Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chuyện chưa biết về chùa Bút Tháp

Chuyện chưa biết về chùa Bút Tháp

121

Sau khi đắc pháp, năm 1630 Chuyết Công dẫn đệ tử đi thuyền về phương Nam truyền đạo. Ngài đã qua Cao Miên, Chiêm Thành nhưng không hợp ý các vua nơi đó, rồi ngài đến Thăng Long vào năm 1633, giảng Phật pháp ở chùa Khán Sơn.

Giáo lý Thiền Tông ngay bấy giờ đã có ảnh hưởng lớn đến vương triều Lê Trịnh. Năm 1640 hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc xuất gia theo Chuyết Công. Sau đó công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, con gái hoàng hậu Ngọc Trúc cũng xuất gia ở chùa Phật Tích theo Minh Hành. Năm 1640 chúa Trịnh ra sắc chỉ xây dựng lại chùa Ninh Phúc – tên cũ của chùa Bút Tháp – quy mô như ngày nay. Sư Chuyết Chuyết cùng các môn đệ sang đây tu hành và chỉ đạo xây chùa theo mô hình chùa Thiếu Lâm ở Trung Quốc.

Năm 1644 sư Chuyết Chuyết viên tịch, sư Minh Hành sang kế trụ trì và tiếp tục chỉ đạo xây chùa. Ngài cho xây tháp Báo Nghiêm thờ thầy, ngôi tháp hình chiếc bút khổng lồ nay thành biểu tượng của tỉnh Bắc Ninh văn hiến. Cư sĩ Âu Dương Vựng Đăng viết văn bia có đoạn: Tôi học Phật, lánh sang nước Nam, có dịp hội đàm với thiền sư Chuyết Chuyết tại chùa Khán Sơn ở Thăng Long. Lúc mới gặp tôi nghĩ ngài là người khùng. Lâu ngày tôi thấy ngài là người thông thái, rộng rãi, thanh tịnh. Ngài lại có tài ngôn luận, thích bỡn cợt vui vẻ. Ngài đức độ trung hậu, kính già yêu trẻ, coi thiện tử như bạn thân mà khinh thường tiền của…


 
Tượng Thiền sư Chuyết Chuyết
 
 
Tượng thiền  sư Minh Hành 

 

Sau khi sư Chuyết Chuyết qua đời, sư Minh Hành nhận y bát trở thành tổ thứ 35 dòng Lâm Tế Thiền Tông. Trong văn bia ở chùa Bút Tháp, ngài tự viết rằng: Than ôi! Ta vốn là kẻ nghèo hèn ở đất Hu Giang, biết bao giờ gửi tinh chất vào toà sen thượng phẩm. Ngoảnh mặt vào tường, đứng trong tuyết lạnh, ấn tổ theo đó thêm sáng; lưng đeo đá nặng giã gạo đêm khuya. Y bát từ đây kế truyền. Một niệm Di Đà sáng soi thế giới ba ngàn đại thiên; luận bàn Phật điển phô bày nghĩa lý sáu đời lục tổ.

Như vậy chính sư Minh Hành đã khẳng định dòng Lâm Tế Đại Việt là một chi nhánh của Thiền Tông Trung Quốc mà trung tâm là Thiếu Lâm tự. Ngày 24.3.1659 sư Minh Hành qua đời, đệ tử Sa di Chân Kiến, tổ đời thứ 36, người Đông Ngàn, dựng tháp đá Tôn Đức chứa xá lợi thầy. Ngôi bảo tháp này được tu sửa đầu năm 2009 đã tìm thấy hai pho kinh Hoa Nghiêm bằng đồng nặng 20kg để ở trên đỉnh tháp. Tại chùa Trạch Lâm ở Thanh Hoá cũng có tháp mộ sư Minh Hành, bên trong có pho tượng ngài đúc bằng đồng. Hội chùa Bút Tháp chính là ngày giỗ sư tổ Minh Hành.

Kiến trúc chùa Bút Tháp còn nguyên dạng đến ngày nay, gồm các hạng mục chính là tam quan, gác chuông; thiêu hương; thượng điện; tích thiện am; nhà chung; phủ thờ; hậu đường; nhà tổ; giải vũ và các tháp sư tổ. Hệ thống tượng Phật và tượng sư tổ khá phong phú, tiêu biểu là các pho: Tam Thế, Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, Tuyết Sơn, Thị Giả, La Hán, Quan Âm Thế Chí, Bà chúa Kim Cương, Chuyết Công, Minh Hành… Tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay là tuyệt phẩm của nghệ thuật tạc tượng nước ta. Tượng có kích thước 3,7 x 2,1 x 1,15m. Trên đầu Phật Bà có tượng Adida tạo thành 11 mặt Phật và 42 cánh tay trần, dựa theo điển Adida chắp lại mặt Quan Âm khi quá lo nghĩ nổ thành nhiều mảnh nhỏ. Sau lưng Phật Bà là vầng hào quang, trên đó gắn 952 tay nhỏ tạo thành nhiều lớp, ở giữa mỗi bàn tay gắn một con mắt mi dài, đen láy. Tư thế tượng ngồi thư thái trên toà sen do Chàng Ba Long Vương đội đưa Phật Bà vượt qua biển khổ. Bên dưới bệ tượng có khắc dòng chữ Hán: Tuế thứ Bính Thân niên thu nguyệt cốc nhật doanh tạo Nam đồng Giao Thọ nam Trương tiên sinh phụng khắc. Nghĩa là: Giao Thọ nam Trương tiên sinh hoàn thành tạc tượng ngày tốt mùa thu năm Bính Thân (1656). Ngoài ra, còn một hệ thống các bức phù điêu gỗ và phù điêu đá tươi vui sống động rút từ thiên nhiên và truyền thuyết dân gian.

Trải qua thời gian, nhiều hạng mục kiến trúc chùa xuống cấp, năm 1989 chính phủ cộng hoà Liên bang Đức đã tài trợ kinh phí tám đợt tu sửa, do trung tâm Tu bổ di tích thi công. Việc tu sửa có sự khảo sát, thiết kế, phương án tu bổ từng hạng mục chu đáo nên cơ bản giữ được nguyên trạng ban đầu. Tuy nhiên vẫn còn một số hạng mục nhỏ chưa có kinh phí tu bổ. Đầu năm nay hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng, người được coi là đệ tử tục gia của chùa đã vận động tài trợ tu bổ tháp Tôn Đức và phát hiện ra hai pho kinh đồng.