Trang chủ Thời đại Xã hội Ý thức làm mới

Ý thức làm mới

90

Ý niệm khái quát

Héraclite, một triết gia Hy Lạp, đã nói: “Bạn không bao giờ có thể đặt chân hai lần trên cùng một dòng nước” (you can never  step into the same river twice). Dịch lý cổ xưa của Trung Quốc (Change) chỉ sự dịch biến của vạn vật, như Khổng Tử một lần nhìn nước trôi qua cầu mà than: “Trôi chảy mãi thế này ru, ngày đêm không ngừng nghỉ!” (Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ). Phật giáo thì tuyên bố: “Các pháp hữu vi là vô thường” (Sabbe dhammà aniccà). Điều đó có nghĩa là cuộc sống là một dòng biện chứng trôi chảy: sự vật tự làm mới mình qua từng thời điểm.

Con người, tuân theo quy luật tự nhiên và quy luật xã hội, cũng biết tự làm mới mình thế nào để các cá nhân được an lạc, hạnh phúc, cộng đồng được thanh bình, thịnh vượng. Sự vật thì dịch biến, nhưng quy luật, và mục tiêu đời sống, thì không thay đổi. Giáo lý nhà Phật vì thế luôn mang hai tính chất: Khế lý và Khế cơ. Khế lý thì phù hợp với sự thật, với quy luật tự nhiên; Khế cơ thì phù hợp với văn hóa, trình độ, căn cơ (temperament) phong tục tập quán địa phương và điều kiện sống của từng cá nhân, cộng đồng. Hai tinh thần ấy sẽ dẫn dắt con người đi dần đến chân, thiện, mỹ.

Ý thức làm mới mình trong Phật giáo

Giáo lý về Nghiệp (Karma, kamma) buộc chặt các hành động của con người ở ba lĩnh vực: thân,lời và ý. Chủ trương của Phật giáo là giải thoát nghiệp, chuyển đổi các hành động từ sai đến đúng, rồi từ đúng đến giải thoát. Về thân có ba: không sát sinh, không lấy của không cho, không tà hạnh. Về lời có bốn: không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời phù phiếm, không nói lời thô ác. Về ý có ba: không tham lam, không sân hận, không si mê. Hằng ngày, cá nhân tự theo dõi và điều chỉnh các hành động lệch lạc bằng hình thức sám hối (nhận ra sai lầm và hạ quyết tâm không tái phạm). Tiêu biểu nhất cho ý thức sám hối, tự làm mới mình, là ý thức sám hối của vua Trần Thái Tông, Việt Nam: mỗi ngày, nhà vua cử hành sáu thời nghi sám hối (mỗi thời nghi dài chừng 15 phút, 20 phút). Nhà vua tự đặt ra khoa nghi này để làm thanh sạch tâm thức mình, rất riêng của Việt Nam.

Giáo lý nhà Phật còn giới thiệu con đường sống tự làm mới mình gồm tám điểm:

– Chánh kiến:     thấy biết đúng sự vật như sự vật đang là.
– Chánh tư duy: suy tư dựa vào cái thấybiết đúng ấy.
– Chánh ngữ:     không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói  lời phù phiếm, không nói lời thô ác.
– Chánh nghiệp: không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh.
– Chánh mạng:   không buôn bán các chất ma túy, men say, súng đạn, không bói toán.
– Chánh tinh tấn: Nỗ lực loại bỏ các tâm ác, thực hành các tâm thiện.
– Chánh niệm:   Niệm tưởng những gì thấy biết đúng; tập trung vào đối tượng của chánh kiến và chánh tư duy.
– Chánh định:   Ổn định hoàn toàn tâm thức; tập trung tâm ý vào đối tượng phát huy trí tuệ.

Soi sáng và dẫn đường cho con đường tám điểm ấy là chánh kiến và chánh tư duy (hay trí tuệ). Phật giáo là thế, dành cho mọi người không phân biệt phái tính, màu da, tuổi tác, quốc tịch, hay tín ngưỡng, luôn luôn không rời ba điểm quan yếu: sự thật, an lạc hạnh phúc của cá nhân và cộng đồng, và thích ứng với phong tục tập quán, văn hóa của từng địa phương.

Ý thức làm mới của Quốc hội Việt Nam

Trong quá trình đổi mới của Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố: “Mỗi ĐBQH là trung tâm của sự đổi mới”.

Chức năng của Quốc hội là xây dựng luật pháp, giám sát, và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Ý nghĩa làm mới mình là nhằm tăng cường hiệu quả ba chức năng ấy trong thời kỳ hội nhập khu vực và toàn cầu.

Để có những đạo luật ban hành có chất lượng cao, đi vào cuộc sống, quy trình làm luật cần được đổi mới đến điểm thích đáng, và các đại biểu cần nhận thức rõ các chuyển biến và các yêu cầu bức thiết của cuộc sống.

Để công tác giám sát có thành quả tốt, các đại biểu cần chí công vô tư và có đủ năng lực hiểu biết theo sát những thành quả mà cơ quan hành pháp thực hiện luật pháp và các nghị quyết của Quốc hội.

Để có những quyết định đúng đắn các vấn đề trọng yếu của quốc gia, các đại biểu cần có một đầu óc sáng suốt, và một tầm nhìn sâu, rộng, và xa.

Tất cả đó đòi hỏi người ĐBQH phải cải thiện (đổi mới) mỗi ngày tầm nhận thức, hiểu biết, tâm lý công chính, và thái độ tích cực của mình.

Xã hội đòi hỏi liên tục phát triển, cuộc sống thì liên tục chảy nên người ĐBQH và Quốc hội phải không ngừng tự làm mới mình. Tự làm mới không có nghĩa là đánh mất mình, mà là tự chủ, làm chủ bản thân, tự thân và hoàn cảnh trên bước đường hội nhập và phát triển.

Điểm gặp gỡ…

Qua các phần vừa được trình bày ở trên, ý thức tự làm mới mình, theo tinh thần Phật giáo, và ý thức tự làm mới mình của Quốc hội Việt Nam, có bốn điểm gặp gỡ ý nghĩa có thể được phát hiện:

1. Cả hai, Phật giáo và Quốc hội Việt Nam, đều làm mới mình vì an lạc hạnh phúc của người dân, cộng đồng và sự hòa bình, thịnh vượng của xã hội.

2. Cả hai đều đặt trọng tâm đổi mới ở các cá nhân, tư duy và tâm lý.

3. Cả hai đều chủ trương hành động với tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”, hay “tùy duyên nhi bất biến”, hoặc “khế lý và khế cơ”.

4. Cả hai chủ trương tự làm mới mình trên căn bản tuyệt đối tôn trọng các quy luật tự nhiên và xã hội.

Những điểm gặp gỡ trên không phải là chuyện tình cờ, mà là rất thực. Phải chăng những tư tưởng lớn thì thường gặp nhau, và chân lý thì không bao giờ có hai?