Trang chủ Đời sống Buổi cơm gia đình

Buổi cơm gia đình

58

Ngoài “rau sắn chùa Hương” hay con mực của biển Nha Trang, con cá nục cửa Thuận An, trái thơm trái mít làng Hồ hay những thổ sản đặc trưng trên khắp đất nước là những yếu tố vật chất cho buổi cơm ngon, các thứ chén dĩa như khía cạnh mỹ thuật làm đẹp con mắt, vì ta cũng thường ăn bắng mắt, Tản Đà đã chiêm nghiệm về  cái tình “người cùng chia xẻ bữa ăn” và  không gian đầm ấm thân mật của bữa ăn ngon, “chỗ ngồi cũng phải ngon ăn mới ngon”.


 


Có thể nói, hai yếu tố quan trọng này đến từ kinh nghiệm ban sơ về những buối ăn chung trong gia đình, những buổi ăn trong sự yêu thương che chở của cha mẹ, trong không khí thân thương, khi mọi người quây quần chung quanh mâm cơm, cùng chia nhau chén cơm con cá với anh chị em, dưới mái nhà thường vang tiếng cười thanh xuân hay tiếng khóc sơ sinh . Những kỷ niệm “ăn chung” trong gia đình hay đại gia đình, dù buổi cơm đạm bạc với nước mắm kho hay cầu kỳ với cao lương mỹ vị, cùng nhau chan chung bát canh, cùng nhau chấm chung chén nước mắm hay nước chấm do mẹ pha, là những kỷ niệm để đời, khó quên.


 


Cho nên rốt cùng điều mà ta nhớ nhất khi xa nhà, lang thang trên đất khách, khi trưa đến hay chiều về, dạ dày cồn cào, thì không ai khác hơn nó, chính cái dạ dày bắt nhớ – dù ta không muốn nhớ – đến con cá bống thệ kho khô, bát canh rau bồng tơi bồng ngọt, vị gạo thơm dẻo trên đầu lưỡi của mẹ đã cho ăn ngày trước. Hình ảnh “khói lam chiều” trên mái tranh, bếp lửa vùi rơm trở nên biểu tượng hạnh phúc gia đình trong thi ca, nhưng nỗi nhớ quặn về chính từ khúc ruột, từ đáy lòng ấy. Ai đi xa cũng phải nhận là nhớ nhà đi liền với thèm nhớ những món ăn mẹ nấu cho cả gia đình. Sự gắn bó yêu thương với người thân, với gia đình bắt đầu bằng những điều thật là cụ thể như thế của năm giác quan: vị mặn, cay, đắng, chát, ngọt ngào của thức ăn, chúng có sức giữ cho bộ nhớ giác quan linh động và có thể trở về sống động trong những lúc con người cô đơn hay thiếu thốn, chúng trào dâng trên chót lưỡi một thứ hoài niệm đầy ứ vật chất và tinh thần. Chúng là chứng tích nguyên ủy nhất của tình thương.


Con người một khi đã nếm những vị của tình thương vừa  thực tế vừa bao dung của mẹ cha, thì đi đâu cũng không thể quên được cội nguồn. Buổi cơm gia đình còn cho ta nhiều hơn những lần chim mẹ mớm mồi cho chim con. Trên chiếc chiếu hoa, mâm cơm ở giữa hay trên chõng tre, trên  bộ ván ngựa bằng gỗ hay quanh bàn ăn, không gian ấy là “cái tổ” của sự đùm bọc, nó có giá trị về tính hợp quần nhân bản như “chim có đàn cùng hót tiếng hót mới hay, ngựa có ngựa cùng đua nước đua mới mạnh”. Nó là thứ tình gắn bó với mái nhà gia tộc. Bạn bè tha hương khi gặp nhau ăn cơm, thường bảo ăn một mình không thấy ngon, có anh chị em ăn chung, buổi ăn trở nên ngon, các gương mặt cùng nhau nhìn vào một trung tâm, vị giác khứu giác thiệt giác trở nên sôi nổi và dạ dày, – dạ dày quan trọng cho tình thương – trở nên linh hoạt thúc dục gắp món ăn. Ăn một mình là chỉ ăn lấy no hoặc ăn tham, ăn với nhau mới thực là “ăn ngon” nhờ sự tham dự của người bên cạnh. Chính sự hợp quần này nâng phẩm chất của buổi ăn gia đình lên một tầng cao hơn về  “ngon”,ngoài ý nghĩa kinh tế của buổi ăn chung, thường được đánh giá là tiết kiệm ngân sách gia đình, như các bà mẹ thường nói, ăn chung “lợi chén lợi đũa”. Ngày nay, khi điều kiện sống khả quan hơn, con người kiếm được nhiều tiền hơn, lại ít thì giờ hơn vì bề bộn công việc, có khuynh huớng cho rằng buổi cơm gia đình đã hết chức vụ  dè xẻn kinh tế,  sẽ không còn tồn tại nữa và nếp sống con nguời cũng đổi khác với ảnh hưởng nếp sống “fast food” Âu- Mỹ. An dọc đường hay ăn cơm “take away” dần dần trở nên “mốt”, vừa nhanh vừa tiện. Nhưng hình như trong những lúc ăn như thế, con người như nuốt luôn cả sự lẻ loi, cô đơn vào trong dạ dày và chà xát nó với chất xót “stress”. Nhiều chứng bệnh đau dạ dày có lẽ đến từ những buổi ăn…thiếu chất thương yêu.


Buổi ăn gia đình Việt nam là biểu tượng ý nghĩa xã hội Việt nam được hiểu như một lối sống đầy tình cảm tập thể với cách xếp chỗ ngồi quanh một mâm tròn, bát canh  được đặt ở giữa mâm cùng với bát  nước chấm chung,  khác với cách “bày bàn ăn”  Tây phương, trọng cá nhân, phân chia rạch ròi từng phần ăn riêng rẻ, tuy cùng ngồi chung một bàn. Nhưng Đông hay Tây, sự cùng ngồi ăn vẫn được đánh giá là buổi họp mặt gia đình thú vị, đầm ấm nhất, và món ăn của mẹ hay chị hay anh em, – ngày nay đàn ông Tây phương biết nấu khéo không thua đàn bà – thường vẫn được ngợi ca và yêu thích, vẫn là những đề tài thích thú trong những câu chuyện gia đình, trong các cuộc gặp gỡ bạn bè trong lúc cùng thưởng thức những món ăn đặc biệt tự tay nấu nướng.