TP. Phan Thiết có khoảng 40 ngôi chùa, có chùa được tạo dựng rất sớm từ nửa đầu thế kỷ 18 như chùa Phật Quang, chùa Liên Trì, chùa Ngự Tứ Bửu Sơn…
Các câu đối ở cổng chùa ngoài việc thể hiện nét trang trí truyền thống nơi tôn nghiêm, còn mang ý nghĩa giới thiệu thiền môn và truyền bá phật pháp cho mọi người.
1- Chùa Xuân Thọ (ở số 119 đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài TP.Phan Thiết):
Câu đối chữ Hán ở cổng Tam quan chùa:
佛 覺 世 间 無 常 苦 無 我 弘 化 度 生 三 法 印 / 道 成 体 性 現 恒 樂 我 淨 涅 槃 寂 境 四 莊 嚴
Phiên âm: Phật giác thế gian vô thường, khổ, vô ngã hoằng hóa độ sinh Tam pháp ấn
Đạo thành thể tính hiện hằng, lạc, ngã, tịnh niết bàn tịch cảnh tứ trang nghiêm.
Tạm dịch: Phật dạy Tam pháp ấn để cứu độ chúng sanh gồm vô thường, khổ, vô ngã
Người tu thành đạo tâm hiện hằng, lạc, ngã, tịnh là bốn cảnh trí niết bàn.
Câu đối đề cập đến những giáo pháp căn bản của đạo Phật. Thế gian khổ vì cuộc đời luôn thay đổi (Vô thường); thân người không phải là ta, là của ta (Vô ngã). Mục đích tu hành của đạo Phật là thoát khổ, đạt đến niết bàn gồm 4 cảnh trí, hay bốn trạng thái tâm là: Hằng (không thay đổi ); Lạc (an vui ); Ngã (trở về bản thể); Tịnh (trong sạch). Niết bàn ở ngay trong tâm được “hằng, lạc, ngã, tịnh” của người đạt đạo chứ không phải là một cảnh cõi xa xôi nào.
2- Chùa Bửu Quang (trên đại lộ Lê Duẩn, phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết):
Câu đối chữ Hán ở cổng Tam quan chùa:
寶 樹 種 榮 平 地 重 圓 羅 漢 果 / 光 輝 慧 極 宗 風 永 振 法 王 成
Phiên âm: Bảo (Bửu) thụ chủng vinh bình địa trọng viên La Hán quả
Quang huy tuệ cực tông phong vĩnh chấn pháp vương thành.
Tạm dịch: Cây quý vun trồng nơi bình địa, chúa vườn có La Hán quả
Tuệ giác cực đại sáng soi đường, tông mãi thịnh chánh pháp thành.
Câu đối có hai chữ đầu ghép lại thành tên chùa, có ý đề cao Thiền tông, là pháp môn do tổ Bồ- Đề- Đạt- Ma truyền bá từ thế kỷ thứ 6 ở Trung Hoa. Khác với mục đích đạt quả vị A-La-Hán theo cách tu truyền thống của Phật giáo nguyên thủy, Thiền tông chủ trương “Kiến tánh thành Phật. Do đó đòi hỏi người tu phải đủ căn duyên, và nỗ lực cao dưới sự dẫn dắt của một minh sư mới mong thành tựu được chánh pháp.
Ở Việt Nam, khi các chúa Nguyễn mở đất Đàng Trong, có ngài Liễu Quán người Việt đắc pháp Thiền tông phái Lâm Tế do các cao tăng Trung Hoa truyền sang. Vì vậy ở Bình Thuận dòng thiền này cũng được phát triển, tiêu biểu có ngài Thông Ân Hữu Đức, tổ khai sơn Linh sơn trường thọ tự (chùa núi Tà Cú Bình Thuận).
3- Chùa Giác Hoa (ở số 55 đường Thủ Khoa Huân, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết):
Câu đối chữ quốc ngữ ở cổng Tam quan chùa:
Chó sủa gâu gâu cũng tức thoại đầu nên quán chiếu
Chim kêu chíu chít đâu không công án hãy trừng tâm.
Đây là một câu đối chữ Việt độc đáo có chen thêm vài từ Hán Việt để bàn về cách tu hành:
“Thoại đầu”: là những câu hỏi không có lời đáp (ví dụ: Sanh từ đâu đến, chết đi về đâu ?).
“Công án”: cũng là những vấn đề không thể giải quyết (ví dụ: Tiếng vỗ của một bàn tay).
“Quán chiếu”: là nhận biết rõ ràng. “Trừng tâm”: là gạn lọc làm cho tâm được yên.
Thiền thoại đầu hay thiền công án do các tổ Thiền tông Trung Hoa truyền bá. Vị thầy sẽ giao cho đệ tử một thoại đầu hay công án, khiến người tu phải luôn tập trung tâm trí cao độ nghiền ngẫm mà không được suy nghĩ buông lung phóng dật. Cách hành thiền này chỉ dành cho những người có thượng căn nên ít người đạt đến.
Chúng tôi nghĩ có lẽ câu đối của chùa Giác Hoa trên đây có ý hướng người tu trở về cách tu hành nguyên thủy, tập quán chiếu theo lời Phật Thích Ca dạy:
“… Này các tỳ kheo hãy trú, quán thân trên thân, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời…”
(Trong kinh SN 47.46 bản dịch của thầy Thích Minh Châu )
Như vậy đối tượng để quán chiếu theo lời Phật dạy là mọi cái đang xảy ra trên thân, thọ, tâm, pháp của người tu. Do đó các tiếng chim kêu, chó sủa là các pháp đang xảy ra trong thực tại hiện tiền, người tu cũng cần quán chiếu trong sự tỉnh giác, chánh niệm để đạt đến mục đích trừng tâm, đạt đạo.
Hiện nay giới trẻ và các cư sĩ tại gia có khuynh hướng thực tập quán chiếu theo các pháp thiền nguyên thủy như Vipassana hay Tứ niệm xứ để cân bằng thân tâm, giúp giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống lao động và học tập ngày càng áp lực. Xã hội giờ không thiếu thông tin nên đạo Phật trở nên dễ hiểu hơn và mọi người có thể áp dụng thực hành để đem lại lợi ích thiết thực trong đời sống.
—
Các câu đối Hán – Nôm của các đình chùa trên đây đều đạt chuẩn về phép đối, có nhiều ý nghĩa, có giá trị cả về nội dung và hình thức văn chương, nên đã truyền cảm được những nhận thức rõ ràng về đạo lý ở đời và giáo pháp của nhà Phật cho người đọc.
Tất nhiên đây chỉ là phần rất nhỏ so với số lượng câu chữ thực tế chưa đo đếm được ở các đình chùa, dinh vạn hiện nay.
Qua đó có thể nói vùng đất Phan Thiết đã có nhiều thế hệ tiền nhân giỏi cả về làm ăn và chữ nghĩa, nên đã xây dựng được nhiều cơ sở đình, chùa… và để lại cho đời một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể gắn liền với bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt nên cần được trân trọng, giữ gìn.
HOÀNG HẠNH