Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Đồng Đắc

Chùa Đồng Đắc

121

Năm 1829, huyện Kim Sơn được thành lập, nhà sư họ Lê muốn đến huyện để xây dựng chùa đã được Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ giúp đỡ tận tình cho chọn một khu đất cao nhất ở trung tâm xã Đồng Đắc để xây dựng chùa. Có thể nói kiến trúc tôn giáo sớm nhất ở Kim Sơn là chùa Đồng Đắc, nó có trước quần thể kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm mấy chục năm. Chùa Đồng Đắc kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, phần ngang là tiền đường, phần dọc là chính điện (thượng điện).

Chùa được xây dựng bằng gỗ lim từ những cột gỗ cao to đến vì kèo, xà ngang, xà dọc. Những chỗ lồi lõm của vì kèo, trụ, ván nong, ván lưng, cánh cửa… đều được chạm bong kênh, chạm lộng tạo thành những tác phẩm nghệ thuật trên gỗ tuyệt đẹp. Trước thượng điện có cửa võng chạm lộng thiếp vàng làm nền cho phật điện. Đây là tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Chùa Đồng Đắc được xây theo hướng tây, tiền đường gồm 7 gian lớn đặt tượng Đức ông, tượng Đức thánh và hai tượng Hộ Pháp. ở thượng điện đặt các tượng Phật từ trên cao xuống thấp gồm 5 hàng tượng. Các tượng Phật đều ngồi, mặt mang dáng vẻ nữ nhiều hơn, miệng thoáng nụ cười cứu độ, mũi thẳng đầy đặn, mắt nhìn xuống soi rọi nội tâm. Tất các các pho tượng Phật đều uy nghiêm, nhân từ, được sơn son thiếp vàng lộng lẫy trong ánh hương nến lung linh.

Điều độc đáo nữa của chùa Đồng Đắc là nhà tăng đường không xây sau điện Phật mà nối liền với Tiền đường của chùa, gồm ba gian lui về phía Bắc và điện Mẫu năm gian cũng nối theo Tiền đường của chùa lui về phía nam, đều quay hướng tây làm cho tiền đường, tăng đường và điện Mẫu dài đến 15 gian. Nền của tăng đường và điện Mẫu có thấp hơn so với nền chùa. ở tiền đường, điện Mẫu có treo một quả chuông đúc từ năm Quý Mão – Thiệu Trị thứ 3 (1843). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Đồng Đắc là nơi ở của bộ đội và một số chiến sỹ cách mạng. Đây chính là chốn tịnh viên, nhân dân công giáo cũng như nhân dân theo đạo Phật đều đến cầu mong trừ được điều ác, làm được nhiều điều thiện để sống thư thái tốt lành hơn.