Trang chủ Văn học Truyện Vào đời

Vào đời

110

Nhìn khung cảnh bến xe, tự dưng Từ Huệ nhớ chi lạ những ngày tháng mới đi tu. Ngày từ giã gia đình Huệ anh hùng cứng rắn  bao nhiêu thì ngay ngày đầu tiên bước chân vô chùa, Huệ thấy mình yếu đuối bấy nhiêu. Đó là lần đầu tiên Huệ mới biết thế nào là nhớ nhà, nhớ quặn thắt cả ruột, nhớ nôn nao cả lòng, đôi mắt lúc nào cũng có sẵn hai dòng nước chực trào ra. Cái trạng thái đó hành hạ Huệ gần nữa tháng trời, Huệ tưởng chừng mình không thể tu được, nhưng rồi những bài kinh, những bài giáo lý, những thời khoá … đã làm cho Huệ nguôi ngoai dần. Sau này, khi đã quen đường Thành phố, mỗi khi bất chợt nhớ nhà, Từ Huệ lén thầy chạy xe đạp ra bến xe, nhìn chiếc xe chạy về nhà mình một hồi cho đỡ nhớ rồi chạy về. Mới đó mà đã hơn mười năm, cô bé khóc nhè ngày nào bây giờ dám cải lời thầy, một mình đi theo chí nguyện của mình.


_ Cô ơi, mua bánh mì đi cô, bánh nóng ngon lắm, mua về quê làm quà đi cô.


Tiếng rao của một cậu bé làm cắt đứt  dòng tư tưởng của Huệ. Huệ cúi xuống nhìn cậu bé ốm tong đang đội sọt bánh cao ngất.


_ Lựa cho cô mười ổ, nhớ lựa cho ngon nha.


Cậu bé cười thật tươi, bỏ sọt bánh xuống, hai tay thoăn thoắt lựa mười ổ bánh bỏ vào bịch trao cho Huệ, bánh còn nóng hổi, mùi bơ thơm lừng.


_ Em thối tiền cho cô nè.
_ Thôi cô cho em luôn đó.
_ Em cám ơn cô, chúc cô thượng lộ bình an.
_ Cô chúc em bán được nhiều bánh.



Cậu bé lại cười, tiếp tục rao bán. Xe đã đầy khách và bắt đầu lăn bánh. Thành phố  xa dần qua khung cửa sổ. Từ Huệ chẳng biết mình đang buồn hay đang vui, cô cứ dán mắt ra ngoài cửa sổ nhìn vạn vật vụt qua theo vận tốc của xe. Trong khoảnh khắc ấy, dòng ký ức trổi dậy.


Hồi còn ở nhà, học từ cấp hai lên cấp ba, Huệ là một cô học trò năng nổ trong công tác đoàn đội. Huệ nuôi ước mơ vào đại học,  được tham gia mọi hoạt động sôi nổi của một sinh viên, được làm cô giáo tình nguyện về vùng sâu vùng xa dạy học. Nhưng sau một thời gian đi chùa, Huệ quyết định đi tu trước sự ngạc nhiên của mọi người. Suốt mười mấy năm qua, Huệ đã vận dụng sự hoạt bát năng nổ, tinh thần phục vụ mọi người vào cuộc sống tu học của mình một cách tích cực. Hình ảnh những sinh viên, những bạn trẻ tham giavào những hoạt động xã hội, xoa dịu những nổi đau, nâng đỡ, đem lại niền vui, đem lại tri thức cho những mãnh đời bất hạnh, góp phần làm đẹp cuộc đời, vẫn luôn làm Huệ xúc động, lòng Huệ luôn ấp ủ một ước mơ. Trong một bài văn với tựa đề, định hướng và ước mơ sau khi tôt nghiệp Cơ bản Phật học, Huệ đã viết … “Nếu có điều kiện sẽ tếp tục theo học những lớp Pật học cao hơn để bổ sung kiến thức, đồng thời trang bị thêm những phương diện mang tính hành chính để sau này làm được nhiều công tác phật sự. Học xong chương trình Phật học sẽ có thời gian chuyên tu, ôn lại kiến thức. Sau cùng sẽ xin về vùng sâu, vùng xa phục vụ, đem ánh sáng Phật pháp đến với những người dân lam lũ nhưng chất phát, đầy tình người” …


