Trang chủ Diễn đàn Cảnh giác trước những người lợi dụng luận văn “Thực chất của...

Cảnh giác trước những người lợi dụng luận văn “Thực chất của đạo Hòa Hảo”

121

Chúng tôi được biết đến luận văn “Thực chất của đạo Hòa Hảo” sau khi đọc trên một trang web của đạo Ca tô La Mã, trang “Dòng Chúa cứu thế”, thông tin về luận văn này. Bản tin có nhan đề “Phật giáo Hòa Hảo phản đối Học viện Phật giáo VN xúc phạm Đức Huỳnh Giáo chủ”. Bản tin đăng văn bản của phía phản đối là “Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy”.

Bản tin cũng đăng thông tin nói rằng “28-11-2012, Hòa thượng Thích Không Thánh, Tổng vụ trưởng vụ Từ Thiện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã lên tiếng ủng hộ bản tuyên cáo nói trên và cho rằng việc Tăng sĩ làm luận văn đó là cố tình phá đạo và gây chia rẽ tôn giáo” (có lẽ bản tin có sự lầm lẫn, Thích Không Tánh thay vì “Thích Không Thánh”).

Cũng xin nói thêm Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là hai tổ chức tôn giáo không được Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam công nhận, và có ý đồ và việc làm chống đối chế độ rõ ràng.

Mới đây, chúng tôi đã đọc được trên trang Phattuvietnam.net tin “HVPGVN: Rất lấy làm tiếc về luận văn “Thực chất của Đạo Hòa Hảo”, trong đó, có nhận định “Luận văn của tăng sinh Thích Thiện Huệ phản ánh quan điểm cá nhân”, “chỉ có giá trị nội bộ, không phổ biến”.

Tuy nhiên, “Học viện rất lấy làm tiếc về sự việc này” và hướng giải quyết là “Hội đồng Điều hành Học viện sẽ báo cáo Ban thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN về sự việc nêu trên, đồng thời đề nghị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo Ban Trị sự nơi tăng sinh Thích Thiện Huệ thường trì để kiểm điểm, nhận khuyết điểm và xin lỗi Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo cũng như tín đồ Phật giáo Hòa Hảo về tư duy chưa chín chắn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin tôn giáo, cũng như biểu hiện sự chưa quán triệt sâu sắc về chủ trương đoàn kết, thân hữu giữa các tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

Trên tinh thần đoàn kết xây dựng, Hội đồng Điều hành học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh rất mong nhận được sự cảm thông của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đối với sự việc vô cùng đáng tiếc – ngoài ý muốn này.

Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh xem đây là một bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác quản lý, điều hành và không để xảy ra các vấn đề tương tự như trên”.

Như vậy là một sự việc đáng tiếc xem như đã được giải quyết một cách êm đẹp.

Dưới đây là một số bàn luận của chúng tôi:

1.    Nội dung văn bản của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM giải quyết sự việc liên hệ, phúc đáp công văn của Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (Tổ chức hợp pháp đại diện cho Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tại Việt Nam) đã thể hiện tinh thần hòa hợp, đoàn kết tôn giáo, trọng thị đối với tôn giáo bạn.

2.    Theo thiển nghĩ của chúng tôi, nếu nhìn từ góc độ lý luận truyền thông đại chúng, thì việc khơi gợi sự việc này trong thời điểm hiện nay là một điều đáng tiếc, không có lợi cho các bên, trong đó gồm cả phía Phật giáo Hòa Hảo. Bởi lẽ, ý kiến của tăng sinh Thích Thiện Huệ về Phật giáo Hòa Hảo và Đức Huỳnh Giáo chủ chỉ là quan điểm cá nhân trong một luận văn tốt nghiệp bậc đại học. Điều đó có nghĩa là sức lan tỏa về truyền thông của nó hết sức hạn chế, không mấy người biết đến, số người đọc không bao nhiêu. Nói tóm lại là nó không có giá trị về mặt truyền thông đại chúng.

Nay, khi xảy ra sự việc như vậy, thì vô tình đã làm gia tăng rất nhiều giá trị truyền thông của luận văn “Thực chất của đạo Hòa Hảo” của tăng sinh Thích Thiện Huệ. Từ chỗ hầu như công chúng truyền thông không hề biết gì đến luận văn “Thực chất của đạo Hòa Hảo” và tác giả của nó, thì bây giờ có một số rất đông đảo đã biết đến và đương nhiên, nhu cầu tìm đọc luận văn, xem cụ thể nội dung luận văn đã nói gì sẽ tăng cao. Đây là việc tất yếu, đã thường xảy ra và không những ở nước ta.

