Trang chủ Thời đại Giáo dục Dao động giáo dục xã hội Phật giáo: Từ ý kiến của...

Dao động giáo dục xã hội Phật giáo: Từ ý kiến của HT. Trí Quảng – Bài 2

67

Trong bài viết trước, cùng tựa đề, phần 1, chúng ta đã tìm hiểu tổng quát về vấn đề Phật giáo Việt Nam dao động trước lựa chọn giáo dục tăng ni, dẫn đến thế yếu tất nhiên trong giáo dục xã hội.

Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề dao động nói trên qua một trường hợp cụ thể: Bài viết của Hòa thượng Thích Trí Quảng, có nhan đề “Học nội điển- Thực tập pháp Phật”, đăng trên báo Giác Ngộ số 749 ngày 20/6/2014.

Đọc qua bài báo, thì có vẻ như hòa thượng phủ nhận một cách triệt đển việc học những kiến thức ngoài Phật học của tăng ni. Đây là một đoạn trong bài viết: “Về phần nội minh,, chúng ta học, hiểu và thực tập pháp Phật để đạt được quả vị thấp nhất là Tu đà hoàn cho đến quả vị cao nhất là A la hán, thì không còn bị cuộc đời này chi phối, không còn lệ thuộc vào cuộc sống, chúng ta chủ động hoàn toàn cuộc sống, bấy giờ Phật mới khuyên chúng ta đi giáo hóa chúng sanh.

Thực tế cho thấy Tăng ni học kinh điển đại thừa nhiều khi chạy theo văn minh bên ngoài, quên mất phần tu chứng nên dễ bị ảnh hưởng xã hội bên ngoài vì chúng ta tiếp xúc với người và tiếp thu tư tưởng của họ rồi đem vào lòng mình phiền não, nói chung là bốn chữ vui buồn vinh nhục. Như vậy, lâu ngày buồn vui vinh nhục phát triển trong cuộc sống của chúng ta thì tướng giải thoát mất, đó là sai lầm nguy hiểm. Tăng ni không học nội điển và không áp dụng vào việc tu hành thì một thời gian sau cũng biết vui buồn, chạy theo danh lợi, dù còn khoác áo tu, nhưng tướng thế tục đã hiện ra vì tâm thế tục đã phát triển. Nhiều bạn tôi ban đầu tốt, nhưng vì học và hành theo thế gian, một thời gian sau biến thành người thế gian. Tôi có hai người bạn thân cùng sang Nhật tu học. Tôi chuyên nghiên cứu kinh Pháp hoa là nội điển. Một người bạn chuyên nghiên cứu kinh doanh và đỗ tiến sĩ kinh doanh. Một bạn khác chuyên ngành giáo dục và đỗ tiến sĩ giáo dục.

Người bạn học kinh doanh, dù ông này tu hành, nhưng trong đầu chỉ nghĩ về kinh doanh, viết luận án kinh doanh và thực tập kinh doanh ở các xí nghiệp. Như vậy, cuộc đời ông gắn liền với đời nhiều hơn gắn bó với đạo. Từ đó, chiếc áo tu còn mặc, nhưng suy nghĩ về và việc làm hoàn toàn thế tục. Kết cuộc là một thời gian sau, ông đã bỏ áo tu, mặc áo thế tục cho gọn hơn, nghĩa là ông hoàn tục và lập gia đình. Ông có đi mà không có về, ở Nhật luôn. Người thứ hai chuyên nghiên cứu giáo dục cũng thực tập dạy học ở các trường, sinh hoạt xã hội nhiều hơn sinh hoạt đạo dẫn đến hiểu biết về đời nhiều hơn hiểu đạo. Với tâm thế tục lần lần hiện tướng thế tục và hành động thế tục, cuối cùng ông này cũng hoàn tục. Nhưng nếu chúng ta nỗ lực tu và đạt quả vị A la hán, chắc chắn việc này không xảy ra”.

Đoạn trích có những ý chính:

1. “Đạt được quả vị thấp nhất là Tu đà hoàn cho đến quả vị cao nhất là A la hán, thì không còn bị cuộc đời này chi phối, không còn lệ thuộc vào cuộc sống, chúng ta chủ động hoàn toàn cuộc sống, bấy giờ Phật mới khuyên chúng ta đi giáo hóa chúng sinh”.

