Trang chủ PGVN Nhân vật Chuyện về chiếc xe gắn với ngọn lửa bất diệt

Chuyện về chiếc xe gắn với ngọn lửa bất diệt

130
 
Chiếc xe mang biển số DBA.599 hiệu Austin được lưu giữ tại một phòng nhỏ ở ngôi cổ tự Thiên Mụ (Huế)
Chiếc xe mang biển số DBA.599 hiệu Austin được lưu giữ tại một phòng nhỏ ở ngôi cổ tự Thiên Mụ (Huế)
 
Từ chính sách kỳ thị tôn giáo
 
Chiếc xe thuộc nhãn hiệu Austin Westminster được hãng xe Austin Motor của Anh sản xuất khoảng năm 1954 – 1968. Chiếc DBA.599 thuộc thế hệ xe A95/A105 sử dụng động cơ dung tích 2.6L nhưng được cải tiến để cho công suất 102 mã lực và tốc độ tối đa đạt 155 km/giờ. 
 
Biển giới thiệu về câu chuyện chiếc xe gắn liền với ngọn lửa bất diệt cho những người muốn tìm hiểu
Biển giới thiệu về câu chuyện chiếc xe gắn liền với ngọn lửa bất diệt cho những người muốn tìm hiểu
 
Đây là một trong những dòng xe thuộc hạng sang lúc bấy giờ nhưng có lẽ nó sẽ chỉ có số phận bình thường như bao phương tiện giao thông khác nếu không có sự kiện ngày 11/6/1963. 
 
Năm 1963, sự ngột ngạt bởi chính sách kỳ thị tôn giáo lên đến đỉnh điểm, Ngô Đình Diệm ra đạo dụ cấm treo cờ Phật giáo tại Huế trong dịp lễ Phật đản Phật lịch 2507. 
 
Sự việc lên đến cao trào khi 8 đồng bào Phật tử trong đó đa số là phụ nữ và trẻ em bị bắn chết khi tập trung ở trước Đài Phát thanh Huế tối ngày 8/5/1963 để nghe buổi tường thuật phát thanh về không khí Phật đản như thường lệ. 
 
Cuộc đàn áp tôn giáo của gia đình Diệm Nhu có bước leo thang sau đó, hàng loạt Tăng, Ni, Phật tử bị vu khống bạo loạn và phải ngồi tù, nhiều ngôi chùa bị khám xét. 
 
Biển số DBA.599 vẫn còn gắn trên xe cho đến hiện nay
Biển số DBA.599 vẫn còn gắn trên xe cho đến hiện nay
 
Đối diện với súng đạn và sự cường quyền, đồng bào tăng ni Phật tử các giới chỉ tuần hành bất bạo động, gửi những thỉnh cầu đến gia đình trị họ Ngô, nhưng đáp lại chỉ là sự vô vọng.
 
Ngọn lửa bất diệt bùng lên
 
Trước sự vô vọng đó buổi sáng 11/6/1963, trong dòng tăng ni Phật tử tham gia vào đoàn rước linh từ chùa Phật Bửu tự có chiếc xe mang biển số DBA.599 hiệu Austin do Phật tử Trí Không – Trần Quang Thuận cầm lái, ngồi bên cạnh là đại đức Trí Minh và phía sau là đại đức Chân Ngữ bảo vệ Bồ tát (lúc ấy là Thượng toạ) Thích Quảng Đức chậm rãi lăn bánh.
 
Khi chiếc Austin tới ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, tài xế giả hư máy phải dừng lại sửa để đánh lừa cảnh sát. Nắp capô được mở, phía sau Bồ tát Thích Quảng Đức khoan thai bước xuống xe, chắp tay xá bốn phương, rồi tĩnh tại ngồi kiết già trên đường, mặt quay về hướng tây, miệng lâm râm niệm Phật. 
 
Hình ảnh Bồ tát Thích Quảng Đức được treo trang trọng tại đây và được đặt ở trên xe
Hình ảnh Bồ tát Thích Quảng Đức được treo trang trọng tại đây và được đặt ở trên xe
 
Ngọn lửa của trí huệ và của niềm tin vào sự trường tồn của chánh pháp bùng lên giữa biển người đang cầu nguyện, chứng kiến trong đó có cả những nhà báo và nhân viên mật vụ của chế độ Ngô Đình Diệm theo dõi hoạt động của Phật giáo. 
 
Tăng ni, phật tử bao quanh Ngài, người lâm râm tụng kinh, người hô to khẩu hiệu chống chính quyền. Nhiều người, kể cả một số cảnh sát chống biểu tình đã quỵ xuống khóc và lạy Bồ tát đang vị pháp thiêu thân…
 
Hình ảnh ngọn lửa của trái tim bất diệt Bồ tát Thích Quảng Đức và phía sau là chiếc xe Austin số hiệu DBA.599 bật nắp capô đã có sức lan toả mạnh, tác động lớn không chỉ đến chính quyền Ngô Đình Diệm mà còn với nước Mỹ và nhân dân yêu chuộng hoà bình, đấu tranh vì tự do trên toàn thế giới. 
 
Du khách trong và ngoài nước khi về viếng chùa đều đến tìm hiểu về chiếc xe gắn với ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Bồ tát Thích Quảng Đức
Du khách trong và ngoài nước khi về viếng chùa đều đến tìm hiểu về chiếc xe gắn với ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Bồ tát Thích Quảng Đức
 
Theo thầy Thích Nguyên Nhơn, đang tu học tại chùa Thiên Mụ: “Sau sự kiện này, chiếc xe Austin được Phật tử Trần Quang Thuận cúng dường cho Bổn sư là hoà thượng Đôn Hậu ở chùa Thiên Mụ (Huế) để làm Phật sự. Từ đó, chiếc xe mang số hiệu DBA.599 đã không một lần phải lăn bánh mà được đặt trang trọng trong 1 phòng nhỏ tại chùa Thiên Mụ (Huế).
 
Chiếc xe được trân trọng như một di vật về thời kỳ bi thương nhưng rất đỗi hào hùng, là phương tiện được đưa vị Bồ tát nguyện thiêu thân để Phật giáo Việt Nam trường tồn vượt qua cơn Pháp nạn”.
 
Bài viết có sử dụng tư liệu từ Bradley S.Oleary & L.R. Seymour (2000), Vụ ám sát Ngô Đình Diệm và J.F. Kennedy (Triangle of Death),  ebook, trang 93 và một số trang tin của Phật giáo.