Trang chủ Văn hóa Văn hoá phi vật thể phật giáo ở chùa Việt – Quan...

Văn hoá phi vật thể phật giáo ở chùa Việt – Quan Âm Bồ Tát và Thích Ca sơ sinh

83

Đạo Phật là một cấu thành quan trọng của văn hoá dân tộc Việt Nam. Chùa Việt là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hoá phi vật thể như đã được Luật di sản văn hoá quy định. Trong thời gian và không gian cái phi vật thể đó dần dà đã được biểu tượng hoá thành những vật thể, như chùa tháp, các pho tượng trong thần điện, các câu kinh câu kệ, lối sống, nếp sống, trang phục, lễ hội, ẩm thực, v.v… Cho nên tìm hiểu các biểu tượng đó (cái phi vật thể đã được biểu tượng hoá) về mặt tâm thức Phật đạo là một phương cách cần thiết để hiểu biết sâu hơn về văn hoá Phật giáo của người Việt nói chung và trong chùa Việt nói riêng.


 


Trong các biểu tượng đó, cái hằng thường đập vào mắt và tâm trí con người trực tiếp nhất là các loại tượng phật. Thần điện Phật giáo ở các chùa Việt là sự dung hợp của đạo Phật, đạo Lão, đạo Bà la môn và tín ngưỡng dân gian. Ở đây xin đề cập trước hết đến các loại tượng Phật giáo, còn tượng các tôn giáo khác sẽ xin bàn đến một dịp khác.


 


Trong hệ tượng Phật giáo ở chùa thì phổ biến nhất, ngoài các tượng Tam Thế, A Di Đà, Phật Thích Ca, Di Lặc, là tượng Quan Âm và Phật sơ sinh. Hai loại tượng này tạo nên một đặc trưng đậm nét của di sản văn hoá phi vật thể của chùa Việt. Hầu như không có chùa nào là không có tượng Quan Âm. Và, tượng Phật sơ sinh ở chùa Việt được thể hiện hoàn toàn khác với các tượng đồng loại ở các nước Phật giáo khác.


 


Quan Âm có xuất xứ từ Avalokitesvara Ấn Độ, có nghĩa là Đấng (Thiên Tôn) nhìn xuống trần gian (do ishvara chữ Phạn có nghĩa là Đấng) hoặc là Đấng (Thiên Tôn) nghe được lời ca thán của trần gian (do svara chữ Phạn là âm thanh). Đạo Phật lấy hình tượng Avalokitesvara làm biểu tượng của Từ Bi (xót thương các khổ nạn của chúng sinh mà ra sức cứu độ chúng sinh).


 


Thư tịch Trung Quốc cho biết việc tín ngưỡng phụng thờ Quan Âm đã có từ thời Lưỡng Tấn (265-420 sau CN), phát triển mạnh thời Nam-Bắc triều (420-589) và tương truyền là đã có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở Ngũ Đài Sơn vào thời Ngũ Đại (907-960). Rồi sau đó Phổ Đà Sơn (1 đảo trong quần đảo Châu Sơn, Trung Quốc) trở thành Đạo tràng thuyết pháp của Quan Âm Bồ Tát và phát triển thành một trong tứ đại danh sơn Phật giáo Trung Quốc, cùng với Ngũ Đài Sơn (Đạo tràng của Bồ Tát Văn Thù), Nga My Sơn (Đạo tràng của Bồ Tát Phổ Hiền), Cửu Hoa Sơn (Đạo tràng của Bồ Tát Địa Tạng) (1).


 


Ở Trung Quốc, cho đến đầu thời Tống, Quan Âm vẫn được miêu tả là nam giới (hình tượng Quan Âm trong động Đôn Hoàng, thời Đường, vẫn được thể hiện có râu mép). Từ thời Tống trở về sau, hình tượng Quan Âm mang “dáng vẻ của một nữ sĩ Trung Quốc cổ đại” (Nghiệp Lộ Hoa, sđd) và loại tượng này được phổ biến rất rộng rãi. Từ thời Đường (thế kỷ 7 trở đi), dưới ảnh hưởng của Mật Tông, việc lễ bái thờ phụng Quan Âm được kết hợp với một số mật chú (đà la ni) làm nảy sinh ra hệ Lục Quan Âm gồm Thánh Quan Âm, Thiên Thủ Quan Âm, Mã Đầu Quan Âm, Thập Nhất Điện Quan Âm, Chuẩn Đề Quan Âm và Như Ý Luân Quan Âm (Nghiệp Lộ Hoa, sđd).


 


Ở miền Bắc Việt Nam pho tượng Quan Âm sớm nhất được biết đến hiện nay là pho Quan Âm Nam Hải ở chùa Cung Kiệm (Hưng Phúc Tự, Bắc Ninh) có niên đại 1449. (Tuy rằng từ thời Lý đã có nhắc tới tượng Quan Âm, song không còn di vật để lại). Rồi từ đó cho đến thế kỷ XIX nhiều tượng Quan Âm tiêu biểu khác được phát hiện ở nhiều chùa miền Bắc, được gọi là Quan  Âm Nam Hải (còn gọi là Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn hoặc Quan Âm Chuẩn đề), như ở chùa Phẩm (Động Ngọ, Hải Dương, 1582), chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Tây), chùa Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội), chùa Thượng Trưng (Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú) đều có niên đại vào thế kỷ XVI…, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Tam Sơn (Bắc Ninh) vào thế kỷ XVII, chùa Mễ Sở (Hưng Yên), chùa Tây Phương (Hà Tây) vào thế kỷ XVIII… hoặc là Quan Âm Toạ Sơn, như ở chùa Đại Trà (Hải Phòng) thế kỷ XVI, chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh), chùa Tam Sơn (Bắc Ninh) vào thế kỷ XVII, chùa Đa Tốn (Hà Nội) vào thế kỷ XVII, chùa Cả, chùa Nhạ Phú, chùa Dương Liễu (Hà Tây) vào thế kỷ XIX. Và, một dạng rất đặc biệt là Quan Âm Tống Tử mà dân gian quen gọi là Quan Âm Thị Kính, ở chùa Tây Phương và các chùa khác thuộc thế kỷ XVIII (2). Quan Âm Tống Tử hoà nhập với Quan Âm Thị Kính lại là một sáng tạo độc đáo nữa của văn hoá Phật giáo Việt.


 


Từ thế kỷ XVII trở đi, Quan Âm còn xuât hiện trong bộ Di Đà Tam Tôn (A Di Đà, Quan Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát) như ở chùa Thầy, chùa Bắc Lãm (Hà Tây) vào thế kỷ XVII, chùa Tây Phương (Hà Tây), chùa Phúc Khánh (Hà Nội) vào thế kỷ XVIII, và phổ biến trong các chùa thế kỷ XIX(3).


 


Như vậy các tượng Quan Âm riêng lẻ xuất hiện ở Việt Nam đều thuộc hệ Lục Quan Âm của Mật tông. Thánh Quan Âm là tổng hoà của Lục Quan Âm, biểu thị những đặc trưng riêng phân biệt với các Bồ Tát khác, như ngồi kiết già phu toạ tay cầm hoa sen hoặc tịnh bình, và chủ yếu là có hình tượng A Di Đà trên bảo quan. Hầu hết các tượng Quan Âm Bồ Tát ở chùa Việt đều có những đặc trưng này, Thiên Thủ Quan Âm và Chuẩn Đề Quan Âm thì như vừa trình bày trên. Thập Nhất Diện Quan Âm như thấy ở chùa Bút Tháp. Còn Mã Đầu Quan Âm, theo kinh Phật, là Quan Âm đội đầu ngựa trắng, có xuất xứ từ thần Tỳ Thấp Nô (Visnu) trong Ấn Độ giáo (Mình người đầu ngựa là một hoá thân của Visnu), pho Quan Âm Toạ Sơn có con ngựa trắng bên cạnh ở chùa Vang (Hà Tây) là để thể hiện Mã Đầu Quan Âm (?)


 


Như Ý Luân Quan Âm ở Trung Quốc thường được thể hiện ở tư thế ngồi một chân xếp bằng, một chân gập gối chống lên hay duỗi thẳng xuống, một tay cầm bảo châu một tay chống xuống án minh sơn có nghĩa là làm cho lòng tin của chúng sinh không dao động. Pho tượng Quan Âm Toạ Sơn ở chùa Tam Sơn có dáng dấp tương tự. Ở đây, tay Quan Âm không cầm bảo châu mà là do một nam nhân ở bên cạnh dâng lên.