Thời gian trôi qua thật nhanh, hai năm Sơ cấp, bốn năm Cơ bản, rồi bốn năm Cao cấp cũng trôi qua. Cầm mảnh bằng cử nhân trong tay, Huệ vừa vui vừa phân vân bao nỗi. Đi du học như các bạn thì Huệ không chọn, không phải không có khả năng, điều kiện mà taị Huệ không muốn. Vì từ thực tế của những anh chị đi trước cho Huệ thấy, đi du học bao nhiêu năm, tốn biết bao thời gian và tiền bạc của tín thí, nhưng kết quả thì ??? Còn ở chùa theo lời thầy dạy ư, Huệ cũng chưa quyết định. Chùa Huệ ở tại Thành phố thuộc tỉnh vừa là trường Cơ bản Phật học nội trú của ni giới. Tương lai, bổn phận và trách nhiệm đang chờ đợi Hụê. Mỗi lần về thăm thầy, thầy đều bảo : “Rán học cho giỏi rồi về phụ trường nghe con, về làm giáo thọ, giảng sư chứ không phải đơn giản đâu, làm thầy mọi người mà đền trả bốn ơn. Chùa chiền trường lớp thầy xây dựng đầy đủ rồi, sau này giao hết cho mấy con, thầy già rồi, quý sư cô cũng lớn tuổi rồi, đâu làm nổi nữa”. Lời thầy dạy chẳng có gì sai, hơn nữa, đó còn là những điều kiện tốt mà nhiều tăng ni sinh sau khi tốt nghiệp các lớp Phật học mong ước, mong ước có một nơi để đem kiến thức, tài năng và lòng nhiệt huyết của mình ra phục vụ. Thế nhưng Huệ lại không thích, với Huệ, làm Phật sự không nhất thiết phải ở tại một nơi cố định, dù đó là chùa mình mà phải tuỳ duyên, là nơi cần mình, là nơi mình có thể phát huy được những khả năng của mình, đem lại nhiều kết quả tốt cho mình và người. Nhiều lúc nói chuyện với thầy, Huệ cũng “mí mí” cái quan điểm của mình. Huệ muốn thầy hiểu mình để sau này lỡ có xảy ra chuyện gì thầy không buồn trách. Thầy hiểu hay không thì Huệ không biết, nhưng ý thầy không muốn Huệ đi đâu cả. Vì so với những huynh đệ cùng trang lứa, Huệ sâu sắc, nhanh nhẹn hơn, siêng tu siêng học hơn, nên thầy thương  và đặt nhiều niềm tin ở Huệ. Huệ thì lại muốn thầy xem mình như bao huynh đệ khác và không muốn có sự ràng buộc. Cuối cùng Huệ đã làm theo ý định của mình.


Kì nghỉ hè năm thư ba của lớp Cao cấp, Huệ theo Diệu Tâm, cô bạn học chung lớp về tuốt xã Hoà Hưng, một xã vùng kinh tế mới thuộctỉnh Vũng Tàu. Tâm dẫn Huệ đến thăm chùa Từ Vân, một ngôi chùa không lớn lắm nhưng có đủ chánh điện, nhà tổ, giảng đường, nhà ở, nhà bếp… nằm trong một khuôn viên khá rộng. Phía trước  có vườn cây cảnh và cây Bồ đề toả bóng mát, phía sau là vườn điều xanh tốt và một số cây mít, xoài, mận … gần sau bếp  còn có vườn rau nhỏ với đủ loại rau cải, có cả giàn mướp thật dễ thương. Với khu vườn khá rộng làm cho chùa cách biệt với mọi sinh hoạt của dân chúng xung quanh. Tất cả khung cảnh trước mắt thật sự thu hút Huệ, là một mẫu chùa Huệ thường tưởng tượng mơ ước.


Tâm và Huệ đi thẳng vào nhà bếp, hai dì phật tử và ba bốn em nhỏ đang nấu cơm, dọn dẹp, vừa thấy hai sư cô họ mừng rỡ đứng dậy xá chào.


