Trang chủ Tin tức Cuộc họp đầu tiên của Viện Nghiên cứu PHVN (NK: 2017 –...

Cuộc họp đầu tiên của Viện Nghiên cứu PHVN (NK: 2017 – 2022)

187

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN) trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).Do HT Thích Giác Toàn làm viện trưởng và TT Thích Tâm Đức làm Phó viện trưởng Thường trực trong nhiệm kỳ 2017-2022.

Chiều thứ hai, ngày 11/12/2017, cuộc họp đầu tiên cho nhiệm kỳ mới VNCPGVN – TPHCM được diễn ra tại cơ sở của Viện tại 750 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, TPHCM với sự chứng minh của HT Thích Minh Cảnh, thành viên Hội đồng chứng minh GHPGVN, sự quang lâm tham dự của Chư tôn đức Viện trưởng, Viện phó, lãnh đạo các Trung tâm và các thành viên thường trực của VNCPHVN – TPHCM.

Tại buổi họp, TT Thích Tâm Đức, Phó Viện trưởng Thường trực của VNCPHVN – TPHCM gửi chào mừng đến Chư tôn đức và các thành viên tham dự đồng thời nêu ra những chủ đề chính trong cuộc họp bao gồm: báo cáo tổng kết hoạt động của VNCPHVN – TPHCM cũng như các trung tâm thuộc viện nghiên cứu trong nhiệm kỳ vừa qua, từ đó nêu ra phương hướng hoạt động, ổn định trụ sở của VNCPHVN – TPHCM và cơ cấu nhân sự để đảm bảo nhịp nhàng, gắn kết giữa các thành viên và mang đến những thành tựu tốt đẹp trong nhiệm kỳ hiện tại.

TT Thích Nhật Từ nguyên Phó viện Trưởng kiêm Tổng thư ký VNCPHVN – TPHCM báo cáo tổng kết các hoạt động và thành quả sinh hoạt của VNCPHVN – TPHCM trong nhiệm kỳ vừa qua 2012 – 2017.


VNCPHVN – TPHCM không ngừng lớn mạnh về mô hình từ nhiệm kỳ 2002 – 2007 đã có được 5 Ban và đến nhiệm kỳ 2012 – 2017, 5 Ban này phát triển thành 10 Trung tâm Nghiên cứu vào nhiệm kỳ vừa qua. VNCPHVN – TPHCM đã tổ chức được 10 cuộc Hội Thảo có tầm vóc quốc gia và quốc tế, xuất bản 2 tủ sách : tủ sách nghiên cứu và tủ sách ứng dụng với hơn 120 đầu sách. Trung tâm Nghiên cứu Hán nôm Huệ Quang, Trung tâm Nghiên cứu Phật học Hán truyền, Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Pali học,…đã mở ra được các khóa, lớp đào tạo để có thêm thành viên đủ khả năng tiếp tục công việc nghiên cứu. Các trung tâm không ngừng lớn mạnh về số lượng và nội dung hoạt động góp phần tích cực cho những thành tựu đáng kể của VNCPHVN – TPHCM trong nhiệm kỳ 2012 – 2017. Thượng tọa cũng tuyên dương các Trung tâm hoạt động tích cực như: Trung tâm Nghiên cứu Hán nôm Huệ Quang trong việc ấn hành tạp chí Suối Nguồn, sưu tầm lưu giữ các tàng bản giá trị, liên tục đào tạo nhiều lớp, Trung tâm Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, Trung tâm Nghiên cứu Phật học Hán truyền đã xuất bản 18 sách mới và tái bản 5 đầu sách, Trung tâm Nghiên cứu Pali đã mở được các lớp đào tạo, dịch và tái bản nhiều sách, Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo Việt Nam đã mở ra một số cuộc tọa đàm và tham dự hội thảo, giao lưu với nhiều đại học, tổ chức khác trong nước. Thượng tọa nhấn mạnh việc phiên dịch cho hoàn thiện và đầy đủ đại tạng Kinh Việt nam và các trung tâm hãy nỗ lực hoạt động để có nhiều thành quả nhiều hơn nữa trong nhiệm kỳ 2017 – 2022.

TT Thích Hạnh Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật học Hán truyền, nhấn mạnh về công việc nghiên cứu làm sáng tỏ và khai thác ứng dụng văn bản đối chiếu và tư tưởng Phật giáo vào sinh hoạt, cả chiều dài hơn 2000 năm Phật giáo Việt Nam gắn liền với tiếng Hán – Nôm. Thượng tọa đề cao sự gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ Phật giáo Trung Hoa, chẳng hạn nên dịch và đối chiếu các công trình khảo luận của Ngài Ấn Thuận, Lữ Trung, Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh….Sách mang tầm vóc nghiên cứu bằng tiếng Việt còn thiếu. VNCPHVN – TPHCM nên có một đặc san (Journal) để ấn hành các bài viết mang tính khảo cứu và chuyên môn của các thành viên của viện. Thượng tọa rất quan tâm với việc nghiên cứu và đào tạo các thành viên nghiên cứu dịch thuật. Thượng tọa vừa ký hợp đồng với Đại học xã hội nhân văn TPHCM gởi các thành viên qua đó để được đào tạo nâng cao.


TT Thích Phước Đạt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn học Phật giáo Việt Nam, xác định rõ chức năng và tiêu điểm của Trung tâm là nghiên cứu về nội dung văn bản văn học Phật giáo do người Việt Nam sáng tác qua 3 giai đoạn : thời kỳ từ khởi nguyên cho đến Thế Kỷ X, thời kỳ Đinh, Lê, Lý, Trần, thời kỳ từ Hậu Lê đến nay. Thượng tọa nhấn mạnh về sự nghiên cứu chi tiết về Phật giáo Trúc Lâm, về Thiền Lâm Tế với Phật giáo Việt Nam, về ảnh hưởng của văn học dân gian với Phật giáo…

TT Thích Thông Hiền, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng thiền học Bắc truyền, HT Thích Thanh Từ có công lao lớn làm sống dậy dòng thiền Việt Nam, Trúc Lâm Yên Tử và phổ biến thiền đến Phật giáo Việt Nam và hải ngoại. Các thành viên trong trung tâm này tiếp tục nghiên cứu, dịch thuật, trình bày những văn bản có liên hệ với sinh hoạt thiền Việt Nam trong sự đối chiếu liên hệ với các dòng thiền khác.

TT Bửu Chánh, Giám đốc Trung tâm Pali, tổng kết việc thúc đẩy in ấn phát hành các kinh điển Phật giáo theo hệ Pali, trong đó có Chánh tạng và Tục tạng. Chánh tạng có tạng A Tỳ Đàm ( Abhidhamma) được dịch từ Pali có tham khảo Tạng thái cũng như bản dịch của HT Tịnh Sự. Luật tạng có Sư Chánh Thân đang du học tại Tích Lan phiên dịch. Trung tâm ấn hành các dịch phẩm, bài giảng các thiền sư Nam truyền. Việc đào tạo, Trung tâm tổ chức lớp Pali ở Tịnh Xá Bửu Quang, có quỹ học bỗng Pali, khuyến khích việc dạy và học Pali tại các trường Phật học trong nước và du học nước ngoài. Trung Tâm nỗ lực để cùng với VNCPHVN – TPHCM hoàn thành đại tạng kinh Việt Nam văn hệ Pali. Thượng tọa kiến nghị về việc mở lớp Pali theo dạng tín chỉ tại VNCPHVN – TPHCM.

TT Thích Đồng Trí, Giám đốc Trung tâm Phiên dịch Phật học Anh – Việt, đánh giá về những thành quả khả quan những gì đạt được khi mới hình thành và tiếp quản trong vòng 6 tháng qua; dịch được 3 đầu sách và lựa chọn phân công cũng như mua sách và giao cho 67 thành viên dịch các cuốn sách liên quan việc nghiên cứu, tham khảo và giáo trình cho chương trình Tiến sỹ, Cao học, Cử nhân, Cao đẳng, Trung cấp Phật giáo và các ngành Tôn giáo, Tâm lý, Quản trị, Xã hội, Giáo dục, Phật giáo cần thiết. Trung tâm cũng tiếp tục nghiên cứu về chương trình giáo dục đào tạo của các đại học nổi tiếng trên thế giới về các chương trình Tôn giáo học, Phật học. Thượng tọa kiến nghị việc thành lập ban chỉ đạo phiên dịch đại tạng kinh Việt Nam, trung tâm cũng sẽ hỗ trợ tài liệu từ Pali Text Society cho việc phiên dịch này và đề nghị VNCPHVN – TPHCM bằng mọi cách xin phép và hoạt động đặc san cho Viện nghiên cứu. Trung tâm sẽ tìm hiểu và tham dự cuộc hội thảo quốc tế nhiều hơn và tích cực hỗ trợ dịch thuật tài liệu và kỷ yếu hội thảo cho các cuộc hội thảo có tầm vóc quốc tế do VNCPHVN – TPHCM tổ chức. Trung tâm sẽ mở lớp luyện phiên dịch Phật học Anh – Việt và các cuộc tọa đàm liên quan các chủ đề trong sách mà các dịch giả tâm đắc đang dịch.

