Trang chủ PGVN Nhân vật Tường thuận Tang lễ Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt...

Tường thuận Tang lễ Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam- Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận

147

Thế là không còn nữa một vì sao Bắc đẩu, một ánh trăng rằm vằng vặc. Vũ trụ như ngưng đọng, không gian như trống vắng.


 


5 giờ 30 phút, Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội trực tiếp truyền đi tin buồn bằng điện thoại cho Văn phòng 2, Tổ đình Vĩnh Nghiêm (TP.Hồ Chí Minh), Chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo hai Hội đồng và Ban Trị sự các tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước.


 


Cũng qua điện thoại, Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã báo tin buồn này cho quý vị lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo chính phủ và các cơ quan chức năng tại thủ đô Hà Nội.


 


Riêng Văn phòng thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội thì báo tin cho toàn thể Tăng, Ni, Phật tử các quận, huyện nội, ngoại thành và phân công luân phiên tụng niệm bên kim thân Đức Pháp chủ.


 


Chiều ngày 23/12/1993, Chư vị Hoà thượng, Thượng tọa, Đại Đức trong Văn phòng 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trực tiếp lên thỉnh thị ý kiến Hoà thượng Thích Trí Tịnh, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc thành lập Ban Lễ tang và tổ chức Tang lễ Đức Pháp chủ. Hoà thượng Chủ tịch đã chỉ dạy các vấn đề liên hệ đến Tang lễ, đồng thời chỉ định một phái đoàn gồm: Hoà thượng Thích Hiển Pháp, Thượng toạ Thích Giác Toàn, Thượng toạ Thích Thiện Tánh ra Hà Nội trước để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Hoà thượng Chủ tịch về Tang lễ và kết hợp với Văn phòng I tổ chức Lễ tang.


 


3 giờ chiều, chư tôn Hoà thượng, chư Thượng tọa, Đại Đức Tăng, Ni, vốn là pháp tử, giới tử của Đức Pháp chủ hiện đang hành đạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng họp ở Tổ đình Vĩnh Nghiêm để thành lập phái đoàn và thống nhất ngày giờ ra Hà Nội thọ tang Đức Pháp chủ.


 


7 giờ tối, tại trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chư vị giáo phẩm thường trực Văn phòng 1 và Tùng Lâm Quán Sứ cũng như đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ họp để bàn bạc sơ bộ về việc tổ chức Lễ tang Đức Pháp chủ. Buổi họp đặt dưới sự chủ toạ của Hoà thượng Thích Tâm Thông, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Buổi họp đều nhất trí phải chờ ý kiến chỉ đạo của Hoà thượng Chủ tịch mới có thể tiến hành lễ nhập liệm và di quan.


 


Một ngày đã đi qua, sương đêm đã phủ kín đất Hà Thành, tại Tổ đình Hoè Nhai, chư tôn Hoà thượng, chư Thượng tọa, Đại đức, Tăng, Ni, Phật tử lui tới nhiều hơn ngày thường nhưng những bước chân nghe sao nặng nề và khuôn mặt thật buồn bã. Thật vậy, đây là đêm đầu tiên họ hoàn toàn cảm thấy bơ vơ khi bậc Tôn sư đã vĩnh viễn giã từ cõi mộng. Cũng từ đây, Thiền thất vẫn còn đó nhưng tìm đâu thấy hình bóng của hành giả đang tham cứu những câu thoại đầu, công án vi diệu.


 


Ngày 24/12/1993


 


Buổi sáng nay, chư vị Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng, ni trong sơn môn Tổ đình chùa Đồng Đắc cũng như Ban Trị sự của tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Ninh Bình đã ra đến chùa Hoè Nhai để sửa soạn công việc tổ chức Tang lễ. Lúc này, chùa Quảng Bá, Hoè Nhai và các chùa khác đều khẩn trương sửa soạn phòng xá để đón chư vị Tôn túc trong Sơn môn về dự lễ.


 


1 giờ chiều, phái đoàn Tổ đình Vĩnh Nghiêm gồm các vị: Hoà thượng, Thích Trí Dũng, Hoà thượng Thích Thanh Kiểm, Hoà thượng Thích Tuệ Đăng, Hoà thượng Thích Thanh Minh, Hoà thượng Thích Đức Nghiệp, Đại đức Thích Thanh Ngọc, Ni sư Thích Nữ Tịnh Bích, Ni sư Thích Nữ Tịnh Nguyện, Ni sư Thích Nữ Khiết Minh,… đều là giới tử của Đức Ngài đã có mặt tại chùa Hoè Nhai.


