Trang chủ Đời sống Xin làm người đứng sau

Xin làm người đứng sau

96

Đôi lúc trong nhịp sống đời thường, ta cảm thấy buồn bực chi lạ. Đó là khi tuy sống ở thời đại văn minh nhưng ý thức văn hóa của nhiều người sao mà… rầy rà quá. Vào bến xe mua vé, đứng cả buổi sáng mướt mồ hôi, chuẩn bị nhoẻn miệng cười vì tới lượt thì tự dưng có vài người nhảy xổ vào đứng trước mặt và ta đành lủi thủi giật lùi ra phía sau để có thêm chút thời gian mà suy nghĩ vẩn vơ về cái trật tự rất đời và rất người này.


Như bạn biết đấy, rốt cuộc rồi ta cũng phải đối diện với nhân viên bán vé mà thôi. Vấn đề là chậm hay mau và trong ta hoặc người khác, đang dâng lên niềm vui hay buồn tủi. Có thể, đôi lúc mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân mình mà quên đi bên cạnh cuộc sống của họ, vẫn còn đó những mảnh đời những nỗi đau, những sự hy sinh mang dáng vẻ âm thầm.


Có những con người, chỉ mới thoáng nhìn, ta có cảm nhận thái độ sống của họ dường như âm thầm cam chịu, vì họ hiện diện trong dòng sống như một cái bóng nhạt nhòa, nhưng thực tế, nếu như thiếu những cái bóng này thì cuộc sống sẽ ảm đạm biết bao nhiêu. Có lẽ tôi nói quá chăng? Xin thưa đúng thật như vậy. Vào một tổ chức, thăm một công sở, viếng một cơ sở hành chánh công quyền… người ta gặp và giúp ta giải quyết công việc thì chỉ vài người và lẽ dĩ nhiên đằng sau đó, có vô số bàn tay đã góp phần nên một sự vận hành trơn tru cho guồng máy hoạt động. Ở đây, có thể giá trị mỗi vị trí nhân sự có khác nhau, nhưng điểm chung nhất giữa họ là làm sao để guồng máy hoạt động thật tốt, thật đều như nhịp vốn có của nó. Đôi lúc, có thể một vài con ốc vít lỏng chốt, tuôn răng đã làm trở ngại đôi chút trong nhịp vận hành của bộ máy, nhưng trên tất cả, mỗi cơ phận của mọi bộ máy đều rất hãnh diện và sung sướng khi biết được rằng, nếu không có tôi, thì sự vận hành của guồng máy sẽ thiêu thiếu một thứ gì. Vấn đề ở đây chính là tuy giá trị của mỗi chi tiết có khác biệt nhau nhưng đều giống nhau ở giá trị chung: góp phần làm cho cỗ máy đó vận hành theo quy chuẩn của nhà thiết kế.


Thực tế đó đã và đang diễn ra trong cuộc sống này. Thế nhưng đôi khi, ta đã phản ứng và không chấp nhận thực tế. Ở đây, có hai điều bạn phải cân nhắc trước phản ứng của mình. Nếu như khả năng, trình độ của bạn tròn đầy, đáng lẽ phải là bánh lái, hoa tiêu nhưng tại sao phải là cái bánh răng, là con ốc vít…? Có thể, bạn vẫn chưa đủ duyên để tự khẳng định bản thân mình và trong những trường hợp đó chúng tôi khuyên bạn cần nỗ lực hơn nữa vì nghiệp duyên không phải là điều gì bất định mà do chính ta, bàn tay ta tạo dựng đấy thôi. Trong trường hợp ngược lại, việc đứng sau bao nhiêu người khác là một lợi thế đó bạn ạ. Vì nếu như ta chưa đủ dũng khí, nội lực, tri thức và niềm tin, thì vị trí đứng trước là nơi hội tụ của nguy cơ tự đánh mất mình trong hào quang của ca ngợi tưởng thưởng, nếu không nói đó cũng là nơi hiện diện của bao thói đời ganh ghét, tị hiềm. Vậy thì, đứng trước hay đứng sau, dù ở vị trí nào trong một cỗ máy, ta vẫn luôn an bình tĩnh tại, miễn là làm sao ta thấy được giá trị cũng như sự đóng góp của mình.


