Trang chủ Blog chùa Bắc Giang: Gần 7 nghìn người tham dự lễ cầu nguyện Quốc...

Bắc Giang: Gần 7 nghìn người tham dự lễ cầu nguyện Quốc thái dân an tại chùa Linh Quang

273

Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sáng ngày 15/01/Quý Mão (nhằm ngày 05/02/2023), chùa Linh Quang (xã Mai Đình, Hiệp Hoà, Bắc Giang) đã long trọng tổ chức đại lễ cầu Quốc thái Dân an với sự tham dự của gần 7.000 Phật tử nhân dân xa gần. Buổi lễ diễn ra hết sức thành công, tạo nên nhiều hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng xã hội tỉnh Bắc Giang. Mặc dù thời tiết có mưa phùn, giá rét, thế nhưng hàng nghìn người vẫn nườm nượp đội mưa đổ về chùa Linh Quang dự lễ Quốc thái Dân an đầu năm.

Cầu quốc thái dân an là cầu cho quốc gia hưng thịnh, hòa bình, nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Tại đây, những người tham gia đại lễ cầu Quốc thái Dân an đã đại diện cho gần 100 triệu con người Việt Nam trên khắp đất nước nói lên tình yêu thương với đất nước, đồng bào; lòng thành kính với tổ tiên. Nhờ buổi lễ, mọi người có cơ hội mở rộng lòng mình, dẹp bỏ cái tôi để hướng đến chúng sinh rộng rãi. Từ đó, cùng nhau chung tay xây dựng một hành tinh yêu thương, tử tế.

Đúng 8h00’sáng, tại Thiền đường chùa Linh Quang buổi Lễ chính thức bắt đầu. TT Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sỹ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BR-VT) đã chủ trì đại lễ cầu Quốc thái Dân an.

Mở đầu chương trình là các tiết mục văn nghệ do các ca sĩ biểu diễn cúng dường lên Tam bảo.

Buổi Lễ cầu nguyện diễn ra với sự chứng minh tham dự của: TT TS Thích Chân Quang; cùng Chư tôn thiền đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang; và chư Tăng Ni trụ trì các chùa, tịnh xá trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh. Hải Dương, Quảng Ninh.

Về phía Tổng Đạo Tràng Thiền Tôn Phật Quang có: Sư Cô Thích Nữ Tường Phổ – Chúng trưởng Chúng Ni, Phụ trách Tổng Đạo tràng Thiền Tôn Phật Quang.

Đồng thời còn có sự tham dự của các Phó Tổng Đạo Tràng Thiền Tôn Phật Quang thuộc 3 miền (Bắc – Trung – Nam); các Chúng trưởng/ Chúng phó; các Hội trưởng/ Hội phó Hội Từ Thiện Phật Quang; các Thủ lĩnh/ Phó Thủ lĩnh CTN Phật tử Phật Quang thuộc miền Bắc, miền Trung, miền Nam; và CTN Phật tử Phật Quang Đài Loan.

Ngoài ra, còn có gần 2.000 Phật tử sinh viên công quả phục vụ cho đại lễ bao gồm  các Đạo tràng, Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang và sinh viên các trường Đại học Hà Nội.

Về phía khách mời có: Thiếu tướng Nguyễn Đình Được – Viện trưởng Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài Nhân lực.

Về phía lãnh đạo huyện Hiệp Hòa có: Ông Bùi Huy Khánh, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy; Bà Hoàng Thị Phương, Trưởng Ban Dân vận huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện; Thượng tá Trần thế Cường – Ủy viên ban thường vụ huyện ủy, Trưởng Công an huyện Hiệp Hòa.

Về phía lãnh đạo xã Mai Đình có: Ông Vũ Chí Công – Ủy viên ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy xã Mai Đình; Ông Hà Huy Hường – Chủ tịch UBND xã Mai Đình; Ông Đinh Văn Tám, Ông Ngô Văn Đồng – Phó Chủ tịch UBND xã Mai Đình; Ông Phù Văn Dũng – Chủ tịch UB MTTQ xã Mai Đình; Ông Nguyễn Ngọc Hà – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mai Đình; Ông Hà Viết Xuyên – Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Mai Đình; Ông Trần Đức Minh – Phó Chủ tịch HĐND xã Mai Đình; Bà Lê Thị Quỳnh Hương – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mai Đình; cùng đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy, Thường trực HĐND, Ủy viên UBMTTQ và đại diện các ban, nghành, cơ quan, đoàn thể xã Mai Đình.

Tham dự buổi lễ còn có đại diện chính quyền, các ban nghành thôn Mai Hạ; đại diện Ban Quản lý đền thờ; các di tích lịch sử văn hóa; lãnh đạo các doanh nghiệp; các trường học, cơ quan đơn vị trên địa bàn; cùng phóng viên báo đài cũng đến tham dự và đưa tin.

Trong không khí trang nghiêm ấm áp thắm tình đạo vị, sau 3 tiếng chuông ngân dài tất cả Hội chúng đồng hát bài Tổ Quốc Việt Nam.

Kế đến, tiếng nhạc của bài Quốc ca, Đạo ca vang lên trầm hùng trong niềm xúc động của người con Phật.

Tiếp theo, Chư tôn đức Tăng Ni, cùng các vị Lãnh đạo chính quyền và toàn thể đồng bào Phật tử dành một phút mặc niệm để tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cùng các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cũng như tưởng nhớ chư Thánh tử đạo, chư tiền bối hữu công.

Tiếp đến, TT TS Thích Chân Quang đã khai Pháp đầu năm tại chùa Linh Quang chia sẻ về: GIÁ TRỊ ĐẠI LỄ CẦU QUỐC THÁI DÂN AN.

Bình thường khi tu tập, tâm ta sẽ dâng niềm tôn kính tuyệt đối lên Đức Phật nhưng khi cầu Quốc thái Dân an, ta lại dành rất nhiều tình cảm yêu kính của mình hướng về Tổ quốc, tổ tiên, các vị lãnh đạo, các vị anh hùng đã có công bảo vệ và xây dựng đất nước. Ngoài ra, trong nghi lễ này ta còn trải lòng mình để yêu thương hết tất cả nhân dân, đồng bào ta. Tình cảm này là một loại đạo đức đặc biệt, giúp nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta qua nhiều thế hệ. Đây cũng là sự giáo dục đặc biệt của nghi lễ cầu Quốc thái Dân an.

Lễ cầu Quốc thái Dân an ngoài tính chất tâm linh của đạo Phật còn là một cơ hội để kết nối lãnh đạo với nhân dân.

Với người Việt Nam, ngày Tết nguyên đán đầu năm được xem như cơ hội cho chúng ta kết nối với thần thánh, cầu mong bình an may mắn cho cả năm. Tuy nhiên nhiều người đã sử dụng những phương pháp mê tín vô ích, không có lợi về đạo đức, không có lợi về phúc báo, không có lợi về văn minh của thời đại. Thế là suốt một năm còn lại ta vẫn gặp nhiều chuyện không vui. Nhiều người than thở tại sao cúng sao giải hạn rồi mà trong năm gia đình vẫn lục đục, gặp đủ điều xui rủi là vì vậy.

Nhưng nếu đầu năm ta có một nghi lễ kết nối với thần thánh chân chính, đúng với Chánh pháp, phù hợp với Luật nhân quả, phù hợp với nếp sống văn minh thì sẽ có kết quả tốt đẹp, những chuyện xui rủi được vượt qua. Đó chính là nghi lễ cầu Quốc thái Dân an.

Đây là dịp cho ta ngưỡng vọng về quốc tổ, những vị Vua, các triều đại, các lãnh tụ kiệt xuất, các anh hùng đã nối nhau bảo vệ đất nước này. Ta không còn là những con người ích kỷ nhỏ nhen lặt vặt mà biết mở lòng mình ra hướng đến những điều lớn lao hơn. Đại lễ cầu cầu Quốc thái Dân an có ý nghĩa giáo dục rất lớn là vì vậy.

Ta có bốn loại công đức trong cuộc đời cần phải theo đuổi, đó là:

Chính mình làm những điều thiện lành.

Hỗ trợ hướng dẫn người khác làm điều thiện.

Tránh làm điều bất thiện gây khổ đau cho người.

Khuyên bảo ngăn cản người khác không làm điều ác gây đau khổ cho cộng đồng.

Thứ nhất, chính mình làm điều thiện. Điều thiện căn bản nhất là giúp người có miếng cơm qua cơn đói, và điều thiện cao nhất là giúp cho nhau được tu hành giác ngộ. Nếu chưa từng giúp ai, ta có nguy cơ đọa vào khổ cảnh ở kiếp sau.

Thứ hai, hướng dẫn hỗ trợ người khác làm việc thiện. Công đức này đòi hỏi trước đó điều thiện trong tâm ta đã được củng cố cực kỳ vững chắc, ta từng làm rất nhiều việc thiện rồi. Như thế mới có đủ uy đức, chiều sâu, sức mạnh tinh thần đủ để thuyết phục người khác làm việc thiện.

Thứ ba, đừng làm điều bất thiện. Nghe thì đơn giản nhưng không dễ làm, đòi hỏi ta phải có trí tuệ và rất can đảm mới có thể từ chối làm việc sai lầm từ việc rất nhỏ, rất ít. Khi có kinh nghiệm tránh làm điều ác như thế ta mới đủ sức ngăn người tạo ác.

Thứ tư, khuyên nhủ ngăn cản người làm ác. Nhờ công đức này mà chính mình sẽ không bao giờ phạm vào điều ác nữa. Nếu bỏ mặc người tạo ác thì chính ta sẽ có ngày làm nhiều điều bất thiện trong tương lai.

Đó là bốn công đức mà ta phải theo đuổi hết kiếp này sang kiếp khác.

Và trong những điều thiện đã nói, điều thiện tối cao nhất là tu hành giác ngộ. Chính chúng ta phải tu hành hướng về Vô ngã và giúp mọi người chung quanh đều biết tu hành thiền định hướng về vô ngã. Cao cả hơn, ta nguyện ước xây dựng cả thế giới này thành một tinh cầu giác ngộ.

Và phần đúc kết cuối bài Pháp thoại là lời chúc tết đầy đủ ý nghĩa của Thượng tọa gửi đến các Phật tử, các vị khách quý vào những ngày đầu năm.

Sau thời thuyết giảng kết thúc, tiếp đến là phần nghi lễ tâm linh. Trong không khí ấm áp của buổi Lễ, toàn thể Chư tôn đức Tăng Ni, cùng đông đảo Phật tử, các vị Lãnh đạo và quần chúng nhân dân địa phương trang nghiêm hướng về Lễ đàn thực hiện nghi thức cầu nguyện Quốc thái Dân an.

Đặc biệt, trong nghi thức cúng Quốc tổ, trước bàn thờ Quốc tổ, các vị Lãnh đạo đã tựu vị niêm hương, tỏ lòng thành kính với Tổ tiên bằng việc dâng cúng trà, rượu, cơm, bánh trái và thực hành nghi thức vái tạ theo lời xướng đọc của vị Chủ lễ.

Trong sự trang nghiêm, thanh tịnh, mọi người đồng lòng, thánh kính dâng lên những ước nguyện tốt đẹp chung cho thế giới, nhân loại. Lúc này, hơn 7.000  con người như hòa làm một. Dù không chung máu thịt, quê quán nhưng giữa họ không còn cái ta, chỉ có tình yêu thương vô bờ bến dành cho nhau.

Sau cùng, TT Thích Chân Quang thực hiện tục phát lộc ngày tết. Tất cả Đại biểu đều được Thượng tọa trực tiếp trao lộc và Phật tử nhân dân tham dự đều hân hoan nhận lộc đầu năm. Thượng tọa đã gởi gắm vào tâm hồn của mỗi người một món quà xuân tinh thần đầy ý nghĩa và ấm nồng đạo lý để làm hành trang giúp mọi người vững chải, kiên định hơn trên con đường tu tập. Đó là những giá trị tâm linh, giá trị nội tại mà mỗi người phải tu tập và hàm dưỡng trong suốt đời tu của mình.

Sau đó, đúng 12h00’ cùng ngày còn có lễ Quy Y cho hơn 800 thiện nam tín nữ phát tâm chính thức trở thành người Phật tử để tu tập và hộ trì cho Tam Bảo.

Cứ mỗi nghi thức qua đi, mọi người lại càng có niềm tin mãnh liệt vào tương lai tương sáng của quê hương, đất nước, nhân loại. Chiến tranh đã qua nhưng những đau thương, mất mát trong quá khứ sẽ là động lực để dẫn đất nước đến những thành công to lớn hơn. Trong sự no ấm, đầy đủ, con người sẽ phát triển hoàn thiện, biết yêu thương, sẻ chia với nhau hơn. Đồng thời, có điều kiện tu tập, hướng đến những điều thiện lành trong cuộc sống.

Quả thực, trong cái giá rét đầu năm, được quỳ dưới chân Phật, được ngắm nhìn, tiếp xúc với các vị lãnh đạo, các vị Tôn túc, đồng bào, huynh đệ, lòng ta bỗng cảm thấy ấm áp vô cùng.

Buổi lễ khép lại trong sự hân hoan của tất cả người tham dự. Ai cũng mở được lòng mình để yêu thương nhiều hơn, cống hiến và phụng sự nhiều hơn. Từ đó, cùng nhau hướng đến một tương lai tươi sáng, hạnh phúc.

Xin giới thiệu chùm ảnh ghi nhận:

Thực hiện: Tâm Trụ