Trang chủ Diễn đàn Có thể ban hành cái gọi là thông tư quản lý tiền...

Có thể ban hành cái gọi là thông tư quản lý tiền công đức hay không?

79

Kể từ ngày Luật Di sản Văn hóa có hiệu lực từ ngày 01/01/2002 và Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo có hiệu lực từ ngày 15/11/2004, hàng năm sau dịp Tết Nguyên đán, các lễ hội mang tính tín ngưỡng tâm linh nổ rộ trên phạm vi cả, nhất là miền Bắc.
 
Ba nội dung báo chí thường xuyên xào nấu của nhau về các lễ hội là: 1/ Đưa tin về các lễ hội đã, đang và sẽ diễn ra ở địa phương này hay địa phương khác, 2/ Phản ánh mặt trái nhiều hơn mặt tốt của các lễ hội, 3/ "Nhòm ngó" và đoán mò, thổi phồng số lượng tiền công đức của một vài di tích đền, chùa lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ, thậm chí có tờ báo còn dung tục hóa xem thùng công đức là "cái máy đẻ ra tiền" để từ đó đặt vấn đề rằng các cơ quan nhà nước phải "vào cuộc" quản lý tiền công đức đối với cơ sở tín ngưỡng, đền, chùa nơi thờ tự.
 
Chưa đủ yếu tố cần và đủ để quản lý tiền công đức
 
Có thể tóm tắt ba lý do căn bản để đặt ra vấn đề quản lý tiền công đức, đó là: 1/ Lộn xộn trong công tác quản lý tiền công đức, 2/ Tiền công đức do dân đóng góp. Cho nên người dân có quyền được biết tiền họ đóng góp được sử dụng như thế nào, và 3/ Việc thu-chi tiền công đức cần phải được công khai, minh bạch cho mọi người đều biết.
 
Trên cơ sở những quy định hiện hành, người viết lần lượt phân tích ba lý do trên đây để xem đó có phải là điều kiện cần và đủ để các cơ quan chức năng "nhảy vào" quản lý tiền công đức, vốn là tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
 
– Về lý do thứ nhất: Nguyên nhân dẫn đến việc quản lý tiền công đức lộn xộn ở một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, là di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, ở một số địa phương hiện nay, nhất là ở miền Bắc, là do sự lập lờ hay cố tình không xác lập chủ sở hữu di tích.
 
Điều 5, Luật Di sản Văn hóa năm 2001 quy định: "Nhà nước công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.
 
Theo điều luật này, mặc dù các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được công nhận di tích, tức di sản văn hóa, nhưng nhà nước vẫn không tước bỏ cái quyền sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng đối với di tích/ di sản đó.
 
Đình, đền, miếu mạo là do cộng đồng dân cư địa phương chung nhau xây dựng nên và các cơ sở tôn giáo là do tín đồ, nhà tu hành tôn tạo, nay được nhà nước công nhận là di tích văn hóa lịch sử. Như vậy, đối với cơ sở tín ngưỡng dân gian, chủ sở hữu đương nhiên phải là cộng đồng dân cư địa phương. Đối với cơ sở tôn giáo, chủ sở hữu chính là Giáo hội mà đại diện là tín đồ, nhà tu hành. Mà đã là chủ sở hữu cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hiển nhiên cũng là chủ quản lý tài sản (bao gồm: động sản và bất động sản) của cơ sơ tín ngưỡng, tôn giáo đó.
 
Tiền công đức do tín đồ, người dân tự nguyện phát tâm tiến cúng cho nhà đền, nhà chùa chính là tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Khoản 2. Điều 9 của Luật Di sản Văn hóa quy định:  "Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu di sản văn hóa." Điều 26, Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004 cũng quy định: "Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó."
 
Hơn nữa, pháp luật quy định các cơ quan chức năng chỉ quản lý các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo về phương diện hành chính, không quản lý về tài sản.
 
Việc mỗi di tích lại có một cấp, hoặc nhiều cấp khác nhau cùng quản lý, nơi do cơ quan Nhà nước quản lý như UBND, Sở VHTT&DL, nơi do Hội Người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, UB MTTQVN … là không đúng với quy định trên. Tại sao? Đơn giản vì các cơ quan, đoàn thể này không phải là sở hữu chủ của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nên cũng không có quyền quản lý tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
 
Vấn đề được đặt ra là tại sao sao các cơ quan chức năng biết rõ đó là những sai phạm trong việc quản lý về nhà nước đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo của các cơ quan, đoàn thể này mà vẫn không cương quyết xử lý triệt để, cứ để cho sự quản lý trái luật này nhởn nhơ tồn tại, để rồi viện cớ vào đó hợp thức hóa việc quản lý tiền công đức – tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo – bằng văn bản quy phạm pháp luật???
 