Đã có suy nghĩ định hướng một thời và có lẽ suy nghĩ đó vẫn còn ảnh hưởng đến hôm nay, đó là khi muốn khẳng định sự thành đạt, vươn lên mà bao lớp trẻ đã từng ấp ủ ước mơ: phải có được một mảnh bằng đại học, dù chấp nhận phải trả bất kỳ giá nào. Đâu biết rằng mảnh bằng đó thực chất chưa nói lên điều gì khi đối diện với nhà tuyển dụng và hơn hết là thực tiễn sống. Trong khi đó, cơ hội để bạn vào đời đâu chỉ có một mà thôi. Một khi ý thức rằng, dù là một nhà lãnh đạo, quản lý giỏi hay một chuyên viên ở một lĩnh vực đặc thù, nếu như ta hoàn thành tốt vai trò của mình, nếu như ta thực hiện trọn vẹn công việc được giao thì hạnh phúc biết bao cho bạn, cho tôi và cho tất cả những ai đang sống cùng với bạn. Cho nên dù ở bất kỳ cương vị nào, miễn là làm sao sống đúng với vai trò của ta, tức khi ấy ý nghĩa sống tìm về và ta hoàn toàn mãn nguyện với giá trị hạnh phúc của riêng mình.


Quay về với ý nghĩa Phật giáo, nếu một ai biết sống cho nhiều người, lấy hạnh phúc của tha nhân làm niềm vui của chính mình, tức người đó đã biết chọn cho mình một lối đi hướng thượng dù bản thân phải va chạm với bao cám dỗ, chông gai. Thử nghĩ, cuộc sống này sẽ đẹp biết bao nhiêu nếu như những ý niệm nhỏ nhoi như níu kéo và vun bồi tự ngã không còn đất sống, khi ấy, mọi hành động việc làm của ta sẽ hết mực phong quang. Sống là sống với. Không thể ở đâu để bạn có thể sống-một-mình mà không hề có sự tương lân, liên hệ. Với ý nghĩa đó, bạn sẽ thấy tất cả mọi hoạt động, suy nghĩ của ta đều trực tiếp hay gián tiếp tạo nên một tác động vào đời sống của bạn cũng như môi trường xung quanh. Một con muỗi đập cánh ở  Cancium thì ở Philippines có gió mùa. Với cái nhìn liên hệ rộng rãi như thế đó, bạn sẽ thấy cuộc sống của ta không hề cô đơn như ta tưởng vì tất cả mọi nhịp đập của ta đều tạo nên những dấu ấn tích cực hoặc ngược lại vào đời sống của bản thân cũng như ảnh hưởng đến môi trường sống. Vậy thì hà cớ gì mà ta phải dẫm cả chân nhau để là người đứng trước, hà tất phải nhọc mệt rướn sức đến hụt hơi vì chùm quả trên cao kia, khi chín muồi sẽ trở về với người vun bón.


Cho nên, hạnh phúc nhất cho những ai trong cuộc đời này là tìm ra ý nghĩa sống. Tìm ra được ý nghĩa sống của mình tức chúng ta đã chạm tay vào cửa ngõ hạnh phúc. Thế thì tại sao ta phải nhọc mệt, tại sao ta phải đánh đổi hy sinh nhiều thứ trong đời sống bản thân và thậm chí kể cả mạng sống của mình chỉ để mưu cầu hạnh phúc? Thấy được bạn là ai, đã và đang sống với? Một khi nhận thức rõ điều này chính là chìa khóa vàng mở ra cánh cửa hạnh phúc mà bạn đang mong mỏi. Nhìn dòng người ở cửa ra của một siêu thị, dù đứng trước hay đứng sau nhưng một khi muốn về nhà, bạn phải đối diện với viên thu ngân đang ân cần chờ bạn.