2. “Tăng ni học kinh điển đại thừa nhiều khi chạy theo văn minh bên ngoài, quên mất phần tu chứng nên dễ bị ảnh hưởng xã hội bên ngoài vì chúng ta tiếp xúc với người và tiếp thu tư tưởng của họ rồi đem vào lòng mình phiền não, nói chung là bốn chữ vui buồn vinh nhục. Như vậy, lâu ngày buồn vui vinh nhục phát triển trong cuộc sống của chúng ta thì tướng giải thoát mất, đó là sai lầm nguy hiểm”.

3. Hai trường hợp hoàn tục do người tu hành học ngành kinh doanh và giáo dục, “gắn liền với đời nhiều hơn gắn bó với đạo”.

Đọc đoạn văn này, tôi rất hoang mang, vì phải chăng đạt được thánh quả, chứng đắc thì mới có thể “giáo hóa chúng sinh”. Nếu chưa tu chứng thánh quả dĩ nhiên là không thể “giáo hóa chúng sinh”.

Nếu tiếp tu tư tưởng “xã hội bên ngoài” là nguy hiểm, làm “tướng giải thoát mất”, thì quan điểm mà chúng tôi đang cổ súy theo hướng chấn hưng Phật giáo, là người tu sĩ phải được đào tạo thành trí thức đa ngành, thành nhà sư phạm sẽ sai lầm hoàn toàn, có hại cho Phật giáo, mở đường làm hỏng đường tu của các vị xuất gia như 2 trường hợp học kinh doanh và giáo dục mà hòa thượng dẫn chứng.

Như vậy, phải chăng tu sĩ Phật giáo đoạn tuyệt hoàn toàn, tuyệt đối với kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn mới là tạo thuận duyên cho việc tu hành. Còn các vị đã tiếp nhận học thuật khoa học ngoài Phật giáo thì rất dễ có khả năng hoàn tục, nguy cơ tướng giải thoát mất rất cao, đã “sai lầm nguy hiểm”.

Tuy nhiên dù hòa thượng kết luật dứt khoát và mạnh mẽ như vậy, nói thẳng đến khả năng hoàn tục, là “sai lầm nguy hiểm”, nhưng đoạn văn phía trên nữa lại hàm chứa một ý hoàn toàn khác: “Thật vậy, xã hội mỗi ngày một phát triển lên, nhưng chúng ta cố chấp theo Kinh tạng Nikaya được kiết tập cách đây hai ngàn năm thì càng xa rời sinh hoạt thực tế của con người. Mặc dù là kinh điển Đại thừa đi nữa thì cũng là tư tưởng Phật học ở hai ngàn năm trước, tức tư tưởng Phật giáo Đại thừa đã được kết hợp từ Phật giáo Nguyên thủy với văn minh Ai cập, Hy Lạp, Trung Quốc truyền sang. Vì vậy, phải có tầm nhìn rộng hơn, đó là Phật giáo chúng ta tồn tại trong xã hội, chứ không phải tồn tại riêng lẻ. Quan niệm bảo thủ theo đó cái gì của riêng mình đúng, cái khác sai, gọi là Tiểu thừa thì tự cô lập mình. Tầm nhìn mới cho chúng ta thấy trong xã hội điều gì tốt, hay, chúng ta phải học, đó là chủ trương của Phật giáo phát triển. Từ đó, ngoài giáo lý căn bản, tu sĩ có thêm ngũ minh, quan trọng là nội minh, tức giáo lý quan trọng nhất và phải thực tập giáo lý để đạt được giác ngộ giải thoát. Nếu quên phần này, đời sống tu hành của chúng ta cũng mất theo”.

Làm người tu sĩ Phật giáo, dĩ nhiên là yêu cầu trước tiên, yêu cầu hàng đầu, yêu cầu dứt khoát, yêu cầu cơ bản, phải là học Phật pháp, là thực tập Phật pháp. Vấn đề đặt ra là, bên cạnh Phật học, người tu sĩ Phật giáo có thể học đến bậc cử nhân hay hơn nữa các ngành khoa học khác hay không.

Trên hòa thượng viết “tầm nhìn mới cho chúng ta thấy trong xã hội điều gì tốt, hay, chúng ta phải học, đó là chủ trương của Phật giáo phát triển”.

Nhưng dưới hòa thượng lại viết “tiếp thu tư tưởng của họ rồi đem vào lòng mình phiền não”.

Vậy, học hay không học? Dao động! Cái dao động ở đây là dao động chung của toàn Phật giáo Việt Nam đương đại, trong đó có tôi.

Nêu lên mục tiêu người tu sĩ Phật giáo nên là nhà sư phạm, là trí thức đa ngành đã là cổ vũ tu sĩ theo học ngành sư phạm, cùng với các ngành khoa học khác có phải là mở một con đường để các vị xuất gia hoàn tục?

Các vị tu sĩ nếu chưa phải đạt thánh quả Tu đà hoàn, nếu giáo hóa chúng sinh, là điều không thích hợp nhưng đời này mấy ai tu chứng thánh quả? Nếu thể các vị tăng ni đang làm Phật sự hóa độ thảy đều “sai lầm nguy hiểm”.

Đã dao động thì không thể khẳng định được điều gì hết. Không thể khẳng định được điều gì hết thì không thể làm gì. Biết làm có đúng không hay “sai lầm nguy hiểm”?

Mà một vị hòa thượng có hạ lạp cao, giữ nhiều chức vụ lãnh đạo giáo hội, lại trình bày vấn đề nước đôi, phủ định nhau, loại trừ nhau như thế, thì trách gì tăng ni, rồi đến Phật tử hậu học như tôi?

Cứ dao động như thế thì Phật giáo Việt Nam sẽ bị thả trôi đến chỗ bế tắc, dễ thiên về khuynh hướng phủ định. Vấn đề vừa đóng, vừa mở, mở rồi lại đóng như thế, thì sao dám làm gì. Do đó, rất dễ hiểu trường hợp vẫn có một số vị hòa thượng cấm đệ tử theo học các ngành khoa học, dù là khoa học xã hội, tăng ni cứ một đường tiến sĩ Phật học mà nhắm tới, dù biết rằng học xong có thể vẫn về làm trụ trì, cúng bái hàng ngày.

Lập luận của hòa thượng ở đoạn văn mâu thuẫn nhau, phủ nhận nhau, nhưng lại trình bày sát nhau. Rốt cuộc, học hay không học, “to be or not to be”? Hòa thượng trình bày vấn đề như vậy thì chúng ta kết luận ra sao? Hoang mang mà chỉ một đường tu sĩ Phật giáo phải loại trừ khả năng học các ngành khoa học khác thì cũng trái ý hòa thượng, là “tự cô lập mình”. Tự cô lập mình cũng đồng nghĩa với tự loại trừ mình ra khỏi các hoạt động, là hạ thấp dẫn đến chung cuộc thất bại hoàn toàn của Phật giáo Việt Nam. Chắc chắn hòa thượng Trí Quảng lại hướng chúng ta đến một kết cục như thế.

Vì thế, chúng ta đành phải lần ngược theo lập luận của hòa thượng Thích Trí Quảng, cụ thể là từ 2 trường hợp ví dụ của hòa thượng, học kinh doanh và học giáo dục thì hoàn tục, đứt đoạn đường tu.

Câu chuyện 2 nhà tu hành bạn của hòa thượng Thích Trí Quảng, nhưng không học Kinh Pháp Hoa như hòa thượng, mà học kinh doanh và giáo dục, sau chót đã ra đời, không tu được nữa, chắc chắn là sự thật. Nhưng như thế phải chăng có nghĩa hễ tu sĩ nhưng học tiếp các ngành khoa học, dù là khoa học giáo dục, thì không tu được?

Cá nhân tôi đã từng được biết nhiều vị tôn đức đã từng theo học các ngành khoa học ngoài Phật học, đến bậc cử nhân và hơn nữa, như ngữ văn, báo chí, giáo dục học xã hội học, triết học…, thậm chí Học viện Hành chính Quốc Gia, đang giữ những chức vụ quan trọng trong giáo hội, kiên trì đường tu.

Hồi học đại học, tôi có may mắn học cùng giảng đường khoa ngữ văn với Hòa thượng Thích Giác Toàn. Nhờ có kiến thức ngữ văn sâu rộng, hiện nay hòa thượng đảm nhiệm rất tốt chức vụ Phó Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ.

Nếu không có kiến thức hành chính, ngữ văn… thì làm sao chư tôn đức có thể làm tốt công việc báo chí Phật giáo hay hành chính giáo hội?

Cũng không phải hễ “tiếp xúc với người và tiếp thu tư tưởng của ho” qua việc học ở các trường lớp ngoài Phật giáo thì “đem vào lòng mình phiền não” rồi… hoàn tục!

