Trang chủ Văn học Về triết lý âm thanh trong thơ thiền Lý – Trần

Về triết lý âm thanh trong thơ thiền Lý – Trần

239

Thơ Thiền là một bộ phận của văn học Phật giáo. Đây là những phát ngôn nghệ thuật có nhiều nét đặc thù. Nó không chỉ có khả năng “phát dương cho đời sống đạo” mà còn chứa đựng những yếu tố mỹ học Phật giáo rất quan trọng.


Thơ Thiền Việt Nam, đặc biệt là vào thời Lý – Trần, đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu từ nhiều góc độ. Hiện nay, việc nghiên cứu thơ thiền vẫn còn là vấn đề của văn học Việt Nam trung đại.


Qua khảo sát một số văn bản thơ Thiền thời Lý Trần (đã được phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa), chúng tôi tìm thấy một số biểu hiện khá độc đáo của hiện tượng văn học này, đó là tính triết lý ẩn sau các hình tượng âm thanh.


Nguyễn Đăng Thục trong cuốn Phật giáo Việt Nam có một chương bàn về Triết lý âm thanh của Thiền tông An Tử. Trong đó, ông đã xuất phát từ hệ thống triết lý âm thanh của Ấn Độ giáo và tiếp tục nối kết hệ thống ấy với Phật giáo, Lão giáo và cả Thiên Chúa giáo để phân tích ý nghĩa triết học của phái Trúc Lâm Yên Tử dưới góc độ thanh âm. Tương tự với điểm xuất phát này, chúng tôi quan tâm tới hiện tượng triết lý âm thanh trong thơ Thiền Lý Trần và thử phân tích một vài yếu tố và hình tượng âm thanh trong đó, với mong muốn có thêm cách tiếp nhận khác đối với loại thơ mang đặc thù về mặt lịch sử và tôn giáo như thơ Thiền.


I. Âm thanh của một thế giới ba động:


Thiền sư  Kiều Trí Huyền  đời nhà Lý có để lại một bài thơ như sau:


Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm


Cá trung mãn mục lộ Thiền tâm


Hà sa cảnh thị Bồ đề đạo


Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm.


(Bí thanh)


Ngô Tất Tố dịch thơ:


Mình ngọc vang đưa tiếng ảo huyền


Ở trong vẫn lộ tấm lòng Thiền


Cát sông là cõi Bồ đề đó


Mà tưởng còn xa mấy dặm nghìn.


(Tiếng huyền bí)


Ý nghĩa của bài thơ này cố nhiên phải được phân tích dưới nhiều khía cạnh. Song, “tiếng ảo huyền” là một dấu chỉ rất đáng chú ý đối với người đọc. Vượt qua “ý vị thiền”, bài thơ ngầm chứa một cái lý của “tiếng”, của “âm”. Ở đây, “tiếng ảo huyền” (diệu âm) gắn với “mình ngọc” (ngọc lý). Quán Thế Âm Bồ Tát khi nhập Tam Ma Địa đã nói trước Đức Phật: “Do con được nhĩ căn viên thông, phát ra diệu dụng, nên thân tâm vi diệu”. “Nhĩ căn viên thông”  có nghĩa là quán được tánh nghe (tánh văn), lìa cả động và tịnh để trở về với nhĩ thức vô biên xứ. “Mình ngọc” trong bài thơ này của thiền sư Trí Huyền chính là hình ảnh “thân tâm vi diệu”. Tiếng ấy và tâm ấy thực là của bậc chân tu giác ngộ. Thân tâm ấy sinh tiếng hay tiếng ấy sinh thân tâm, hay tiếng và thân tâm làm duyên mà sinh ra tánh nghe (tánh văn) huyền diệu?


