Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Nghe lời thầy dặn

Nghe lời thầy dặn

427

Một buổi sáng Chủ nhật, ngày 14/10 ở Học viện bình yên đến lạ, khi vầng dương bắt đầu ló dạng từ đằng Đông, thì làn sương khói giăng mờ nơi đây cũng chuẩn bị nhường chỗ cho những tia sáng ấm áp của ban mai. Chim trên cành đã thức dậy sau một đêm dài ngủ vùi vào bộ lông ấm, cất những tiếng hót lảnh lót ban tặng cho ngày mới, những chú bồ câu từ trên tổ lại sà xuống đất để xin các Chú ít gạo vào buổi sáng như một thói quen, những đóa hoa sen cũng kịp tung nhụy trong nắng sơm.

Chắc hẳn trong chúng ta, ai đó đã ít nhất một lần ngồi trước hiên nhà đợi mẹ hiền đi chợ sớm về, biết đâu trong giỏ hàng buổi sớm, mẹ thương mẹ mua cho gói xôi, cái bánh, niềm vui của trẻ thơ nó chỉ có thế, nhưng đã bình yên nuôi dưỡng những tâm hồn trưởng thành cho đến ngày nay. Cũng vậy, hình ảnh đại chúng đi như một dòng sông, từng bước chân an lạc trong màu huỳnh y giải thoát, ngồi uy nghiêm nơi Chánh điện tạm để đón chờ người “Cha già” đến và dành tặng cho đàn con những phần quà mang đầy chất liệu của an vui. Phần quà ấy là thân hành của Người, là những cử chỉ yêu thương mang đầy tuệ giác, là những lời nhắc nhở, căn dặn đàn con thơ trên bước đường tu học để không lầm đường lạc lối. Nhìn thấy Người, chúng con như những đứa con xa quê lâu ngày về gặp cha, gặp mẹ, những đứa trẻ ấy sẽ sà vào lòng đấng sinh thành để được nũng nịu, để được nâng niu, để quên đi những khó khăn thử thách của cuộc đời mà bình an ăn bữa cơm với cha, với mẹ. Những bước chân thảnh thơi giải thoát của Người mang đến cho chúng con năng lượng thiện lành, năng lượng ấy xoa dịu những vết thương của chúng con trong cuộc chiến hơn thua, được mất với đời. Người nhìn chúng con với ánh nhìn trìu mến, như ánh nhìn của người cha nhìn con sau bao ngày xa cách, ánh nhìn như vuốt ve, làm ấm lòng những kẻ hành khất sao bao ngày xa quê với mong muốn được trở về, ánh nhìn như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng những đứa con thơ của mình, ánh mắt như những bài ca dao, câu hát ru nuôi dưỡng tâm hồn bao người con Việt.

 

Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM

Cuộc đời ngoài kia có khó khăn, có khổ đau thì họ mới cần đến chúng con – những người hoằng Pháp trẻ. Chúng con mang trong mình khát khao mãnh liệt của sự dấng thân phụng sự cống hiến, những người mang đầy ắp trong mình năng lượng của yêu thương và tỉnh thức. Chúng con nguyện là những người tiếp bước, mang những năng lượng thiện lành mà chúng con nhận được từ trong giáo pháp Đức Phật đến khắp các con hẻm, đến tận những nơi biên địa xa xôi, để năng lượng yêu thương ấy lan tỏa đến muôn dặm đường mà chúng con đi qua.

Người dạy: Đức Phật của chúng ta là một người diễn thuyết, một người nói chuyện, kể chuyện xuất sắc nhất trên đời. Ngài nói Pháp tùy duyên, tùy người, tùy chỗ và tùy lúc. Tuy các pháp ấy có sự khác biệt, nhưng sau cùng trong đó đều mang năng lượng của bình an và tỉnh thức. Đôi khi bài pháp mà Đức Phật thuyết chỉ đơn giản là những câu chuyện, hay là nụ cười, và đôi khi chỉ là sự im lặng trong thảnh thơi. Nhưng câu chuyện ấy, nụ cười ấy, sự im lặng ấy là chánh pháp. Im lặng để quan sát lại những lăng xăng trong nội tâm của mình. Những giây phút im lặng là những giây phút mà ta ban tặng cho tự thân của mình liều thuốc chữa trị những nỗi đau trong tâm hồn cũng như thể xác, cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng trái tim và khối óc để tiếp tục phụng sự nhân sinh. Còn khi đã động thân lên tiếng, thì những lời pháp nói ra phải như phun châu nhả ngọc, như âm ba của trống Pháp, như thanh âm Hải triều. Chính bởi tùy duyên mà Đức Phật nói chuyện với những đứa trẻ con làng Ưu Lâu Tần Loa, hay nói pháp cho vua chúa, quan thần, đến kỹ nữ, kẻ an xin, người hốt phân đều có sự khác biệt. Đức Phật chuyện trò với những đứa bé làng Ưu Lâu Tần Loa như chuyện trò với người bạn tri kỷ thâm niên, Ngài nói cho chúng nghe về tiền kiếp, dạy chúng phải tránh xa những điều xấu ác và hướng đến những điều thiện lành. Những lời nói, hành động xuất phát từ trái tim đầy yêu thương của Ngài đã cảm đến trái tim của Sujata, Svatika,…những đứa trẻ ở làng Ưu Lâu Tần Loa. Chúng nó xem Đức Phật như người thân trong gia đình của mình, chúng dâng tặng Đức Phật những gì mình có được, đó là bát sữa, là nệm Kusa với tất cả sự yêu thương và kính trọng. Hay hình ảnh Đức Phật tắm rửa thân thể cho người hốt phân Sunita (người thuộc giai cấp Pariah, giống người cùng khổ nhất trong xã hội Ấn Độ xưa), cho ông ta xuất gia trong Tăng đoàn và thực hành giáo pháp giải thoát để gột rửa phần tâm hôn mình. Vì trong giáo pháp của Ngài, không có giai cấp, không có phân biệt màu da mà là đồng đẳng, là ánh sáng của tuệ giác và chân hạnh phúc.