 


Ngay sau khi thọ trai, Thượng Toạ Thích Thanh Khánh, Trưởng tử của Đức Pháp chủ cung thỉnh chư tôn túc trong Sơn môn họp tại chùa Hoè Nhai vào lúc 3 giờ chiều. Cuộc họp đặt dưới sự chủ tọa của Hoà thượng Thích Trí Dũng, Pháp đệ của Đức Pháp chủ, cùng với hơn 50 vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng, Ni trong Sơn môn, pháp quyến. Cuộc họp đã nhất trí kiến nghị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc sớm tổ chức lễ nhập kim thân Đức Pháp chủ để đáp ứng sự mong mỏi của Tăng, Ni, Phật tử trong và ngoài nước.


 


5 giờ chiều, đại diện sơn môn cùng họp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ tại chùa Quán Sứ để thông qua 3 văn kiện chính, gửi các báo, đài Trung ương cũng như địa phương để kịp đưa tin. Ba văn kiện được thông qua trong cuộc họp này là:


– Cáo phó


– Tiểu sử Đức Pháp chủ


– Ban Lễ tang


Trên cáo phó chỉ ghi ngày giờ lễ viếng chính thức (30/12/1993) và lễ di quan (31/12/1993), không ghi ngày giờ nhập liệm. Vì, cho đến lúc đó, Văn phòng Trung ương Giáo hội vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Hoà thượng Chủ tịch, trong khi đó, trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 1, khoá 2 dự định sẽ khai giảng vào ngày 29/12/1993.


 


7 giờ tối, phái đoàn Văn phòng 2 ra đến chùa Quán Sứ. Đoàn gặp Thượng toạ Thích Thanh Tứ, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 1 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Hoà thượng Chủ tịch về ngày giờ và cách thức tiến hành Tang lễ.


 


7 giờ 23 phút, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin: Cáo phó, tiểu sử, ban Lễ tang Đức Pháp chủ. Dường như giờ này, toàn thể Phật tử cũng như đồng bào trên cả nước mới chính thức biết được sự mất mát vô cùng to lớn. Vì Đức Pháp chủ không chỉ là vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà còn là người thầy gương mẫu của tăng tín đồ Phật giáo, người đệ tử trung thành với những di huấn tối hậu của Đức Phật, là người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.


 


Thế là một ngày vắng vẻ nữa lại âm thầm trôi qua. Lúc này, trời vào đông, tiết trời giá lạnh, chư Tăng, Ni, Phật tử thủ đô Hà Nội vẫn thay phiên nhau tụng kinh, niệm Phật tại chùa Hoè Nhai cũng như bên kim thân Đức Ngài.


 


Ngày 25/12/1993


6 giờ sáng, Đài Tiếng nói Việt Nam phát thanh bản tin cáo phó, tiểu sử và ban Lễ tang Đức Pháp chủ. Một lần nữa, tin về sự ra đi của Ngài lại được thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng, làm cho người con Phật càng đau thắt lòng. Vì dường như đó là sự tái xác nhận rằng: Sự viên tịch của Đức Pháp chủ là một mất mát to lớn đối với Phật giáo cũng như dân tộc Việt Nam.


 


Sáng hôm ấy, trên các tờ báo Trung ương và địa phương như: Nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng,… đều đăng chân dung Đức Pháp chủ cùng với cáo phó, tiểu sử, ban Lễ tang. Từ giờ phút ấy, chuông điện thoại tại Văn phòng Trung ương Giáo hội (chùa Quán Sứ) đổ liên hồi. Cũng chiếc điện thoại ấy nhưng tiếng chuông hôm nay nghe sao bàng hoàng, thổn thức. Ban Trị sự các tỉnh, thành hội Phật giáo cũng như các Ban, Ngành, Đoàn thể, hội đoàn, cá nhân, gọi về để muốn biết ngày giờ nhập liệm. Dù sao, họ cũng muốn được tận mắt diện kiến tôn dung của Ngài một lần cuối để được hồi tưởng những bước chân du hoá và những lời dạy vàng ngọc của Ngài lúc sinh tiền.


