Trang chủ Văn học Truyện Bứt bổi Bình Điền (Viết tặng hội “Gia Đình Bình Điền” vừa...

Bứt bổi Bình Điền (Viết tặng hội “Gia Đình Bình Điền” vừa mới thành lập tại Bắc Cali.)

117

 

Sau ngày bị cho nghỉ dạy ra khỏi trường Đồng Khánh tôi hồi hộp đợi chờ số phận kế tiếp của mình nhưng “mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”.  Chờ mãi cho đến hôm qua tôi mới được tổ trưởng cho biết là tôi đã được “trên” trả về tổ dân phố để lao động sản xuất.  Khu vực lao động sản xuất cho tổ dân phố của tôi là một nơi nào đó tại Bình Điền mà tôi chưa hề đặt chân đến.  Trong tổ có gần chục gia đình.  Nhưng phần lớn là công nhân viên Nhà Nước hay xã viên hợp tác xã. Đầu đường phía Nam là gia đình anh Lý Văn Nghiên, nhà giáo nhưng từng xông pha xuống đường trước 1975 nên nay được bố trí công tác văn nghệ quần chúng. Cuối đường phía Bắc là gia đình ông Khang lái xe vận tải vừa vào hợp tác xã.  Nhiều gia đình trong tổ có chân trong các hợp tác xã tre mây, may mặc… nên sự vinh quang lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất sắn khoai cho xã hội lại giao cho những người dân phố chợ… chưa có sự mà cũng chẳng có nghiệp hoặc loại lỡ thầy, lỡ thợ, quen nắm viết, cầm phấn hơn là nắm cày, cầm cuốc như tôi.

       Thời điểm người khôn của khó mà bị đuổi ra khỏi công sở thì có muốn vác bị gậy đi xin cũng kẹt đường.  Loài người tiến bộ hơn loài vật vì biết che và biết khoe. Trước 1975, người ta đua nhau khoe giàu nó quý phái như thế nào thì những ngày sau 1975 đua nhau che của, khoe nghèo nó cao quý như thế ấy.  Cho nên, được làm nhóm trưởng nhóm bứt bổi thì cũng vẫn còn vẻ vang trong thiên hạ đang hồi tranh nhau đi theo quỹ đạo vòng quay của thời thế rồi.

       Ngày lực lượng các tổ dân phố phường Thuận Thành chúng tôi vác cuốc xẻng, dao rựa xuất quân lên Bình Điền lao động sản xuất, tôi mới khám phá ra rằng, tôi là cấp chỉ huy của 3 nhân vật.  Ông Khàn bị bệnh suyển kinh niên nên có tên là Khàn Suyển.  Ở trong xóm, ông Khàn nổi tiếng là hiền nhân nhưng không phải là quân tử nên ông thường dạy vợ tận tình bằng cách nói lui nói tới một câu danh ngôn bất hủ, rằng là: “Thấy chồng hiền xỏ chân vô mũi; thấy chồng dữ lủi thủi bỏ đi!”  Sự thật phũ phàng là ông Khèn chưa bao giờ thưởng thức được vế thứ hai để làm cho bà Khàn “lủi thủi bỏ đi” cả.   Có lẽ vì thế mà trông mũi ông có vẻ thông thoáng lớn khác thường: Vì bị xỏ chân hơi nhiều chăng?  Nhân vật thứ hai là “Bảo Cận”.  Viết tắt của Bảo cận thị chứ không phải bà con với Bảo Đại, Bảo Long.  Nếu thu tóm cả thảy giang sơn thì Bảo cận cũng cân được hơn vài ba chục ký xương da.  Nó bị cận nặng nhưng không bao giờ được làm trí thức đeo kính trắng vì quá nghèo, không tiền mua kính.  Muốn xem cái gì nó phải đưa gần chạm mắt mũi mới thấy.  Người đời tự hỏi, không biết đã có lần nào nó được xem nhan sắc người đẹp theo kiểu đưa giai nhân đến gần sát mũi như thế hay chưa?  Nhân vật thứ ba là bà Đắt.  Vì phát âm giọng Huế không phân biệt, nên người ta không biết bà tên thiệt là “Đắc” hay “Đắt”, nhưng dẫu tên nào thì bà cũng hầm hừ bất mãn nếu ai gọi bà ta là “mụ”!  Bà là người lao động năng nỗ, nhưng lao động miệng thì xuất sắc hơn là lao động tay chân nên chưa có công ty nào dám mướn bà ấy cả.  Cái quán cóc nước chè và bánh kẹo đầu kiệt của bà cũng phải dẹp vì khách hàng không có ai đỡ nổi mười thành công lực từ cái miệng xoen xoét rất cực kỳ xông xáo của bà.

