Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ Dạo chơi kiếp người tặng khúc thiên thu

Dạo chơi kiếp người tặng khúc thiên thu

190

Nhận tin chị đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa nay tại bệnh viện Chợ Rẫy do dịch bệnh. Covid19 khắc nghiệt quá. Chị đã gượng thở, gượng sống suốt hơn một tháng qua. Nhưng giờ thì chị đã … nhẹ nhàng buông.


Tôi lơ mơ hồi ức về quá khứ, ngẫm lại cái thủa làm tiểu tại một ngôi chùa quê. Thời buổi khó khăn, tăng chúng phải mưu sinh bằng việc làm nhang. Lúc đó, mỗi chiều chị thường đến chùa công quả, hoặc se nhang, có khi phơi nhang. Nhang được phơi trên mái tôn nhà Tăng nên chỉ có mấy thầy, mấy chú mới leo lên được. Chị – một người con gái nhỏ thó – cứ bê mâm nhang còn mềm, ướt đến để trước cửa nhà Tăng rồi để đó. Tôi xuống bê mâm nhang lên mái nhà bằng chiếc thang gỗ để phơi. Chẳng ai nói với ai điều gì. Cuộc sống cứ vậy bình lặng đi qua.

Thế rồi, tháng năm dần trôi, tôi vào Sài Gòn tu học còn chị xuất dương lập nghiệp ở Hoa Kỳ.

Một lần – cách nay hơn chục năm – Ni sư Lệ Tấn gọi báo, “Tí xíu có có khách đến thăm, thầy nhớ tiếp nhé”. Tôi hỏi ai vậy. Qua điện thoại cô cười khanh khách nói “Một người con gái rất ghét thái độ cao ngạo của thầy, không thèm nói chuyện với cô ấy”. Tôi nghe thế nhưng cũng chưa hiểu ra. Một lát sau thì một người phụ nữ đến. Gặp tôi, chị mừng rỡ, thốt lên “Con nè, chú L còn nhớ không; giờ có chịu nói chuyện với con không hay cứ lầm lũi phơi nhang không thèm hở môi”. Tôi mỉm cười nhận ra: “À, chị Phi Nhung đó hả!”.

Kể từ đó, tôi và chị giữ liên lạc, thỉnh thoảng thăm hỏi nhau. Cuộc sống ai cũng có những khổ đau. Sự dấn thân của chị trên con đường nghệ thuật cũng gặp không ít gian nan, chị thường hay gọi điện giải bày, có khi bằng những giọt nước mắt đau thương. Mỗi lần như vậy, tôi đều có lời khuyên. Đó là những lời chia sẻ bằng kinh nghiệm sống, bằng công phu tu tập ngang qua giáo pháp của Đức Phật. Sau mỗi lần trò chuyện, chị đều nở nụ cười rồi tạm biệt tôi bằng khúc hát, có khi chỉ một câu trước khi tắt máy.

Năm 2013, tôi và cộng đồng Phật tử Việt Nam ở Ba Lan khởi công xây dựng chùa Nhân Hoà – Warszawa. Lúc đó, Ban tổ chức báo tôi “Có một ca sĩ nổi tiếng sẽ phục vụ ca nhạc trong chương trình khởi công, nhưng vị ấy bảo không được tiết lộ danh tính cho thầy biết”. Vì ở Ba Lan nên tôi không thể hình dung là ca sĩ nào. Lòng nghĩ về chị nhưng bụng phản biện “Phi Nhung đang ở Mỹ mà”.

Chị không xuất hiện trong buổi lễ cho đến khi Ban tổ chức giới thiệu tên. Sự xuất hiện của chị làm tôi bất ngờ. Trước khi hát chị có phát biểu mấy câu, nói về tuổi thơ của mình: “Thủa thiếu thời, con là một Phật tử nhỏ hay đi công quả tại một ngôi chùa ở làng quê. Mỗi ngày con đến chùa để phơi nhang, làm chung việc với một chú tiểu. Đã mấy mươi năm rồi, chú ấy giờ đã trưởng thành và đã đi hành đạo khắp đông tây. Chú ấy chính là thầy TC trụ trì chùa Nhân Hoà đây”. Lời tự sự của chị khiến cả hội trường ồ lên, tiếng nói cười, tiếng vỗ tay cứ kéo dài mãi không thôi. Chương trình kết thúc tôi và chị có được mấy phút gặp nhau trong niềm vui vỡ oà. Chị cầm tay tôi nói “Xin lỗi, con muốn tặng chú một món quà bất ngờ nên không báo trước và không xuất hiện sớm. Thông cảm con nhé”.

Kể từ năm 2017, tôi được phân công làm trưởng ban văn hóa Giáo hội Phật giáo TPHCM, nên tôi và chị có nhiều thời gian, nhiều cơ hội gặp gỡ hơn, chị thường xuyên yểm trợ Ban Văn hoá qua các chương trình nghệ thuật. Có những lần tổ chức sự kiện tại tu viện Khánh An, một số Phật tử thắc mắc “Cô Phi Nhung không biết đạo hay sao mà gặp thầy toàn kêu chú”. Tôi chỉ cười nói “Cổ gọi vậy suốt mấy mươi năm rồi, chắc quen miệng đó thôi”. Cũng có những lúc chị nói như đùa nhưng tôi nghĩ là thật “Con cố gắng gọi chú là thầy mà không được, trông nó nhạt nhạt khó gọi quá. Chú L hoan hỉ con nhé”. Tôi thì không câu nệ thầy hay chú. Tôi cảm nhận cái “Chú” đó nó cái hàm chứa sự tôn trọng, tình thương và lẽ sống.

Vào một chiều tháng tư rồi, đúng vào sinh nhật của mình, chị về thẳng Khánh An nhưng không báo trước. Cùng đi có sư cô Tâm Trí ở Nhật Bản và một số quý anh chị. Lúc đó, tôi đang ở Cần Giờ chuẩn bị cho pháp thoại tại một ngôi chùa. Nhận tin chị đến, tôi nhắn cho chị là đang ở xa, không về được. Chị nhắn lại “Hôm nay là ngày vui của con nên muốn về Khánh An, chú đừng bận tâm, cứ lo công việc của mình đi ạ!”.

Tôi không nghĩ là đến hơn 08 giờ tối mà chị và đoàn vẫn ngồi chờ. Buổi gặp mặt trong không gian ấm áp, hôm đó chị nói chuyện rất vui và hát cũng rất nhiều.

Hôm đầu tháng bảy rồi, chị và cô Tâm Trí một lần nữa đến Khánh An thăm chơi. Cơm trưa xong ngồi uống trà, chị nói “Thầy ạ – đây là lần đầu tiên chị gọi thầy – dịch bệnh nghiêm trọng quá con muốn về Khánh An ở vài tuần nhé. Tôi vẫn chưa nói gì thì cô Tâm Trí mở lời “Không được đâu Nhung ơi. Dẫu là bà con nhưng đây là chùa tăng, lại là mùa an cư kiết hạ sao mà ở được”. Tôi mỉm cười gật đầu. Chị lúc đó cũng hiểu ý.

Một ngày cuối tháng 8, tôi nhắn tin thăm hỏi “Cô đã đỡ chưa Phi Nhung ơi”. Chị đáp: “Con đã đỡ nhiều rồi, những ngày qua thật là khủng khiếp trong đời con”.

Quả thật! Covid19 không chừa một ai. Hai chữ “khủng khiếp” là nỗi ám ảnh của loài người hôm nay. Số người nhiễm bệnh thật là khủng và số người tử vong cũng thật là khiếp.

Giờ thì chị không còn nữa!

Gió cao nguyên vẫn vi vút giữa đại ngàn, nhưng tiếng hát nồng nàn thì đã mãi đi xa. Dạo qua kiếp người với khúc ca, khúc hát. Giả biệt đời bằng một nụ cười hoa.

Bái biệt chị Phi Nhung


Trí Chơn/ Ban Văn Hóa PG TP.HCM