Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Bức tranh thiên cổ đượm màu nước non

Bức tranh thiên cổ đượm màu nước non

134

Nơi đây có một ngôi chùa tọa lạc đã mấy thế kỷ và nức tiếng từ lâu- chùa Bút Tháp.

Bút Tháp là một ngôi chùa cổ có kiến trúc quy mô hoàn chỉnh nhất còn lại ở Việt Nam. Tương truyền, chùa được Hoàng thái hậu Trần Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thánh Tông) cùng hai nhà sư người Việt gốc Hoa thiết kế. Chùa có tên chữ là “Ninh Phúc Thiền tự” được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” từ thời kỳ hậu Lê ở thế kỷ XVII. Với kiến trúc độc đáo, bố cục hài hòa giữa kiểu dáng với môi trường thiên nhiên, trục chính của chùa Bút Tháp quay theo hướng Nam-một hướng truyền thống theo quan niệm phong thủy đặc trưng của người Việt.

Vào chùa, du khách bước qua Tam Quan, ngắm nhìn gác chuông rồi đến Tiền Đường và gian Thượng điện.

Nối giữa Thượng điện (thế giới Phật pháp lòng thành được nhận) và Tích thiện Am (nơi cầu mong để được siêu thoát) là chiếc Cầu đá ong (Vượt qua cầu đã cao xa giũ sạch bụi trần) được bắc qua hồ nước trong trồng hoa sen tinh khiết. Cầu đá dài 4 mét với 3 nhịp uốn cong, hai bên cầu có 12 bức lan can được chạm khắc công phu, đầu cầu là hai con sư tử và thành cầu là những nét chạm trổ tinh xảo, hài hòa. Những hình ảnh chạm khắc trên cầu hàm chứa ý nghĩa Phật đạo và mang đậm tính chất nghệ thuật thiền.

Đặc biệt, vào chùa Bút Tháp, du khách được “thưởng ngoạn” tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn mà dân gian quen gọi là “Tượng Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay”- một kiệt tác về nghệ thuật điêu khắc và ẩn chứa bao triết lý nhân sinh cao cả. Tạc từ năm 1656, tượng Quan Âm được làm theo thế tam tài giả, tức là mối quan hệ tổng hòa thiên-địa-nhân. Khi nhìn vào tượng, vòng tròn phía sau được gắn gần một nghìn bàn tay, trong mỗi bàn tay được khắc một con mắt, đó là biểu tượng của Trời. Trời theo quan niệm ở đây là vũ trụ thu nhỏ. Trong vũ trụ, cái thiện được biểu tượng ở thế "tam quang giả" tức là 3 cái sáng là mặt trời, mặt trăng và các vì sao.

 

Mặt trời làm mặt Phật Quan Âm nổi bật nhất, sáng ngời, đầy vẻ từ bi hỉ xả. Mặt trời sáng ngời còn biểu tượng cho trí tuệ đức Phật Quan Âm đi khắp muôn phương xua tan bóng tối. Để diễn tả ý tứ sâu xa này, người xưa đã khắc con mắt trong lòng bàn tay biểu tượng cho hàng nghìn vì sao trong thiên hà. Tất cả con số trên pho tượng đều là số lẻ, hơn 900 bàn tay và hơn 900 con mắt.

Theo quan niệm của người xưa, số 1.000 là số chẵn, âm, tĩnh, không phát triển. Còn số lẻ, dương, động và phát triển không ngừng. Điều đó có nghĩa là trong vũ trụ có vô vàn vì sao đang quan sát trần gian. Pho tượng này đã đoạt giải đặt biệt khi tham gia triển lãm nghệ thuật Phật giáo quốc tế tại Ấn Độ năm 1958.

Đến với chùa Bút Tháp, du khách còn được ngắm nhìn Cửu phẩm liên Hoa-Tháp cao 9 tầng như 9 đài sen, 8 mặt đều đặn thể hiện 8 phương của nhà Phật. Chín đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo. Những đài sen này có thể quay được và mỗi vòng quay đó ứng với 3.542.400 câu niệm Phật. Thăm tháp Bảo Nghiêm mang đỉnh hình nậm rượu cao 13 mét với 5 tầng-nơi thờ Chuyết Chuyết-hòa thượng người Hoa nhưng đã sang Việt Nam trụ trì trọn đời ở chùa Bút Tháp và khi viên tịch, được vua Lê phong là “Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư”.   

Một buổi sáng vãn cảnh chùa Bút Tháp, tôi thật sự bị “hút hồn” bởi không gian nghiêm trang, tôn kính mà vẫn tràn đầy không khí gần gũi, ấm áp của ngôi chùa. Nằm giữa phong cảnh ruộng đồng bao la, yên ả và ngan ngát màu xanh của thiên nhiên, cỏ cây, đồng ruộng, Bút Tháp xứng đáng được xếp hạng “danh lam” bậc nhất ở đồng bằng Bắc Bộ.

Rời chùa Bút Tháp, tôi còn lưu luyến mãi trong ký ức câu ca: Mênh mông biển lúa xanh rờn/ Tháp cao sừng sững trăng rờn bóng cau/ Một vùng phong cảnh trước sau/ Bức tranh thiên cổ đượm màu nước non.