Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Có một ngôi chùa Một Cột giữa trời Nam

Có một ngôi chùa Một Cột giữa trời Nam

876
Nam Thiên Nhất Trụ tự (quận Thủ Đức) được xây dựng theo tỷ lệ 1-1 với chùa Một Cột ở Hà Nội. Ảnh: Ngôn Trọng

 Giữa lòng phương Nam, có một ngôi chùa lớn mang tên “Nam Thiên Nhất Trụ” tọa lạc ở đường Đặng Văn Bi (quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh). Đó là ngôi chùa Một Cột ở thành phố Hồ Chí Minh có kích thước tương đồng chùa Một Cột ở Thủ đô Hà Nội. Ngôi chùa đặc biệt này giúp nhiều người con đất Bắc thỏa phần nào “nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Chùa Một Cột ở trời Nam

Nam Thiên Nhất Trụ tự được Hòa thượng Thích Trí Dũng khởi công xây dựng ngày 8-4-1958, phỏng theo hình ảnh chùa Diên Hựu – chùa Một Cột (đời nhà Lý, thế kỷ XI) ở Hà Nội. Trong bia đề tại chùa ghi: Lý do bấy lâu nay nhân dân miền Nam chỉ là “nghe tiếng mà chưa thấy”, do đó ngôi chùa Nhất Trụ này được xây dựng với mục đích vừa là di tích lịch sử vừa là danh lam thắng cảnh để nhân dân miền Nam chiêm ngưỡng. Ngôi chùa được dựng lên không quyên góp tiền bạc của ai, không lệ thuộc vào một dân xã nào, chỉ do Hòa thượng Thích Trí Dũng và đệ tử tục danh Đỗ Thị Vinh (pháp danh Đức Hiển) hiệp công, hiệp sức, xuất tài, xuất lực tạo lập nên.

Khuôn viên chùa rộng khoảng 1ha. Quần thể chùa do kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức vẽ thiết kế. Chánh điện được bài trí tôn nghiêm. Các pho tượng Phật, hương án, họa tiết trang trí ở điện Phật do nghệ nhân Bá Nhâm thực hiện trong những năm 1970. Trước ngôi chánh điện là đài Liên Hoa, được xây dựng theo tỷ lệ 1-1 so với chùa Diên Hựu ở Hà Nội. Bên trong chùa thờ tượng Bồ Tát Quan Âm. Trụ chùa Một Cột được đúc bằng xi măng cốt thép. Mái lợp ngói uốn cong như chùa Diên Hựu. Quanh chùa là hồ nước hình vuông có tên là Hồ Long Nhãn (hồ mắt rồng), nước xanh như màu nước hồ Hoàn Kiếm.

Nam Thiên Nhất Trụ tự là nét độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam. Chùa là nơi để nhân dân và các chư tăng Phật tử ở miền Nam có dịp đến chiêm ngưỡng, lễ Phật, nhớ về cội nguồn tổ tiên, cầu cho quốc thái dân an, quê hương hưng thịnh.

Viếng thăm chùa vào một buổi sáng cuối tuần, ông Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1951, nơi sinh ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, dù đã vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống rất nhiều năm qua, nhưng nét văn hóa, lịch sử Hà Nội là những thứ ông rất trân trọng và mong muốn tìm về. “Tôi rất vui và thích thú khi ở thành phố Hồ Chí Minh lại có ngôi chùa Một Cột giống chùa Diên Hựu ở Thủ đô nghìn năm văn hiến. Vào vãn cảnh chùa, mọi ồn ào, tất bật của cuộc sống bên ngoài không còn nữa, thay vào đó là sự thanh tịnh đến lạ lùng”, ông Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long

Giữa sự ồn ào, đông đúc của phố thị, Nam Thiên Nhất Trụ tự đứng sừng sững, uy nghiêm. Cùng với nhiều ngôi chùa khác ở thành phố Hồ Chí Minh, Nam Thiên Nhất Trụ tự là một trong những công trình kiến trúc đẹp, mang đậm nét độc đáo của đời sống văn hóa, tinh thần người dân thành phố.

Liên quan đến Nam Thiên Nhất Trụ tự, nhiều người còn nhớ câu chuyện, khi khởi công xây dựng, Hòa thượng Thích Trí Dũng đã phát hiện được một cổ vật là chiếc đĩa bằng kim loại quý, đường kính 36cm, nặng 6,4kg, có khắc chữ “Ngũ tử đăng khoa”, được trang trí bởi 24 loại hoa văn khác nhau. Chiếc đĩa được xác định có vào thời nhà Tống ở Trung Quốc. Sau đó, có một nhà chuyên sưu tập đồ cổ người Hồng Kông (Trung Quốc) biết chuyện đến xin mua lại chiếc đĩa trên với giá rất cao, nhưng Hòa thượng nhất quyết không bán. Năm 1988, Hòa thượng Thích Trí Dũng đã gửi chiếc đĩa quý này vào Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh và tin tưởng đây mới là nơi duy nhất có thể lưu giữ nó, để người dân khắp nơi có dịp đến chiêm ngưỡng, nghiên cứu.

Theo những người dân cao tuổi ở địa phương, thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Nam Thiên Nhất Trụ tự cũng là nơi nhiều chiến sĩ, cán bộ cách mạng thường xuyên lui tới làm nơi hội họp, bàn bạc hoặc ẩn nấp. Còn ngày nay, nơi này được xem như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết Bắc – Nam. Nhiều khách hành hương chia sẻ: Ngắm Nam Thiên Nhất Trụ tự ở thành phố Hồ Chí Minh, những người con của Thủ đô nói riêng và người gốc Bắc nói chung sẽ được thỏa cảm giác “nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Thạc sĩ Nguyễn Thành Luân (nhà nghiên cứu văn hóa) cho biết, ở góc nhìn văn hóa, chúng ta cần quay trở lại thời điểm năm 1958, khi đó hai miền đất nước còn chia cắt, nhiều người gốc miền Bắc nhưng ở miền Nam luôn không nguôi nỗi nhớ về ngôi chùa Một Cột ở Hà Nội. Vì vậy, Hòa thượng Thích Trí Dũng cùng đệ tử tâm huyết đã dựng nên một ngôi chùa mô phỏng chùa Một Cột ở Hà Nội, để mọi người cùng vãn cảnh, chiêm bái.

“Ngày nay, Nam Thiên Nhất Trụ tự ghi dấu nhiều thăng trầm lịch sử và hình thành một nét văn hóa ở phương Nam, trở thành di tích lịch sử được nhiều người lui tới. Ngoài ra, nơi đây cũng là thắng cảnh để người miền Nam thỏa lòng nhớ thương về ngôi chùa Một Cột tại Hà Nội”, Thạc sĩ Nguyễn Thành Luân cho hay. Còn Đại đức Thích Minh Đạo, hiện trụ trì chùa Nam Thiên Nhất Trụ cho biết, ngôi chùa này không hẳn chỉ là trung tâm về tín ngưỡng mà còn là trung tâm văn hóa – xã hội, không chỉ là tài sản của giới Phật giáo mà còn là tài sản của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và phật tử khắp muôn nơi.


TRỌNG NGÔN/HÀ NỘI MỚI