Trang chủ Bài nổi bật Hà Nội: Đại lễ kính mừng Bồ Tát Quán Thế Âm thành...

Hà Nội: Đại lễ kính mừng Bồ Tát Quán Thế Âm thành đạo tại chùa Tân Hải

1150

Tối ngày 20/07/2019 ( nhằm ngày 18/06/Kỷ Hợi), tại chùa Tân Hải, thôn Phương Ngoại, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội đã diễn ra khóa lễ Ngũ Bách Danh kính mừng Bồ Tát Quán Thế Âm thành đạo 19/06 âm lịch với sự tham dự của hàng ngàn Phật tử trong và ngoài thành phố Hà Nội.

Trước khi chính thức diễn ra khóa lễ Ngũ Bách Danh ( Lễ 500 lễ, xưng tán 500 danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm), toàn thể đại chúng chùa Tân Hải đã được xem các tiết mục văn nghệ với các ca khúc ca ngợi công hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm do các văn nghệ sỹ đến từ đoàn Chèo, đoàn ca múa và đoàn cải lương Hà Nội trình bày.

Tiếp đó, Đại đức Thích Quảng Hiếu – Bản tự chùa Tân Hải đã giới thiệu sơ qua về lịch sử Bồ Tát Quán Thế Âm, ý nghĩa ngày thành đạo và 33 ứng hóa thân của Ngài cho toàn thể các đại chúng có mặt tại buổi lễ hiểu về nguồn gốc lịch sử, công hạnh của Ngài, cũng như 33 ứng hóa thân của Ngài để cứu độ chúng sinh. Theo đó, Bồ tát Quán Thế Âm – Ngài là một vị Phật thành tựu trong đời quá khứ hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai, thị hiện trong đời làm một bậc đại Bồ Tát giáo hóa cho chúng sinh và gần gũi chúng sinh để giúp cho chúng sinh thoát khỏi cảnh khổ đau.

Hình tướng của  Ngài là nam nhân trong Phật giáo Ấn Độ. Trong Phật giáo Trung Quốc, Ngài mang tướng nữ nhân kể từ đời nhà Đường. Bồ-tát là mẫu người lý tưởng của Phật giáo Đại thừa. Thể theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, tướng nam hay tướng nữ đều là bình đẳng, chỉ là sự thị hiện Pháp thân, cứu khổ cứu nạn cho khắp tất cả chúng sinh trên khắp thế gian này.

Bồ Tát Quán Thế Âm hiện nay thường được biết đến với hình tướng một người phụ nữ đẹp đẽ và hiền từ, trang nghiêm và thanh thoát, một tay cầm nhành dương liễu và một tay cầm tịnh bình… Bồ Tát hiện thân khắp nơi để giáo hóa chúng sinh, giúp chúng sinh thoát khỏi chìm đắm trong khổ đau nơi cõi Ta Bà, tay phải Ngài cầm cành dương liễu là tượng trưng cho đức NHẪN NHỤC. Tay trái cầm bình thanh tịnh đựng nước cam lồ là tượng trưng cho tâm TỪ BI.

Mặt khác. Bồ-tát Quán Thế Âm chính là hiện thân của lòng bi mẫn, muốn nói lên tình thương chân thành tha thiết nhất trong con người, không gì sánh bằng tình mẹ thương con. Chính vì vậy, Ngài còn được gọi là Mẹ Hiền của tất cả chúng sinh, người mẹ lúc nào cũng lắng nghe, thấu hiểu mọi lỗi lòng của đàn con thơ dại đang đắm chìm trong biển khổ luân hồi, để từ đó đến xoa dịu, cứu thoát các con,  khiến cho mọi phiền não được tiêu tan.

Qua những ý nghĩa nêu trên, chúng ta thấy lòng từ bi cao cả của Bồ tát thật khôn lường. Vì vậy, khi đỉnh lễ Ngài hay xưng tán danh hiệu của Ngài, chúng ta phải luôn ghi nhớ hai đức tính căn bản của Ngài đó là: NHẪN NHỤC và TỪ BI để áp dụng trong đời sống hàng ngày để có được sự lợi lạc ngay ở hiện đời.

Ngoài ra, Bồ Tát Quán Thế Âm còn thị hiện ra 33 ứng hóa thân khác nhau, rất gần gũi với đời thường để cứu độ chúng sinh. 33 ứng hóa thân đó bao gồm: Dương Liễu Quán Âm, Long Đầu Quán Âm, Trì Kinh Quán Âm, Viên Quang Quán Âm, Du Hý Quán Âm, Bạch Y Quán Âm, Liên Ngọa Quán Âm, Lang Kiến Quán Âm, Thí Dược Quán Âm, Ngư Lam Quán Âm, Đức Vương Quán Âm, Thủy Nguyệt Quán Âm, Nhất Diệp Quán Âm, Thanh Cảnh Quán Âm, Uy Đức Quán Âm, Diên Mạng Quán Âm, Chúng Bảo Quán Âm, Nham Hộ Quán Âm, Năng Tĩnh Quán Âm, A Nậu Quán Âm, Vô Úy Quán Âm, Diệp Y Quán Âm, Lưu Ly Quán Âm, Đại La Quán Âm, Cáp Lỵ Quán Âm, Lục Thời Quán Âm, Phổ Bi Quán Âm, Mã Lang Phụ Quán Âm, Hiệp Chưởng Quán Âm, Nhất Như Quán Âm, Bất Nhị Quán Âm, Trì Liên Quán Âm và Sái Thủy Quán Âm. Trên đây là 33 ứng hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Sau đó, Đại đức Thích Quảng Hiếu và toàn thể đại chúng đã tổ chức khóa lễ Ngũ Bách Danh, lậy 500 danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm trong không khí hoan hỷ kình mừng Bồ Tát Quán Thế Âm thành đạo và hồi hướng công đức lành này để cầu nguyện cho Phật Pháp được trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Sau đây là hình ảnh ghi nhận: