Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Viết về cải đạo: mục tiêu, liều lượng và căn cứ pháp...

Viết về cải đạo: mục tiêu, liều lượng và căn cứ pháp lý

217

Phản hồi bài viết “Cải đạo tín đồ Phật giáo ở Campuchia”, bạn đọc Trúc Pháp Đăng có lưu ý về vấn đề  đề cập cải đạo “lúc nào và ở đâu, liều lượng bao nhiêu là vừa phải” để “không khéo chúng ta đang làm PR không không cho các tôn giáo khác”.

Chúng tôi xem đây là một vấn đề được đặt ra, cần phải trả lời.

Từ “cải đạo” dùng trong các bài viết của tôi – Minh Thạnh, được hiểu là việc ép buộc bỏ đạo Phật theo đạo khác.

Việc ép buộc theo đạo, bỏ đạo là một điều luật pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nghiêm cấm.

Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ, ký ngày 8 tháng 11 năm 2012, quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo có ghi rõ trong chương I, điều 2: “Nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo”.

Hiện nay việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo được tiến hành rất tinh vi, trá hình dưới nhiều hình thức, với nhiều biện pháp rất xảo quyệt, được ngụy trang cẩn thận, như ép buộc sau khi có hỗ trợ về tài chính, ép buộc bằng sự đe dọa (như tận thế), ép buộc bằng hôn nhân (có cải đạo thì mới cho cưới vợ hay lấy chồng)…

Tại Việt Nam, ép buộc theo đạo, bỏ đạo chủ yếu là ép buộc bỏ đạo Phật là tôn giáo truyền thống của dân tộc và theo các tôn giáo mới truyền đến từ phương Tây, trong đó có nhiều tôn giáo chưa được nhà nước công nhận và đưa được phép hoạt động.

Vì ép buộc theo đạo, bỏ đạo là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, cho nên đấu tranh chống ép buộc theo đạo khác, bỏ đạo Phật, từ đây gọi tắt là cải đạo, đương nhiên là không có giới hạn.

Đối với Phật giáo Việt Nam, chống cải đạo là hoạt động giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo truyền thống của dân tộc. Trước hoạt động cải đạo mà nhiều tôn giáo đang ráo riết tiến hành nhằm vào tín đồ Phật giáo Việt Nam, nhu cầu đối phó với cải đạo là một nhu cầu bức thiết. Chừng nào hoạt động cải đạo tín đồ Phật giáo Việt Nam chưa được chấm dứt, thì việc nêu vấn đề cải đạo để có hướng giải quyết vẫn là điều cần thiết.

Đạo Phật là đạo sự thật. Cải đạo là một sự thật đang diễn ra. Vì vậy, nói về cải đạo là hoàn toàn phù hợp với tinh thần như thật của đạo Phật, không có gì để phải né tránh. Cải đạo đang diễn ra thì ghi nhận nó như đang diễn ra.

Ghi nhận cải đạo là cần thiết để kêu gọi đối phó với cải đạo. Chúng ta không thể kêu gọi cùng nhau đối phó với một sự việc không được ghi nhận, hoặc không ghi nhận đúng mức. Vì vậy ghi nhận cải đạo là cần thiết đối với mọi trường hợp, là phù hợp với tinh thần nói sự thật của đạo Phật, là điều cần thiết cho việc hộ pháp. Vì vậy, không thể nói việc nói cải đạo là “PR cho tôn giáo khác”.

Sự thật là các tôn giáo khác đang ráo riết cải đạo tín đồ Phật giáo bằng rất nhiều biện pháp. Nói lên sự thật đó để người Phật tử nhận thức đúng đắn về hiện trạng đó để có những nỗ lực hộ pháp cần thiết không phải là PR cho bất cứ tôn giáo nào.

Hiện nay, Tăng Ni Phật tử Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ cải đạo. Tiếp tục đánh động về nguy cơ cải đạo cho Tăng Ni Phật tử là việc làm luôn luôn cần thiết và không thể giới hạn vì bất cứ lý do gì. Tinh thần hộ pháp chỉ được nâng cao khi Tăng Ni Phật tử thấy các tôn giáo khác cải đạo thành công tín đồ Phật giáo.

Chúng tôi nhắc đến số lượng tín đồ Phật giáo giảm sút ít ỏi so với con số tín đồ gia tăng của các tôn giáo khác là kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cũng không ngoài mục tiêu này.

Trong số các tôn giáo cải đạo tín đồ Phật giáo, một số tôn giáo có chủ trương xóa bỏ văn hóa dân tộc. Ghi nhận và trình bày và sự thật cải đạo, chúng tôi mong mỏi các cơ quan chức năng hỗ trợ giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo truyền thống trong khuôn khổ hoạt động bảo vệ văn hóa dân tộc, vì Phật giáo là một bộ phận của văn hóa dân tộc (1).

Hiện nay, do chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề, Phật giáo Việt Nam chưa thể tự mình giữ gìn người Phật tử trong tôn giáo truyền thống dân tộc, góp phần vào việc bảo vệ văn hóa dân tộc.

Trên phương diện quốc tế, cải đạo cũng là vấn đề lớn của Phật giáo thế giới, và chưa được Tăng Ni Phật tử thế giới, đặc biệt là quý vị lãnh đạo Phật giáo một số nước nhận thức đầy đủ. Nguy cơ cải đạo hiện đang đe dọa sự phát triển của Phật giáo nhiều nước trong khi cải đạo tín đồ Phật giáo chưa được đề cập đúng mức trên các diễn đàn cũng như các hội nghị Phật giáo thế giới. Trường hợp thiểu số hóa Phật giáo ở Hàn Quốc là một ví dụ.

Cải đạo tín đồ Phật giáo gắn liền với tình hình giảm sút Phật giáo trên thế giới. Từ điển mở trên mạng Wikipedia, mục từ Major regilious groups (bản truy cập ngày 1/1/2013) cho biết Phật giáo đã là tôn giáo đứng hàng thứ 4 trong số 4 tôn giáo lớn trên thế giới, chỉ chiếm 5,84% dân số thế giới, với 400 – 500 triệu tín đồ, sau Cơ Đốc Giáo (33,32%), Hồi Giáo (21,01%), và cả Ấn Độ Giáo (13,26%).

Cũng theo mục từ trên từ Wikipedia, nêu trong những năm 1970 – 1985, Phật giáo có số gia tăng tín đồ đứng hàng thứ 4 thế giới với 1,67%, trên Cơ đốc giáo (1,64%) thì đến thập niên 1990 – 2000, mức gia tăng tín đồ Phật giáo nằm cuối bảng tổng sắp, chỉ còn 1,09% và đến thời gian 2000 – 2005 thì không còn ghi nhận được mức gia tăng tín đồ Phật giáo nữa.

Việc chấm dứt gia tăng tín đồ Phật giáo từ năm 2000 đến năm 2005, năm chót thu thập số liệu, không hề được Phật giáo thế giới lưu tâm, trong khi đó tín đồ đạo Cơ đốc gia tăng ở những nước châu Á theo Phật giáo (như trường hợp Hàn Quốc). Điều này chứng tỏ tầm mức thế giới của nguy cơ cải đạo tín đồ Phật giáo. Trước nguy cơ đó, việc ghi nhận sự thật của việc cải đạo tín đồ Phật giáo trên phạm vi toàn thế giới là điều cần thiết đối với hoạt động hộ pháp.

Hộ pháp là sự nghiệp chung của Tăng Ni Phật tử. Vì vậy, nhấn mạnh đến việc cải đạo tín đồ Phật giáo đối với Tăng Ni Phật tử (vấn đề “ai?”) một cách thường xuyên (lúc nào?) càng nhiều càng tốt (bao nhiêu là vừa phải?) và ở mọi trường hợp có thể (ở đâu?) là điều luôn luôn cần thiết. Việc này cần được làm cho đến khi việc cải đạo tín đồ Phật giáo chấm dứt.

MT

(1)    Theo PGS.TS Nguyễn Vĩnh Thắng (chủ biên): “Quốc phòng-an ninh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ trong tình hình mới của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 9 coi việc bảo vệ nền văn hóa thuộc mục tiêu thứ 5 trong các mục tiêu bảo vệ Tổ quốc.

(2)    Còn có các tôn giáo khác và người không tôn giáo.