Trang chủ Diễn đàn Hộ Pháp Quay lại quan niệm cũ đối với các tôn giáo

Quay lại quan niệm cũ đối với các tôn giáo

172

Sau Công đồng Vatican II, đã có sự thay đổi về cách nhìn nhận các tôn giáo khác ngoài đạo Ca tô La Mã. Cái nhìn mới có vẻ ôn hòa, cởi mở và thân thiện hơn. Chúng ta nghe nhiều hơn những từ ngữ mới như “đại kết”, “liên tôn”…

Ở Việt Nam, “liên tôn” với Phật giáo do đạo Ca tô La Mã khởi xướng, và dĩ nhiên, giữ vai trò chủ đạo, dường như chưa đạt đến kết quả bao nhiêu. Chỉ có một vài vị sư lẻ loi và không nổi tiếng nói tới “liên tôn” đối với đạo Ca tô La Mã, nhưng trong những hoạt động không đặt quyền lợi Phật giáo Việt Nam lên hàng đầu, mà vì những lợi ích khác.

Thế còn trong người Việt hải ngoại, thì việc phía Phật giáo “liên tôn” với đạo Ca tô La Mã có vẻ có nhiều ảnh hưởng hơn. Đã xuất hiện hội đồng liên tôn, với các vị sư bên cạnh những tu sĩ Ca tô La Mã. Như vậy, có phải là do kết quả thay đổi quan điểm của đạo Ca tô La Mã đối với các tôn giáo khác, nhất là Phật giáo, tôn giáo không thờ Thượng đế, nên đã đưa được tới kết quả trên? Dường như một số nhà sư Phật giáo tin vào sự thay đổi quan điểm của đạo Ca tô La Mã đối với Phật giáo, nên tham gia “liên tôn” do phía Ca tô La Mã đề xướng và giữ vai trò chủ đạo. Ở các vị sư hải ngoại vẫn có xu hướng đi theo Ca tô La Mã trong một số vấn đề xã hội.

Còn tôi, thì qua một số tài liệu đọc được, vẫn thấy là cũng có một số chuyển biến nào đó so với cách nhìn nhận “bụt thần ma quỷ” đối với Phật giáo lúc trước.

Nhưng thật bất ngờ, khi mới đây được đọc một tài liệu quan trọng mới nhất của đạo Ca tô La Mã thì thật không khỏi ngạc nhiên, khi thấy những quan điểm về tín ngưỡng ngoài Ca tô La Mã. Vẫn là một sự cứng rắn, khinh miệt, chỉ trích cố hữu.

Vì vậy, tôi thấy cần ghi lại sự việc ở đây, để bạn đọc Phật giáo tham khảo, nhất là các vị sư “liên tôn”! Hãy coi chừng ở đây có một sự “zíc zắc” nào đó, mà nếu cả tin, có thể một lúc nào đó bẽ mặt (1).

Tài liệu quan trọng mới nhất của đạo Ca tô La Mã được nói đến ở đây là thông điệp “Ánh sáng đức tin”, tên gọi đầy đủ là “Thông điệp Lumen Fidei Ánh sáng Đức tin”.

Thông điệp này được các cơ quan truyền thông đạo Ca tô La Mã đồng loạt phổ biến. Bản chúng tôi đọc là bản đăng trên Nguyệt san “Công giáo và dân tộc”, với lời giới thiệu đây là “Một thông điệp lịch sử”.

Thông điệp này được coi là do cả 2 giáo hoàng cùng tham gia soạn thảo, mới được giáo hoàng Phanxicô ký tên và công bố ngày 5/7/2013. Đoạn 13 thông điệp có đề cập đến việc thờ ngẫu tượng, trong khi Phật giáo thường xuyên bị phương Tây xếp vào loại tín ngưỡng này. Kết luận có ngay ở câu thứ hai của đoạn văn “Ở đây việc thờ ngẫu tượng có vẻ như đối nghịch với đức tin”.

Vấn đề được đi vào phân tích ở đoạn sau: “Martin Buber trích dẫn một định nghĩa về ngẫu tượng được giáo sĩ Do thái Kock đề ra: việc thờ ngẫu tượng xảy ra khi “khi một khuôn mặt kính cẩn hướng về một khuôn mặt không phải là một dung nhan”. [10] Thay vì đức tin vào Thiên Chúa, người ta thích thờ ngẫu tượng hơn, đó là ngẫu tượng mà chúng ta biết khuôn mặt và có nguồn gốc của nó, bởi vì nó là tác phẩm chúng ta. Trước ngẫu tượng, chúng ta không có nguy cơ bị mời gọi từ bỏ những sự an toàn riêng của mình, bởi vì ngẫu tượng “có miệng, nhưng không nói” (Tv 115,5). Như thế chúng ta hiểu rằng ngẫu tượng chỉ là một lý do để con người đặt mình ở trung tâm của thực tại qua việc thờ phượng công trình do tay mình làm ra. Một khi đã bị mất định hướng cơ bản là điều cung cấp cho cuộc đời tính đơn nhất, con người bị lạc đường trong những ước muốn đa dạng của mình. Khi không chịu chờ đợi thời điểm của lời hứa, con người bị phân tán trong hàng ngàn những khoảnh khắc của lịch sử mình. Cho nên, việc thờ ngẫu tượng luôn luôn là tôn giáo đa thần, một di chuyển không có mục đích từ một chúa này sang một chúa khác. Việc thờ ngẫu tượng không cung cấp cho con người một con đường mà rất nhiều lối mòn, không dẫn đến một cùng đích chắc chắn mà thay vào đó tạo ra một mê hồn trận.

Những người không muốn đặt niềm tin vào Thiên Chúa phải nghe những tiếng ồn ào của vô số ngẫu tượng kêu la: “Hãy tin tưởng vào tôi!” Đức tin gắn liền với việc hoán cải, trái ngược với việc thờ ngẫu tượng; đức tin là một đoạn tuyệt với ngẫu tượng để trở về với Thiên Chúa hằng sống, trong một cuộc gặp gỡ cá nhân. Tin có nghĩa là phó thác mình cho một tình yêu đầy thương xót, là tình yêu luôn luôn đón nhận và tha thứ, nâng đỡ và hướng dẫn cuộc đời chúng ta, và chứng tỏ sức mạnh của nó bằng khả năng sửa chữa những sai lệch của lịch sử của chúng ta. Đức tin hệ tại việc sẵn sàng để cho mình được liên tục biến đổi và canh tân bằng lời mời gọi của Thiên Chúa. Đây là sự nghịch lý: bằng cách liên tục quy hướng về Chúa, con người khám phá ra một con đường chắc chắn giải thoát họ khỏi sự phân tán mà ngẫu tượng áp đặt trên họ.”

Như thế, tuy hơi rối rắm, nhưng quan điểm cũng khá rõ đối với những tôn giáo tín ngưỡng khác.

Vì vai trò của Thông điệp “Ánh sáng đức tin” nên quan điểm nêu trên là rất quan trọng. Chúng ta nên tham khảo để biết, vì nói như thế, thì ít nhiều cũng liên hệ đến Phật giáo, một tôn giáo mà phương Tây coi là thờ ngẫu tượng.

MT

(1)    TS Ngô Huy Tiếp, trong sách “Những vấn đề lý luận về công tác tư tưởng của Đảng hiện nay”, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, đã viết: “Ngày nay, trong điều kiện đất nước ta đã hòa bình, thống nhất, kẻ thù của cách mạng Việt Nam thay khẩu hiệu cũ “chia để trị” bằng khẩu hiệu mới “liên tôn chống cộng” nhưng vẫn một âm mưu cũ: phá hoại khối đoàn kết dân tộc Việt Nam”.