_ Mô Phật Cô Tâm mới về, còn đây …
_ Dạ đây là cô Từ Huệ, học chung với cô ở trên Thành phố theo cô về chơi cho biết cuộc sống ở miền quê.
_ Trưa nay mời hai cô ở lại dùng cơm với tụi con.
_ Cám ơn dì, ở nhà có  chuẩn bị cơm rồi, cô dẫn cô Huệ đi thăm chùa một xíu rồi về, chừng nào rãnh sẽ qua chơi nữa.


Hai chị em đi dạo một vòng, mọi thứ trong chùa tuy chưa đầy đủ nhưng cách sắp xếp rất ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Tất cả toát lên một cái gì đó vừa trang nghiêm vừa giản dị, vừa yên tĩnh vừa ấm áp vui vui mà Huệ không diễn tả được. Ngoài vườn vài tiếng chim hót líu lo, vài cánh bướm sặc sỡ chập chờn trên những bông hoa mười giờ đỏ thắm. Huệ thấy lòng mình bình yên thanh thản, một sự an lạc hiếm có xâm chiếm cả tâm hồn. Chợt phát hiện một điều quan trọng, Huệ quay qua  hỏi Tâm :


_ Ủa, trụ trì đâu hồi nảy giờ Huệ không thấy ?
_ Ở đây làm gì có trụ trì, mỗi lần Tâm về, mấy  bác, mấy dì cứ bảo Tâm học cho lẹ rồi về hướng dẫn họ tu tập. Thật sự với khung cảnh chùa và tấm lòng của những người dân ở đây Tâm thích lắm nhưng khổ nổi ở gần nhà nên mình không chịu. Ê, mà Huệ có thích trụ trì không hay là về đây đi, mọi thứ giấy tờ về mặt hành chánh ba Tâm lo cho. Chính quyền ở đây dễ thương lắm. Họ cũng muốn chùa có vị trụ trì để hướng dẫn tinh thần cho dân chúng, đồng thời làm cho nét văn hoá tôn giáo ở xã thêm phần khởi sắc.
_ Chùa không có trụ trì mà sao mọi thứ đều có sẵn vậy.
_ Ờ, ở đây mọi người quý chùa quý Phật lắm. Trước đây chùa nhỏ không đủ để sinh hoạt. Mấy bác… tự đứng ra quyên góp xây dựng, thấy vậy mình mới vận động những nhóm phật tử chuyên cúng dường xây dựng chùa ở thành phố về ủng hộ. Dân ở đây nghèo lắm, họ tự rủ nhau đi chùa chứ chưa hiểu gì về Phật pháp cả, với họ Phật là ông bụt, ông tiên hay ban điều lành đến cho mọi người.Sau khi chùa xây xong, mấy bác tự tổ chức, sinh hoạt, chia ra ban  này ban kia thay nhau  làm vườn, dọn dẹp, giữ chùa. Mỗi chủ nhật hàng tuần đều có các em thanh thiếu niên đến sinh hoạt vui chơi, làm công quả, do mấy anh chị trước đây có đi gia đình Phật tử hướng dẫn. Điều mà mấy bác ở đây mong muốn là có người về trụ trì. mấy bác nói tội lắm : “Chúng con chuẩn bị sẵn mọi thứ như vậy đặng có thầy cô nào về ở thì khỏi phải lo, chỉ lo tu và hướng dẫn chúng con tu mà thôi”. Sao, chịu không ?       


Khi vừa nghe Tâm nói chùa chưa có trụ trì, bỗng dưng Huệ có cảm giác như chùa này làm sẵn là để cho mình, tuy mới đến lần đầu nhưng có cái gì đó thật gần gũi thân quen. Nay Tâm hỏi đột ngột, Huệ không biết sao trả lời, vì tất cả vẫn còn ở phía trước.


_ Mình cũng thích lắm, nhưng trước hết là phải học xong, thứ hai là mình cũng chưa dám bỏ thầy.Thôi chuyện này từ từ tính, nếu có duyên thì nhận liền.


