Trang chủ Văn học Cảm niệm Phật đản

Cảm niệm Phật đản

67

Trong khoảnh khắc thiêng liêng đó, hết thảy chúng ta, những người con Phật đang hiện diện tại lễ đài Phật đản hôm nay, bấy giờ không biết đang lang thang vô định trong cõi u tối nào, đang lặn chìm trong khổ lụy, bị giam hãm trong ngục tù năm uẩn, bị trùm kín bới vô minh, không hề hay biết một đóa hoa vô ưu đang nở rộ.

Nay, nơi đây, trong không gian khiêm tốn, hạn hẹp, của Tăng viện, bốn chúng đệ tử cùng thành kính lắng đọng tâm tư, chiêm ngưỡng hình tượng cao vời của đấng Chí Tôn trong ba cõi, nghe đồng vọng trong quãng hư không vô biên, khúc nhạc trời hân hoan truyền tín hiệu lan khắp mười phương thế giới: Hạnh phúc thay, chư Phật xuất hiện. Hạnh phúc thay, Chính pháp giảng truyền. Hạnh phúc thay, Tăng già hòa hợp. Hạnh phúc thay, Tứ chúng đồng tu.

Vì sao vậy?

Hết thảy mọi loài chúng sinh đều mong cầu an lạc, mong tìm được nơi an ổn chí thiện; nhưng bị lôi cuốn bởi cuồng vọng, tham, sân, bị khống chế bởi quy luật cạnh tranh sinh tồn, nên sinh tâm tật đố, ganh tị, hư cuống, dẫn đến, tranh đoạt, tương tàn. Xã hội càng lúc càng bành trướng với nhiều hình thái dị biệt, mâu thuẫn càng lúc càng gay gắt; áp bức, bất công là hậu quả của tiến bộ xã hội y cứ trên tâm thức tham ái, vị ngã. Sự xuất hiện của chư Phật là ánh sáng đánh thức nhân tâm, tìm nẻo quay về y tựa trên pháp tính bình đẳng, nhìn thấy và biết ta là ai, đang ở đâu. Chính pháp giảng thuyết, phô diễn chân lý cứu cánh của vũ trụ nhân sinh, để chúng sinh có thức tính có thể thấy và biết bản chất của thế giới, đâu là hư vọng, đâu là chân thật, để biết định hướng cho cứu cánh của mình trong dòng thác lũ sống chết xoay vần này. Chúng Tăng hòa hợp, bốn chúng đệ tử cùng hòa hợp, cùng giác ngộ, sách tấn lẫn nhau để cùng tu tập, phát triển tâm tư càng lúc càng cao thượng, sáng suốt; và đó là nguồn an lạc chân chính cho từng cá nhân trong toàn xã hội.

Phật dạy, cùng tôn thờ một đấng Đạo Sư, cùng tu hành theo một giáo pháp, cùng hòa hợp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc. Vậy nên, các chúng đệ tử xuất gia của Phật sống y chỉ trên sáu pháp hòa kính, khả hỷ khả niệm; các chúng tại gia sống y chỉ trên pháp bốn nhiếp sự, tương thân tương ái và tương trợ. Sống hành đạo, cảm nghiệm sâu xa pháp tính hòa hợp ấy để dần dần chứng nghiệm pháp tịch tĩnh Niết-bàn.

Bánh xe vương quyền biểu tượng uy lực thống nhất nhân tâm và thống trị trên cả bốn châu thiên hạ; bánh xe chính pháp ghi dấu ấn chân thực của mọi hiện tượng, sinh thành và hủy diệt của thế gian trên tâm thức chúng sinh. Uy lực vương quyền, và uy lực chính pháp, cùng lúc hiển hiện trong lòng bàn chân của Bồ tát Sơ sinh. Nhưng bánh xe chính pháp là uy lực tối thượng hướng dẫn chư thiên và nhân loại đi đến nơi an ổn, an lạc chân thường. Bước chân ghi dấu biểu tượng uy lực chính pháp vừa chạm đến mặt đất ô trược, thế giới ô trược liền chuyển mình, hiển hiện thành những đóa sen thơm ngát. Khoảnh khắc ấy chỉ là một thoáng sát-na, mà tâm thức chúng sinh bị trùm kín trong màn vô minh tà kiến không thể nhìn thấy; nhưng khoảnh khắc ấy, trong con mắt của bậc đại trí, ngưng đọng thành thời gian vĩnh cửu.

Kể từ khoảnh khắc ấy, trong một thoáng sát-na ấy, thế giới lại chuyển mình lăn theo quy trình thành hoại, đại thiên vũ trụ vẫn tiếp nối hình thành và tan rã trong các chu kỳ thành, trụ, hoại, không; xã hội loài người có khi tiến đến thời kỳ xung đột hung tàn, vì dị biệt dân tộc, dị biệt tín ngưỡng; cũng có khi đạt đến một nền văn minh dung hợp và nhân ái, khiến cho tâm lượng con người được mở rộng dần.

Cho đến những năm đầu của thế kỷ 21, khúc quanh sau hai nghìn năm văn minh y trên bạo lực hoành hành, khống chế và áp bức trên cả bốn châu đại lục, và khi mà xung đột tôn giáo, dân tộc càng khốc liệt, bạo tàn; một phần nhân loại đã nhận ra thông điệp khoan dung, từ ái của đức Thích Tôn, để Liên Hiệp Quốc quyết định ngày Phật đản trở thành ngày lễ quốc tế, như là biểu tượng cho ước mơ muôn thủa con người về một thế giới thanh bình, không hận thù, không áp bức.

Trong quá khứ, từ quê hương đản sinh của đức Thích Tôn, cho đến tận cùng hải đảo xa xôi về phía đông, Phật pháp cũng trải qua nhiều đợt thăng trầm bởi áp lực biến thiên của xã hội, bởi tham vọng và thù nghịch của tâm người; nhiều phương vực mà một thời Phật pháp thịnh hành nay đã bị xóa sạch dấu vết. Thanh gươm truyền giáo đã chém giết không tiếc thương; kinh điển bị thiêu hủy, Phật tháp, Tăng viện bị phá sập. Dù vậy, những người tu Phật vẫn kham nhẫn chịu đựng, cho đến nhiều thế kỷ sau, vẫn không hề biết đến ý tưởng hận thù, không hề móng tâm đòi lại những gì đã bị cướp mất.

Rồi theo trình độ phát triển của tri thức con người, xóa dần những hình thái mê tín dị đoan, vốn dẫn đến cuồng tín và biến thành thảm sát; xây dựng những giá trị nhân bản và phổ quát trong các cộng đồng nhân loại; đấy là lúc thông điệp từ bi, bình đẳng, giác ngộ của đức Thích Tôn được toàn thể nhân loại lắng nghe và chiêm nghiệm.

Đạo Phật Việt Nam cũng không ngoài quy luật phát triển đó. Ngay từ thời dựng nước, Quốc sư Vạn Hạnh đã nói lên tinh thần tịch tĩnh trước mọi thế sự đảo điên, rằng “Xá chi suy thịnh sự đời, thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”

Đấy là lời cảnh tỉnh chứa đựng trong thẳm sâu triết lý sống của Phật tử Việt nam. Không vì bị áp bức mà bành trướng thù hận để phải quyết tâm tiêu diệt những kẻ áp bức. Nhẫn nhục và từ hòa để chiến thắng chính mình và giác ngộ những kẻ hung ác cuồng vọng, nhìn rõ chân lý của lẽ sống và lẽ chết để sống cho xứng đáng với phẩm giá con người, thức tỉnh trách nhiệm về những hành vi hung ác mà ta đã gieo rắc đau khổ cho người.



Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963 để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo

Hôm nay, trước lễ đài Phật đản trang nghiêm, trong tinh thần hòa hiệp, bốn chúng đệ tử cùng nhất tâm chí thành tưởng niệm ân đức đại từ của Bồ-tát, vì thương tưởng chúng sinh đắm chìm biển khổ, nên đã trải qua vô số a-tăng-kỳ kiếp hóa sinh trong khắp các nẻo luân hồi, hóa thân như cát bụi, khơi tỏ nguồn tâm trí tuệ như mặt trời xóa tan bóng tối tà kiến đảo điên. Do ân đức ấy, hàng Phật tử hôm nay may mắn còn chút thiện duyên để được thấm nhuần mưa pháp, tăng trưởng thiện căn, nuôi lớn hạt giống bồ-đề.

Nguyện cầu phước quả này lan đến vô lượng chúng sinh, để trong nhiều đời nhiều kiếp cùng kết thiện duyên, cùng làm thiện tri thức, cùng tu tập vô lượng ba-la-mật, để cho thế giới Ta-bà ô trược này chuyển thành cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm.