Trang chủ Đời sống Cho những ai còn mẹ

Cho những ai còn mẹ

80

Anh bạn thân cùng quê gọi điện mời tới nhà ăn cơm. Đến nơi mới biết là ăn Rằm sớm. Rằm tháng 7, lễ Vu lan. Ừ thì ăn. Lễ Tết chẳng qua là dịp để bạn bè tụ tập, chè chén, cho nên vừa nhập mâm là đã cung chúc thật lực. Khi rượu đã ngà ngà, bụng đã lưng lửng, mới thấy khác mọi ngày là chị vợ anh, thường vẫn nền nã quý khách, ngồi tiếp rượu cùng chồng, nhưng hôm nay sao cứ cắm mặt dưới bếp, rồi lại tất tả chạy ngược chạy xuôi lên tầng, chưa thấy ra mâm cụng với các anh em ly nào. Cả bọn dừng đũa, gọi toáng lên. Vẫn không thấy chị ra. Anh gạt đi bảo, hôm nay chúng ta cứ vui đi. Cô ấy còn đang bận nấu nốt món canh thịt nấu chua, mang lên cúng bái trên gác, lát nữa sẽ xuống…

Cuộc rượu lại tiếp tục. Đang vui, đột nhiên thấy khói ở đâu bay vào sặc sụa. Nhìn ra thấy vợ anh đang hóa một đống vàng mã to như trái núi ngoài sân. Tiền, vàng, đô la, quần áo, giày dép, túi xách… chẳng thiếu thứ gì. Nhìn cảnh đó, tôi buột miệng bảo: Nhà này, tín tâm ghê. Công chức cả, chứ có buôn bán gì đâu mà bày vẽ thế.

Anh trầm ngâm một lát, nhìn ra ngoài sân nơi vợ anh và núi vàng mã đang cháy đùng đùng, rồi lặng lẽ bảo: “Cậu nói cũng đúng.Vợ chồng tớ xưa nay vốn chẳng làm gì trong ngày Rằm tháng 7, có chăng là thắp nén hương. Nhưng từ năm ngoái khi mẹ vợ tớ đột ngột qua đời, vợ tớ khác hẳn”.

Tôi hơi bất ngờ khi chạm đến nỗi đau của gia đình anh. Không để ý đến sự bối rối của tôi, anh tiếp tục: Khi cha mẹ chúng ta đều còn cả. Chúng ta chỉ quan tâm đến những gì nhìn thấy trên mặt đất. Nhưng khi một trong những người thân thiết của chúng ta nằm xuống, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa của những gì không nhìn thấy ở dưới lòng đất, hay ở đâu đó trên trời, hay trong giấc mơ…

Câu chuyện về mẹ vợ anh khiến tất cả chúng tôi im lặng. Trong những năm tháng cuối đời, dù không thiếu tiền, nhưng với tính cách cố hữu của người phụ nữ cả đời chịu đói khổ, mẹ vợ anh vẫn tằn tiện với những mẩu bánh mì khô để treo trên túi bóng, hay miếng má lợn toàn lông và mỡ. Bà vẫn đội nón mê rách tơi tả đi nhặt bã mía ở chợ về đun, đến nỗi có người tưởng là bà ăn xin.

Vợ anh khi đó đã đi làm, có tiền, nhưng vẫn không thay đổi được thói quen cố hữu của người mẹ già. Quà cáp gửi về, bao nhiêu đường sữa, của ngon vật lạ bà đâu có dùng, vẫn kiên trì với những mẩu bánh mỳ khô mốc meo.

Đến khi bà đột ngột ốm nặng, mới biết là bà bị đau dạ dày, không dùng được của ngon vật lạ, và cả đời bà chỉ thích ăn canh thịt nấu chua mà bà được cha mẹ đặc cách nấu cho sau trận ốm thập tử nhất sinh lúc 12 tuổi.

Nhưng, lúc gần đất xa trời rồi thì sức đâu mà ăn nữa? Bây giờ cúng bái thì nhất định phải làm món canh thịt nấu chua, nhưng phỏng còn ích gì? Người mẹ của chúng ta là như thế. Thích cái gì đâu có muốn nói ra.

“Thế các cậu có biết mẹ mình thích ăn món gì không” – anh dừng câu chuyện đột ngột hỏi to.

Câu hỏi một lần nữa khiến chúng tôi chìm vào im lặng. Đúng là từ khi có tiền, chúng ta cũng không tiếc mua cho cha mẹ những đồ ăn thức uống ngon lành nhất, theo cách nghĩ của mình, hoặc tổ chức nấu nướng linh đình ở nhà, để chúng ta ăn là chủ yếu, còn mẹ chúng ta thì lụi cụi trong bếp đến nửa bữa mới ra ăn. Mẹ ăn có ngon miệng không, mẹ đâu có nói. Mẹ chỉ nói nhìn con cháu tề tựu đông đủ thế này là vui rồi…

Gửi những ai đang còn mẹ, bằng cách nào đó, hãy biết mẹ mình thích ăn món gì. Và hãy lặng lẽ, và bất ngờ dâng lên món ấy, trước khi trở thành quá muộn.