       Ấy thế mà chúng tôi lại thành một tổ hợp “tứ nhân bang” vô cùng ăn khớp.  Vừa bước chân lên mảnh đất Bình Điền, tôi đang còn ngơ ngác trước cảnh cây cỏ hoang dã, ruộng đồi xanh tươi đầy hứa hẹn nhưng có vẻ như thiếu bàn tay người từ thuở khai thiên.  Bà Đắc gọi tôi bằng “thầy” với giọng nể nang dành cho “kẻ sĩ” lỡ thời.  Bà ta tỏ ra thông minh và cũng là người có cốt cách chỉ huy thiên phú.  Với giọng nói khàn khàn đầy vẻ quyết đoán, bà ta nắm quyền tư lệnh từ hiệp mở màn và long trọng tuyên bố:

       – Nói chuyện vô duyên… chớ làm vợ, làm chồng, làm ông, làm tớ chi cũng không khó bằng cái chuyện làm thầy.  Học hành mới khó.  Thầy mà học được rồi thì mần chi cũng được cả.  Nhằm nhò chi ba cái chuyện bứt bổi tầm phơ ni mà lo cho mệt óc.  Thầy cứ liệng quách đó cho tui lo rồi ngồi chơi nhổ râu cho khỏe.

       Tôi hỏi “bứt bổi là làm gì”, bà Đắc liền giải thích:

       – Bứt bổi là cắt cây lá nhỏ còn tươi như tràm, chổi, tranh, sim, móc, cây leo, cây bò… đủ thứ rồi dồn lại un đống để tủ hay làm phân xanh.

       Phân xanh thì tôi còn hiểu được chứ “tủ” là gì tôi chưa biết nên hỏi.  Bà Đắc trả lời:

       – “Tủ” là rãi lên chỗ đất mới trồng để che nắng che mưa hay đậy cho chim chuột khỏi tới phá đó thầy nờ.

       Làm xong phần nhập đề bà Đắc liền dõng dạc ra lệnh:

       – Nghe tui phân công đây nì.  Chú Khàn suyển bứt bổi.  Thằng Bảo cận theo hốt rồi ôm về đây un thành một đống.

       Thằng Bảo chớp chớp đôi mắt cận thị nặng, im lặng ra dáng chấp hành nghiêm chỉnh.  Còn ông Khàn thì vẫn cố vùng lên lần chót hỏi lại:

       – Rứa còn thím Đắc với thầy Đoàn làm chi?

       Bà Đắc chưa kịp để lời ông Khàn ra khỏi miệng đã vội triệt đường cứu viện, nói kiểu làm đày:

       – Chú bứt bổi thì cứ lo bứt đi.  Còn việc tui, tui lo.  Thầy Đoàn lãnh đạo thì lo lãnh đạo chớ không làm chi cả.

       Ông Khàn e dè hỏi, giọng nhỏ lại:

       – Lãnh đạo là không làm chi cả à ?

       Bà Đắc chận lời, giọng đầy vẻ lý luận chính trị : 

       – Nì, chú Khàn coi chừng đó nghe.  Lãnh đạo là lãnh đạo.  Lãnh đạo y chang như thằng giữ trâu.  Có khi mô con trâu dám hỏi là mầy đang làm gì trên lưng tao đó không, hả ?!  