– Về lý do thứ hai: Hòm công đức, trong đạo Phật còn gọi là Tam Bảo phước điền hay là hòm phước sương, được đặt tại những nơi trang nghiêm trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm mục đích hướng tín đồ tích đức tu nhân.
 
Việc đặt hòm công đức được Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004 quy định khoản 1, điều 28: "Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo được tổ chức quyên góp, nhận tài sản hiến, tặng, cho trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân ngoài nước."
 
Trong việc đặt hòm công đức, hầu hết các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không có quy định bắt các tín đồ, người dân đi lễ phải bỏ tiền nhiều ít vào thùng công đức. Việc các tín đồ, người dân đi lễ bỏ tiền vào thùng công đức là việc làm tự nguyện, tự giác. Theo điều 465, Luật Dân sự năm 2005 thì đây được xem hợp đồng tặng cho không có điều kiện bằng một thỏa thuận ngầm giữa người cúng/người cho và người nhận/ chủ quản lý cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
 
Và theo điều 234 của bộ luật này, tại thời điểm tín đồ, người dân tự nguyện bỏ tiền vào thùng công đức chính là thời điểm tín đồ, người dân đó đã chuyển giao quyền sở hữu số tiền/tài sản đó cho người được giao/chủ quản lý cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo số tiền/ tài sản đó.
 
Do đó, tín đồ, người dân tự nguyện phát tâm bỏ tiền vào thùng công đức không có quyền yêu cầu, đòi hỏi chủ quản lý cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cho biết số tiền họ đóng góp không có điều kiện ấy được sử dụng như thế nào, đi về đâu?
 
Ngoại trừ trường hợp các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có thông báo tổ chức vận động các tín đồ, người dân phát tâm công đức tiền của để thực hiện việc gì đó như xây dựng, trùng tu, sửa chữa nơi thờ tự, hoặc làm từ thiện, thì người phát tâm công đức mới có quyền đòi hỏi được biết số tiền họ đóng góp có sử dụng đúng mục đích hay không vì theo điều 470, Luật Dân sự, đây là hợp đồng tặng cho có điều kiện.
 
Có thể nói, việc đưa ra lý do, rằng tiền công đức do dân đóng góp nên người dân có quyền được biết tiền họ đóng góp được sử dụng như thế nào để đặt vấn đề quản lý là hoàn toàn không có cơ sở pháp luật.
 
– Về lý do thứ ba: Cho đến nay, Hiến pháp năm 1992, Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004 và Luật Di sản Văn hóa năm 2001 và Luật Di sản Văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009, là những bộ luật cao nhất liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, và di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh, chưa có bất kỳ một điều khoản nào quy định các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các tổ chức tôn giáo phải công khai minh bạch việc thu-chi tiền công đức.
 
Do đó, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các tôn giáo không nhất thiết phải công khai minh bạch việc thu-chi tiền công đức cho bất cứ cá nhân, tổ chức không phải là thành viên/hội viên của mình. Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các tổ chức tôn giáo chỉ phải công khai minh bạch việc thu-chi tiền công đức cho các thành viên/hội viên có tham gia trong tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo của mình và công khai minh bạch vào thời điểm thích hợp như sơ kết 6 tháng đầu năm, tổng kết cuối năm.
 
Pháp luật hiện hành không có quy định nào cho phép tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, và các tổ chức tôn giáo được quyền đòi hỏi được biết việc thu-chi tiền công đức của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, và các tổ chức tôn giáo nào đó.
 
Hiện nay, chỉ có khoản 2, điều 28 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo quy định: "Việc tổ chức quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải công khai, rõ ràng mục đích sử dụng và trước khi quyên góp phải thông báo với Uỷ ban nhân dân nơi tổ chức quyên góp."
 
Trên thực tế, nếu cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và các tổ chức tôn giáo nào có vấn đề khuất tất, mờ ám trong việc thu-chi tiền công đức thì chắc chắn các thành viên/hội viện của cơ sở đó đã tố cáo với cơ quan chức năng để xử lý theo quy định pháp luật.
 
