Trang chủ Diễn đàn Từ thư viện HVPGVN tại TP.HCM, nghĩ về thư viện chùa

Từ thư viện HVPGVN tại TP.HCM, nghĩ về thư viện chùa

73

Từ loạt bài về tình trạng bi đát do quản lý thiếu trách nhiệm, yếu kém trình độ  không có ý thức lắng nghe của Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM, có ý kiến chuyển đến tôi cho rằng, bây giờ, trong thời buổi thông tin kỹ thuật số, sách báo điện tử, e-book đã rất phát triển, thì đưa ra yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM theo hình mẫu Thư viện Viện Đại học Vạn Hạnh trước đây là không thích hợp, nếu không muốn nói là lạc hậu so với thời đại kỹ thuật số, và dĩ nhiên là không nên thực hiện.

Nêu ý kiến như thế là không hiểu về lý luận thông tin thư viện học hiện đại. Những bước phát triển mới về xuất bản, phát hành, lưu trữ, phục vụ tham khảo sách, báo, tin bằng mạng internet chỉ bổ sung chức năng, hoạt động của thư viện, mà không hề đi tới việc xóa bỏ thư viện theo hình thức lưu trữ sách như một phương thức truyền thống.

Thực tế cho thấy, các thư viện lớn trên thế giới hiện nay vẫn hoạt động bình thường, chỉ bổ sung các hình thức lưu trữ tin, tìm tin, khai thác tin mới như lưu trữ băng dĩa kỹ thuật số, nối mạng internet…

Kho sách giấy dù là được số hóa, vẫn tồn tại và hoạt động song song với các phương thức phục vụ bằng kỹ thuật điện tử tin học.

Như vậy, theo như đề xuất của chúng tôi, để Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM có được vị trí tầm vóc như Thư viện Viện Đại học trước đây, thì chẳng những phải hoàn thiện kho sách báo bản giấy, tăng cường hoạt động sưu tập, khai thác, cổ động bạn đọc, mà còn phải tổ chức phương thức lưu trữ, khai thác tin bằng kỹ thuật số. Tức là phải nỗ lực đến 2 lần, điều mà tôi nghĩ rằng tầm tư duy của những vị có trách nhiệm đối với Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM sẽ khó mà với tới nổi.

Với mục tiêu muốn xây dựng hoàn thiện Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM nói riêng, cũng như các thư viện Phật giáo nói chung, dưới đây, chúng tôi xin trình bày đôi nét về lý luận thư viện kiểu mới.

Đúng ra, tổ chức hoạt động thư viện đã nhiều lần thay đổi, kể từ hoạt động của Thư viện Alexandria, một trong những thư viện đầu tiên trên thế giới. Cái lõi của thư viện là bộ sưu tập sách, báo tài liệu, đến nay vẫn không thay đổi. Cái thay đổi là phương thức phục vụ.

Cho đến thế kỷ XX, kho tài liệu thư viện vẫn được quan niệm là kho đóng, cách ly với bạn đọc. Nhưng đến giữa thế kỷ XX quan niệm kho mở đã xuất hiện và dần dần chiếm ưu thế.

Nếu với kho đóng, thư viện cần có nhiều người phục vụ. Chỉ những nhân viên phục vụ mới có thể vào tìm tài liệu trong kho. Trong hệ thống kho, còn có những kho riêng có độ cách ly cao với bạn đọc, tức chỉ có một số ít bạn đọc hạn chế được tiếp cận. Hình thức này ở Việt Nam trước đây có “phòng đọc khoa học” là một thư viện trong lòng thư viện.

Theo phương thức kho đóng, thư viện hiện đại phát triển theo hướng trang bị các máy móc hỗ trợ việc tìm kiếm và chuyển giao tài liệu phục vụ. Đó là băng chuyền sách, telelip, hệ thống chuyển phiếu yêu cầu… Thư viện Quốc gia tại Sài Gòn trước 1975 đã có những hệ thống được coi là hiện đại theo quan điểm lúc bấy giờ như thế.

Nhưng từ cuối thế kỷ XX, quan niệm về kho sách mở đã thay đổi hoạt động thư viện. Thư viện không còn 2 khu vực riêng biệt, mà phòng đọc được đặt ngay trong kho sách. Người đọc được tự mình tìm sách trên kho. Hệ thống băng chuyền, truyền tải phiếu yêu cầu từ hiện đại trở nên lạc hậu. Chúng ta có thể thấy hình thức kho mở ở Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM hiện nay.

Cái kiểu để sách trong tủ kính có khóa bao quanh phòng đọc của Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM như thế là… “không giống ai”. Kho mở không ra kho mở (vì sách dù đặt trong phòng đọc nhưng bạn đọc không thể tự tay lấy sách). Đó thực ra là một dạng kho đóng không đúng quy chuẩn. Trong phương thức kho mở kệ đặt sách có quy định kích thước, khoảng cách đặt giữa các kệ, sao cho vừa đặt được nhiều sách trong một không gian cụ thể, vừa tạo thuận lợi cho người đọc khi tìm sách, vừa dễ dàng lưu thông… Đặt sách trong tủ kính khóa lại chỉ thích hợp đối với tủ sách gia đình, còn ở thư viện thì rất nhà quê, dù bề ngoài trông có vẻ sang trọng.

Thư viện kho mở hiện nay phát triển song song với thư viện số hóa. Người sử dụng thư viện trước kia gọi là reader (người đọc), thì nay là người sử dụng tiện ích thư viện (user). Trong bài “Thư viện tổ chức không gian học tập thân thiện điểm đến yêu thích của mọi người”, tác giả Phan Thị Kim Dung, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, đăng trên Tạp chí Thư viện Việt Nam số 2 (46), 3-2014 thì hiện nay “nhiều thư viện trên thế giới còn là điểm dừng của các tour du lịch”. Khi đó, người đến thư viện được gọi là khách thăm (visitor) họ có thể không chỉ sử dụng tiện ích, đọc sách mà tham quan tìm hiểu sinh hoạt văn hóa, thư giãn, giải trí (trang 9, tạp chí đã dẫn). Thư viện khi đó còn  là một phòng triển lãm tư liệu đa dạng thường xuyên. Trung tâm thư viện không chỉ là phòng đọc (reading room) mà có thể là đại sảnh, khuôn viên vườn cây, nơi người đọc có thể đọc sách trong tiểu cảnh thiên nhiên hay hoa viên (quan điểm cũ cho rằng không nên có nhiều cây cối gần kho sách vì có côn trùng, có thể làm hại cho sách).

Với sự xuất hiện của kỹ thuật số, người ta nói đến thư viện không tường (library without walls) hay thư viện không nóc.

Quan niệm mới trong lý luận về thư viện học như vậy thích hợp với việc tổ chức thư viện nhà chùa. Đó là một không gian thu hút người đọc đến tìm hiểu giáo lý Phật giáo qua sách vở, tài liệu, các phương tiện lưu trữ khác. Thư viện nhà chùa không nên tổ chức kho đóng (dù đóng theo quy cách thư viện với kho biệt lập hay đóng bằng cách đặt tủ kính đựng sách trong phòng đọc rồi khóa lại). Hình thức kho mở có thể có nhiều dạng, loại kệ đứng như ở thư viện khoa học tổng hợp TPHCM, kệ bắt vào tường (không có cửa kính), kệ lùn nhiều dạng ở giữa phòng…

Nhân viên phục vụ trong thư viện kho mở có thể giảm thiểu tối đa. Với quan niệm đến thư viện có thể là visitor, thì không cần làm thẻ. Làm thẻ là để kiểm soát bạn đọc, còn đối với thư viện nhà chùa, yêu cầu này không quá nghiêm nhặt, có thể loại bỏ để đơn giản hóa thủ tục, giảm gánh nặng nhân sự. Không gian đọc thư viện nhà chùa không chỉ là reading room, mà còn có thể là vườn chùa, hành lang quanh kiến trúc chùa. Cốt sao cho người đọc thật thoải mái, có không gian thân thiện, dễ chịu đọc sách báo Phật giáo. Còn nhà chùa thì giảm giánh nặng nhân sự chỉ cần 1-2 người trông coi. Nếu cần bảo quản một số sách đặc biệt quý thì lập một kho riêng, giám sát cẩn thận, nhưng vẫn là kho mở, bạn đọc có thể vào kho, phòng đọc nằm ngay trong kho.

Hiện nay, hầu hết thư viện chùa đều làm theo kiểu Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM, tức là kho đóng bằng tủ sách cửa kiếng có khóa đặt ngay trong phòng đọc.

Theo tôi, chỉ nên dùng tủ kính để lưu trữ một số sách đặc biệt quý hiếm, hay như một dạng trang trí. Còn phần lớn sách phục vụ nên chuyển ra kệ mở, thậm chí kệ có bánh xe đẩy, có thể đưa ra hành lang. Không gian đọc sách Phật được tổ chức một cách tiện nghi nhất,  mời gọi người sử dụng, thay vì kho sách đóng, cẩn mật, trang nghiêm mà ít người sử dụng.

Trước kia, người ta thường đánh giá thư viện bằng quy mô kho sưu tập tài liệu, số lượng sách báo. Ngày nay, tuy cách đánh giá đó vẫn còn, nhưng thêm vào là số lượng người đến thư viện (gồm reader, user và visitor). Một thư viện tuy có sách ít hơn nhưng phục vụ nhiều lượt người vẫn được đánh giá cao. Vì vậy, nhà chùa, chỉ vài ngàn cuốn sách, vài kệ xe đẩy, vài bộ bàn ghế, một căn phòng hay chỉ là một hành lang, là đã hình thành thư viện. Như thế vẫn còn hơn là có nhiều sách, nhưng đóng gói để dưới hầm như Thư viện Học viện PGVN tại TPHCM?

MT

Thông tin riêng: [email protected] hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh