Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Bibliotheca Buddhica – "Tuyển tập truyện Thích Ca Mâu Ni"

Bibliotheca Buddhica – "Tuyển tập truyện Thích Ca Mâu Ni"

104

Vì vậy, những viện sĩ đó tìm cách riêng truyền bá Phật giáo tại nước Nga phần châu Âu nói riêng và ở châu Âu nói chung. Tuyển chọn, phiên dịch, xuất bản kinh sách Phật giáo, với đối tượng phục vụ trước hết là các học giả, giới trí thức Nga và châu Âu, các Viện sĩ Nga đã tìm cách làm cho giới trí thức Nga biết đến những giá trị cao siêu, thâm thúy mà họ vừa phát hiện từ đạo Phật.

Kết quả của những cố gắng lớn đó từ giới trí thức tinh hoa của nước Nga là tủ sách Phật học có tên là Bibliotheca Buddhica. Đây là một series sách tập hợp những văn bản kinh sách Phật giáo gồm văn bản gốc, chú giải và bản dịch tiếng Nga.

Người chủ trì công trình khoa học này là Viện sĩ Đông phương học Sergei Oldenburg, người đã giữ vai trò chủ chốt của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Nga trong nhiều năm. Đây là công trình lớn của Viện Hàn lâm Khoa học, được các viện sĩ thông qua năm 1897, với kinh phí của Viện.

Nhưng đây cũng có thể được coi là một cách truyền bá giáo pháp tại nước Nga và châu Âu một cách thông minh, trí tuệ, lấy giới trí thức tinh hoa làm hạt nhân, để từ đó phát triển rộng dần.

Bibliotheca Buddhica là một công trình tập thể mang tính chất quốc tế. S. Oldenburg đã mời không chỉ các học giả Nga, mà còn là các học giả Pháp, Anh, Bỉ, Nhật và Đức. Một sự liên kết quốc tế để xây dựng công trình tủ sách Phật học được hình thành.

Nếu theo tiếng Nga hiện đại thì Bibliotheca Buddhica có thể gọi là “Thích Ca Mâu Ni Tuyển tập” (trong tiếng Nga, Thích Ca Mâu Ni được phiên âm là “Cikshasamuccaya”).

Dưới sự chỉ đạo và điều hành của Viện sĩ S. Oldenburg, cơ sở chế bản in ấn của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Nga không khó khăn lắm trong hoạt động xuất bản tủ sách Phật học, vì nơi đây từng in ấn, xuất bản nhiều tác phẩm văn học bằng các ngôn ngữ châu Á.

Bộ sách mở đầu với lời dẫn của học giả Cecil Bendal, trong đó ông bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Viện sĩ S. Oldenburg, người chủ trì công trình. S. Oldenburg được mô tả là có những cống hiến lớn lao và giá trị đối với công trình, nhất là trong sự hỗ trợ những học giả tham gia thực hiện công trình.

Viện sĩ S. Oldenburg cũng hỗ trợ học giả Đức A. Grunvedel trong việc nghiên cứu tranh tượng và biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng, do Hoàng thân Esper Ukhtomsky sưu tập.

Chính S. Oldenburg cũng đích thân thực hiện bản thảo nhiều tập trong bộ sách. Ông đi sâu vào nhiều vấn đề của Phật giáo Tây Tạng.

Cùng với S. Oldenburg, có thể ghi nhận những đóng góp của Viện sĩ Fyodor Scherbatskoy.

Người ta gọi viện sĩ là một Indologist (nhà Ấn Độ học), theo sự kính trọng mà Ấn Độ dành cho ông, nhưng đúng ra, châu Âu biết đến ông như một nhà Phật học, mà sự tham gia của ông vào việc tổ chức thực hiện công trình Bibliotheca Buddhica là một ví dụ.

Viện sĩ Fyodor Scherbatskoy được coi là nhà nghiên cứu đầu tiên đã phân tích sự khác biệt giữa Phật giáo, một tôn giáo, và Phật giáo, như là một hệ thống triết học. Viện sĩ đã góp phần tạo nên giá trị của bộ Bibliotheca Buddhica bằng những kiến giải sâu sắc của mình về triết học Phật giáo.

F. Scherbatskoy cũng giữ vai trò phiên dịch các bản kinh Phật và trong công việc ông gặp không ít khó khăn. Các bản kinh Sanskrit không phải dễ hiểu và chuyển ngữ. Ông cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ của các học giả Ấn Độ và Tây Tạng. Ông cũng đã đến Ấn Độ và Tây Tạng trong nhiều năm.

Các bản kinh Phật trong bộ sách Bibliotheca Buddhica không chỉ là Phật giáo Bắc tông mà còn gồm cả Phật giáo Nam tông. Bộ sách làm cả châu Âu ngạc nhiên về sự vĩ đại và thâm sâu của triết lý Phật giáo. Công trình đã giúp các học giả Nga và châu Âu vượt qua giai đoạn biết Phật giáo và khởi đầu giai đoạn hiểu Phật giáo, cả ở hai nhánh lớn Bắc tông và Nam tông.

Bibliotheca Buddhica cũng giữ vai trò nhân bản các văn bản quý của Phật Giáo có nguy cơ thất truyền, đặc biệt là các ấn bản Sanskrit. Bộ sách là tư liệu quý để các nhà Phật học, Đông phương học Nga và Xô Viết thực hiện các công trình nghiên cứu sau đó. Bộ sách tồn tại như một giáo trình mà các nhà Phật học Nga tiên phong dùng để đào tạo học trò, những nhà “Phật học Xô Viết”.

Bibliotheca Buddhica cũng được xem là một thành tựu văn hóa khoa học lớn của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Nga, một đóng góp của nước Nga đầu thế kỷ XX vào kho tàng tri thức quốc tế. Đối với nhiều Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và giới quý tộc Nga, công trình là niềm kiêu hãnh về trí tuệ Nga, sự uyên bác về phương Đông và điều mà được gọi là “không có khoảng cách giữa nước Nga và châu Á”.

Trong niềm kiêu hãnh đó Bibliotheca Buddhica được xem là biểu tượng của sự độc quyền hiểu về các giá trị châu Á của giới khoa học Nga vào đầu thế kỷ XX.

Bibliotheca Buddhica đã góp phần chuyển biến cách nhìn về Phật giáo của toàn thế giới Tây phương. Phật giáo không phải là một tôn giáo huyền bí, u mê của các dân tộc thuộc địa châu Á cần khai hóa, mà là một kho tàng triết học thâm sâu, phong phú, siêu việt. Còn đối với giới trí thức và quý tộc Nga cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tìm hiểu Phật giáo là một việc thời thượng, cao sang.

Bộ sách ra tổng cộng được 30 tập.

MT