Trang chủ Quốc tế 9 ngày cứu trợ ở Nepal

9 ngày cứu trợ ở Nepal

50

Đoàn cứu trợ gồm 14 thành viên do thầy Thích Trí Không làm trưởng đoàn. Trước khi lên đường sang Nepal, đoàn tìm mua được gần 1.000 kg lều. Do liên hệ với những người bạn đồng tu ở Nepal từ trước, thầy Trí Không có bảng danh sách những nơi cần cứu trợ, nhưng thầy quyết định chọn đến những vùng ở nơi hẻo lánh gánh chịu hậu quả động đất nằng nề nhất, khó khăn nhất.

Ngày đầu tiên, đoàn cứu trợ của thầy Trí Không dành thời gian trở gần 1.000 kg lều cùng tịnh tài trao tặng cho 24 chùa và các vị tu sĩ ở vùng núi Solukhumbu. Phải trở bằng loại phi cơ nhỏ trở tới chân núi, sau đó các Lama tiếp tục cõng hàng cứu trợ lên tự viện trên núi.  

3 ngày kế tiếp đoàn cứu trợ 6 làng ở vùng Sindu Palchog và 5 làng ở vùng Kabre Palchog cách thủ đô 90km là các vùng bị tàn phá nặng nề nhất.

Ngày thứ 5, một chuyến đi ấn tượng sau này chắc cũng khó quên trong đời. Đó là đường đến vùng Jyamsong chỉ cách thủ đô Katmandu 150km nhưng phải trải qua đồi núi quanh co, gồ gề đá dăm đá gộc, vực sâu nguy hiểm, do vậy Jyamsong đã ở xa lại càng thêm hẻo lánh.

Nhiều lần xe chở hàng cứu trợ gặp đá gộc phải chồm lên chồm xuống, những người ngồi trên xe cũng bị xốc lên xốc xuống oải người. Đoàn xe tải chở thực phẩm muốn an toàn phải bò như rùa nối đuôi nhau lên đèo, thỉnh thoảng qua những cung đường sình lầy trơn trượt xe bị pa-ti-nê mọi người phải xuống xe… đẩy, nếu không phải tay lái “oai hùng” khó có thể qua con đèo này.

Khi đoàn xe trở thực phẩm cứu trợ tới nơi, như một vườn hoa được cơn mưa tràn tới, cả làng ai nấy mắt sáng lên, nét mặt rạng rỡ. Thanh niên địa phương hăng hái phụ giúp vác gạo trên xe xuống. Dân làng cho biết, đoàn của thầy Trí Không là đoàn cứu trợ nước ngoài đầu tiên đến vùng này. Thật xúc động không lời nào tả hết. Cung đường gian nan mệt nhọc đã tan biến trên gương mặt mỗi người trong đoàn.

Rời thủ đô Katmandu từ lúc hừng đông, phát xong gạo cho dân làng về tới nơi đặt được cái lưng chợp mắt cũng đã nửa đêm, sáng hôm sau lại tiếp tục đến vùng khác.

Ngày 25 tháng 4 năm 2015 thành phố Katmandu vẫn bình yên như hàng triệu ngày trước đó. Người người vẫn hành hương, những ngôi đền cổ vẫn   đông đảo người ra vào. Đó là ngày thứ bảy, những người lao động được nghỉ, những học sinh cũng nghỉ học. Cơn động đất rung chuyển mạnh đột ngột vào khoảng 11 giờ trưa là lúc các thành viên quây quần dưới mái ấm với bữa cơm trưa. Nhưng những gam mầu cuộc sống bình an đã bị địa họa biến những mái ấm của người dân thành những đống gạch vụn vùi lên những con người vô tội không phân biệt già, trẻ, lớn, bé. Những căn nhà gỗ thì biến thành củi, thành những vật không hình dáng.

Một sự thật thảm khốc, thê lương do khí hậu bị biến đổi gây ra, kinh khủng như sự công phá của bom đạn. Người ta không thể tính toán chính xác sự mất mát về người và của. Nhưng con người lại chính là tài sản quý giá nhất của mỗi gia đình thì lại mất với số lượng gần 10.000 người. Vài em bé thơ thẩn trên đống đổ nát nhà mình tìm lại sách vở và những gì còn có thể dùng được. Những con phố hiền lành trước đây vốn đã thưa người, bây giờ như những đường phố hoang chỉ có gió đi qua. Buồn hơn tang tóc.

Thầy Trí Không là người nhiều năm tu học tại Nepal nên nói tiếng Nepal và thông thạo địa hình. Đến những địa điểm nào thầy cũng có thể đứng trước những ngôi nhà bị động đất san bằng giới thiệu nơi mình đang đứng là làng tên gì. 

Nhưng nước mắt tang tóc những cơn dư chấn gây ra chưa khô thì hôm nay nạn nhân hậu quả động đất của Nepal và dân làng các vùng hẻo lánh lại rưng rưng nước mắt với một tâm trạng khác đón nhận các đoàn cứu trợ do các Chư Tăng – Ni người Việt Nam khoác áo Phật cùng nhóm Phật tử đặt chân tới trong đó có nhóm cứu trợ của thầy Thích Trí Không.

Ngày thứ bảy đoàn của thầy Trí Không đến vùng Khyrang. Kyrang nằm lọt thỏm trong thung lũng, nhỏ nhoi dưới chân núi đá cao vọi. Từ trên cao nhìn xuống mới thấy cái làng cô đơn làm sao.  Khyrang cách xa thủ đô Katmandu 450km, nhưng những trận động đất đã lấp lối giao thông không thể đi bằng phương tiên ô tô chỉ còn cách vận chuyển hàng cứu trợ tới dân làng Khyrang bằng phương tiện trực thăng. 

Sáng hôm sau là ngày thứ 8 tiếp tục thuê trực thăng mang hàng cứu trợ tới vùng Senang. Sau đó, trên đường về Katmandu còn cách khoảng 20km lại gặp Trung tâm trẻ mồ côi thì đoàn không còn lương thực. Buổi chiều cùng ngày, đoàn quay trở lại Trại mồ côi hỗ trợ tiền, quà , bánh kẹo cho cho các em, trong trại này có nhiều em không còn gia đình và cho mẹ sau trận động đất.

Một số vùng khác như vùng Haleshi Area và Junbesi cũng phải di chuyển hàng cứu trợ bằng phi cơ hạng nhỏ.

Trải qua những con đường đến với các làng hẻo lánh đầy trắc trở như thế mới hiểu được những khó khăn thực tại của chính quyền địa phương. Nhưng những tấm lòng hoan hỷ, từ bi của những người con của Phật đã, đang và sẽ đến với họ, chia sẻ phần nào những cơ cực hiện tại.

Cho đến ngày thứ 9 là ngày chót, đoàn vẫn trở chuyến hàng lần 2 bằng trực thăng đến vùng Khyrang. Kết thúc chuyến cứu chợ cuối về tới nhà trọ thời gian trống chỉ còn lại 1 tiếng đồng hồ để chuẩn bị ra sân bay trở về Việt Nam.

 14 người trong đoàn cứu trợ của thầy Trí Không đều là những lao động chính trong gia đình. Để xắp sếp được thời gian 9 ngày đi cứu trợ ở Nepal không phải đơn giản. Có thể nói 9 ngày đi cứu trợ, do địa hình đi lại khó khăn, đoàn  của thầy Trí Không tận tâm, tận lực không một chút thời gian dành cho mình ngơi nghỉ.

Nepal, quốc gia sở hữu nhiều công trình văn hóa Phật giáo độc đáo và thâm hậu, đặc biệt riêng Đại bảo tháp Bouddhanath cho dù qua những trận động đất  vẫn uy nghi tỏa sáng, sau những cơn dư chấn trong tháng 5 chỉ bị nứt trên chóp ngọn tháp, cho đến trận động đất sau cùng mới bị rạn ra. Một đại gia ở Mỹ đã tài trợ cho Ban quản lý Đại bảo tháp Bouddhanath sửa chữa lại.

Mùa mưa đang đến, những nạn nhân động đất sẽ sống ra sao trong các túp lều bạt mong manh? Chẳng bao lâu mùa đông tràn tới, những người già và trẻ thơ sẽ chịu đựng ra sao trong những đêm đông giá buốt? Chúng ta hãy cùng chung cái nhìn về đất nước Nepal để làm cái gì đó chia sẻ những khó khăn cực kỳ vẫn đang diễn ra từng giờ, từng ngày trong đời sống hàng ngàn nạn nhân của các trận động đất vừa qua đang chịu đựng.