Trang chủ Đời sống Chùa Ngọa Cương (Quảng Bình): Nguy cơ sập bất cứ lúc nào

Chùa Ngọa Cương (Quảng Bình): Nguy cơ sập bất cứ lúc nào

124

Ghi dấu chiến công

Chùa Ngọa Cương hay còn gọi là Ngọa Cương Linh Tự nằm trên một ngọn đồi cao phía Tây làng Ngọa Cương, thuộc xã Cảnh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Bình. Chùa tựa lưng vào dãy núi Hoành Sơn hùng vĩ, mặt nhìn ra sông Gianh. Chùa cách quốc lộ 12A không xa, là con đường xuyên Việt chạy qua nước bạn Lào.

Ngôi chùa được nhân dân trong vùng xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17 để thờ phật Thích Ca, cũng là nơi để nhân dân đến dâng hương các ngày rằm, lễ, Tết, cầu mong sự bình an mưa thuận, gió hòa, đồng thời bày tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với Đức Phật… Sơ khai, chùa được làm khá đơn giản, đến năm 1860 chùa mới được xây dựng lại bằng gạch, đá khang trang vững chãi. Nét đặc biệt của kiến trúc ngôi chùa là  tháp đôi nhọn như hai búp măng sừng sững chọc thẳng trời, nhìn từ xa rất oai nghiêm, tráng lệ.

 

Chùa Ngọa Cương - di tích lịch sử dần thành phế tích.
Chùa Ngọa Cương – di tích lịch sử dần thành phế tích.

Ngôi chùa còn là nơi ghi dấu những chiến công của quân và dân nơi đây trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm.Vào khoảng những năm 1937- 1939, chùa là nơi gặp gỡ đầu tiên của các Đảng viên chi bộ ghép của các xã Tiến Hóa, Cảnh Hóa, Phù Hóa, Văn Hóa. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là nơi sinh hoạt của các cán bộ Đảng Cộng sản, nơi bàn bạc kế hoạch tác chiến của các đồng chí lãnh đạo. Hơn thế, đây còn là nơi đặt trận địa pháo cao xạ 12ly7 của quân dân huyện Quảng Trạch…

Ông Nguyễn Xuân Cát, cán bộ tiền khởi xã Cảnh Hóa, nhân chứng sống kể lại lịch sử của chùa Ngọa Cương: “Khoảng năm 1944, thực dân Pháp ra sức khủng bố, bắt bớ, lùng sục các chiến sĩ cách mạng trên địa bàn, các đồng chí Nguyễn Đức Thưởng, Trần Văn Miên là Xứ ủy Trung Kỳ phải tạm lánh lên miền Tây, trên đường đi, các đồng chí vào trú ẩn tại chùa Ngọa Cương, chờ thời cơ mới tìm cách lên miền trên. Mặc dù thực dân Pháp và bọn hương lý lùng sục khắp nơi, nhưng dưới sự đùm bọc của nhân dân và chùa Ngọa Cương, nên các cán bộ chiến sĩ không bị rơi vào tay địch”.

Thời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945, chùa Ngọa Cương là nơi các cán bộ chủ chốt trong thôn bàn bạc để cướp chính quyền, không những thế còn là nơi Việt Minh cất giấu vũ khí, lương thực để chuẩn bị cho cách mạng tháng 8 tổng khởi nghĩa giành chính quyền…

Đang “chờ”… sập

Trở lại thăm ngôi chùa cổ này vào những ngày đầu tháng 10/2013, chúng tôi thấy chạnh lòng bởi sự nhếch nhác của di tích lịch sử văn hóa này. Không được đầu tư sửa chữa, nâng cấp… di tích này đang dần bị xuống cấp nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ trở thành phế tích. Nằm ngay cạnh quốc lộ 12A nhưng đến đây chúng tôi không hề thấy tấm biển nào chỉ dẫn vào khu di tích. Lối nhỏ dẫn từ đường lộ vào chùa bị cây cối che kín, rất khó đi. Nắng mưa theo thời gian đã hằn lên ngôi chùa nhiều vết rạn nứt. Mái trần chùa bị nứt nẻ nghiêm trọng, nhiều chỗ gạch ngói bị vỡ vụn và rơi cả ra bên ngoài… Sự xuống cấp đó tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho những người vẫn thường xuyên đến thăm, viếng vào những ngày rằm, ngày lễ…

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tĩnh – Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Hóa cho biết: Di tích chùa Ngọa Cương không những có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị về văn hóa, là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong các ngày rằm, lễ, Tết hàng năm. Ngoài ra, di tích còn có giá trị khoa học trong việc nghiên cứu kiến trúc xây dựng thời Nguyễn. Hiện di tích đang bị xuống cấp, chúng tôi mong các cấp, ban ngành quan tâm để trùng tu lại khu di tích này”.

Được biết, năm 2005, Nhà nước đã đầu tư 50 triệu đồng để địa phương trùng tu lại di tích nhưng số tiền đó chưa đủ nên UBND xã đang chờ thêm kinh phí mới tiến hành trùng tu. Cho đến nay, đã gần 10 năm, kể từ khi được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, ngôi chùa đang gần như trở thành phế tích.

Để phát huy giá trị lịch sử của khu di tích trong những cuộc kháng chiến và giáo dục truyền thống cho lớp trẻ hiện nay, chùa Ngọa Cương rất cần được tôn tạo, đầu tư cho tương xứng với những giá trị lịch sử của mình.