 Mặt khác, “mình ngọc” gợi ra bản lai của tự tánh. Cũng trong Kinh Lăng Nghiêm có đoạn: “Trở về bản tánh, thân tâm đều như lưu li”. Trên con đường trở về đó, bậc tu hành phải tiêu trừ mọi âm thanh tạp vọng, làm cho tánh văn được viên mãn. Ngọc lưu li là ánh sáng của một thân tâm trong sạch, vắng lặng, cô tịch. Kinh Upanishad có viết như sau: “Đấng ấy là vị chúa của mọi thế giới và là đấng nắm giữ mọi ước muốn của các vị thần linh trú ngụ trong thế giới ấy” [604; 3]. Đấng ấy chính là âm tiết cao quý mà Ấn Độ giáo đã gìn giữ trong giáo lý thâm diệu của mình: OM (tức Udgitha). Bằng cách suy niệm, người ta đã biến OM thành “nguyên lai của tiết điệu đầu tiên” [xem 15], nguyên lai của sự sinh thành thế giới bắt đầu từ ba động khí (sinh khí  = pràna). “Mình ngọc”, như thế, có nghĩa là thế giới của những âm ba và ảo hóa, thế giới được biểu hiện thành lời. 


Hình tượng “tiếng vang trong cõi hư vô” được thiền sư Minh Trí nhắc đến trong bài Tầm hưởng (Tìm tiếng vọng):


Tùng phong thủy nguyệt minh


Vô ảnh diệc vô hình


Sắc thân giá cá thị


Không không tầm hưởng thanh


Nhà thơ Nam Trân dịch như sau:


Gió cành thông, lòng sông trăng sáng


Bóng cũng không, hình dáng cũng không


Sắc thân, thân sắc đều không


Như tìm tiếng dội trong vòng hư vô.


Trong trường hợp này, tiếng vang không được nói đến như tiếng ảo huyền, mà là hư vọng. Mọi tồn tại trong trần cảnh đều sinh ra vô số các dao động hư huyễn, sinh ra các tạp vọng, làm mất tánh văn. Phải quán chiếu được nhĩ thức vốn vô sanh cũng như các thức (tỷ thức, nhãn thức, thiệt thức…) đều vô sanh, không thuộc nhân duyên hay tự nhiên. Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử khi đảnh lễ Phật Thích Ca có nói: “Chẳng tiếng, nghe chẳng diệt – có tiếng, nghe chẳng sanh”. Tánh nghe không làm sinh diệt, do đó chẳng thể mong cầu  (Tìm sắc thân khác chi tìm tiếng vang trong khoảng không). Tiếng vang ở đây không phải là khởi thủy của luồng sinh khí vĩnh cửu, không phải là nơi an trú của sắc thân và trần cảnh. Tiếng vang ở khắp mọi nơi, cũng như hư vọng ở khắp mọi nơi, cũng như “địa ngục vô môn nghiệp tự chiêu”. Đời sống nằm vĩnh viễn ở xứ vô biên.


Kinh Pháp Cú mở đầu bằng câu tụng: “Ý dẫn đầu các pháp – ý làm chủ ý tạo”. Tuệ Trung Thượng Sĩ thì viết, trong bài Thị đồ (Gợi bảo học trò): “Một tâm quên đi thì niệm quên đi” (Tâm vong, niệm niệm vong). Từ đó ông tung hoành: “Thiên địa do đàn chỉ – Sơn xuyên đẳng thấu thanh” (Trời đất chỉ như búng ngón tay, non sông chỉ bằng một tiếng đằng hắng). Hẳn nhiên, càn khôn trở nên dễ hiểu đến thế là dấu hiệu của một tinh thần phá chấp, vô ngại; dấu hiệu của con mắt đại giác. Kẻ ấy thực đã thu nhiếp vũ trụ vào tâm, thu nhiếp thanh sắc chốn trần gian vào trong những rung động tế vi (tiếng đằng hắng).


Nhà thơ Thiền Bashô của Nhật Bản có viết: “Ôi tiếng ve kêu – thấu xuyên vào đá – trong cõi quạnh hiu”. Thực tình, tiếng ve có thấu xuyên vào đá không, không ai rõ được. Nhưng tánh nghe đã nối kết mọi sự tình, nối kết cái tâm quạnh hiu với đất đá vô tình, nối kết tiếng ve với nỗi tịch lặng của cảnh sắc và thân tâm. Từ ý nghĩa này, có thể nói câu thơ “sơn xuyên đẳng thấu thanh” của Tuệ Trung Thượng Sĩ không đơn giản là sự minh chứng cho phong cách tiêu dao, tự tại của một thiền sư, mà còn chứa đựng nhiều ẩn ý triết học sâu xa, thâm diệu.


II. Âm thanh của Thiền đốn ngộ


Bài thơ còn lại của Thiền sư Chu Hải Ngung sống vào đời Lý Cao Tông (1176 – 1210) là bài Hãn tri âm (Ít tri âm), gồm 2 phần, trong đó phần đầu là:


Thử thời thuyết đạo hãn tri âm


Chỉ vị như tu đạo táng tâm


Hề tự tử Kỳ đa sảng sẩm


Thính lai nhất đạt Bá Nha cầm


Dịch nghĩa:


Lúc này bàn về đạo thì rất ít tri âm


Chỉ vì ngay nay đạo đã mất “tâm”


Mấy ai được như Chung Tử Kỳ là người sành nhạc


Mới nghe qua đã hiểu thấu tiếng đàn của Bá Nha [453,454: }


Tác giả bài thơ đã lấy tích Bá Nha – Tử Kỳ mà bàn về việc truyền tâm. Điều này có gì đáng chú ý chăng?


Trước hết, chúng ta bắt đầu từ một trong bốn yếu chỉ của Thiền tông Đông độ khởi từ Bồ Đề Đạt Ma là bất lập văn tự (bốn yếu chỉ đó là: Giáo ngoại biệt truyền – Bất lập văn tự – Trực chỉ nhân tâm – Kiến tánh thành Phật). Một tích khác, được xem là một nghi án trong lịch sử thiền học,  là sự kiện “ Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu” ở Hội Linh Sơn. Khi đó, Phật Thích Ca nói: “Ta có chánh pháp nhãn tàng, niết bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, chẳng lập văn tự, truyền riêng ra ngoài giáo, phó chúc cho Ma Ha Ca Diếp”. Từ nụ cười của Ca Diếp đến cái nghe của Chung Tử Kỳ đều có chung một tính chất là tri âm. Vì thế, tri âm không chỉ là sự tâm đắc thông thường; tri âm là sự thấu chiếu tiết điệu của tâm tư ở một chiều sâu đồng điệu khác thường. Thiền sư Chu Hải Ngung cho rằng “hãn tri âm”(hiếm tri âm)  “đạo táng tâm” (đạo mất tâm). Gắn tâm với đạo, tác giả gắn tri âm với cái biết của tâm. Tri âm bao hàm cả sự tương vong, tương hóa trong quá trình truyền đạo. Ngô Di trong cuốn Thiền và Lão Trang có viết: “Diệu dụng của chữ vong có thể nói là khúc nhạc giáo đầu của thiền đốn ngộ, là chìa khóa nhập đạo của thiền học. Khúc nhạc giáo đầu này (…) hơn một ngàn năm trước khi thiền học phát tích đã được Trang Tử đàn hát lên rồi (…) Thẳng đến Thiền tông hơn 1000 năm sau mới gặp được tri âm (…) mở cánh cửa của tâm, xướng lên tiếng cùng kêu gọi của tâm” [194; 6]. Điều này cho thấy tri âm không dừng lại ở tiếng lòng và sự thấu hiểu của kẻ nghe đàn với người chơi đàn; tri âm là hoà điệu của một thứ nhạc tâm trong ánh sáng của sự khai ngộ huyền diệu.


Bởi thế, trong bàikệ truy tán thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi , vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) viết như sau:


Hà thì lâm bất kiến


Tương dữ thoại trùng huyền


Nghĩa là:


Từ nay không gặp mặt


Thầm đối thoại càng huyền [721;9]


“Tương dữ thoại” là một ý thơ có chiều sâu. Trong bài kệ Thị tịch, thiền sư  Đạo Hạnh viết: “Cổ sư kỷ độ tác kim sư” (thầy xưa mấy lượt hoá thầy nay), hàm nghĩa thân này tùy duyên mà hoá kiếp. Từ đó, có thể mở rộng các lớp suy tưởng trong câu thơ “tương dữ thoại trùng huyền”. Đó là cuộc đối thoại vĩnh  cửu giữa những người sống trong đạo tâm, giữa một kiến tánh này với một kiến tánh khác, giữa một hoá kiếp này với một hoá kiếp khác.