Xe thắng gấp làm Từ Huệ giật mình, mới hai giờ chiều, bốn giờ mới tới nơi. Huệ đưa mắt nhìn những người xung quanh, có người ngủ, có người đang đọc sách, có người đang nói chuyện với nhau. Xe đang chạy vào huyện Long Thành, ở đây có những vườn cao su xanh um thẳng tắp, thỉnh thoảng có vài người công nhân quét lá khô gom vào khoảng giữa hai hàng cao su đề phòng cháy, tạo cho khu rừng thêm sạch sẽ. Xe chạy nhanh, gió lùa vào bên tai nghe vun vút, lành lạnh. Trời sắp đổ mưa, những áng mây đen kịt từ đâu kéo đến phủ kín cả bầu trời. Bà cụ bên cạnh lục giỏ lấy ra chiến khăn vuông, xếp chéo lại trùm lên đầu. Bà nhìn qua Từ Huệ khẽ hỏi :


_ Cô không lạnh à ?
_ Dạ không, mà bà có lạnh không cháu khép bớt cửa lại.
_ Con trùm khăn vầy là được rồi, cô thích thì cứ để vậy cho thoáng. Ủa, mà cô về đâu vậy?
_ Dạ cháu về Hoà Hưng.
_ Cô về thăm nhà hay đi đâu, có ghé chùa Từ Vân không. Con cũng ở gần chùa, nhà nhiều công việc nhưng con cũng ráng đi chùa tụng kinh. Lâu lâu được đến chùa vui lắm cô ơi. Tụng kinh niệm Phật, mong Phật gia hộ cho mình đừng làm việc gì sai trái đem lại đau khổ cho người khác. Mấy đứa cháu ở nhà con cho đi chùa hết, đứa nào cũng ngoan hiền, con mừng lắm. Hổm rày con lên Thành phố thăm người bà con, nghe nói chùa sắp có thầy về trụ trì, mà không biết về chưa nữa. Có thầy về con sẽ thích đi chùa hơn.
_ Dạ con về thăm nhà, nhưng sẽ ghé chùa Từ Vân – Huệ cắt ngang lời bà cụ, thấy trong lòng có gì đó vui vui.
Trời bắt đầu đổ mưa nhè nhẹ, Huệ khép bớt cửa, bà cụ cột lại chiếc khăn, kéo lại cổ áo và cũng không hỏi chuyện nữa. Huệ lại dán mắt vào những hạt mưa ngoài cừa sổ, nghe lòng thanh thản, dòng hồi ức lại tiếp tục …
Sau chuyến về quê với Tâm, Huệ đã quyết định tương lai cho mình. Một buổi tối tại thất thầy, Từ Huệ lấy hết can đảm thưa thầy trước khi nhận lới với Tâm. Vì dù sao thì Huệ cũng không muốn  ép người lớn vào chuyện đã rồi.
_ Thưa thầy, tốt nghiệp xong, thầy cho con đi lãnh chùa.
Thầy sững sờ kinh ngạc.
_ Ở đây sẵn hết rồi sao con không về làm việc, không về phụ thầy mà đòi đi nơi khác lãnh chùa ?
_ Thưa thầy, con biết thầy trông con về đây, nhưng theo con nghĩ, làm phật sự phải tuỳ duyên, phải là nơi phù hợp với mình, là nơi mình có thể phát huy hết những khả năng của mình thì việc làm của mình mới có kết quả cao thưa thầy.
_ Bộ ở đây con không vừa lòng sao ?
_ Thưa thầy không phải vậy. Vì con thấy trên con đã có quý sư cô, mấy sư huynh hơn con một lớp cũng nhiều, huynh đệ cùng trang lứa cũng không ít, ai cũng có khả năng làm việc cả, con chỉ là một nhân vật nhỏ bé thôi, có cũng vậy mà không có cũng vậy. 
_ Thì  mỗi người gánh vác một chút cho công việc trôi chảy.
_ Con vẫn biết thế nhưng còn có chỗ rất cần chúng con thưa thầy. Đọc báo Giác Ngộ thầy cũng thấy đó, tuy nói Phật giáo nước mình phát triển mạnh nhưng còn rất nhiều những vùng sâu vùng xa chưa có ánh sáng phật pháp soi tới, chưa có bóng dáng tăng ni xuất hiện. Dân chúng đến chùa bằng niềm tin đơn thuần chứ không hiểu gì cả, cho nên con muốn góp  sức mình vào những nơi ấy. Con muốn đem hạt giống Phật pháp, hạt giống an vui gieo vào lòng những người dân nghèo khổ nhưng chất phát đầy tình người. Con tin đó là những mãnh đất tốt để những hạt giống phật pháp nảy mầm và phát triển nhanh. Thầy thương chúng sanh mà cho con đi.
Thầy im lặng không trả lời, ánh mắt nhìn vào một nơi xa xăm vô định. Trên bàn Phật, tượng đức Bổn Sư vẫn ngồi an nhiên với nét mặt từ ái rạng ngời. Thầy khẽ thở dài hỏi :
_ Con không sợ cực khổ à ?
_ Thưa thầy không, con chỉ sợ thầy không cho đi thôi, cực mà luôn an vui, vất vả để đem lại niềm vui cho người khác, con thấy sẽ vui hơn. Thầy yên tâm đi, dân ở đó quý người tu lắm.
_ Đã ở ngày nào chưa mà rành quá vậy.
_ Dạ bạn con có dẫn con về mấy lần, nên con biết được tình cảm của họ.
_ Thật lòng thì thầy không muốn cho con đi, đó là tâm lí của người làm thầy thôi, nhưng ý con đã quyết, và đó là một tư tưởng tốt, một tư tưởng tiến bộ mà thế hệ thầy chưa nghĩ đến nên thầy ủng hộ. Song khi con đã quyết thì phải cố gắng làm cho tròn bổn phận. Ra làm phật sự không đơn giản đâu con, phải tu cho thật nhiều mới đủ đạo lực  vượt qua những chướng ngại. Trước mắt, con phải lo học để hoàn tất tốt chương trình ở Học Viện, rồi sau đó sẽ tính tiếp.
Nghe xong, Huệ như trút được một gánh nặng. Huệ không ngờ thầy hiểu và đồng ý việc làm của mình nhanh như vậy.
_ Tới Hoà Hưng rồi, ai xuống thì chuẩn bị, tiếng chú lơ la lớn.
Bà cụ bên cạnh sửa lại đồ đạc và chào Huệ xuống xe :
_ Gần tới nhà con rồi, con xuống trước, cô đi mạnh giỏi.
_ Mai bà vô chùa nha, cháu đợi bà ở đó.
_ Dạ, con vô liền mà.
Huệ cũng chuẩn bị lại hành lí chuẩn bị xuống xe.
_ Thưa cô xuống đâu, chú lơ hỏi.
_ Em cho cô xuống ngay chùa Từ Vân.
Xe vừa dừng, mấy bác, mấy dì, rồi cả mấy em thanh thiếu niên từ trong chùa vui mừng ra đón Huệ. Người quen có, người lạ có, họ xúm nhau xách hết hành lí.
_ Mèng ơi, Sư cô mấy lần trước cô Tâm dẫn về nè. Vạây mà hỏi ai về cô cứ dấu miết, nói tới ngày đó sẽ biết.
_ Mô Phật, sư cô còn trẻ vầy về đây không sợ cọp bắt à.
_ Thôi đừng nói bậy, cọp nào mà dám bắt sư cô.    


Một người một tiếng, Huệ nghe lòng vui chi lạ. Huệ thấy mình đang bước những bước chân thật thảnh thơi vững chải, những bước chân bắt đầu một chặng đường mới trong cuộc đời của mình. Tất cả vẫn còn ở phía trước, nhưng với niềm tin vào Tam Bảo và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, Huệ tin mình sẽ làm được những gì mình hằng ấp ủ. Huệ nghe trong những tiếng nói cười xôn xao bên cạnh, trên những gương mặt chất phát đủ mọi lứa tuổi, những hạt giống Phật pháp, những hạt giống hạnh phúc an vui đang nảy mầm.