Do đó, yêu cầu phải được công khai, minh bạch thu-chi tiền công đức trong hợp đồng tặng cho không điều kiện cho mọi người đều biết cũng chưa có cơ sở pháp luật.
 
Có thể ban hành cái gọi là thông tư quản lý tiền công đức hay không?
 
Sau khi báo Thanh niên đưa tin Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị Vụ Kế hoạch – Tài chính tham mưu cho Bộ, phối hợp cùng Bộ Tài chính sớm đưa ra thông tư về quản lý tiền giọt dầu, công đức, cung tiến trong các cơ sở tín ngưỡng, đền chùa, nơi thờ tự, đã có ý kiến nhiều phản hồi của chư tôn đức và phật tử xung quanh vấn đề này.  Người viết chỉ xin nêu thêm vấn đề về tính pháp lý của cái gọi là thông tư quản lý tiền công đức sắp được ban hành bởi Bộ VH-TT-DL.
 
– Theo Nghị định số 185/2007/NĐ-CP, ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VH-TT-DL,  Bộ này không có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, ngoại trừ một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đã xếp hạng di tích. Vậy liệu Bộ này có định bóp còi vượt đèn đỏ, qua mặt Ban Tôn giáo Chính phủ – Bộ Nội vụ để ban hành một thông tư thuộc vấn đế tín ngưỡng, tôn giáo đang gây tranh cãi hay không?
 
– Một trong năm nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại khoản 1, điều 3, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 là phải "bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật." Như đã phân tích trên, liệu thông tư quản lý tiền công đức có đảm bảo nguyên tắc này hay không nếu ban hành?
 
– Nguồn tài chính/tài sản của các tổ chức tôn giáo cũng như các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được nhà nước cho phép hoạt động, ít nhiều đều có nguồn gốc từ tiền công đức. Việc Bộ này sẽ cho ra đời một văn bản quy phạm pháp luật chỉ áp dụng riêng cho các cơ sở tín ngưỡng dân gian và các cơ sở thờ tự của Phật giáo. Liệu đây có được coi là vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử giữa các tôn giáo hay không?
 
– Hàng năm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều có báo cáo phúc trình về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo của một số nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc Bộ VH-TT-DL cho ra đời thông tư quản lý tiền công đức trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là một cơ sở để họ đánh giá về vấn đề hạn chế tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, nếu không muốn nói là can thiệp quá sâu vào nội bộ tín ngưỡng, tôn giáo, bởi vì một khi cái thông tư này có hiệu lực, rõ ràng sẽ là hành lang pháp lý để các quan nhảy vào "ôm" tài sản của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khiến tín đồ, người dân nghi ngờ về tính khả tín của nó, và đương nhiên họ sẽ hạn chế hoặc dừng hẳn việc công đức.
 
Đây là điều hết sức nguy hiểm liên quan đến sự tồn vong của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế, liệu Bộ VH-TT-DL có mạo hiểm thách đố các quốc gia trên thế giới về vấn đề tự do tôn giáo trong việc ban hành thông tư này?
 
– Hiện nay trên thế giới, chưa có nhà nước nào "nhúng tay" quản lý tài sản của các tổ chức tôn giáo bằng văn bản quy phạm pháp luật. Nếu Bộ VH-TT-DL cho chào đời thông tư này thì đó chính là văn bản vô tiền khoáng hậu về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trên thế giới ngày nay.
 
Ngày 31/3, báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Huỳnh Vĩnh Ái- Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL nói: “Nhà nước không quản lý thu tiền giọt dầu, công đức của cơ sở thờ tự. Đừng cho rằng Nhà nước thu phí giao thông nọ kia rồi giờ đến thu tiền công đức. Tất cả các nghiên cứu sẽ chỉ đưa ra một phương thức thôi. Nhà nước không cần biết thu được bao nhiêu, mà chỉ hướng dẫn để thu chi cho minh bạch. Bởi vì phải công nhận tình trạng quản lý tiền công đức hiện nay rất lộn xộn, nhiều nơi đấu với nhau, giành nhau giữ cơ sở thờ tự làm mất đi cái thiêng của đền, chùa”.
 
Đến đây mọi người đã tự rút ra câu trả lời về việc Bộ VH-TT-DL có thể ban hành cái gọi là thông tư quản lý tiền công đức trong tương lai hay không?