Qua hình ảnh Đức Phật, những người hoằng pháp trẻ chúng con hiểu được, học được nhiều điều, đặc biệt là hoằng pháp tùy duyên, khi nào mình nên làm, khi nào mình phải tránh. Tùy thời, tùy việc mà có cách hành xử khế hợp từng đối tượng, chứ kẻo không những mang lại kết quả tốt đẹp, mà đôi khi ta phải hứng chịu hậu quả không mong muốn của nó. Vậy mới biết yếu tố tùy duyên trong giáo pháp Phật đà là vô cùng quan trọng. Đó là cả một nghệ thuật, nghệ thuật của cách sống, nghệ thuật nêm nếm gia vị của yêu thương.

Cuối thời pháp thoại, Hòa Thượng không quên ân cần nhắc nhở chúng con siêng tu siêng học, để không phụ công kỳ vọng của Thầy Tổ, không phụ lòng tin tưởng của đàn na tín thí. Người hy vọng những chồi non của Phật Pháp ngồi đây sẽ lớn lên trong ánh từ quang trí tuệ và năng lượng yêu thương thiện lành, để sau này chấp cánh mang những điều tốt đẹp ấy phụng sự nhân sinh. Thời pháp thoại đã chấm dứt nhưng những âm ba của nó cứ mãi vọng về trong lòng hàng trăm Tăng Ni sinh trẻ như sự khuấy động của mặt nước hồ Thu, với sự băn khoăn, trăn trở của những người trẻ với câu hỏi làm sao. Làm sao đáp lại thâm ân? Làm sao để tiếp bức Người? Làm sao và làm sao…?!

Hình ảnh của một vầng dương sẽ mang lại ánh sáng, đem đến năng lượng cho muôn loài, vầng Trăng tròn tháng Vesak sẽ mang ánh sáng mát dịu soi đường cho chúng sanh trong đêm tối. Thế nhưng nếu có thể dùng một hình ảnh nào để ví dụ cho Người thì con không dùng vầng Nhật Nguyệt, bới chúng xa quá, lại không như người “Cha già” ân cần và tận tụy. Người như con chim đầu đàn xé mưa vượt gió, dẫn cả đàn bay qua muộn dặm trùng khơi để đến với bờ an vui. Sải cánh của con chim đầu đàn ấy sẵn sàng dang rộng đôi cánh để chở che cho những chú chim non hãy còn yếu ớt.

Chúng con cũng dễ thương lắm thưa Thầy! Nếu những chú cá vui mừng vẫy đuôi khi thấy bóng Người chuẩn bị cho chúng ăn, thì chúng con cũng thế. Khi thấy bóng Người chúng con cũng “ngoi” lên như những cây non đón chờ ánh nắng sớm, chúng con mong muốn đón chờ những cái xoa đầu, những lời động viên sách tấn, những năng lượng yêu thương để chúng con có động lực sống tốt, học tốt như lời Thầy dặn, để trang bị cho mình những hành trang, tư lương sau này phụng sự nhân sinh, đi tiếp con đường mà Người đang đi, viết tiếp trang sử mà Người đang viết.

Tôi vẫn hay tự hỏi, chúng ta dành những cánh hồng cho mẹ, cho những người phụ nữ đã đến bên đời ta để cảm ơn họ về những tình cảm mà họ dành tặng cho ta. Thế có một loại hoa nào mà mình có thể dành tặng cho những người cha, người thầy để cảm ơn về quãng thời gian gai gốc, về sự hy sinh thầm lặng, về người đã dạy bạn có vấp ngã cũng phải tự đứng lên đi trên đôi chân của mình. Tặng cho người đã hy sinh những lợi ích cá nhân của mình để cống hiến, hy sinh cho tương lai của Phật pháp. Có đấy chứ! Đó sẽ là loài hoa mang tên bạn, loài hoa mà Thầy đã gieo vào đó niềm tin và hy vọng, tôi nghĩ vậy.

Dưới mái hiên chùa Thầy dặn:

“Thầy buộc đứa học trò bé vào trong chiếc hộp yêu thương

Được tạo hình từ vòng tay rắn chắc

Thầy thêm vào đó những hạt mần bình yên

Để cuộc đời con bớt muộn phiền

Thầy ươm vào đó những chồi xanh hy vọng

Để tuổi trẻ con rực rỡ dưới nắng vàng

Rồi một ngày vòng tay sẽ nới

Con háo hức đi tìm khoảng trời của riêng con

Con à !

Hãy đi chốn nào con thích

Hãy chứ quăng mình vào biển lửa giang truân

Cứ yêu cuồn si, yêu người, yêu vật

Yêu những điều nhỏ nhất một cách chân thành

Con sẽ có được nhiều hơn con mất

Thầy là “soái ca” của những cô con gái

Là bạn vong niên của những chàng trai.”

HVPGVN TP.HCM

Tăng sinh Nhuận Sơn.