                   Ông Khàn suyễn chừng như nghe cái giọng đanh đá của bà Đắc mà chạnh lòng toát mồ hôi nhớ tới người vợ yêu dấu của mình đang làm người “lao động phụ” và có lẽ cũng đang nhớ người… “bứt bổi phu” đang xông pha đi vào nơi gió cát ở Bình Điền nầy.  Càng nhớ vợ… chả hiền, ông Khàn càng bứt nhanh như máy.  Thằng Bảo cận không buồn hay không thấy đường phân biệt cây lá loại gì, cứ hiên ngang quơ, quào, hốt gọn và mang về chất đống.  Gặp cây cành gai nhọn nó chỉ dám la oai oái chút đỉnh rồi thôi. 

                   Bà Đắc chắp tay sau đít, đi đi lại lại như tướng tư lệnh thị sát mặt trận.  Tôi thì cứ tà tà “lãnh đạo” không biết làm gì.  Ấy thế mà chẳng bao lâu, đống cây xanh đã chất cao thành đống đầy khí thế.  Ông tổ trưởng đến thăm, thấy đống bổi từ đằng xa đã vội la lên:

                   – Bổi đạt quá chỉ tiêu rồi. Tôi sẽ báo cáo lên trên để tuyên dương cho thầy trưởng nhóm.

                   Bà Đắc tủm tỉm cười, rồi nói một cách đầy triết lý… nước lèo :

                   – Mấy thằng cha sợ vợ như ngựa có cương, được việc hơn mấy cha yên hùng hát bội đó thầy.

                   Tôi đang… lãnh đạo mà nghe mụ Đắt nói, tôi cũng hơi cảm thấy nhồn nhột như mình đang bị nhà đạo đức biết chuyện thâm cung bí sử mà buông lời mai mỉa.

                                              

***

                   Lao động vượt chỉ tiêu.  Nghỉ sớm.  Tôi đi xuống vùng thị tứ Bình Điền.  Nhà ở và quán tranh gần nhau như muốn dựa vào nhau mà tránh gió. Đi trong nắng chiều Bình Điền, tôi có ý nghĩ ngồ ngộ rằng, cô đơn như lá tranh khô mà cũng được cái hạnh phúc cuối cùng nương nhau vừa bạn vừa bè làm mái chắn.  Không tình cờ, nhưng khi nhìn trụ sở Uỷ Ban Nhân Dân thị xã Bình Điền, tôi cũng mường tượng ra thằng bạn cũ nghe nói đang làm sếp lớn ở đó.  Lửng thửng đi quanh khu “thị tứ” với tâm trạng kẻ không nhà.  Đi loanh quanh bỗng đâu lại tới ngay trụ sở văn phòng.  Gặp lại Trần Kiên Nhẫn, thằng bạn học nối khố một thời nay đang làm chủ tịch thị xã, tôi không tránh được sự xúc động nhưng vẫn cố dửng dưng vì sợ cảnh “ai công hầu, ai khanh tướng…” Thế nhưng sự vồn vã ấm áp của nó làm tôi quên hết.  Hắn vẫn là thằng ăn nói khôn khéo trong tương quan công việc, nhưng lại rất bạt mạng kỳ hồ với bạn bè thân thương:

                   – Thằng cù lần!  Tự nhiên lù lù vác mặt lên chốn sơn lâm ni mà không nói chi cho tao biết trước cả.

                   Tôi chống chế một cách thiệt tình :

                   – Tao đi lên đây lao động sản xuất mắc mớ chi mà phải nhắn mi trước.  Ê ! Mi nói chuyện với tao ở đây có “vấn đề” chi cho mi không hả ?

                   Nó cười tướng :

                   – Mi lên đây lao động chứ có phải lên đây ăn trộm sắn khoai đâu mà lo biển lo rào dữ rứa.  Có quái gì quan trọng đâu mà mi phải nhắc.

                     Tôi dè dặt hơn :

                   – Tao sợ mất tiếng cho mầy chứ tao chừ chỉ còn mạng cùi, có chi để mất nữa mà lo.