ĐĐ Thích Đồng Ấn phụ trách bộ phận in ấn phát hành của VNCPHVN – TPHCM tổng kết về những kinh sách in ấn được như; đại tạng kinh văn hệ Pali, Kinh A Hàm,…Đại đức kiến nghị về việc các trung tâm tự in ấn phát hành các kinh sách, vậy thì làm sao VNCPHVN – TPHCM lấy tài liệu và cơ sở nào để in ấn những tác phẩm mới? Tiện nghi phòng, kho sách và văn phòng làm việc của ban in ấn phát hành kinh sách vẫn còn chật hẹp và chưa ổn định. Việc huy động tài chánh cho việc phát hành vẫn còn nhiều khó khăn đang cần sự hỗ trợ. TT Thích Nhật Từ đề nghị các trung tâm nên gửi các thành phẩm dịch hoặc sáng tác của mình thống nhất qua bên VNCPHVN để Viện nghiên cứu có thể in ấn được và đó là thành quả chung của VNCPHVN – TPHCM.

TT Thích Viên Trí phát biểu ý kiến về phương hướng làm việc cụ thể của ban chỉ đạo phiên dịch đại tạng kinh Việt Nam thống nhất nội dung, kế hoạch và phân chia nhân sự cụ thể cho việc phiên dịch những Kinh, Luật, Luận cần thiết cần dịch ra tiếng Việt. Bên VNCPHVN – TPHCM cần có văn bản cụ thể để xin tác quyền của các dịch giả đã dịch từ trước để đưa vào phát hành có hệ thống tại VNCPHVN.


TT Thích Đức Trường, chánh văn phòng VNCPHVN – TPHCM đề nghị về sự hoạt động tích cực cụ thể của các thành viên thuộc VNCPHVN, mỗi năm mỗi người cần hoàn thành trung bình 2-3 tác phẩm, đồng thời thượng tọa đề nghị về việc xác định lại cơ sở văn phòng của VNCPHVN vì thời giân quan văn phòng chỉ mượn tạm và di chuyển qua lại vài nơi chưa ổn định và thuận tiện.

HT Danh Lung nêu ý kiến về việc cần thiết sớm kiện toàn nhân sự cho VNCPHVN – TPHCM đồng thời ổn định tổ chức và hoạt động của Phân Viện nghiên cứu Nam tông Khơ Me. Vị Hòa thượng lãnh đạo Phân Viện này tuổi cao sức yếu và Phật sự đa đoan, không tham dự trực tiếp các sinh hoạt của VNCPHVN – TPHCM và chỉ đạo nhiều đến các thành viên được thì có thể thay đổi nhân sự mới, người năng động, tích cực và sẽ làm được nhiều việc hơn.

HT Giác Toàn, Viện trưởng VNCPHVN – TPHCM, đúc kết về việc sớm củng cố và hình thành nhân sự mới của VNCPHVN – TPHCM, lưu nhiệm các 10 vị giám đốc Trung tâm báo cáo kết quả đạt được, thuận lợi khó khăn, phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ này và kiến nghị lên 7-10 thành viên thường trực của trung tâm để VNCPHVN – TPHCM đệ trình lên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê duyệt và sớm có buổi ra mắt nhân sự mới của VNCPHVN – TPHCM. Lãnh đạo VNCPHVN – TPHCM sẽ xúc tiến việc xin phép bằng văn bản và ổn định trụ sở của Viện.Liên hệ các tác giả xin bản quyền những tác phẩm, dịch phẩm có sẵn đưa vào hệ thống phát hành của VNCPHVN – TPHCM. Viện sẽ có các cuộc hội họp hàng tháng và nhất là 2 tháng 1 lần đều đặn hơn để bàn bạc, giải quyết và xem xét các tiến trình các thành tựu, giai đoạn sinh hoạt. HT viện trưởng khuyến tấn bồ đề tâm đóng góp cho đạo pháp của các thành viên VNCPHVN – TPHCM, tiếp tục hoạt động tích cực hơn nữa. Mọi khó khăn và kiến nghị các trung tâm hãy trình bày trực tiếp đến lãnh đạo VNCPHVN – TPHCM giải quyết. 

HT Thích Minh Cảnh ban đạo từ mong muốn các thành viên nỗ lực, lặng lẽ làm việc, cần nhanh chóng và kịp thời các việc xuất bản ấn phẩm, về thì nên tổ chức hoạt động bài bản hơn nữa để kế thừa và phát huy thành quả của các bậc tiền bồi trong lĩnh vực nghiên cứu, dịch thuất sáng tác các tác phẩm Phật giáo, tư vấn, định hướng bước đi của GHPGVN và hoằng pháp độ sanh.

VNCPHVN, ngày 11/12/2017.