Trang chủ Văn học Truyện Ngón tay chỉ đường (Phần một)

Ngón tay chỉ đường (Phần một)

82

Gốc rễ

Mãi cho đến chiều tối hôm qua, cây bông mọc ở trong vườn nhà vẫn còn sống. Những gốc rễ của nó bám sâu xuống lòng đất và mạch sống vẫn tuôn chảy trong lá, trong nụ, trong cây. Cây bông đó thật đẹp, nó mang mầu xanh lá cây thật dễ thương, thật sáng, thật ngọt ngào. Cây bông đó, trước kia, vẫn thường vui đùa ve vẩy lá cây theo ngọn gió mềm và ban rãi hạnh phúc bé nhỏ của nó đi khắp nơi.Tôi đã dạo quanh quẩn vườn nhà rất nhiều lần và cũng đã chia xẻ hạnh phúc cuộc sống với cây bông.


Ngày hôm qua, một kẻ nào đó đã nhổ cây bông đó lên rồi. Ngày hôm nay, khi tôi nhìn cây bông thì nó đã chết tự bao giờ.


Cái chết xảy đến cho cây bông khi rễ của nó không còn bám chặt vào đất nữa. Sự sinh trưởng của cây bông hoàn toàn phụ thuộc vào những cái rễ đó. Mặc dù bạn không thấy chúng, nhưng những cái rễ đó chứa đựng bí mật của cuộc sống.


Cây cỏ đều có rễ cây. Loài người cũng vậy. Cây cỏ đều có một nền tảng để sống, loài người cũng có một nền tảng để sinh tồn. Một khi những cội rễ bị bứng gốc, cỏ cây đều chết. Con người khi mất đi cái cơ bản của đời sống, con người cũng rụi tàn héo úa.

Có một lần, tôi đọc một cuốn sách của Albert Camus, trong đó có câu “Tự tử là một vấn đề triết lý vô cùng quan trọng.” Albert Camus rất chí lý. Ngày nay, con người hình như không có một muc đích thực sự cho đời sống của mỗi người. Mọi vật dường như vô nghĩa, phi lý. Cái rễ cái của con người như là bị lung lay, và trong sựï vắng mặt của dòng liên kết cuộc sống, con người không còn gì hết ngoài sự cô đơn và sợ hãi. Con người cần gốc rễ, con người cần đất sống. Rễ ở trong lòng và linh hồn là tôn giáo. Nếu nhân loại biết trồng cội rễ tâm linh, thì đóa hoa Nhân Bản sẽ nở ra khắp vũ trụ hành tinh này.


Chiếc áo

Một người bạn của tôi đã trở thành một tu sĩ và một ngày kia, ông ta đến thăm tôi. Thấy ông ta mặc chiếc áo tu sĩ mầu vàng, tôi nói:
-“Tôi nghĩ là bạn đã thành một vị thánh rồi chứ. Cái này là cái gì vậy? Sao bạn phải nhuộm áo đi vậy?”
Ông bạn tu sĩ của tôi cười sự ngu ngốc của tôi.
-“Ông không hiểu gì hết. Tu sĩ thì phải ăn mặc khác biệt người thường chứ?”
Tôi suy nghĩ, không trả lời. Ông bạn tôi thắc mắc.
-“Sao, suy nghĩ gì vậy?”
-“Đây là một vấn đề cần nói,” tôi trả lời, “Một tu sĩ không cần phải có bề ngoài khác biệt, nếu cần phải có sự khác biệt thì ông ta không phải là thánh nhân.”
Có lẽ bạn tôi không hiểy ý tôi muốn nói gì, nên ông ta phản đối liền:
-“Đâu có được, người tu phải khác với người thường chứ, phải mặc áo vàng chứ; chẳng lẽ ông muốn người tu sĩ trần truồng, không mặc gì cả?”
Tôi trả lời:
-“Không phải vấn đề mặc hay không mặc. Tôi muốn nói cái sâu kín hơn dưới lớp áo này.”
-“Nhưng những cái áo này nhắc nhở tôi là một tu sĩ.”
Tôi phá lên cười:
-“ Tôi thì lại khác, tôi chẳng cần một lớp áo nào bao phủ tôi. Ông là loại thánh nhân gì nếu ông cần có một lớp áo để nhắc nhở ông? Quần áo chỉ là vật ngoài thân, chỉ là bề mặt. Những ai chỉ thấy lớp vỏ bên ngoài, lớp bề mặt đó thì sẽ không bao giờ thấy được bên trong tâm hồn mình. “Những ai thoát được cái vỏ bên ngoài đó mới chính là Thánh Nhân.”

Bạn có hiểu tôi muốn nói gì không?


Con vẹt

Chiều dần xuống. Mới lúc nãy, bầu trời còn trong sáng, thế mà bây giờ đã dần bị mây đen phủ kín. Mặt trời đã lặn từ lâu và không gian nghe lành lạnh. Tôi dừng chân ở một cửa tiệm. Ông chủ tiệm có nuôi một con vẹt. Con vẹt không cần ở lồng., nó hay đậu trên vai hay bàn tay của ông chủ tiệm. Dù không có lồng, con vẹt cũng dường như không muốn bay đi tìm tự do. Nó chỉ luôn miệng nói rằng “ram, ram,” và lập đi lập lại “ram, ram.”
Tôi bàn chuyện:
-“Chà, con vẹt chắc biết nói giỏi lắm.”
-“Con vẹt của tôi biết nhiều lắm, nó rất giỏi.”
Thoạt nghe qua, tôi bật cười.
-“Nếu vậy, các nhà học giả đều là vẹt hết.”

Đúng vậy, theo tôi, tri thức không phải do học thức mà có được. “Sự hiểu biết thực sự không phải do sách vở hay nhà trường mà có, cũng không phải do sự thâu lượm được từ những người khác hay do sự ghi chép từng sự kiện, biến cố. Những gì bạn học được nơi sách vở, nơi học đường chỉ biến bạn thành những con vẹt biết nói, và nhai đi nhai lại những cặn bã của những người khác, như con bò nhai cỏ, như con voi nhai bả mía. Cái học thức đó chẳng khác gì một cái thây chết bị người ta giải phẫu, cắt xén, lật đi lật lại nhiều lần. Và một đầu óc chứa đầy những sự kiện chết đó sẽ chẳng nhận thức điều gì.

Tri thức là một cái gì vượt ra ngoài cái xác học thức vay mượn đó. Nó là kinh nghiệm, là cuộc sống, là cái nhìn trực giác thẳng vào bản chất sự vật không qua một lớp áo tri kiến nào. Với cái nhìn xuyên suốt đó, bạn mới thẳng tiến được đến “đỉnh núi Chân Lý”.


Bia đá

Tôi đi ngang qua một ngôi đền đang xây cất dở dang. Tôi chợt tự hỏi, “Có nhiều đền, nhiều chùa, nhiều thánh đường quá rồi, sao người ta cứ xây thêm thế nhỉ? Càng ngày, con người càng ít đi lễ lạy hơn, thế mà người ta vẫn xây, để làm gì nhỉ?

Tôi suy nghĩ và loay hoay tìm câu trả lời, nhưng tôi không thấy thỏa mãn với những lý do, ý kiến tôi đưa ra. Tôi bèn đến hỏi thăm một lão thợ nề đang đứng xây cánh cổng đền. Câu hỏi của tôi làm lão ta bật cười và lão ta dắt tôi đi vào bên trong đền. Đằng sau ngôi đền đang xây, tôi thấy có nhiều tảng đá cắt dở dang và có tảng đang được người thợ khắc chạm những hình tượng thần thánh. Tôi tự nghĩ có lẽ những ngôi đền xây lên để thờ những bức tượng này. Nhưng không, ông lão thợ nề dắt tay tôi đi sâu tút vào bên trong nữa. Ở mãi tút đằng sau ngôi đền, có một nhóm vài ba người thợ đang khắc chạm tỉ mỉ trên một viên đá. Lão thợ nề nói: “Đây đây, những ngôi đền được xây lên cho những cái này đây.”

Tôi há hốc miệng ra nhìn và hiểu hoàn toàn. Những người thợ đang đẽo gọt, khắc chạm tên những “người quyên tiền đóng góp xây cất ngôi đền.” Người nào cho tiền nhiều nhất, tên họ sẽ đúc lên trước nhất. Thì ra người ta xây chùa, xây đền, xây nhà thờ không phải để tu hành, mà cốt chỉ khoe khoang, mua danh bán lợi. Xây đền để được người khen ngợi, chiêm ngưỡng, xây chùa để tên được đúc vào bia đá công danh. Cái vòng tròn lợi danh xoay con người thật nghiệt ngã, nhưng con người vẫn hám lợi, tham danh đua nhau húc đầu vào chỗ chết.

Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện:

“Ngày kia, có một người giầu có muốn cúng 10,000 đồng tiền vàng lên Thánh Shree Nathji. Ông ta đến trước bệ tượng Thánh và cẩn thận đếm từng đồng tiền vàng xếp thành chồng một. Từng cử chỉ, từng động tác của ông ta đã lôi kéo sự tò mò của người khác. Họ vây xung quanh ông ta và xầm xì khen ngợi hâm mộ sự giầu có và hảo tâm của ông ta. Khi ông ta đặt đồng tiền vàng cuối cùng xuống và liếc nhìn đám đông, ánh mắt của ông ta cũng loé sáng sự kiêu hãnh như ánh sáng của đồng tiền vàng kia.

Ông ta đến gặp một vị tu sĩ ở đền và trịnh trọng nói:

– “Đây là 10,000 đồng tiền vàng, tôi dâng lên Thần Shree Nathji.”

– “Ông hãy mang vàng của ông về đi. Thần không nhận đâu,” vị tu sĩ nói.

– “Vì sao?” lão ta ngạc nhiên hỏi.

– ”Vì niềm tin tôn giáo và công đức không thể phát xuất từ vật chất tiền bạc được. Ông đem sự kiêu hãnh, ngạo mạn, tham lam để cầu được vào ngưỡng cửa thiên đàng thì không bao giờ có chuyện đó xẩy ra được. Hãy về đi!”


Công đức

Thành phố bé nhỏ yên ổn này sáng nay chợt náo nhiệt ồn ào cả lên. Tiếng người nói, tiếng chân chạy, tiếng kèn, tiếng chuông ầm ĩ cả một góc phố.

Tôi nhỏm dậy, bò ra khỏi giường, quấn vội vào người mảnh vải và đưa đầu ra khỏi cửa sổ ngóng nhìn ra xa.
Thì ra hôm nay là ngày khánh thành một ngôi đền (hay một ngôi chùa, thánh đường) do một người rất giàu có bỏ tiền ra xây cất.
Tôi biết lão này. Lão ta đã xây vài ngôi đền rồi. Lão là người “đầu tư vốn vào tôn giáo” (investment his wealth in religion). Hắn là một tên lái buôn gian manh, bỏ vốn “buôn bán tôn giáo.” Hắn bỏ một lời mười.

Tại sao hắn “đầu tư vào tôn giáo”? Vì hắn sẽ được cả danh lẫn lợi. Thực sự, hắn chỉ là một kẻ “đại bịp” và những kẻ a dua theo hắn là một lũ ngu xuẩn tội nghiệp. Hắn bỏ tiền ra lúc đầu và hô hào mọi người giúp thêm để làm nơi sinh hoạt tôn giáo. Vì trình độ thấp kém, quá tin vào bề ngoài giầu có của hắn, nên nhiều người đã ít nhiều giúp hắn thâu lợi. Nhưng khi xây xong một ngôi đền nào, thì chỉ có tên hắn trên bảng vàng, còn ngoài ra đều là vô danh tiểu tốt cả. Cứ như thế, hắn càng giầu thêm và có quyền lực thêm.

Tiền có thể mua trái đất này, tiền có thể mua cả thiên đường. Vì tiền, người ta cam tâm làm mọi hành động tội lỗi, ngay cả buôn bán thần thánh.

Tôi có nghe chuyện một lão nhà giàu, khi chết bay lên gõ cửa thiên đường. Sứ giả mở cửa và hỏi:

-“Lão là ai?
-Úy trời đất ơi! Ngài không biết danh ta sao? Bộ tin tức đám ma của ta chưa lên đến đây hả?
-Lão muốn gì đó, nói đi!
-Ta cần gì phải muốn, đương nhiên là ta vào thiên đàng rồi. Thôi, cho Ngài vài đồng, mở cửa đi!
-Này, cái thói tiền bạc đó chỉ có ở trái đất của các người thôi nhé. Tại đây không có lệ này. Ta hỏi ngươi đã làm được điều tốt lành gì không mà muốn vào cửa thiên đàng này?
-Chậc chậc, thực tình ở trên này bắt tin tức chậm quá. Ta là người giầu lòng bác ái mà. Việc ta làm, ta không bao giờ kể công đâu, nhưng thôi các ngài đã hỏi, ta sẽ nói. Để ta nhớ lại coi. À, ta có bố thí 10 xu cho một bà già ăn mày.
-Có đúng không? Sứ giả quay lại hỏi thần ghi sổ công đức.
Thần Công Đức dò sổ, gật đầu:
-Đúng, lão có cho 10 xu.
-Được rồi, còn gì nữa không?
-À, còn chớ, một lần nữa ta cho một thằng nhỏ mồ côi 5 xu.
-Có đúng không?
Thần Công Đức gật đầu công nhận có.
-À, còn nữa à nghen, cái này mới dễ nễ nghen. Ta có dự một buổi đại hội từ thiện xã hội và ta đã ký 10,000 đồng vào sổ vàng công đức. Sau đó, ta lại ký cho một nhà thờ đang xây cất 10,000 đồng nữa, tên ta đứng đầu sổ đó nghen. Ai ai cũng khen tặng ta hết. Cho như vậy mới đáng cho chứ. À, còn . . .
-Thôi thôi, đủ rồi, này Thần Công Đức, ý ông nghĩ sao?
-Cho hắn xuống địa ngục là vừa rồi. Làm việc từ thiện mà khoe khoang, giả dối quá. Lên đây mệt thêm.
-Ý á, ý áaaaaaaaaaa . . . .

Đó, loài người là vậy. Khi làm được một chút gì đều muốn khoe khoang cho cả làng xóm đều nghe và giở trò bịp bợm, lợi dụng. Đối với tôn giáo, ngôn ngữ đồng tiền không có ý nghĩa gì, nhưng con người vẫn sử dụng đồng tiền để “buôn bán tôn giáo.” Vì thế, đạo đức, nhân nghĩa, v.v. đã mất dần, bọn “con buôn tôn giáo” tha hồ hoạt động vì những người khác đều “câm ngọng “hết rồi.


Tu sĩ và ả giang hồ


Tôi có nghe một câu chuyện.

Ở một thành phố kia, có hai cái chết xảy ra cùng một lượt. Đây là một sự trùng hợp đáng ngạc nhiên. Một cái chết của một ông tu sĩ (đạo nào cũng được), và cái chết của một ả giang hồ. Họ sống đối diện nhau và cả hai cùng chết một ngày. Những người dân phố thị ngạc nhiên vô cùng. Nhưng họ sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa (nếu họ biết được sự thật); và sự thật này chỉ có ông tu sĩ và ả giang hồ kia biết được mà thôi (tiếc thật!).

Ngay sau khi họ chết, sứ giả Tử Thần đến mang họ đi. Các sứ giả đem ả giang hồ kia lên thiên đàng và đẩy lão tu sĩ xuống địa ngục.

Lão tu sĩ dẫy nẫy lên và hỏi rằng:

-“Nè nè, mấy ông bạn, mấy ông có lầm lẫn không đó? Mấy ông mang ả đó lên trời, còn ta xuống địa ngục hả? Cho mấy ông làm lại đó nghen . . .
-Chúng ta không lầm lẫn đâu. Nhưng thôi, lão cứ nhìn về đám đông kia rồi ta sẽ nói.”