Ngược lại, cũng không phải xuất gia tổ chùa từ nhỏ, chỉ theo Phật học, mà chắc chắn trọn đường tu. Tu được hay không còn do phước phần, nghiệp vận của từng cá nhân. Khẳng định chỉ học Phật pháp thì tu được trọn đời, còn học các ngành khoa học cơ bản hay khoa học ứng dụng thì không tránh khỏi số phận hoàn tục, thì điều này đã làm đơn giản đến mức đáng ngạc nhiên về luật nhân quả.

Hơn nữa, dù sao người tu cũng phải học qua các môn học cơ bản ở cấp trung học. Với 6 năm trung học, người xuất gia cũng phải “tiếp xúc với người và tiếp thu tư tưởng của họ”. Nếu để cho thanh sạch tư tưởng thế gian, người xuất gia phải học 100% trong chùa, không học chương trình tiểu học, trung học phổ thông với các môn khoa học cơ bản, thì khi trưởng thành trình độ người đó sẽ như thế nào. Không có kiến thức toán học, vật lý, hóa, sinh học, ngữ văn, sử học, địa lý, ngoại ngữ căn bản, người tu hành như thế thì hóa độ được ai, hay chỉ là một người quê kệch mù kiến thức!

Nhưng hiên nay vẫn nghe nói có vài vị hòa thượng ở quê vẫn chủ trương không cho đệ tử xuất gia tới trường, phải chăng làm nằm trong quan điểm không cho người xuất gia “tiếp xúc với người và tiếp thu quan điểm của họ”.

Chúng tôi nghĩ rằng, hai trường hợp nhà tu học kinh doanh và giáo dục bạn của thầy Thích Trí Quảng không đặc trưng cho kết quả đào tạo của Phật giáo. Ngược lại, nên nhìn  vào những vị tăng sĩ có trình độ thế học hiện tham gia lãnh đạo giáo hội, cụ thể là hòa thượng Thích Giác Toàn như đã nói ở trên. Hiện nay, giáo hội hoạt động tốt về nhiều mặt như hành chính, truyền thông, giao tế…, trong đó rất nhiều lãnh vực phải tiếp xúc với xã hội, là một phần cũng nhờ các vị tôn đức có trình độ thế học.

Trước 2 lập luận trái ngược nhau của một tác giả, thì chúng tôi xin thống nhất với quan điểm không “tự cô lập mình” (chữ dùng của hòa thượng Thích Trí Quảng), mà “phải có tầm nhìn sâu rộng, đó là Phật giáo chúng ta tồn tại trong xã hội, chứ không phải tồn tại riêng lẻ” và “tầm nhìn mới cho chúng ta thấy trong xã hội điều gì tốt, hay chúng ta phải học”. Ủng hộ, nhất trí với quan điểm như thế của hòa thượng Thích Trí Quảng thì chúng ta không thể đồng tình với quan điểm ngược lại, dù cũng chính là của hòa thượng.

Còn việc hòa thượng cho rằng để “giáo hóa chúng sinh” thì cần “học, hiểu và thực tập pháp Phật để đạt được quả vị thấp nhất là Tu đà hoàn”, thì chúng tôi nghĩ rằng, nếu chưa đạt quả vị tối thiểu như thế, tất cả các đệ tử của Phật, xuất gia và tại gia, nên tránh dùng cụm từ “giáo hóa chúng sinh”, mà nếu có làm cái việc đưa chính pháp đến với mọi người, thì nên dùng từ “pháp thí”, điều mà Đức Phật dạy tất cả mọi người phải làm, cho dù giữa “pháp thí” và giáo hóa chúng sinh có gần gũi đi chăng nữa. Thực sự từ trước đến giờ viết bài về Phật giáo, Đức Phật và Phật pháp, tôi cũng không dám nghĩ là “giáo hóa” ai, mà chỉ nghĩ là bố thí pháp và đem sở học của mình ra phục vụ đạo pháp để cầu tìm công đức, nhờ đó được thuận duyên tu tập. Nghĩ như thế thì có lẽ không đến nỗi sai.

Điều chúng tôi muốn hướng đến qua 2 bài viết cùng tựa đề nối tiếp nhau này là qua việc thảo luận về sự dao động đối với giáo dục xã hội Phật giáo với ý kiến cụ thể, một lần nữa xác định mục tiêu người tu sĩ Phật giáo Việt Nam hiện nay nên là trí thức đa ngành, là nhà sư phạm, bên cạnh giáo dục cao đẳng Phật học.

MT

Thông tin riêng: [email protected] hoặc Vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh