Trang chủ PGVN Cửa thiền Trẻ em bất hạnh và mảnh đời ở chùa

Trẻ em bất hạnh và mảnh đời ở chùa

63

Chùa Thanh Sơn nằm trên địa phận thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, cách thành phố Nha Trang khoảng 30 km về phía nam. Hơn 10 năm trước, Hòa thượng Thích Thanh Quang đã biến ngôi ngôi chùa bỏ hoang cũ nát nơi đây thành mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh.







Bữa cơm nơi cửa chùa. Ảnh: Giao Thủy

Những đứa trẻ đầu tiên được ông đón về nuôi từ thành phố Hồ Chí Minh chỉ với lý do, ông không cầm lòng khi hàng ngày chứng kiến cảnh chúng lang thang trên đường phố, đêm về vạ vật ngủ ngoài hè, trong nhà ga, trên những cái sạp ở chợ…


 


Từ đó, gặp những đứa trẻ lang thang, mồ côi, vô thừa nhận, ăn xin…, bà con lại đưa chúng đến chùa. Nhiều em sau khi trải qua những tháng ngày bơ vơ trên đường phố đã kéo nhau về đây xin tá túc.


 








Địa chỉ Chùa Thanh Sơn

Hòa thượng Thích Thanh Quang – Chùa Thanh Sơn, thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

ĐT: 058-989002/ 0913464368 


Số tài khoản: Chế Hoàng Thọ (Pháp danh Thích Thanh Quang) – 0061000081392 – Ngân hàng Ngoại thương Nha Trang.


Hiện nay, “dân số” của chùa là 102 người, gồm 87 trẻ em và 15 người già, tàn tật. Cư dân “trẻ” nhất chùa là bé Chế Trường Xuân, 18 tháng, bị mẹ bỏ rơi trước cửa chùa khi mới 1 ngày tuổi. Nhờ tình thương của thầy Quang, sự tận tụy của bà Phạm Thị Hương (thường gọi là bà Ba) và những người đồng loại không cùng dòng máu khác, bé Xuân lớn lên từng ngày, khôi ngô, khỏe mạnh.


 


Chúng tôi đến thăm các em vào đúng bữa cơm trưa của một ngày Rằm. Trong mâm, ngoài các cư dân trong chùa còn có nhiều Phật tử. Thực đơn hôm ấy có 4 món: đậu phụ rim mặn, đậu ván non xào, canh bí đỏ và món gỏi chua ngọt.


 


Khác với những bữa ăn thông thường ở các gia đình, không khí ở đây mang vẻ trang nghiêm, trầm lắng. Chỉ có những tiếng va chạm lách cách của thìa đũa, tiếng lạo xạo của vá cạ vào tô canh, xoong cơm. Các em im lặng ăn, im lặng nhai, im lặng nuốt. Thỉnh thoảng có những tiếng hỏi nhau nho nhỏ, những tiếng thì thầm rất khẽ.


 


Có thể phân biệt dễ dàng chức phận các cư dân của chùa qua màu áo. Chú tiểu mặc áo nâu, đầu cạo trọc và một mảng tóc dài vén sau tai. Lớn hơn một chút là những nhà sư trẻ trong bộ đồ màu xám. Các em nhỏ khác mặc quần cụt, áo thun. Một số lớn hơn vừa đi học về, ngồi vào mâm với bộ đồng phục quần xanh áo trắng. Tất cả các em ngồi theo một tư thế: xếp bằng. Gương mặt ai cũng có vẻ nghiêm nghị, đăm chiêu. Tất cả các động  tác diễn ra từ tốn, chậm rãi. Những đôi mắt thi thoảng cúi xuống gắp thức ăn rồi thu lại, nhìn vào chén của mình, lặng lẽ.







Bé Mạnh cũng ước muốn được mẹ bón cơm. Ảnh: Giao Thủy

 


Tôi ngồi xuống bên cạnh mâm cơm của những đứa trẻ nhỏ nhất. Để làm quen, tôi lần lượt hỏi từng em: Cháu tên gì? Mấy tuổi? Học lớp mấy? Trường nào? Như một phản xạ, hỏi đến ai thì người ấy lập tức đặt chén và đũa xuống mâm, đưa một tay lên trước ngực theo cách chào của nhà Phật, lễ phép trả lời, từng câu, chậm rãi, không thiếu một ý, không thừa một chữ. Vẫn trong tư thế ấy, các em ngồi im, mắt nhìn xuống, có ý chờ câu hỏi tiếp theo.


 


Tôi cảm thấy mình có lỗi: “Trời đánh còn tránh ba ăn”. Vì sự tò mò của tôi mà bọn trẻ phải ngng bữa. Tôi vội nhắc: “Các cháu cứ ăn đi!”. Ai cũng khẽ “dạ” nhưng vẫn trong tư thế chờ đợi. Tôi đành đứng dậy, lòng chợt thấy nhoi nhói.


 


Thật khó tin rằng các em chỉ là những đứa trẻ, như rất nhiều những đứa trẻ khác, qua cách xử sự rất không trẻ con này. Thật khác xa những bữa ăn ồn ào, tiếng cười nói trong các nhà trẻ hay các khu trường nội trú. Khác xa những bữa ăn vui vẻ, đầm ấm, ríu rít tiếng kể chuyện của các thành viên trong những bữa cơm gia đình.


 


Ở đây, bọn trẻ cắm cúi gắp, cắm cúi ăn. Chúng tự xúc, tự gắp, tự ăn, tự lập hoàn toàn. Hết chén này thì xúc chén khác. Chẳng ai xới cơm, gắp thức ăn cho ai. Chẳng ai nhắc ăn nhanh hay ăn chậm. Chẳng ai để ý chúng ăn nhiều hay ít, đã no rồi hay còn đói. Tôi có cảm tưởng như chúng ăn cho đầy bụng chứ không thấy ngon. Và khi đủ số lượng thì đặt bát, đứng dậy.


 


Tôi chú ý đến cậu bé ngồi đầu mâm tên Mạnh, khoảng 2 tuổi, đang lặng lẽ xúc từng thìa cơm đưa lên miệng. Bỗng, ánh mắt cậu sững lại khi nhìn sang dãy đối diện. Tôi nhìn theo, một người mẹ đang âu yếm đút từng thìa cơm cho con, một cậu bé trạc tuổi Mạnh. Một nỗi buồn lướt qua khiến gương mặt em chợt âm u. Em cúi xuống, vọc vọc cái thìa trong chén, lăn qua lăn lại những hạt cơm. Tôi có cảm giác như em đang cố nuốt những giọt nước mắt.


 


Các bạn ngồi cùng mâm đã xong bữa, lần lượt đặt đôi đũa ngang miệng chén, đứng lên. Vậy mà chén cơm của Mạnh vẫn còn nhiều. Em kề cà lúc nhìn sang đứa bé kia, lúc cúi gằm mặt xuống chén cơm. Tim tôi chợt đau nhói. Tôi nhè nhẹ xoa đầu em, thì thầm: “Cháu nhớ mẹ phải không?”. Mạnh nuốt vội miếng cơm trong miệng, lặng lẽ gật đầu.







Được ăn, mặc ngủ nơi cửa chùa nhưng những ánh mắt vẫn buồn thăm thẳm, vẫn ước mơ về một mái ấm gia đình. Ảnh: Giao Thủy

Cách đây không lâu, ba mẹ đã bỏ Mạnh bơ vơ ngoài đường. Một người dân đi qua đã đưa em đến đây. Mạnh ăn cơm chùa để lớn lên như những đứa trẻ cùng lứa. Nhưng ánh mắt em thì không giống những đứa trẻ ấy – buồn hiu và xa vắng. Có lẽ hình ảnh người mẹ kia đút cơm cho con đã gợi lại trong em cái ký ức tươi rói của những ngày mình còn có mẹ?


 


Nhìn sang các em khác, tôi nhận thấy, trên khuôn mặt các em không có những tia sáng long lanh của tuổi thơ. Mỗi gương mặt trẻ thơ ấy đều mang vẻ trầm tư của người lớn. Và ánh mắt của các em thật buồn. Một nỗi buồn câm lặng, đau đáu.


 


Ngay cả khi các em cười thì đó cũng là những nụ cười dè dặt, ưu tư. Và cả bé Xuân, khi được bà Ba đưa lên chào khách, cũng nhìn chúng tôi bằng đôi mắt mở to buồn bã. Bà Ba nói, hình như bé sớm biết thân phận mình nên chẳng mấy khi khóc lóc, vòi vĩnh mà chỉ ngơ ngác nhìn xung quanh. Có lẽ bé muốn tìm hình bóng mẹ.


 


Hòa thượng Thích Thanh Quang tâm sự: “Tôi luôn mong ước một điều: Các bậc cha mẹ hãy vì con cái mà đừng bao giờ chia tay, li dị hoặc đẩy các em ra đường. Bởi vì, dẫu có một mái ấm bình yên như chùa Thanh Sơn, các em vẫn luôn khao khát tình thương yêu của cha mẹ!”.


 


Có phải vì vậy mà đôi mắt của những đứa trẻ ấy buồn thăm thẳm? Những khuôn mặt cứ bần thần và ngơ ngác, làm nhói lòng những lữ khách đến thăm chùa như chúng tôi? Lời tâm sự của thấy trụ trì như một lời kết, một mong mỏi từ trong sâu thẳm, muốn cho tiếng cười trẻ thơ luôn dòn tan từ những nếp nhà.