 


Đáng chú ý trong các loại tượng Quan Âm Bồ Tát ở chùa Việt là Quan Âm Chuẩn Đề. Chuẩn đề vẫn được hiểu là một pháp ấn (mudra) được thể hiện bằng hai bàn tay chắp vào nhau đưa lên trước ngực, 2 ngón tay giữa dựng thẳng (tạo thành mũi nhọn của vajra – kim cương), các ngón còn lại đan vào nhau và quặp xuống, 2 ngón cái hoặc chắp dính vào nhau hoặc đan chéo nhau và gập lại. Thực ra Chuẩn đề có nghĩa là Tịnh Khiết, tượng quan Âm Chuẩn Đề ở Trung Quốc cũng không thấy pháp ấn này (xem Nghiệp Lộ Hoa, sdđ).


 


Pháp ấn này gọi là Uttarabodhi, có nghĩa là Tối thượng Bồ đề (Uttara, rốt cùng, tối thượng; bodhi, bồ đề), và là biểu hiện đặc trưng của Vairocana (Đại Nhật Như Lai, vị thần chủ của Ngũ Đại Phật và cũng là của Mật Tông). Pháp ấn này chỉ mới thấy xuất hiện ở pho Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Bối Khê (thế kỷ XVI), chùa Tam Sơn (thế kỷ XVII) chùa Mễ Sở, chùa Tây Phương (thế kỷ XIX). Pháp ấn này thường đi đôi với câu chú: Om Ma Ni Pad Me Hum, là một câu chú quan trọng nhất của Mặt Tông (4).


 


Nói hơi dông dài về các pho tượng Quan Âm là chỉ muốn nhấn mạnh đến một đặc trưng của các tượng Quan Âm trong chùa Việt là thuộc về hệ Mật Tông. Chủ nhân tạo tác các pho tượng này ắt hẳn cũng đã thấm đượm một tâm thức Mật Tông và muốn truyền đạt tâm thức đó qua tác phẩm của mình cho các tín đồ phật tử đến lễ chùa. Hơn thế chúng ta hẳn cũng cần thấu hiểu tâm thức đó để có ý thức và phương án giữ gìn bảo vệ thoả đáng cái di sản phi vật thể đó trong ý nghĩa văn hoá đích thực của nó.


 


Nếu như hệ tượng Quan Âm Bồ Tát ở chùa Việt là một biểu hiện độc đáo của văn hoá vật thể Phật giáo Việt, không thấy có ở những nước Phật giáo trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma vốn theo Theravada không tôn thờ Quan Âm, thì hệ tượng Phật sơ sinh ở chùa Việt cũng là một đặc thù trong thần điện Phật giáo Việt.


 


Hầu như ai cũng biết chuyện kể về buổi ra đời của Đức Phật. Tương truyền hoàng hậu Maya khi “trở dạ”, tay vịn vào cây vô ưu mà sinh ra Đức Phật. Người vừa sinh ra liền có 9 con rồng phun nước thơm xuống để tắm cho Phật, hai vị thiên đế là Đế Thích và Phạm Thiên và các thiên thần tiên nữ đến dâng hoa ca múa chào mừng. Vừa xuất hiện trên trần thế, người liền bước đi 7 bước, dưới chân mỗi bước nở ra một bông sen. Rồi đưa tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất mà nói: Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn. Có những cách hiểu khác nhau về câu nói này, xin sẽ bàn đến vào dịp khác. Ở đây xin nói đến cách thể hiện Đức Phật lúc mới hạ thế (sơ sinh).


