Trang chủ Quốc tế Chùa chiền Trung Quốc bị cấm lên sàn chứng khoán

Chùa chiền Trung Quốc bị cấm lên sàn chứng khoán

82

Ngay cả chùa Thiếu Lâm, nổi tiếng nhờ các bộ phim về võ thuật, cũng từng được cho là muốn lên sàn. Điều đó đã ngay lập tức bị các nhà phê bình cho là bước đi quá đà, trong một bối cảnh vốn đã nặng tính thương mại ở Trung Quốc.

“Ở Trung Quốc ngày nay đâu đâu người ta cũng làm kinh tế”, một cư dân Bắc Kih tên là Fu Runxing, 40 tuổi và làm nghề kế toán, nói. Fu kể mới đây bà đi một ngôi chùa và phải mua một cây hương với giá 300 tệ (50 USD).

“Quá đáng. Cướp chứ không phải bán hàng”, bà Fu nói.

Những điểm hành hương nổi tiếng của Phật tử Trung Quốc ở các tỉnh Sơn Tây, Chiết Giang và An Huy đều đang có những bước đi nhằm niêm yết trên sàn chứng khoán trong những tháng tới, truyền thông Trung Quốc đưa tin.

Cơ quan quản lý tôn giáo của chính quyền trung ương đang yêu cầu các địa phương cấm khai thác thương mại các hoạt động tôn giáo, không có các cơ sở chùa chiền được điều hành theo kiểu công ty, không cho niêm yết trên sàn.

Theo AP, các công ty quản lý những thắng tích có thể lợi dụng kẽ hở luật pháp để kiếm lợi. Chẳng hạn, một thánh địa Phật giáo ở tỉnh Tứ Xuyên đã niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến từ năm 1997, nhưng bỏ qua địa điểm tôn giáo chính đã có từ hàng trăm năm, mà chỉ đăng ký một khách sạn, hệ thống cáp treo và các điểm bán vé.

Tình trạng biến các thánh địa tôn giáo thành các công ty kiếm lợi không chỉ xuất hiện ở Trung Quốc, nhưng nó trở thành một trào lưu ở nước này trong vài thập kỷ qua, khi các doanh nhân tìm mọi cơ hội để kiếm tiền.

Lệnh cấm mới ban hành phản ánh “thực trạng tồi tệ của việc thương mại hóa quá đáng các chùa chiền và cơ sở tôn giáo”, xã luận của tờ Southern Metropolis Daily viết. “Người đi hành hương tới các địa điểm tôn giáo đã bị buộc phải quen với mức giá đắt đỏ và các khoản cống hiến đủ loại”.

Các khu bảo tồn thiên nhiên và địa điểm tôn giáo cho rằng họ bị cuốn vào những hoạt động thương mại một phần là do sự hỗ trợ từ nhà nước giảm, các nguồn quỹ từ thiện không có nhiều. Mỗi ngôi chùa đều phải chi nhiều tiền cho việc bảo tồn các công trình kiến trúc và vườn có từ hàng trăm năm.

Nhưng Cơ quan quản lý hoạt động tôn giáo chính phủ cho biết một số địa phương, doanh nghiệp và cá nhân đã xây nên các địa điểm tôn giáo giả nhằm kiếm lời, thuê sư giả, lừa tín đồ đóng góp tiền bạc. Họ cảnh báo sẽ trừng trị nghiêm những người đội lốt để kiếm tiền.

Theo vnexpress.net