Trang chủ Văn học Vu Lan không có hoa hồng

Vu Lan không có hoa hồng

82

17-3


Vừa đặt chân đến Huế đã được điện của em tôi từ Mỹ báo tin: “Má bịnh nặng, chị coi thu xếp về”. Trời ơi, sao lại giây phút này, sao lại ngày giờ này. Khi những ngày trước mặt đã lên kín lịch: khánh thành trường, đón bạn, cứu trợ, vân vân và vân vân. Tôi phải làm sao bây giờ. Không mang theo vé máy bay về Mỹ, tôi không thể ghi ngày về qua điện thoại. Không thể hủy hết mọi thứ để bay về lại thành phố, những em bé, những người già đã nôn nao chờ đợi rồi lại để họ thất vọng sao; không thể để bạn bơ vơ ở thành phố xa lạ này; mà cũng không thể nghe má bịnh mà không về. Ôi, tôi phải làm sao!


18 – 23-7


Mỗi ngày qua, là mỗi ngày lòng tôi như lửa đốt. Mỗi ngày gọi về Mỹ để thêm nặng trĩu trong lòng, khi tin tức không sáng sủa lên chút nào. Bịnh viện bảo đưa má về, bác sĩ bảo phải đem má vô viện dưỡng lão. Chừng nào chị về, chừng nào, em tôi hỏi dồn dập, tựa hồ tra tấn, nhói buốt lòng tôi. Ôi, tôi phải làm sao!   


24-7


Đã phải upgrade (lên hạng) ghế thương nhân, đã phải van nài cô nhân viên hãng máy bay đến khốn khổ, tôi mới thu xếp được 3 ngày sau lên máy bay. Ba ngày, bảy mươi hai giờ, hơn bốn ngàn phút, hơn hai trăm năm mươi ngàn giây của con là lo âu và chờ đợi; của má là một cuộc tranh đấu cô đơn một mình. Ôi, con người mới bất lực làm sao, phải không má?


25-7


Ngồi ở nhà sợ phát cuồng, ra hội chợ sách, loanh quanh qua gian hàng băng đĩa, ghé vào săm soi những đĩa cải lương mà mỗi lần về thăm má  tôi đều mua làm quà. Xem, để rồi buông chúng xuống, khi chợt nhớ ra rằng má không còn ngồi dậy được nữa rồi. Má không ăn gì được nữa. Má nói líu giọng rồi. Là những tình hình mới nhất về sức khỏe của má.


Má ơi chờ con nha!


26-7


Một tin vui. Chị tôi cuối cùng quyết định không đưa má vào viện dưỡng lão, chị không nỡ nhẫn tâm. Thở phào nhẹ cho má, nhưng thương chị nặng vai gánh cả phần hiếu đạo giùm tôi.   


Lại kiếm chuyện làm để khỏi phải nhớ nghĩ, dằn vặt. Dun rủi làm sao, hay số mệnh nghịch đùa với tôi, chương 22, quyển tự truyện của Sư Gunaratana kể chuyến đi về thăm mẹ lần cuối. Sư còn được gặp mẹ mình để nhìn bà vui vẻ lần cuối, còn tôi, tôi có được diễm phúc đó không?


27-3


Trên chuyến bay của EVA Air.


Còn bảy tiếng đồng hồ nữa máy bay hạ cánh xuống phi trường LAX. Nếu ở Los Angeles, California, tôi đã có thể chạy ngay về nhà. Nhưng ở Texas, tôi còn phải bay thêm một chặng đường nữa. Tôi có cảm tưởng như má không chờ đợi tôi được nữa rồi. Bảy giờ, năm giờ, ba giờ là khoảng thời gian ngắn ngủi trong một đời người. Còn với má, cuộc đời đang được tính từng phút giây.


Má đã thở bình oxy. Chị tôi nói. Không thêm gì hơn. Nhưng trong sự im lặng đó, tôi đọc được, tôi cảm được từng hơi thở ngắn dần đi của má. Tôi càng hiểu hơn sự tranh đấu quyết liệt giữa cái sống và cái chết. Chỉ còn là những tích tắc. Có bao nhiêu tiếng tích tắc trong mấy tiếng đồng hồ nữa. Vậy mà tôi chỉ có thể ngồi đây. Ngồi đây và cầu nguyện. Máy bay cũng không giúp tôi bay về được với má. Ôi thời gian, không gian, sao quá vô tình.


Vừa xin Phật gia hộ cho má được đi nhẹ nhàng, cho má không phải đau đớn trước giây phút tứ đại kia tan rã, vừa mong má hãy chờ đợi tôi thêm giây phút nữa. Tôi không thể để má ra đi mà không nói những lời tôi chưa bao giờ có đủ can đảm nói. Những lời cảm ơn, những lời xin lỗi, tôi có thể dễ dàng nói với mọi người. Vậy mà tôi chưa một lần cảm ơn má đã tạo ra cho tôi hình hài, chưa một lần xin lỗi má về bao giọt nước mắt má rơi vì tôi. Chưa một lần nói: Con thương má lắm. Chưa một lần. Nhưng những cái sụ mặt, những lần quay lưng hờn trách Má, thì tôi đã làm nhiều, nhiều lắm rồi.


Làm sao tôi có thể để má đi chuyến đi cuối của cuộc đời mà không có mặt tôi để chúc má một sự tái sinh tốt đẹp, để nguyện cầu cho má luôn là con của Phật, dù ở đâu, dưới hình tướng nào.


Má chờ con nha má!


Lần cuối khi tôi về thăm má. (Lần đầu tiên trong mười mấy năm  qua, tôi đã không ở lại ăn Tết ở quê nhà, để về thăm má). Có phải linh tính cũng báo trước rằng má sẽ không còn ở với chúng tôi lâu hơn nữa. Chuyến bay ngày mùng 1 vắng tanh, chỉ có vài chục hành khách. Tôi còn tiếc rẻ, phải chi ở lại ăn Tết rồi về. Tôi vẫn tính thiệt hơn với má như thế đó.


Lần đó, má không còn có thể tự đi trên đôi chân của mình. Tôi đẩy xe lăn cho má vào phòng. Má ngồi đó, đầu đã cạo (chuẩn bị cho một sự ra đi phải không má?), trông gầy gò trong chiếc áo bà ba. Thật khác làm sao với hình ảnh của má vài năm trước đây, mà không, chỉ vài tháng trước đây thôi.


“Lấy mấy cái valise trên tủ xuống cho má. Con soạn hình ảnh, thư từ gì đó, bỏ đi giùm má”, má nói giọng bình thản như không mà sao tôi phải làm như vội vàng quay lưng đi làm theo lời má, cốt là để giấu đi những giọt nước mắt yếu đuối đang lăn trào.


Kỳ lạ, những năm trước, tôi vẫn ‘rình mò’ theo má nói:


– Má ơi, má bỏ hết ba cái thư, ba cái hình từ hồi nảo, hồi nào đi. Má giữ làm gì đến mấy valise. Mình đâu có đem theo được gì đâu má.


Tôi nói gì cũng mặc, má vẫn không cho ai đụng đến mấy chiếc valise đó. Vậy mà bây giờ, lúc tôi không còn dám nói những lời từng nói một cách mạnh bạo thì má lại lặng lẽ làm theo.


Sao má lại dành cho tôi cái vinh dự đó. Chị tôi vẫn ở bên má hằng ngày. Vậy mà má không nhờ, sao má lại nhờ tôi, một đứa con hình như lúc nào cũng giữ khoảng cách với má.


Những lá thư của hai mươi, ba mươi năm trước, vẫn được bó gọn gàng từng bó. Những người bạn, người thân đã không còn trên thế giới này nữa nhưng hình ảnh, tâm tình của họ vẫn theo má đi khắp nơi. Tôi lại được đọc những dòng tâm sự của má trong quyển nhật ký mỏng. Những nét nguệch ngoạch của người ít chữ, những  thăng trầm trong cuộc đời đã được má thật thà kể lại  “để các con hiểu mà tha thứ cho má”. Ôi lòng mẹ! Má đã coi những sự bất hạnh của con cái như một phần, không, là tất cả trách nhiệm của mình. Vậy mà chúng tôi vẫn thường trách móc má thế này, thế kia. Biết được đâu rằng má có những nỗi đau khổ không thể sẻ chia cùng ai.


Tôi đã xé tất cả hình ảnh, thư từ như má dặn, trừ quyển nhật ký đó. Tôi lặng lẽ bỏ nó lại hộc tủ bàn của má, dầu biết rằng giờ má cũng không thể cầm bút viết nữa rồi.


Phi trường LAX.


Qua được cửa hải quan đón khách quốc tế, tôi chạy bay về phía hãng bay nội địa. Lại gặp cảnh xếp hàng rồng rắn. Mỗi lần người ta đẩy xen xe lăn vào cắt hàng, là tim tôi lại giựt thót. Tôi lo sợ quá. Hình như điều tôi lo lắng suốt những ngày này đã thành sự thật. Má đã không đợi tôi được nữa rồi phải không? Sao càng gần đến nhà, lòng tôi càng thêm bồn chồn.


Chịu đựng bao khám xét rườm rà đối với khách đã ra nước ngoài trở về vừa xong, tôi ào đến cái phone gần nhất. Chạy bay đến, nhưng cầm phone lên, tay tôi run rẩy như không dám ấn phím. Cái gì sẽ chờ đợi tôi? Chị tôi sẽ bảo nhanh lên, Má còn chờ em đây. Hay là… Hay là…


“Sao, sao rồi, má sao rồi?”, tôi hỏi dồn dập khi ở đầu dây đàng kia chị tôi vừa nhắc máy lên.


“Em cứ về, rồi mình nói chuyện”, cách trả lời và giọng điệu yểu xìu của chị. Tôi nghe như mình đã hét lên: “Má mất rồi phải không, phải không?”.  Và trước cả khi nghe được lời xác định từ chị, nước mắt, nước mắt từ đâu bỗng tuôn tràn, tôi muốn kêu gào lên. Nỗi uất ức nghẹn ngào,  tôi đã không làm theo linh tính của mình. Hãy bỏ hết mà về. Vậy mà tôi còn nấn ná cho xong việc. Sao tôi không van xin cô bán vé máy bay thảm thiết hơn để cô cho tôi một chuyến bay sớm hơn. Sao tôi không về từ mấy tuần trước, mấy tháng trước. Sao số phận lại khiến tôi phải mang nỗi ân hận lớn lao này suốt cuộc đời còn lại của mình?


Tôi về, người ta đã mang má đi rồi. Tôi ghét cái luật lệ  kỳ dị của Mỹ, không để người chết ở nhà được. Tôi về căn nhà mà các anh chị em tôi đang ngồi đông đủ ở đó, để nhìn tôi với đôi mắt trống vắng. Đông đủ, nhưng thiếu má. Tôi muốn quỵ xuống ở cửa và gào lên, sao má bỏ tôi, sao má không chờ tôi gặp lần cuối?


Căn phòng má giờ trống vắng quá. Chiếc giường khi má nằm với khay đựng thuốc, với chuông, với chuỗi hạt, giờ phẳng phiu tấm drap đỏ lạnh lùng. Tủ quần áo chỉ còn trơ những chiếc móc trống không. Chị tôi đã xếp chúng vào những chiếc thùng giấy, để dành cho những người nghèo. Trên tường, tờ lịch không ai bóc. Thời gian như đọng lại. Giá mà người ta giữ lại được những kỷ niệm của người thân. Giá mà không có hợp rồi tan, đến rồi đi, sinh rồi diệt, má nhỉ?  Ôi thân phận con người!


Những ngày sau đám tang, khi mọi chộn rộn đã lắng xuống, những buổi trưa về, nằm nghe nhà im lặng quá. Không còn nghe tiếng má lục đục trở dậy trong giường. Nước mắt lại rơi trên gối nằm. Có buổi chiều, mấy chị em đang ngồi ăn cơm, một ý nghĩ gì đó thoáng qua đầu, một người bỗng buông đũa khóc, rồi ai cũng khóc, không cần ai hỏi ai tại sao. Ra vườn, nhìn mấy chậu rau quế, rau húng lủi của má trồng, khóc.  Lên chùa đọc kinh cầu siêu cho má, khóc. Cúng thất, mỗi lần quỳ dâng cơm, dâng trà, nước mắt lại đầy vơi… Những lúc ấy tôi lại nghĩ đến Sư Gunaratana như một an ủi, Sư đã viết những dòng tâm sự của một người con mất mẹ trong quyển tự truyện của mình:


“Đức Phật đã nói: ‘Phải xa cách người mình yêu thương là đau khổ’.  Mặc dầu tôi đã trải qua nhiều năm giảng Pháp về đau khổ và phiền não, đã hành bao nghi lễ ở đám táng và an ủi người ta sau sự ra đi của người thân, tôi không nghĩ tôi hoàn toàn hiểu những lời dạy của Phật, cho đến khi tôi kinh nghiệm sự ra đi của mẹ tôi. Khi mẹ mất, nỗi đau khổ của tôi quá sâu đậm đến nỗi trái tim tôi cảm thấy như nó đã bị châm chích bởi những mũi thuốc đắng cay, nhức nhối.


… Khi mất mẹ, trong chốc lát tôi đã quên hết những lời Phật dạy về cái chết và vô thường, tôi chỉ hoàn toàn bị chìm đắm trong khổ đau” (1).


Vu lan 2006


 


(1) Hành trình đến chánh niệm, Tự truyện của Bhante G. (Journey to Mindfullness – The Autobiography of Bhante G.), NXB Wisdom Publications 2003