Đây là điều tối kỵ khi làm truyền thông, vì về mặt lý luận chung, khi đẩy mạnh việc phản bác một nội dung truyền thông nào đó, thì tất nhiên, không thể tránh khỏi tác động gây sự chú ý đối với nội dung truyên thông đó.

Nếu nội dung bị phản bác đã được phổ biến rộng rãi thì không có vấn đề gì, còn nếu chưa phổ biến rộng rãi như đối với luận văn “Thực chất của đạo Hòa Hảo” của tăng sinh Thích Thiện Huệ, thì tác dụng phụ sẽ vô cùng tai hại.

Rất tiếc là điều này đã xảy ra. Từ chỗ một luận văn tốt nghiệp, nhiều nhất là vài chục người đọc qua, đã được Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM hủy theo quy định, luận văn trở thành tâm điểm chú ý của công chúng, bạn đọc tôn giáo.

3.    Đó là xét từ góc độ lan tỏa truyền thông. Ngoài ra, trong truyền thông còn có yếu tố thời gian truyền thông. Một sự kiện truyền thông sẽ giảm dần sức lan tỏa theo thời gian và đến một lúc nào đó sẽ gần như triệt tiêu. Nếu sự việc truyền thông còn trong thời gian lan tỏa thì nên đặt vấn đề giải quyết nếu cần. Còn nếu nó đã ra khỏi thời gian lan tỏa, đã “quá date”, thì thời gian đã làm công việc giải quyết nó rồi. Nó đã bị quên lãng. Nếu khơi gợi lại thì vô tình lại làm cho nó có hiệu năng lan tỏa.

Rõ ràng đây là điều không nên.

Luận văn “Thực chất của đạo Hòa Hảo” đã qua hơn 10 năm, nó đã được Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM hủy, rõ ràng đã bị quên lãng, tức là đã “quá date” truyền thông, không còn ai nhớ đến và có khi tác giả cũng quên luôn những nội dung chính của nó.

Nay sự việc được khơi gợi, chính là đã làm sống lại một sự kiện truyền thông đã chết, đã “quá date” (mà tự thân luận văn “Thực chất của Đạo Hòa Hảo” cách đây 10 năm chưa là một sự kiện truyền thông). Đây là điều rõ ràng không có lợi cho việc đoàn kết tôn giáo, không có lợi cho việc giữ gìn sự tôn kính đối với Đức Huỳnh Giáo chủ.

4.    Như đã trình bày, khơi gợi ra sự việc này là ông Lê Quang Liêm (Người đứng đầu một tổ chức không được pháp luật thừa nhận và có ý đồ & hành vi chống đối). Lẽ nào ông Lê Quang Liêm không biết đến những nguyên tắc cơ bản như thế.

Điều ông Lê Quang Liêm làm cho phép chúng ta có thể nghĩ rằng ông Lê Quang Liêm không xuất phát từ mong muốn giữ gìn sự tôn kính đối với Đức Huỳnh Giáo chủ, mà là từ một ý đồ khác.

Nghi vấn của chúng tôi: ý đồ đó là lợi dụng sự việc này để tạo ra mâu thuẫn giữa tín đồ Phật giáo Hòa Hảo với Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, một mâu thuẫn, một vấn đề lẽ ra đã không còn tồn tại để phải giải quyết, lẽ ra không làm bận lòng các bên liên quan, lẽ ra không tốn sức giải quyết, không gây mất đoàn kết tôn giáo.

Gây ra sự việc như vậy, tạo dư luận trong giới tín đồ Phật giáo Hòa Hảo như đã diễn ra…, bên có lợi duy nhất chính là ông Lê Quang Liêm. Nếu xét sự việc trên tinh thần tôn kính Đức Huỳnh Giáo chủ, việc khơi gợi lại những nhận xét bất kính của ngài vốn đã chìm sâu vào quên lãng, không còn ai biết đến, cũng như chưa từng được phổ biến, là một việc làm phương hại đến sự tôn kính đối với Đức Huỳnh Giáo chủ.

5.    Nay sự việc đã dĩ lỡ như vậy, theo chúng tôi, sau văn bản của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, chúng ta cần có những bài viết tìm hiểu, phân tích trên tinh thần khoa học những điểm sai hay đúng, được và chưa được trong luận văn “Thực chất của đạo Hòa Hảo” của tác giả Thích Thiện Huệ, nhằm phê phán những quan điểm không lợi cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, nhất là giữa giữa hai tôn giáo đều là những người con của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, là những người tu Phật.

Đồng thời, chúng ta cũng cần cảnh giác và tỉnh táo trước những tổ chức bất hợp pháp, cá nhân chống đối lợi dụng một luận văn khoa học thuần túy của một sinh viên để gây ảnh hưởng chính trị, truyền thông, gây chia rẽ và mất đoàn kết tôn giáo, dân tộc.

MT