Trang chủ PGVN Cửa thiền Dạy chữ Khmer trong các chùa ở Kiên Giang

Dạy chữ Khmer trong các chùa ở Kiên Giang

92

Chúng tôi về huyện Giồng Riềng, một huyện có phong trào dạy chữ Khmer phát triển mạnh trong các chùa. Theo các cán bộ làm công tác dân tộc ở huyện thì phong trào đã được duy trì hơn năm năm. 

 
Chỉ tính riêng xã Bàn Thạch – một xã có đông đồng bào dân tộc Khmer nhất huyện Giồng Riềng, hằng năm duy trì đến năm lớp với hàng trăm học sinh theo học. Ngoài những lớp dạy tiếng Khmer vỡ lòng cho các em nhỏ, năm nay một số chùa ở huyện Giồng Riềng còn tổ chức thêm từ một đến hai lớp nâng cao dành cho người lớn và các em học sinh phổ thông để các học sinh này vững vàng khi bước vào năm học mới tại các trường phổ thông dân tộc nội trú.
 
Ðại đức Danh Nol, trụ trì chùa Giồng Ðá, xã Bàn Thạch cho biết: "Do lượng học viên ngày càng tăng cho nên ngoài việc bố trí những phòng học gần chùa như những năm trước, nay chùa Giồng Ðá đã tận dụng cả những Sa La trong chùa để làm phòng học".
 
Do phong trào hình thành khá lâu và tổ chức đều đặn cho nên năm nay lượng học viên đến chùa Giồng Ðá theo học các lớp tiếng Khmer nâng cao cũng nhiều hơn so với những năm trước. Ngoài con em, phật tử trong vùng, chùa Giồng Ðá còn thu hút đông đảo các em ở những xã lân cận đến học tập.

Là xã có hơn 57% dân số là người dân tộc Khmer  cho nên những lớp dạy chữ Khmer như thế này ở Bàn Thạch là vô cùng bổ ích và rất có ý nghĩa. Bí thư Ðảng ủy xã Bàn Thạch, huyện Giồng Riềng Lê Quang Sang cho biết: "Xã rất hoan nghênh và luôn tạo điều kiện để các lớp dạy chữ Khmer được duy trì. Xã còn khuyến khích, vận động và tạo mọi điều kiện để đội ngũ cán bộ xã, ấp, con em người dân tộc được theo học xuyên suốt và phát triển đảng viên người dân tộc nhiều hơn nữa".
 
Ngoài việc giúp con em đồng bào Khmer được học tốt tiếng mẹ đẻ, các lớp học chữ Khmer còn giúp cho cán bộ vùng đồng bào dân tộc biết được tiếng dân tộc. Không những vậy, các lớp học còn phát huy tốt nhu cầu, phong trào học tập nâng cao kiến thức văn hóa cho toàn xã hội.
 
Cái hay của lớp học này là người dạy học là những vị sư dạy học bằng tấm lòng không nhận thù lao, người học không phải đóng học phí. Không những vậy, nhà chùa còn lo luôn việc ăn, việc nghỉ cho những người hoàn cảnh neo đơn, ở xa nơi học tập.
 
Sư Danh Sương, giáo viên dạy chữ tại chùa Giồng Ðá cho biết: "Sư rất thích dạy chữ của dân tộc mình và rất hạnh phúc khi người đến học luôn đông đúc".

 Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa phong trào học chữ Khmer trong những vùng dân tộc, thì ngoài sự nỗ lực của các nhà chùa, chính quyền và ngành giáo dục – đào tạo cần hỗ trợ về cơ sở vật chất, chuyên môn để những lớp học này được nâng lên cả chất và lượng.