                   Hắn cười cười ra dáng kiêu bạt :

– Mi làm tao thất vọng.  Mi là thằng con trai Huế,  hào khí ngất ngưởng một thời. Con trai Huế chẳng là cái quái chi cả nhưng hắn biết cười cợt trên sự mất còn trong khi thiên hạ cứ lo sốt vó trong thời buổi vàng thau lẫn lộn ni.  Mầy mất cái chi ?  Tao được cái chi, hả ?

– Nữa!  Không lẽ chừ đến phiên mi lên lớp tao.  Mầy làm chủ tịch, tao bị đuổi dạy phải đi lao động mà còn hỏi vớ vẩn kiểu đó cũng lạ đời.

       – Rỡm dễ sợ!  Lại đem thế đứng thế ngồi ra mà so mũi hơn thua nữa rồi. Ừ, mà thiệt tình vẫn có thằng coi tí chức vụ còm là cái mã để bám vào mà vênh váo với thiên hạ.  Tao khác.  Mầy còn mầy hay mầy đã đánh mất chính mầy mới là điều đáng nói.

       Tôi im lặng.  Nhìn nắng chiều Bình Điền mầu vàng xanh nhạt đang xuống bên kia đồi thật đẹp.  Đẹp có sẵn từ mong manh hay mong manh tạo nên tâm lý đẹp.  Tôi không biết nhưng lại chợt nghỉ đến đống bổi, ông Khàn, bà Đắc, Bảo cận và chính mình.  Lịch sử đống bổi làm nên bởi bàn tay nứt nẻ của ông Khàn, bởi đôi mắt gần mù và thân hình còm cõi của Bảo Cận, bởi sự lém lỉnh quyết đoán của bà Đắc và rất có thể, bởi nguồn cảm xúc mơ hồ quanh một gã thầy giáo lỡ vận như tôi… và có thể bởi cả anh Trung tổ trưởng và những người khác nữa.  Sự tương tác khi thấy được, khi khuất lấp nhưng cả một chuỗi sự việc từ đâu đó, dấy lên, kéo dài và tác động lên nhau thành những hiện thể hay tình thế ra ngoài ước định ban đầu.  Tôi nhớ ý niệm “duyên khởi” của đạo Phật rồi tự cho mình tưởng tượng… vô duyên !

       Tôi bước theo Nhẫn về khu nhà ở của hắn.  Thấy tôi trầm ngâm bước đi, nó hỏi :

       – Mi buồn ?

       – Không !

       – Cái miệng tía lia của mầy mô rồi ?

       Tôi không trả lời mà hỏi lại nó :

       – Làm chi tối nay ?

       Nhẫn trả lời như đã sắp sẵn :

       – Uống rượu tắc kè Bình Điền.

       – Tắc kè ? Tắc kè là cái chi chi ?!

       Nó đưa ngón tay lên miệng “suỵt” một tiếng và nói thì thào :

       – Mi nghe chi không ?

       – ?!

       – Tiếng kêu “tắc kè” của loại kỳ nhông nhỏ đó mà.  Người ta còn gọi giống kỳ nhông nhỏ này là tắc kè vì tiếng kêu của nó.  Tắc kè ngâm rượu là sản phẩm độc chiêu của Bình Điền.  Thức trắng đêm mà có uống rượu tắc kè vào là ngày mai không biết mệt.

       Tôi chẳng phải là dân sành rượu nên chẳng có kinh nghiệm gì về rượu rắn, rượu nhung, rượu sinh vật trên rừng dưới biển gì cả.  Nhưng đêm Bình Điền lộng gió cột chân chúng tôi trong căn lều của Nhẫn.  Có thêm Lê Văn Ngưu, thằng bạn cùng lớp, nghe nói đang làm chủ trại bò hay giữ bò thuê trong trại bò Bình Điền tôi không rõ lắm, đã làm cho cuộc rượu tay ba ấm lên thành thú vị.