 


8 giờ sáng, cuộc họp chính thức được tổ chức tại chùa Quán Sứ dưới sự chủ toạ của Hoà thượng Thích Tâm Tịch, Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng với sự tham dự của chư vị giáo phẩm Văn phòng 1, Đại diện Văn phòng 2, Ban Tôn giáo chính phủ và toàn thể Sơn môn pháp quyến. Cuộc họp đã hình thành Ban Tổ chức Tang lễ do Hoà thượng Kim Cương Tử làm Trưởng ban, với 5 vị Phó Ban và 21 tiểu ban. Cuộc họp đã đáp ứng được sự mong mỏi của Tăng, Ni, Phật tử là: Tổ chức lễ nhập kim thân Đức Pháp chủ vào lúc 8 giờ sáng ngày 26/12/1993. Cuộc họp còn quy định: Ban Tổ chức Tang lễ họp vào lúc 3 giờ chiều mỗi ngày để kiểm điểm công việc trong ngày qua và giải quyết những vấn đề phát sinh.


 


Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, các vị có trách nhiệm, nhất là tiểu ban trang trí liền bắt tay vào công việc sửa soạn, trang trí giảng đường chùa Quán Sứ để làm hội trường tôn trí kim quan và di ảnh Đức Pháp chủ.


 


Trước cổng Tam quan chùa Quán Sứ, Ban tổ chức treo tấm biểu ngữ bằng vải vàng, với hàng chữ lớn màu trắng: “Toàn thể Tăng, Ni, Phật tử vô cùng kính tiếc Đức Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”. Xung quanh khuôn viên chùa được trang trí bằng các lá phan, phướn. Lá cờ ngũ sắc lớn được treo trước cổng chùa. Giảng đường, nơi 12 năm trước (1981), đã diễn ra Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam và lễ suy tôn Đức Pháp chủ, thì hôm nay, toàn thể Tăng, Ni, Phật tử ngậm ngùi trần thiết bàn hương án và kim quan của Đức Ngài để tưởng niệm và đảnh lễ Giác linh Ngài lần cuối.


 


Trên bức tường sau cùng được phủ toàn bộ bằng vải vàng làm nền, ở giữa là lá cờ Phật giáo. Chân dung Đức Pháp chủ được đặt bên trên lá cờ và hai bên là bốn chữ: “THIÊN GIA THẠCH TRỤ”. Kim quan của Ngài được đặt trên sập gụ cao. Trước kim quan là bàn thờ di ảnh Ngài, về phía trước là bàn thờ Đức Phật Di Đà tiếp dẫn. Bên trên bàn thờ Đức Phật Di Đà là tấm biểu ngữ mang bốn chữ: “CỨU KÍNH NIẾT BÀN”.


 


3 giờ chiều, Hoà thượng Thích Trí Dũng cùng một số vị trong sơn môn vào bệnh viện Hữu Nghị Việt – Xô ngỏ lời cám ơn Ban Giám đốc cũng như toàn thể quý vị Bác sĩ, Y sĩ đã tận tình chữa trị trong thời gian Ngài lâm bệnh. Đại diện sơn môn cùng quý vị Y, Bác sĩ đã thay pháp phục của Đức Pháp chủ và cùng bàn việc ngày mai đưa kim thân Ngài về Hội trường chùa Quán Sứ để cử hành lễ nhập quan.


 


7 giờ tối, Ban kinh sư miền Nam do Hoà thượng Thích Nhật Thiện (chùa Định Thành) và Thượng toạ Thích Minh Phát (chùa Ấn Quang) hướng dẫn gồm hơn 10 vị, kể cả ban nhạc, cũng đã ra đến chùa Quán Sứ. Do khát ngưỡng ân đức của Đức Pháp chủ nên Ban kinh sư miền Nam phát tâm ra thọ tang và cử hành nghi lễ theo nghi thức Nam Bộ.


 


Ngày 26/12/1993


 


Lễ nhập liệm


Hôm ấy là ngày chủ nhật. Không có một thông báo chính thức nào được truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng Phật tử tự bảo nhau từ sáng sớm đã tập trung về chùa Quán Sứ dự lễ rất đông.


 


Từ 7 giờ sáng, Đại diện Văn phòng Trung ương Giáo hội cùng toàn thể Sơn môn pháp quyến vào bệnh viện Hữu nghị Việt- Xô để cung đón kim thân Ngài về chùa Quán Sứ cử hành lễ nhập liệm. Lúc ấy, toàn thể Y, Bác sĩ- những người có nhân duyên được chữa trị Đức Pháp chủ thời gian qua- đã đứng bên cạnh kim thân Ngài từ sáng sớm. Sau khi cử hành lễ, kim thân Ngài được Chư vị Tôn túc đại diện Giáo hội, Sơn môn Pháp quyến và tập thể Y, Bác sĩ bệnh viện cung thỉnh về chùa Quán Sứ.


 


Đúng 8 giờ lễ nhập quan được chính thức cử hành. Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh của Hoà thượng Thích Tâm Tịch, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Sau lễ nhập quan là lễ thọ tang. Lần lượt, chư tôn Hoà thượng, chư Thượng toạ, Đại Đức Tăng, Ni trong hai Hội đồng Trung ương Giáo hội thọ tang trước, sau đó, các pháp tử, giới tử, thân quyến, Phật tử thọ tang.


 


12 giờ trưa, Hoà thượng Thích Trung Quân, pháp tử của Đức Pháp chủ (hiện trụ trì chùa Hoa Nghiêm- Pháp quốc) hướng dẫn chư Tăng, Ni, Phật tử của hai chùa Hoa Nghiêm (Pháp) và Bàng Long (Lào) về đến chùa Quán Sứ. Ngay khi về đến chùa, Hoà thượng Thích Trung Quân đã hướng dẫn các đệ tử hành lễ thọ tang và tưởng niệm ân đức cao dầy của nghiệp sư đã tác thành giới thân tuệ mạng cho Hoà thượng và hậu tấn.


 


3 giờ chiều, Ban Tổ chức Tang lễ họp và ra thông báo gửi Ban Trị sự các tỉnh thành trên toàn quốc, đề nghị tổ chức lễ truy tiến Đức Pháp chủ cùng ngày giờ với lễ Truy tiến được tổ chức tại Trụ sở Trung ương Giáo hội – thủ đô Hà Nội (vào ngày 31/12/1993).


 


Ban Tổ chức bắt đầu nhận được điện tín của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Ban Trị sự Phật giáo, Tăng, Ni, Phật tử các tỉnh, thành gửi về phân ưu.


 


5 giờ chiều, phái đoàn đại diện cho Ban Trị sự thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh do Thượng toạ Thích Tịnh Hạnh dẫn đầu đã về đến chùa Quán Sứ để cùng tham gia tổ chức Tang lễ.


 


Theo sự phân công của Ban Nghi lễ, ngày 26, 27 và 28 toàn bộ nghi lễ do Ban kinh sư miền Bắc đảm trách. Các ngày 29, 30 do Ban nghi Lễ miền Nam và Tỉnh Thừa Thiên – Huế phụ trách.


 


Ngay sau lễ nhập quan, phái đoàn Tăng, Ni, Phật tử các chùa nội, ngoại thành phố Hà Nội lần lượt đến đảnh lễ thọ tang và kính viếng Giác linh Đức Pháp chủ. Vì số lượng phái đoàn đến quá đông lên mỗi đoàn vào cung kính đảnh lễ 3 lạy rồi đi nhiễu quanh kim quan của Ngài.


 


Ngày 27/12/1993


 


Một số Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam – Đà Nẵng đã ra đến Hà Nội bằng xe hơi. Ban Tổ chức đã bố trí đoàn nghỉ ở Nhà khách.


 


2 giờ chiều, Sư cô Thích Nữ Chân Đức, đệ tử Hoà Thượng Thích Tâm Châu (nguyên là học đồ Đức Pháp Chủ, hiện đang hành đạo ở Canada về đến chùa Quán Sứ, thay mặt Hoà thượng nghiệp sư thọ tang và đảnh lễ Đức Pháp Chủ.


 


Các phái đoàn tiếp tục phúng viếng. Mỗi ngày Ban Tổ chức tiếp trên 70 đoàn. Có những người không phải là Phật tử, cũng chưa từng được diện kiến Ngài nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng biết được công đức của Ngài đóng góp cho Đạo pháp, dựng xây dân tộc, nên đã đến để chiêm ngưỡng chân dung của Ngài. Đoàn người cứ nối nhau nhiều quanh kim quan như bất tận.