Có một cuộc đối thoại kỳ lạ được Phật Thích Ca nói trong Kinh Lăng Già: “Ta từ đêm ấy được Vô Thượng Chánh Giác, đến đêm ấy vào Niết Bàn, suốt thời gian ấy chẳng nói một chữ”; “chẳng nói một chữ” nhưng lại “dùng một thứ tiếng mà nói pháp, nhưng chúng sanh tuỳ theo loại mà hiểu theo vô số tiếng của mình”. Đó thực là một cuộc đối thoại huyền ảo (trùng huyền).


Trong bản chất “kiến chiếu vào thể tánh” (chữ dùng của Suzuki), thiền khai ngộ cho con người thông qua trạng thái “niệm tưởng lập tức”. Sự thức tỉnh đột ngột ấy đưa con người tham kiến vào một cảnh giới vẹn toàn và chân thực. Chúng ta bắt gặp trong thơ Thiền Lý Trần những âm thanh đầy phong thái Thiền học, như: “Hôm sớm nghe chuông hồn tỉnh thức” (Trú dạ văn chung khai giác ngộ – tác giả Hoàng Viên Ngọc); hay như: “Có phải sấm xuân rền một tiếng – thì muôn hạt giống nảy mầm cây” (Bất thị xuân lôi thanh nhất chấn – Tranh giao hàm giáp tận khai manh); hay “Cười vang một tiếng tan nghi hoặc” (Nghi đoàn nhất tiếu bách tạp toái) – hoặc như Không Lộ thiền sư: “Có khi xông thẳng lên đầu núi – Một tiếng kêu vang lạnh cả trời” (Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh – Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư) [Trích từ Tổng tập Văn học Việt Nam tập 1 và 2]. Tiếng chuông sớm, tiếng cười, tiếng hét, tiếng sấm đánh thức vạn vật, tiếng kêu lạnh thái hư… là những biểu tượng âm thanh của thiền đốn ngộ. Âm thanh ấy có thể ngân lên từ những cây đàn không dây, sáo không lỗ. Bản chất của đàn là dây, bản chất của sáo là lỗ. Âm thanh dao động từ nơi ấy mà ra. Nhưng trên tất cả các thứ nhạc cụ của con người là tâm nhạc, là điệu nhạc sâu thẳm của một thực tại toàn mãn – một thực tại mà mọi rung động dù lớn hay nhỏ cũng “không làm mất đi một mảy may sinh lực nào”[29;2}.


Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 – 1291) trong bài Phỏng Tăng Điền đại sư viết: “Nhân gian tận kiến thiên sơn hiểu – Thuỳ thính cô viên đề xứ thâm”, nghĩa là: “ người đời nhìn thấu muôn non sáng – nào ai nghe tiếng vượn cô đơn kêu nơi rừng sâu thẳm”. Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 2 bình như sau: “nghe tiếng vượn cô đơn kêu nơi rừng sâu thẳm tức là nghe âm thanh tại nguồn phát ra nó, ở đó nó còn trong lắng, nguyên thể, chưa hiện hữu thành sắc tướng” [189]. Tác giả Nguyễn Duy Hinh trong cuốn Tuệ Trung Nhân sĩ – Thượng sĩ – Thi sĩ thì viết: “Núi non trùng điệp, một tiếng vượn kêu trong rừng sâu. Đột xuất một mình trên cảnh mênh mông. Tăng Điền quả siêu phàm” [211]. Vấn đề chẳng ở chỗ nghe được tiếng kêu đơn độc hiếm hoi ở chốn rừng sâu. Vấn đề ở chỗ đã “tận kiến” mà chưa” tận thính”. Thấy được muôn trùng cảnh hiện mà chưa nghe được Nguyên Âm của mọi tạo tác. Ấy là hình ảnh cái tâm thiếu vắng chứ không phải vắng lặng. Cho nên, “gương mặt người mẹ” (bản lai diện mục) không chỉ hội vào sự “thấy” mà còn ngụ ở “sự nghe” của kẻ đạt đạo.


III. Âm thanh của trần cảnh nơi diệu tâm minh giác


Thơ Thiền Việt Nam kể từ thời Trần trở đi có nhiều dấu ấn của Thiền tông Đông Độ (Trung Quốc) hơn là Phật giáo nguyên thuỷ. Những bài thơ Thiền giai đoạn này ít dần việc nói lý Thiền mà tràn ngập phong vị Thiền, cảnh Thiền. 