       Cuộc rượu thâu đêm nói về con trai Huế.  Con trai Huế trong thi ca, trong văn học nghệ thuật nói chung, trong học hành và trong chính trị.  Sự so sánh khá thú vị về con trai Huế và con trai Giảng Võ chính hiệu Hà Nội.  Đó là lớp người khá tài hoa nhưng trái tim cảm xúc thường lớn hơn ý chí quyết đoán nên trong chính trị thường “làm thầy cho những ông vua tương lai ; nói cho vua nghe mà không có ai được lên làm vua cả.” Ngưu nêu thắc mắc về những ông vua nhà Nguyễn, xuất thân cũng là những chàng trai xứ Huế thì sao.  Nhẫn nhận xét từ thái tử Đởm (vua Minh Mạng) trở về sau đều là những người được “ra” làm vua, nghĩa là được thế lực đằng sau đưa ra chứ không phải tự mình đứng lên chiến đấu, tranh hùng mà có.

       Ba đứa chuyền quả bóng “con trai Huế” quanh các nhân vật có tiếng tăm một thời của Huế.  Tấm lòng yêu nước lãng mạn thường đưa đến lãng mạn chính trị.  Cái dễ thương của lãng mạn chính trị là lúc lên đường với một trời mơ ước; nhưng cái dễ ghét là khi lãng mạn biến thành hiện thực và tự cho là mơ ước đã thành công thì quả cầu ngũ sắc lại từ từ xì hơi.  Người con trai Huế vẫn một đời đi hoài như con ngựa chiến mãi miết chạy quanh chiến trường xưa nay đã thành đồng cỏ.

       Trời hừng sáng.  Ngưu kết luận và hỏi Nhẫn :

       – Lãng mạn chính trị rất gần với ảo tưởng.  Rứa thì ảo tưởng có làm cho người ta hạnh phúc không ?

       Nhẫn cười mũi, trả lời :

       – Mi phải hỏi trước rằng, thế nào là hạnh phúc và hạnh phúc đối với người nầy có phải là hạnh phúc đối với người kia không cái đã? Bà già tao cho cuộc sống bếp núc là hạnh phúc; mà ông già thì cho là bất hạnh.  Trong khi ông già cho những bài thơ của ông làm ra là nguồn hạnh phúc; mà bà già lại thấy thơ thẩn còn vô dụng hơn là những tiếng ếch nhái kêu ngoài bụi tre…  thì cũng chẳng có ai sai, ai đúng.

       Tôi trưng cầu ý kiến cả hai :

       – Vậy thì cả hai đứa bây cho rằng yêu nước lãng mạn và lãng mạn chính trị là hạnh phúc hay bất hạnh.

       Thằng Ngưu không nói gì.  Có lẽ nó đang nghĩ đến bầy bò sắp được lùa đi ăn sáng.  Và cũng có lẽ thằng Nhẫn đang nghĩ đến xấp hồ sơ kiện cáo chưa duyệt nên trả lời :

       – Yêu nước lãng mạn chắc chắn là hạnh phúc.  Còn lãng mạn chính trị thì hạnh phúc hay bất hạnh thì tùy người, tùy cảnh.

       – Với mi thì sao ? 

       Tôi hỏi gọn và nó cũng trả lời gọn :

       – Cả hai !

       Thằng Ngưu trả bài thu hoạch :

       – Tao cho rằng, hết thảy những thằng con trai Huế lãng mạn kiểu nào rồi cũng sướng.  Bằng chứng là cuối đời gã nào cũng thành nghệ sĩ theo kiểu riêng của hắn. Viết lách lai rai, làm thơ ướt át, vẽ vời hứng khởi, hát hỏng tiêu dao, ngâm thơ cạn chén hay im lặng tràn trề… mà không thấy tay mô điên cả.

       Có tiếng mụ Đắc kêu ông Khàn đi bứt bổi.  Nắng lên.  Ba đứa chia tay.  Nhìn thẩu rượu tắc kè đã cạn.  Ba thằng ôm nhau từ giã và cùng cười.  Hình như không có thằng nào mệt sau một đêm trắng nói chuyện đời mình như nói chuyện đời ai bên thẩu rượu tắc kè.

 

                                          Napa, đầu thu Cali – chưa đi đã nhớ – 2007