 


Ngày 28/12/1993


Các phái đoàn tiếp tục phúng viếng. Thư, điện tín, fax phân ưu liên tục được gửi đến Ban Tổ chức Tang lễ. Chỉ riêng ngày 28/12, Ban tổ chức đã nhận được hơn 20 bức điện tín.


 


7 giờ tối, Ban nghi lễ miền Bắc tổ chức đàn Lục cúng ngay trước Linh đài Đức Pháp chủ. Lễ kéo dài tới 10 giờ đêm. Sau đó, chư Tăng, Ni, Phật tử tiếp tục luân phiên tụng niệm.


 


Ngày 29/12/1993


Hôm nay, nghi lễ do Ban kinh sư miền Nam đảm trách. 9 giờ sáng lễ cúng Phật, 10 giờ tiến Giác linh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đồng bào Phật tử Thủ đô có dịp nghe âm nhạc, nghi lễ của đồng bào Nam bộ, những người ở tận miền đất cuối cùng của Tổ quốc.


 


11 giờ, Hoà thượng Thích Tâm Thông, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG VN cùng đại diện Sơn môn Pháp quyến ra sân ga Hà Nội đón phái đoàn Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế do Hoà Thượng Thích Thiện Siêu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG VN dẫn đầu cùng với hơn 10 vị Hoà thượng, Thượng toạ trong Ban Trị sự.


 


6 giờ tối, đại diện Văn phòng Trung ương GHPG VN và Sơn môn Pháp quyến ra sân bay Nội Bài cung đón chư vị Tôn túc giáo phẩm trong Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự do Hoà thượng Thích Trí Tịnh làm trưởng đoàn. Ngay khi Đoàn về đến Chùa Quán Sứ, Hoà thượng Chủ tịch đã làm việc với các vị trong Ban tổ chức để chuẩn bị cho Lễ viếng chính thức sẽ được cử hành vào ngày hôm sau.


 


7 giờ tối, Ban kinh sư miền Nam cử hành lễ chẩn tế do Thượng toạ Thích Minh Phát làm sám chủ. Lễ được tổ chức ngay trước chánh điện chùa Quán Sứ. Phật tử thập phương dự lễ đông kín cả sân chùa. Nghi lễ, âm nhạc miền Nam nghe nhẹ nhàng, trang nghiêm. Điều đó in sâu trong tâm trí những ai được tham dự buổi lễ.


 


Ngày 30/12/1993


 


Lễ viếng chính thức


 


7 giờ sáng: Phái đoàn Hội đồng Chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN do Hoà thượng Thích Trí Tịnh làm trưởng đoàn đã hành lễ thọ tang và đảnh lễ Đức Pháp chủ. Bức trướng của hai Hội đồng kính viếng mang dòng chữ “NHÂN THIÊN PHỔ ẤM” (che khắp trời, người).


 


Sau khi đảnh lễ Đức Pháp chủ, nhiều quanh kim quan, ghi sổ tang xong, chư vị Tôn túc trong Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự đứng hầu hai bên kim quan Đức Ngài để cung đón các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước kính viếng.


 


Đúng 8 giờ, Cụ Đỗ Mười – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đến trước linh đài Đức Pháp chủ thắp nhang tưởng niệm vị cao tăng đã trọn đời phục vụ Đạo pháp và Dân tộc.


 


Tiếp theo sau là lễ viếng của các vị: Cụ Phạm Văn Đồng – Cố Vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, cụ Lê Đức Anh – Chủ Tịch nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, cụ Võ Văn Kiệt – Thủ tướng Chính phủ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Ông Nông Đức Mạnh – Chủ tịch Quốc hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Ông Vũ Oanh – Uỷ viên Bộ Chính trị, ông Phạm Thế Duyệt – Bí thư Thành uỷ Hà Nội, bà Trương Mỹ Hoa – Bí thư Trung ương Đảng. Sau đó là các Ban, Ngành, Đoàn thể, Hội đoàn đến phúng viếng như: Đại sứ Thái Lan, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Uỷ ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, Toà Tổng Giám mục Hà Nội, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Thánh thất Cao Đài Thủ đô, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nam Hà, các Ban, Ngành, Trường Cao cấp Phật học, Viện Nghiên cứu Phật học trực thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành… có hơn 70 đoàn đến phúng viếng ngày hôm ấy.


 


Cụ Võ Chí Công – Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng đã gửi vòng hoa kính viếng.


 


10 giờ, Lễ tiến linh do Ban Kinh sư tỉnh Thừa Thiên – Huế phụ trách, với Hoà thượng Thích Đức Phương làm chủ sám. Âm nhạc tỉnh Thừa Thiên Huế có âm hưởng Thiền vị nhẹ nhàng nhưng quý phái do sự hài hoà giữa âm nhạc Phật giáo và cung đình Huế.


 


3 giờ chiều, Ban Kinh sư miền Nam do Hoà Thượng Thích Nhật Thiện làm Sám chủ cử hành lễ phụng di ảnh Đức Pháp chủ về Tổ đình chùa Hoè Nhai triều Tổ. Hai bên đường từ chùa Quán Sứ về chùa Hoè Nhai, dường như được thông báo trước, đông đảo nhân dân và Phật tử đứng trang nghiêm hai bên, đợi chờ xe rước di ảnh Ngài đi qua để được cúi đầu đảnh lễ và được diện kiến chân dung của Ngài.


 


6 giờ tối, Ban Kinh sư tỉnh Thừa Thiên – Huế cử hành khoá lễ Sơ dạ trước Linh đài Đức Pháp chủ.


 


Thế là, chư Tăng, Ni, Phật tử Thủ đô có dịp chứng kiến nghi lễ Phật giáo của 3 miền – điều chưa từng diễn ra trên dải đất Việt Nam thân yêu này.


 


7 giờ tối, Ban Nghi lễ miền Bắc tổ chức đàn Mông Sơn trước Chánh điện chùa Quán Sứ. Bên ngoài, Phật tử đến thật đông để dự lễ Mông Sơn. Bên trong, nơi tôn trí kim quan Đức Pháp chủ, từng dòng người nối tiếp nhau đi nhiễu quanh, chắp tay, cúi đầu tưởng niệm một vị chân tu đạo cao đức trọng mà tên tuổi, công đức của Ngài đã bao trùm thiên hạ.


 


Ngày 31/12/1993


Lễ di quan


Từ 6 giờ sáng, tuy trời còn sương lạnh, các Phật tử tập trung đông đủ tại chùa Quán Sứ, đưa các vòng hoa tươi và phan, phướn ra trước cửa chùa và dọc theo đường Lý Thường Kiệt. Đoàn rước vòng hoa và phan phướn dài hơn 1km.


 


Đúng 9 giờ, Lễ di quan Đức Pháp chủ được cử hành trọng thể tại trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cùng lúc ấy, lễ truy tiến được tổ chức tại các tỉnh, thành hội Phật giáo trên cả nước.


 


Lễ truy tiến tại chùa Quán Sứ được đặt dưới sự cứng minh của Hoà thượng Thích Trí Tịnh, Phó Pháp chủ kiêm Giám Luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN cùng hàng vạn Tăng, Ni, Phật tử. Về phía Đảng và chính quyền, có các vị đại diện Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban Nhân dân, Ban tôn giáo Thành phố Hà Nội, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Bình, tỉnh Nam Hà.


 


Sau phần giới thiệu chương trình và thành phần tham dự, Hoà thượng Thích Minh Châu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự trung ương GHPGVN tuyên đọc tiểu sử Đức Pháp chủ. Kế đến, Hoà thượng Thích Thiện Siêu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN tuyên đọc Điếu văn của Trung ương Giáo hội. Hoà thượng Thích Đức Nghiệp, trụ trì chùa Giác Minh – Thành phố Hồ Chí Minh, giới tử của Đức Pháp chủ, thay mặt chư Tăng, Ni, Phật tử Tổ đình Vĩnh Nghiêm đọc bài Truy niệm. Hoà Thượng Kim Cương Tử, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN kiêm Trưởng ban tổ chức Tang lễ đọc lời cảm tạ.


 


Kế đến, chư Tôn Hoà thượng trong Hội đồng Chứng minh niêm hương và Hoà Thượng Thích Thuận Đức, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội, tuyên Pháp ngữ, chính thức cử hành lễ di quan.