Phong vị Thiền ấy mang trong nó những thanh âm của cuộc sống bình yên, như một tiếng nói đa âm về lẽ Thiền. Đó là “tam lưỡng Thiền thanh náo tịch dương” (Vài ba tiếng ve khua rộn bóng chiều – bài Hạ cảnh của Trần Thánh Tông), là “đoạn khê ngưu địch lộng tà huy” (Sáo đồng ngoài suối vẳng chiều mây – bài Trường An thành hoài cổ của Nguyễn Trung Ngạn); là “Đề điểu nhất thanh xuân thụy giác” (Một tiếng chim hót làm tỉnh giấc xuân– bài Xuân trú của Nguyễn Trung Ngạn); là “Bách bộ sinh ca cầm bách thiệt” (Trăm bộ sênh ca là trăm tiếng chim – bài Hạnh thiên trường hành cung của Trần Nhân Tông)… Thơ Thiền lúc này không khoá chặt vào giáo lý mà mở rộng ra cuộc đời rộng lớn. Tiếng ve không phải là một mà làvài ba, không chỉ kêu trong cô tịch mà khua rộn cả không gian và thời gian. Tiếng chim là trăm tiếng hoà điệu như nhạc khúc của đất trời. Sự đa dạng của thanh âm hay sự thay đổi của chủ âm trong tâm thức giác ngộ thể hiện một quan niệm Thiền học mới. Mỹ học Thiền tông thời Trần không còn tập trung vào cái Một cao diệu mà vào cái Nhiều sức sống; không còn ưu ái sự khổ hạnh của tư tưởng mà sống trong niềm lạc đạo và ý vị giải thoát giữa cuộc đời náo động.


Ở bài Yên Tử sơn long động tự (Chùa Long Động ở núi Yên Tử), Nguyễn Trung Ngạn viết: “Nhất thống lâu đài tàng thế giới – Tứ thời hoa điểu biệt nhân gian” (Một dãy lâu đài trong thế giới – bốn mùa hoa điểu khác nhân gian). Hai câu thơ, ngoài cốt cách tài hoa hiếm thấy, đã ngầm gọi tên xứ sở của giác ngộ. Đó không phải là cõi tịch không, vắng lặng,  mà là chốn trùng trùng duyên khởi, xứ sở của “hoa điểu biệt nhân gian”. Biệt nhân gian mà dung chứa nhân gian. Nói như tác giả cuốn Bashô và thơ Haiku, Thiền “đi với cuộc đời mà không bao giờ tầm thường” [35].


Cũng trong ý nghĩa này, Tuệ Trung Thượng Sĩ có một câu thơ: “Diệu khúc bản lai tu cử xướng” (khúc nhạc xưa nay nên gảy hát – bài Thị chúng). Diệu khúc ấy là diệu âm của tự tánh. Từ Nguyên Âm siêu việt OM cho đến những giai điệu thâm áo của thực tại, từ những âm vọng của tự nhiên như tiếng sáo, tiếng nhạn, tiếng sấm… cho đến tiếng rung sâu kín của tâm tư, tất cả là một bản nhạc vĩ đại có tự nghìn xưa của tự tánh chân thực; như Lão Tử từng nói: “Điệu nhạc lớn cùng với trời đất hòa điệu”.


Thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore viết trong tác phẩm Lời dâng (Gitanjali) như sau: “Hơi thở cuộc đời trong giai khúc người gieo lan tỏa mọi phương trời (…). Lòng tôi khao khát nhập vào bài ca người hát … Người đã giam tim tôi trong lưới nhạc trùng trùng”. Cái “lưới nhạc trùng trùng” ấy là “diệu khúc bản lai” của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Hãy ca xướng bài hát nghìn đời, hay là hoà điệu thân tâm này vào thực tại trong sạch, tối cao.


 


Triết lý âm thanh trong thơ Thiền Lý Trần là một vấn đề có thực. Vì thế, nó đáng được nghiên cứu một cách sâu sắc hơn. Bởi vì đằng sau ý nghĩa triết học của những bài thơ ấy có cả một quan niệm mỹ học Phật giáo đã được khúc xạ qua điểm nhìn văn hoá của xã hội Việt Nam thời trung đại.