Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Vai trò hoằng pháp của báo chí Phật giáo

Vai trò hoằng pháp của báo chí Phật giáo

90

HT-Thich-Giac-Toan-r.gifHT. Thích Giác Toàn – Phó Tổng biên tập báo Giác Ngộ: Tờ báo thể hiện sự điềm đạm và bình dị


Ngay sau khi đất nước thống nhất, báo Giác Ngô (GN) đã có mặt, với vai trò là tiếng nói của Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước TP.HCM. Vào năm 1981, khi Giáo hội được thành lập, báo GN được chuyển giao cho THPG TP.HCM, trở thành tiếng nói của Phật giáo TP.HCM. Năm 1996, GN chuyển từ bán nguyệt san thành tuần báo và ra mắt nguyệt san GN với mục đích đi sâu nghiên cứu giáo lý theo hướng chuyên đề.


Thực ra, mỗi tờ báo đều có bổn phận và vai trò riêng của mình đối với quần chúng. Với tư cách là một tờ báo đặc thù tôn giáo, GN luôn tìm cách để trở thành một món ăn tinh thần mang hương vị đạo pháp đối với bạn đọc mọi giới.


Ngay từ đầu, GN luôn giữ vững lập trường gắn bó với các hoạt động của Giáo hội tại TP.HCM cũng như cả nước. Do vậy, tiêu chí bài viết được thể hiện trên tuần báo là làm sao chuyển tải được các nếp sinh hoạt của Giáo hội, Tăng Ni và Phật tử.


Bên cạnh đó, tuần báo cũng đăng tải nhiều bài viết về Phật học và những bài viết biểu hiện nét văn hóa nghệ thuật Phật giáo. Đặc biệt, mỗi kỳ, tuần báo GN đều có bài giảng của HT Tổng Biên tập hoặc chư tôn đức trong Ban Hoằng pháp Trung ương. Các bài viết này được đón nhận nồng nhiệt và duy trì đều đặn trong một thời gian dài cho đến ngày hôm nay.


Riêng nguyệt san GN, với tính chất là một phụ trang nghiên cứu, đã đăng tải những bài viết có tính chuyên sâu hơn. Ban Biên tập còn mở những chương trình Phật học hàm thụ, được tổ chức theo hình thức đào tạo từ xa, thu hút khá đông đảo bạn đọc tham gia học Phật, tạo nên những hiệu ứng tích cực.


Tính hoằng pháp nói chung bao giờ cũng thể hiện thông qua ba khía cạnh: thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Các bài viết của GN luôn cố gắng để đạt được khía cạnh ý giáo. Theo đánh giá chung, nội dung mà GN thực hiện chưa đạt sự tươi nhuận, song cũng có một cung cách riêng. Đó là các bài viết thể hiện sự điềm đạm, bình dị, phù hợp với những độc giả bình dân, thích sự ổn định. Đây rõ ràng là món ăn tình thần không thể thiếu đối với Tăng Ni, Phật tử khắp mọi nơi.


Với bề dày hình thành và phát triển như thế, GN đã có nhiều kỷ niệm đong đầy từ tình cảm của bạn đọc. Riêng tôi, điều đáng nhớ hơn cả có lẽ là bài viết giải thích về “Mười điềm lành tối thượng” vào thập niên 90. Lúc đó cộng đồng quốc tế vẫn còn nhiều thành kiến với GN, nhưng một trường đại học của Mỹ đã trích toàn bộ bài giảng này và đưa vào chương trình giảng dạy về Phật học thời Lý – Trần.


TT-Thich-Gia-Quang-r.gifTT. Thích Gia Quang – Phó Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Phật học: Vui mừng vì độc giả luôn theo dõi sự phát triển của mình


 Tạp chí Nghiên Cứu Phật Học (NCPH) ra mắt độc giả vào năm 1990, được ấn hành với hình thức nội san. Đến năm 1998, nội san được nâng cấp thành tạp chí, ra 2 tháng 1 kỳ, mỗi số in 2.000 bản. Mặc dầu gặp không ít khó khăn, nhiều lúc tưởng đã phải đình bản, nhưng nhờ ơn chư Phật, các khó khăn đó đều đã được vượt qua và tạp chí ngày càng phát triển.


Vì là tạp chí chuyên ngành Phật học, nên đối tượng mà tạp chí hướng đến là Tăng Ni, Phật tử, các nhà chuyên môn, các nhà nghiên cứu, rộng hơn là quảng đại quần chúng. Hiện nay, tạp chí NCPH giữ vai trò chủ yếu trên phương diện truyền bá giáo lý, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, tự bản thân, chúng tôi cho rằng, đến nay, tạp chí vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của độc giả nói riêng và yêu cầu hoằng pháp nói chung.


Để phát triển, nâng cao vai trò hoằng pháp của tạp chí, trước mắt chúng tôi sẽ củng cố và phát triển nhân sự, bao gồm cả Ban Trị sự, Ban Biên tập và các cộng tác viên; chuyên nghiệp hóa Ban Biên tập, các Ban chuyên môn và khâu phát hành. Làm sao để chất lượng lẫn số lượng tin bài được nâng cao, đẩy mạnh, làm phong phú nội dung nghiên cứu, tiến tới ra mỗi tháng một kỳ và mỗi số có lượng ấn bản nhiều hơn.


Tại các cuộc họp thường niên của HĐTS phía Bắc, tôi đã nhiều lần đề cập đến phương án phát hành tạp chí NCPH theo ngành dọc, như là báo chí chính thống, nhất thiết phải có ở các tự viện. Tuy nhiên vẫn còn có các ý kiến khác nhau nên phương án này chưa đạt được kết quả như ý muốn. Dù vậy, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kiên trì đề nghị.


Tham gia quản lý và làm biên tập tạp chí nhiều năm, chúng tôi đã nhận được không ít thư từ góp ý của độc giả và cộng tác viên khắp nơi. Khen có, chê có. Thấy phù hợp thì khen, không phù hợp thì chê. Xét đại lược thì khen nhiều hơn chê. Dĩ nhiên, đối với chúng tôi, khen cũng quý hóa mà chê cũng quý hóa.


Nhìn chung, độc giả đều biểu hiện sự vui mừng khi được biết đến và là bạn đồng hành với tạp chí. Nhiều độc giả cho rằng, tạp chí đã đăng tải nhiều bài viết sâu sắc mà dễ hiểu, không khô cứng, không rườm rà. Một số độc giả đề nghị tạp chí không nhất thiết phải đăng quá nhiều các bài nghiên cứu sâu rộng, nặng tính học thuật, mà cần đa dạng hóa các bài viết để đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả…


Một khi nhận được nhiều phản hồi như thế, chúng tôi phần nào đạt được mục đích đề ra ban đầu và cảm thấy vui mừng vì độc giả luôn theo dõi sự phát triển của mình. Âu đó cũng là hoằng pháp vậy


DD-Thich-Nhat-Tu-r.gifĐĐ. Thích Nhật Từ – Chủ biên website Đạo Phật ngày nay: Đạo Phật ngày nay là một giảng đường đa chiều


Từ năm 1994, khi còn ở Ấn Độ – một nước nổi tiếng sản xuất phần mềm – những lần bước chân ra ngoài, tiếp cận với các dịch vụ Internet, tôi luôn cảm thấy thật hứng khởi, ước mơ làm sao để thể hiện tư tưởng Phật giáo trên không gian ao.


Nhờ có một vài người hỗ trợ, đến ngày 22-2-2000, trang nhà Đạo Phật Ngày Nay (ĐPNN) chính thức xuất hiện trên “cộng đồng siêu xa lộ thông tin”. Ngay từ khi mới ra đời, ĐPNN được sự đón nhận rất nồng nhiệt của độc giả, vì đây là trang web Phật giáo đầu tiên trong cộng đồng người Việt được thực hiện bằng song ngữ.


Trong những ngày đầu thực hiện trang web, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Do tôi ở ký túc xá nên mọi điều kiện để duy trì một trang web dường như không tưởng. Nhà trường không chấp nhận sinh viên sử dụng Internet cá nhân, các cơ sở Internet công cộng thì đường truyền quá chậm. Nhưng với lòng đam mê và tình cảm của độc giả khắp nơi, đặc biệt là bài viết cộng tác rất nhiều nên tôi đã dành trọn thời gian của mình cho trang báo. Qua đó, chúng tôi cũng cảm nhận được sức bật rất lớn của ĐPNN trên phương diện hoằng pháp, đặc biệt đối với những người muốn nghiên cứu bằng song ngữ.


Dưới góc độ hoằng pháp, chúng ta dễ dàng nhìn thấy, ĐPNN như là một giảng đường đa chiều, nơi mà các bài thuyết giảng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Mức độ khảo cứu không bị giới hạn trong không gian và thơi gian như các giảng đường chính thống. Độc giả có thể xem đi, đọc lại, có thể hạ tải xuống máy cá nhân, có thể nghiền ngẫm suy tư, có thể in ra thành những trang văn bản.


Song song đó, trong vòng 2 năm trở lại đây, ĐPNN có một chi nhánh phụ đó là Tủ sách Phật học (www.tusachphathoc.com). Trang này chủ yếu truyền tải giáo lý dưới dạng âm thanh hóa Đại tạng kinh và các bài pháp thoại, góp phần chia sẻ số lượng người truy cập nhằm giảm tải cho ĐPNN, đồng thời cũng đã phong phú hóa các phương tiện chuyển tải giáo lý Phật giáo.


Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế, song xét trên bình diện chung, ĐPNN vẫn giữ được vai trò và sự đóng góp của mình trong việc truyền bá những tư tưởng vĩ đại của Đức Phật. Chúng tôi đang lập kế hoạch để mời Tăng Ni sinh viên Học viện tham gia cộng tác bán thời gian. Đây có lẽ là lực lượng có khả năng giúp tạo ra một hướng đi vững chắc cho ĐPNN trong tương lai gần.


Cu-si-tran-Tuan-Man-r.gifCư sĩ Trần Tuấn Mẫn -Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo: Truyền bá giáo lý Đức Phật thông qua con đường Văn hóa


Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo (VHPG) có tiền thân là Tập Văn của Ban Văn hóa Trung ương GHPG Việt Nam. Khi tiến hành thực hiện Tập Văn , chúng tôi đã gặp rất nhiều trở ngại. Hàng năm, Tập Văn chỉ ra được 3 số, mỗi lần ấn hành lại phải xin phép với các thủ tục nhiêu khê. Thực hiện một tập văn tốn kém nhiều thời gian và công sức song lại không thể phổ biến rộng thì thật lãng phí.


Trong khi đó, quần chúng Phật tử, đặc biệt là giới trí thức, sinh viên rất cần một món ăn tinh thần thiên về văn hóa Phật giáo. Chúng tôi nghĩ, để đáp ứng đươc những nhu cầu đó, đồng thời để cho giáo lý Phật giáo được truyền tải, cần phải có một tạp chí vững mạnh. Đó chính là động lực lớn nhất để chúng tôi xin phép ra mắt tạp chí VHPG.


Vì là “văn hóa Phật giáo” nên mục đích và tôn chỉ của tạp chí là thông qua con đường văn hóa để truyền bá giáo lý của Đức Phật vào đời sống của mỗi người dân. Do vậy, tính hoằng pháp của VHPG được thể hiện thông qua hai khía cạnh: khơi dậy nếp sống văn hóa của quần chúng, xã hội phù hợp với Phật giáo; và, chuyển tải nội dung giáo lý một cách nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Do đó, làm văn hóa Phật giáo cũng chính là hoằng pháp và ngược lại.


Trong thời gian gần đây, chúng tôi cố gắng tạo ra rất nhiều sự kiện song song với công tác báo chí. Các sự kiện được tổ chức đều gắn kết hoặc tôn vinh một khía cạnh giá trị văn hóa Phật giáo nào đó. Điều này đã mang lại kết quả khá khả quan, bằng chứng là đã thu hút đông đảo quần chúng Phật tham dự và để lại những ấn tượng khá sâu sắc.


Ngày nay, giới trẻ tìm đến với VHPG ngày càng tăng, đa số là sinh viên các trường đại học. Phần còn lại là người già trí thức, người về hưu và các học giả. Họ thật sự là những độc giả rất kén chọn. VHPG phần nào đã đáp ứng được sự mong đợi về việc lãnh hội tư tưởng Phật giáo của lực lượng này. Một khi độc giả thông suốt được những gì mà chúng tôi muốn chuyển tải thì VHPG đã hoàn thành sứ mạng hoằng pháp của mình. Và thực tế này đang diễn ra.


Cu-si-Ta-Nam-Tran-r.gifCư sĩ Tạ NAM TRÂN (Thiện Thông)  – Chủ biên Nội san Vô Ưu:


Ngày 5-8-1998, nhân mùa Vu lan Báo hiếu PL.2542, nội san Vô Ưu (NSVƯ) số đầu tiên đã ra mắt bạn đọc.


Hướng đến đối tượng độc giả là quần chúng Phật tử Tây Nguyên vốn khác nhau về dân tộc, ngôn ngữ, trình độ cũng như phong tục, tập quán,… do vậy, tiêu chí bài viết của NSVƯ là phải thật rõ ràng dễ hiểu; phần giáo lý và các pháp môn tu tập cũng được chọn lọc ở trình độ trung cấp Phật học để bạn đọc dễ tiếp thu và hành trì.


Điều đó có nghĩa là chúng tôi đưa Phật pháp đến với Phật tử Tây Nguyên bằng con đường “giáo lý ứng dụng”, dĩ nhiên bên cạnh đó cũng có một số bài viết sâu hơn nhằm phục vụ cho các đối tượng nghiên cứu. Một tiêu chí nữa mà NSVƯ vẫn trung thành trong 10 năm qua là “Phật giáo đi vào đời sống xã hội”, để mọi người cảm nhận và tự mình làm thăng hoa đạo đức, văn hóa Phật giáo trong nếp sống thường nhật, tự thân được an lạc, gia đình hạnh phúc và xã hội lành mạnh.


Trong 7 năm đầu, NSVƯ xuất bản 3 kỳ/năm vào các dịp Phật đản, Vu lan và Thành đạo. Từ năm thứ 8 trở đi tăng lên 4 kỳ/năm (vào dịp lễ vía Quán Thế Âm 19-9 ÂL). NSVƯ ngày một phong phú, đặc sắc hơn với sự góp mặt của chư vị thiện trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh, đặc biệt nhiều Tăng Ni trẻ có học vị trong và ngoài nước cũng đã cộng tác thường xuyên với Vô Ưu.


Hiện nay, do ngân sách của BTS hạn chế nên chúng tôi phải tự lực hoàn toàn về kinh phí in ấn, trong khi đó, giá cả luôn biến động nên thu không đủ bù chi. Hơn nữa, hầu hết các anh em cư sĩ trong BBT đều phải chăm lo cuộc sống gia đình và công tác xã hội, nên làm báo chỉ mang tình công quả, không lương bổng hay thù lao gì. Dù vậy, anh em vẫn động viên nhau cố gắng vượt qua để duy trì tờ báo, nhằm đáp lại lòng tin yêu của Tăng Ni, Phật tử và bạn đọc gần xa.


Tran-Trong-Hoang-r.gifTrần Trọng Hoàng – Quản trị website Phật tử Việt Nam (http://www.phattuvietnam.net/): PTVN ra đời nhằm bảo vệ và xiển dương Phật Pháp


Website Phật Tử Việt Nam (PTVN) ra đời vào mùa Phật đản PL.2550 (12-5-2006). Đến nay, website đã có gần 400.000 lượt độc giả truy cập, mỗi ngày khoảng 2.500 lượt, xếp hạng thứ 84.908 (theo Alexa.com). 80% độc giả của PTVN đến từ Hoa Kỳ, 7% đến từ Việt Nam, còn lại đến từ các nước và vùng lãnh thổ khác.


Là một trang tin khởi đầu với một nhóm tác giả khu vực phía Bắc với mục đích hộ pháp, chúng tôi cũng đã hướng website PTVN như là một kênh hoằng pháp. Hai mục đích này tác động qua lại, tương hỗ lẫn nhau và dùng thể hiện vai trò của một website Phật giáo. Dù không chuyên về hoằng pháp theo những bài thuyết giảng cụ thể, nhưng việc hoằng pháp qua website đã và đang được thể hiện qua ba hướng chính sau đây:


Thứ nhất, trang web giới thiệu những nét đẹp lịch sử, văn hóa của Phật giáo Việt Nam, qua đó moi người, nhất là giới trẻ và đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc có dịp nhìn sâu về Phật giáo nước nhà để có thêm sự tự hào, đến và trở về với tôn giáo truyền thống của ông bà, tổ tiên.


Thứ hai, trang web đã đăng tải những bài viết gắn gọn, nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu về những ứng dụng Phật giáo trong đời sống xã hội để độc giả, nhất là những người mới hoặc lần đầu đến với đạo Phật có thể áp dụng, tu tập.


Thứ ba, trang web tạo sân chơi trực tuyến cho độc giả (chủ yếu diễn đàn), nhất là đối với thanh niên, từ đó hội tụ, liên kết mọi người, thúc đẩy phong trào tu học Phật pháp, đồng thời khuyến khích độc giả thực hiện vai trò hoằng pháp của bản thân.


Chúng tôi cho rằng website là một kênh hoằng pháp rất hữu ích trong thời đại ngày nay trên hai góc độ: (1) Số người dùng Internet tăng lên rất nhanh chóng, trong đó chủ yếu là giới trẻ, giới trí thức và nhân viên văn phòng; (2) Website có thể tạo ra một môi trường hoằng pháp đa phương tiện (văn bản, âm thanh, hình ảnh), tương tác (diễn đàn mở, lớp học trực tuyến).


Từ ngày trang tin PTVN ra đời, chúng tôi nhận được rất nhiều email của độc giả trong va ngoài nước đánh giá cao. Riêng bản thân tôi, có một kỷ niệm khiến tôi không khỏi xúc động: một đồng nghiệp là Đảng viên trẻ trong phòng nơi tôi làm việc, khi biết tôi có tham gia một trang web Phật giáo, anh ta tò mò vào xem và tâm sự với tôi là không ngờ trang web có nhiều bài viết hữu ích đến vậy. Anh ta đã in ra nhiều bài viết cho gia đình đọc và ứng dụng. Anh cũng nói nhờ trang web mà anh đã có một cách nhìn hoàn toàn mới về Phât giáo.