Lão tu sĩ nhìn về phía trái đất. Lão thấy xác mình được quấn vải thơm, phủ đầy hoa và nước thơm. Đằng sau có hằng ngàn người ngậm ngùi tiếc thương một vị tu sĩ phạm hạnh, suốt đời hy sinh cho lý tưởng tôn giáo. Họ sẽ đưa thi hài vị tu sĩ này lên giàn thiêu. Họ tưới dầu thơm lên giàn củi và châm lửa. Tiếng tụng kinh cầu nguyện nổi lên theo làn khói bốc tỏa lên. Nhưng bên kia đường là xác chết của ả giang hồ, không ai thèm đếm xỉa tới ả hết. Lát nữa, vài người lượm rác sẽ quăng thây ả lên ngọn đồi hoang kia; nơi đó đã có bọn chó đói và diều hâu, kên kên chực chờ sẵn để xâu xé, phanh thây.

Khi lão tu sĩ thấy như vậy, lão quay lại các sứ giả Tử Thần nói:

-“Nè, thấy chưa, mấy người ở trần gian còn biết điều hơn mấy ông nữa đó!

-Người ở trần gian chỉ biết những gì bên ngoài mà thôi. Sự nhận xét hiểu biết của họ không bao giờ có thể đi quá hơn cái thân xác của con người. Nhưng câu hỏi không phải là ở thân xác này, mà chính là ở trong lòng người. Khi ngươi còn sống và khoác áo nhà tu, ngươi đã nghĩ gì trong đầu óc? Có phải ngươi cũng đã thầm yêu trộm nhớ ả giang hồ kia không? Có phải ngươi cũng đã rên rỉ hát theo những khúc hát ả giang hồ kia hát không? Có phải đã có lúc ngươi thấy đời sống ngươi trống rỗng vô vị và thèm khát được ôm một người đàn bà trong tay? Có phải có lúc ngươi định đem số tiền những tín đồ tin vào ngươi, dâng cúng cho ngươi để quì xuống dưới chân ả giang hồ kia xin chút tình yêu không? Trong khi ngươi núp dưới lớp áo thánh thiện đó để lợi dụng, lừa bịp thiên hạ qua cái vỏ bề ngoài đạo mạo, phạm hạnh của ngươi thì bên kia đường, ả giang hồ hèn hạ đó đang tôn vinh ngưỡng mộ đời sống cao thượng, thanh khiết của ngươi. Khi ngươi làm lễ ở thánh đường hay đền thờ, và rống to lên những khúc kinh cầu hay lời nguyện, thì ả giang hồ đó gục đầu trong ăn năn hối lỗi và xúc động sâu xa. Bên này đường, ngươi giả dối gian trá trong chiếc áo nhà tu, thì bên kia, sự thống thiết ăn năn tội lỗi đang dày vò tâm hồn ả giang hồ. Ngươi trở nên chai sạn lì lợm, xảo quyệt với cái trí thức học mót được của người khác; ả giang hồ đó cúi đầu chấp nhận sự ngu dốt vô minh của mình và chỉ mong được giải thoát. Cuối cùng những gì còn lại trong ngươi, đó là “bản ngã, là tham lam, là si mê, là giả dối, bịp bợm, . . . nhưng ả giang hồ kia đã thoát khỏi được cái “Tôi” ràng buộc, thấp hèn, vị kỷ. Ngay lúc ngươi trút hơi thở cuối cùng, ngươi vẫn kiêu hãnh và thoả mãn vì không ai khám phá được bề trong tồi bại của ngươi; nhưng khi ả kia chết, ả đã hoàn toàn trong sạch vì sự tham muốn đã dứt bặt trong tâm. Do đó, ngươi đi xuống cõi tối tăm như tâm hồn ngươi, còn ả đang đi trong vùng “Ánh sáng của Tình Thương và Chân Lý.” Bây giờ đã đến ngày tàn của ngươi rồi.”

-“Trời ơi, á chết ta rồi ồi ồiiiiiiiii . . .”

Này các bạn, đừng “đánh giá vội một ai qua lớp áo bên ngoài nhé.” Trên đời này, người ta hay “nhìn lầm” nhau lắm!


Hết phần một