 


Hoà thượng Thích Trí Dũng thỉnh bát nhang đi đầu. Tiếp theo, Hoà thượng Thích Tuệ Đăng rước Ca sa của Ngài. Hoà thượng Thích Trung Quán và Thượng toạ Thích Thanh Khánh rước di ảnh của Ngài.


Thứ tự của đoàn rước:


– Long Đình Phật


– Phướn Phật


– Hoa tươi


– Trướng, đối


– Chư Tôn Hoà thượng, Thượng toạ trong Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự.


– Ban kinh sư:


+ Đệ nhất chấp lệnh: Hoà thượng Thích Đức Phương (Thừa Thiên – Huế)


+ Sám chủ: Hoà thượng Thích Thuận Đức (miền Bắc).


+ Đệ nhị chấp lệnh: Hoà thượng Thích Nhật Thiện (miền Nam)


– Bát nhang – Y bát


– Di ảnh Đức Pháp chủ


– Chư tăng


– Khách chính quyền


– Kim quan


– Sơn môn, Pháp quyến


– Phật tử


 


Đoàn rước đi bộ dài hơn 4km. Trên đoạn đường dài khoảng 10 cây số từ chùa Quán Sứ đến chùa Quảng Bá (Nơi tôn trí Bảo tháp của Ngài), đông đảo Phật tử và nhân dân đứng trang nghiêm hai bên đường để được thấy quang cảnh hùng vĩ của đoàn rước, để được đê đầu đảnh lễ Ngài lần cuối.


 


Đến chùa Quảng Bá, sau phần nghi lễ, 40 anh em trong đội phục vụ mai táng thành phố với y phục và khăn tang màu vàng đã đưa kim quan Ngài vào lòng Bảo tháp. Chư tôn Hoà thượng, chư Thượng toạ trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, tán hoa vĩnh biệt.


 


Thế là từ nay, Giáo hội vĩnh viễn mất đi một bậc lãnh đạo tinh thần tối cao; Tăng, Ni, Phật tử không còn được nghe những lời giáo huấn vàng ngọc của bậc Đạo sư tôn kính.


 


Ngày 1/1/1994


8 giờ sáng, Thượng toạ Thích Thanh Tứ, đại diện Văn phòng Trung ương Giáo hội cùng quý vị trong Sơn môn Pháp quyến và ban kinh sư Miền Nam chủ trì nghi lễ cung thỉnh di ảnh Đức Pháp chủ về Tổ đình Đồng Đắc ở Ninh Bình nơi Ngài sơ tâm và hoằng Đạo hơn 50 năm.


 


Đến địa phận tỉnh Ninh Bình, Cầu giáng Khuất, đoàn được Ông Bùi Xướng, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình và đại diện Ban Tôn Giáo Tỉnh Ninh Bình đón (từ sáng sớm) dâng hương lễ Đức Pháp chủ và hướng dẫn đoàn rước di ảnh Ngài về chùa Đồng Đắc. Nghĩa cử ấy làm đoàn hết sức cảm động.


 


Đến địa phận huyện Kim Sơn (ngã ba Quy Hậu), Đoàn lại được Ông chủ tịch UBMTTQ Huyện Kim Sơn cùng quý vị trong Hội đồng Nhân dân, UBND huyện cung đón, dâng hương trước di ảnh Đức Pháp Chủ và tiếp tục hướng dẫn đoàn rước di ảnh về chùa Đồng Đắc


 


Khi về đến địa phận xã Đồng Hướng, cả đoàn xuống xe, cùng với nhân dân địa phương (đã chờ từ sáng sớm) rước di ảnh Ngài bằng kiệu, phan, phướn trên đoạn đường dài hơn 3km.


 


Về đến Tổ đình, chính quyền xã, huyện, tỉnh cùng với quý vị linh mục Nhà thờ Đá Phát Diệm thắp nhang tưởng niệm một bậc tu hành đạo cao đức trọng đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoà hợp dân tộc.


 


Lễ rước di ảnh đã kết thúc, khói nhang trên bàn hương án Ngài vẫn quyện toả ngào ngạt, ngỡ như chân thân của Ngài vẫn hiển hiện cùng hồn thiêng sông núi, đức độ của Ngài đang toả sáng để dẫn dắt Tăng, Ni, Phật tử trên con đường tìm về bến giác.


 


Hà Nội, Quý Đông Quý Dậu


Giác Dũng


kính ghi