Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Yên bình mà tinh tiến nơi chùa Rối – Yên Bái

Yên bình mà tinh tiến nơi chùa Rối – Yên Bái

420

Đây vốn là một ngôi cổ sơn tự có từ rất lâu đời, gắn với truyền thuyết về công chúa Ngọc Dung – con gái của Hùng Vương đời thứ VIII (Hùng Nghi Vương), là một trong những cơ sở tự viện ít ỏi của tỉnh Yên Bái ngày nay.

Bên cạnh chùa Rối còn có ngôi đền Rối, hợp thành một quần thể di tích chùa đền, đã được công nhận là di tích LSVH cấp tỉnh.

Xưa kia có lẽ chùa cũng khá bề thế nguy nga, khuôn viên rộng rãi, cảnh trí thanh u, đẹp đẽ.

Ngày nay, tuy thuộc về thành phố nhưng địa phương nơi đây, dân cư vẫn thưa thớt, đồi núi trập trùng, địa bàn hẻo lánh, thuộc về vùng sâu vùng xa.

Qua thăng trầm của thời gian, tới nay chùa chỉ còn là một am nhỏ thờ Phật, nép dưới bóng mát của một cây đa cổ thụ xanh tốt vươn cao lực lưỡng lên bầu trời, hòa vào màu xanh mát mắt của cây cỏ núi đồi bao quanh. Cây đa này thật sự là một điểm nhấn đầy ấn tượng của cụm di tích LSVH này.

Khoảng mươi năm lại đây, khi Ni sư Thích Đàm Hợi từ miền đất cổ Hà Tây về nhận trụ trì thì cảnh trí và hoạt động Phật sự nơi đây đã có sự thay đổi, đi vào nền nếp và hướng đến sự phát triển lên một tầm cao mới.

Cảnh quan tự viện được tu sửa, khu nhà Tăng, nhà khách được sớm xây dựng để nhà chùa có điều kiện triển khai các Phật sự.

Phật tử được tập hợp ngày một đông, được giáo hóa, được coi sóc.

Đồng thời việc quy hoạch tổng thể và xây dựng ngôi đại điện được triển khai và trong 1 thời gian ngắn nữa sẽ khánh thành. Đây sẽ là ngôi chùa có quy mô lớn nhất của tỉnh Yên Bái.

Không thể không nói đến công hạnh của một sư Ni – Thầy Thích Đàm hợi dám và làm được việc dấn thân lên nơi này để hoằng pháp lợi sinh, khai môn phá thạch.

Có lên đến nơi đây, mắt thấy tai nghe, mới thấy quá trình có thể đến, cắm rễ, thích nghi, thâm nhập, cảm hóa của một sư Ni đối với dân cư, chính quyền các cấp nơi này là khó khăn, nhọc nhằn, gian khổ biết chừng nào!

Thật nhỏ nhẹ, nhu mì, âm thầm, mọi việc đều dựa nơi tin tưởng sâu sắc, tuyệt đối vào Tam Bảo, lấy từ bi hỉ xả để đối nhân xử thế, lấy trường chay trì giới làm hộ mệnh.

Vậy mà Thầy đang tự tại làm những việc mà các bậc Tôn túc Giáo phẩm còn phải coi là khó! Đứng trước Thầy, chúng tôi thấy mình thật đáng xấu hổ, cần phải tinh tấn gấp nhiều lần.

Nơi đây tuy Phật pháp từng bước được xiển dương nhưng các yếu tố văn hóa truyền thống và tín ngưỡng dân gian cũng được phát huy. Đền Rối rồi cũng sẽ được tôn tạo trong thời gian tới.

Về Yên bái lần này, đến với chùa, đền Rối, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với không gian thanh bình, êm ả, cảnh trí xanh tươi, núi đồi trùng điệp. Chắc rồi, nơi đây sẽ được mở mang xây dựng, thập phương tín thí sẽ về ngày một đông.

Do vậy, việc ngay từ ban đầu  nhà chùa đã nhất quán quyết tâm giữ gìn và tôn tạo cảnh quan môi trường tươi đẹp thực sự là một trong những điều đáng trân quý ở nơi này.

Phattuvietnam.net xin giới thiệu một số hình ảnh ghi được tại đền, chùa Rối – Minh Pháp tự, Yên Bái ngày chủ nhật, 17/4/2011.