 


Tất cả các nước theo Phật giáo khi thể hiện Thích Ca sơ sinh đều dựng lên hình tượng một em bé mình trần mặc váy ngắn (hoặc khố) hoặc khoác áo chùng, chân đang bước dẫm lên bông sen nở, một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất. Ở Chùa Việt, trong buổi đầu thế kỷ XVI Thích Ca sơ sinh cũng được thể  hiện mộc mạc như vậy, thậm chí em bé còn để truồng nữa (chùa Hưng Long, thế kỷ XVI), nhưng cũng ngay sau đó, tượng Thích Ca sơ sinh được thể  hiện trang trọng hơn với đủ 9 con rồng phun nước, Đế thích và Phạm Thiên và các thiên thần tiên nữ đến dâng hoa ca múa chào mừng, lấy cây vô ưu làm bối cảnh, y như huyền thoại kể lại (chùa Keo, thế kỷ XVII). Và từ đó loại tượng này được gọi là Toà Cửu Long. Tên gọi (Toà) đã nói lên lòng tín ngưỡng của con người. Song điều đáng lưu ý ở đây là 9 con rồng phun nước. Có thể suy nghĩ được chăng, đó là thể hiện lòng cầu mong của người làm ruộng được mưa thuận gió hoà để bước vào một vụ mùa phong đăng hoà cốc. Phật ra đời vào tháng tư (5), là kỳ nắng hạn thiếu nước cho ruộng đồng. Phật ra đời là một Đấng Cứu tinh. Phật sẽ đem lại mưa móc cho ruộng đồng, cây cỏ ở hạ giới. Các Thiên Vương (Đế Thích, Phạm Thiên) tuân mệnh. Các thiên long thực hiện. Chư thiên đều vui mừng, con người đều sung sướng. Nhìn như vậy có lẽ sẽ hiểu được tỏ tường hơn giá trị phi vật thể của loại tượng này. Và, cũng trong mạch đó, đặt các hệ tượng Phật giáo ở chùa Việt trong tâm thức của người dân nông nghiệp và nhất là trong cuộc sống xã hội và diễn trình lịch sử mà họ đã trải qua các thời kỳ để tìm hiểu thì chắc chắn sẽ biết được tỏ tường hơn giá trị phi vật thể, cũng là ý nghĩa văn hoá, của các hệ tượng đó.


 


Xét cho cùng thì cái lõi của mọi tín ngưỡng, tôn giáo đều nằm trong cái TÂM hướng về cái THIÊNG của con người. Đạo Phật cũng không ở ngoài phạm trù đó. Cái tâm là có khác nhau giữa mỗi con người, mỗi tộc người, mỗi dân tộc, dẫn đến những cách thể hiện khác nhau trong tín ngưỡng, tôn giáo, song lại gặp nhau trong cái thiêng của cuộc sống của mỗi con người và của xã hội. Tìm hiểu giá trị phi vật thể của văn hoá Phật giáo qua các hệ tượng, không chỉ tượng Phật giáo mà cả các hệ tượng của các tín ngưỡng, tôn giáo khác, trong chùa Việt là một cách tiếp cận hữu ích để tỏ tường hơn về bản sắc văn hoá dân tộc vậy.


 


______________________________


Chú thích:


1- Xem Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ, Trung Quốc Phật giáo  Đồ tượng giảng thuyết Nxb.TP Hồ Chí Minh. 2001.


2- Xem Chu Quang Trứ, Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc, Nxb Mỹ Thuật, 2001.


3- Xem Trần Lâm Biền, Chùa Việt, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1996.


4- The Shambtala Dictionary of Buddhism and Zen, Sham bhala, Boston, 1991.


5- Hồi xưa ở miền Bắc có Tết Mưa Dông vào tháng 4. Mưa Dông đến là ngày tết của người làm ruộng, cùng trong mạch này mà có ngày giỗ Tổ Hùng Vương (nhân vật huyền thoại) vào 10 tháng 3, Hội Gióng vào 8 tháng 4. Ngày nay lễ hội Chon chnam Thmây ở Campuchia, Buôn Huôt Nậm ở Lào, những lễ hội lớn trong năm vào dịp chuyển mùa để cầu mưa cũng diễn ra vào dịp đó. Người viết bài này đã có dịp sang Ấn Độ, gặp các vị cao tăng Ấn hỏi có tư liệu cụ thể gì về ngày sinh của Đức Phật (tháng 4) thì chỉ được trả lời là vào mùa hoa soài nở (tháng 4) báo hiệu một mùa mưa sắp đến, và cũng được cho biết là bộ tộc Sakya của Đức Phật ở Kathmandu (Nêpan) vốn là dân nông nghiệp.