Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Giác Ngộ, Q.10: Hình mẫu xây dựng chùa thế kỷ XXI

Chùa Giác Ngộ, Q.10: Hình mẫu xây dựng chùa thế kỷ XXI

952

1. Ở một số không nhỏ tăng ni, Phật tử, câu “chùa to Phật lớn” có ý nhìn nhận không tốt về sự việc. Nó như là chuyện chỉ lo chạy theo hình thức bên ngoài, không có thực chất tu học.

Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ, hoàn toàn không phải như vậy. Vế quan trọng ở đây là “chùa to”. Không có chùa to thì lấy đâu chỗ để hành lễ, để tăng ni lưu trú, để đón nhận Phật tử trong những khóa tu, để mở những lớp học giáo lý đông người…

Chùa to, đó là nhu cầu khách quan của sự phát triển Phật giáo Việt Nam. Chùa to không phải là để thỏa mãn tâm lý xây dựng chùa chiền, tôn tạo công đức. Mà chùa to là điều phải có để đạo Phật đến với số đông người. Không có diện tích, thì thầy trụ trì bó tay, không tổ chức ra việc gì được trong mong muốn hóa độ.

“Chùa to” ở đây không nên chỉ hiểu là chính điện to, nhà tổ to, mà còn là giảng đường to, lớp học to, tăng xá to, trai đường to, nhà bếp to… Như vậy, thì Phật giáo mới có được một số lớn tu sĩ và tín đồ.

TT. TS: Thích Nhật Từ – trụ trì chùa Giác Ngộ chị đạo trực tiếp thi công công trình, các hạng mục ngôi đại hùng Bảo điện (cao ốc) chùa Giác Ngộ

2. Quá trình xây dựng chùa trong thế kỷ XX là quá trình tiến lên xây dựng chùa to

Chùa thế kỷ XIX đều là những ngôi chùa nhỏ, chính điện chứa chỉ vài chục người. Diện tích chính điện như vậy đáp ứng nhu cầu cúng bái, tức là chỉ để thắp hương, kẻ trước người sau lần lượt, không thể tập trung Phật tử hành lễ. Một đạo Phật cúng bái chỉ cần một ngôi chùa với chính điện như vậy, giống như một cái miếu lớn.

Chùa thế kỷ XIX, cũng ít công trình phụ, cũng vì không có nhu cầu tập trung Phật tử. Tăng xá chỉ dành cho vài vị tăng hay ni là đủ. Phật giáo Việt Nam thế kỷ XIX không có những tu viện hàng trăm người như nhiều nước Phật giáo trên thế giới.

Thật sự, chùa nhỏ là một biểu hiện cho sự suy thoái Phật giáo. Đó là tôn giáo không có tín đồ, không cần tập trung tín đố, nếu muốn cũng không tập trung được tín đồ!

Công cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX gặp nhiều khó khăn vì vấn đề chùa nhỏ. Chùa nhỏ, nên không lấy đâu ra diện tích để tổ chức trường học, thư viện, phòng khám bệnh, họp hội… Người xuất gia tăng thêm thì không có chỗ ở, gia đình Phật tử mở rộng thì không có phòng ốc sinh hoạt. Chật chội thì ngặt nghèo đủ trăm bề.

Vì vậy, đến từ giữa thế kỷ XX, việc xây dựng chùa ở miền Nam đã có chuyển biến. Chùa trước đây thường chỉ có một tầng trệt, thì nay đã có một trệt dùng làm giảng đường và một lầu dùng làm chính điện. Khu công trình phụ có thể xây cao hơn nếu có thể. Chúng ta thấy cấu trúc như vậy ở nhiều chùa như Xá Lợi, Ấn Quang, Pháp Hội, Từ Nghiêm, Giác Hoa…

TT. TS: Thích Nhật Từ chỉ đạo thực hiện các hoa văn họa tiết đang được hoàn thiện dần.

Việc xây chùa cao hơn, nhiều diện tích hơn dù chỉ 1-2 tầng lầu là một bước đồng hành của chấn hưng Phật giáo, là hệ quả của chấn hưng Phật giáo. Chấn hưng Phật giáo đòi hỏi phải có “chùa to” để thêm chỗ để tăng ni Phật tử hành lễ, thêm giảng đường, thư viện, lớp học, phòng phát hành kinh sách… Chùa to là bước phát triển tất yếu của Phật giáo hưng thịnh.

3. Chùa Giác Ngộ đột khởi cao ốc chùa với 7 tầng!

Cuối thập niên 1970 và trong thập niên 1980, việc xây dựng chùa có bị ngưng trệ. Đến thập niên 1990 việc xây chùa với quy mô lớn mới được bắt đầu trở lại.

Xu hướng chùa to vươn cao mở rộng đã được tiếp tục. Chùa không có diện tích khuôn viên rộng thì xây cao như chùa Hòa Khánh, chùa có khuôn viên rộng thì tăng diện tích các công trình phục vụ tu học như chùa Hoằng Pháp.

Tuy nhiên, độ cao các chùa mới xây chỉ mới ở mức “nhà lầu”, chưa đến mức cao ốc.

Cho tới bước đột khởi của chùa Giác Ngộ: 7 tầng lầu!

Nếu xét trong chỉ riêng việc xây chùa, thì thượng tọa Thích Nhật Từ là người có tầm nhìn xa.

Bảy tầng chùa có lẽ là giới hạn cao nhất được phép, vì thiết nghĩ, tư duy 7 tầng đã là tư duy cao ốc, biến một ngôi chùa chỉ tầm trung bình thành một ngôi chùa với diện tích lớn, tạo cơ sở vật chất ban đầu cho một trung tâm tu học.

TT. TS: Thích Nhật Từ đang đôn đốc công nhân ốp tường cho phòng khách tăng.

Nếu so với việc một số nơi còn xây chùa 1-2 tầng, như Thiền viện Vạn Hạnh chỉ có một tầng hầm và một tầng trệt, thì chùa Giác Ngộ đã tiến xa hơn nhiều với tầm nhìn 20-30 năm cho tương lai Phật pháp. Có diện tích rộng, tất yếu một trung tâm tu học mới sẽ hình thành tại chùa Giác Ngộ, và có thể vượt xa các trung tâm tu học Phật giáo đã có nếu rơi vào tình trạng chật chội, thiếu hụt diện tích. Và cũng không chỉ là trung tâm tu học, diện tích rộng còn là cơ sở để hình thành trung tâm đào tạo tăng tài.

Tôi đến chùa Giác Ngộ vào tết năm 2016 và thật sự choáng ngợp vì sự rộng rãi. Chùa không trang trí cầu kỳ, việc trang trí nội thất còn dở dang nhưng người Phật tử rất hoan hỷ và mấy ngàn mét vuông đang sẵn sàng đưa vào phục vụ Đạo pháp.

Thang bộ, thang máy không lớn nhưng đều nhân đôi đặt cả hai bên tiết kiệm diện tích, khéo léo, gọn gàng. Khách ở mặt tiền có thể vào ngay chính điện hoặc lên các tầng trên đều dễ dàng thuận lợi.

Một chánh điện lớn, có tầng lửng, tạo nên chỗ hành lễ rộng rãi hiếm có cho số đông. Với quy mô như vậy của chính điện, các tượng Phật lớn một cách tương xứng, bề thế, trang nghiêm.

Còn phía trên là các diện tích thênh thang cho các công trình phụ. Khuôn viên chùa Giác Ngộ nở ra ở phía trong, nên diện tích xây dựng cũng mở ra như thế, tạo cảm giác ngoài thì có vẻ hẹp nhưng bước vào trong thì mở rộng ra, thoải mái, dễ chịu.

Tầng mái của dãy Tăng xá sắp hoàn tất.

Tôi ủng hộ thầy Nhật Từ ở chỗ thầy đã có cách sắp xếp mới, không cứ là chính điện phải ở nơi cao nhất, không có gì được trên tượng Phật, mà chính điện phải ở nơi dễ vào nhất, nơi trung tâm của kiến trúc. Từ trước tới giờ ít người xây chùa theo quan điểm này, kể cả phòng thờ nhà riêng.

Ở chùa Giác Ngộ phần kiến trúc dùng làm công trình phụ đặt ở bên trên chính điện, nhưng ngăn cách hoàn toàn, giữ được hoàn toàn vẻ trang nghiêm thanh tịnh cho chính điện.

Từ lâu, tôi đã mơ tưởng đến những chùa cao ốc. 7 tầng chưa phải là cao lắm ở Sài Gòn, nhưng đã là cao lắm so với các chùa.

Tháp nhỏ trên mái của dãy nhà Tăng xá.

Chùa Giác Ngộ mở ra một mô hình mới trong việc xây dựng trùng tu chùa ở thành phố, nơi chùa phải thực sự là trung tâm tu học của đông đảo Phật tử.

Chúng tôi nghĩ rằng nay không cần đi xa ra ngoại thành, Phật tử thành phố có thể chỉ mất 5-10 phút để đến trung tâm tu học có sức chứa hàng ngàn người. Nếu đã có diện tích rộng, mà không làm được điều đó thì mới thật là đáng tiếc.