoa Kỳ, nói rằng ông có dự định bỏ công việc của mình là lái chiếc DC-9s để tham dự khóa tu ba năm. Ông sẽ xa các con của ông rất lâu, chúng sẽ sống với vợ trước của ông. Bạn bè của ông sẽ đưa các ông tới thung lũng nơi khóa tu diễn ra để thăm ông hai hoặc ba lần một năm, nhưng Michael sẽ không được phép nói chuyện với chúng, họ chỉ giao tiếp với nhau qua cử chỉ, dáng điệu hoặc viết ra giấy.
 
Ông nói, “Bỏ mấy đứa nhỏ lại là phần việc khó khăn nhất.”
 
McMicheal đã cố gắng giải thích khóa tu theo cách mà con ông có thể hiểu, ông nói với chúng rằng ông sẽ trở thành một thiên thần và đến thiên đường và ông sẽ chỉ cho chúng cách để chúng có thể thành thiên thần nữa. Ông thấy một cơ hội hiếm hoi để truyền lại cho chúng cái  trí tuệ cổ xưa.  
 
Ông nói, “Tôi sẽ cho chúng một thứ mà cái chết không thể lấy đi.”
 
Người dịch: Supanna
Theo: Los Angles Times