Trang chủ Đời sống Đeo thánh giá đi tu Thiền

Đeo thánh giá đi tu Thiền

557

Ở thành phố San Jose, California, có một khu phố xứng đáng với cái tên Little Sàigòn nhất, đó là đường Senter, khoảng từ đại lộ Tully đến Capitol Expressway. Đứng ở ngã tư của hai đầu phố này, nếu bạn ném một viên sỏi ra đường thì bạn sẽ chọi trúng ít nhất là hai cái đầu người Việt.


Đây là một con phố nhỏ rất là Việt Nam, một phần vì nó bao gồm gần như hoàn toàn là những cơ sở kinh doanh và gia cư gốc Việt, nhưng phần nhiều hơn là vì nó mang đầy đặc chất sinh hoạt của người Việt ta. Ngay cả không khí ở đây cũng thoang thoảng hương vị của hè phố Sài Gòn, đầy sắc thái của người mình.

Bên lối đi xe cộ như mắc cửi là quán cà phê Vỉa Hè. Nơi đây, bạn có thể mua một ly cà phê sữa đá với giá một đô la, một khúc bánh mì thịt nguội cũng một đô, và tha hồ mà nhặt những tờ báo Việt ngữ biếu không nằm bên các cửa tiệm. Bên cạnh đó là một căn nhà sát mặt đường, nơi đặt trụ sở của đài phát thanh Sóng Việt và Gallery Sóng. Gallery Sóng là nơi tụ họp cuối tuần của các văn nghệ sĩ Việt, để uống rượu và tán gẫu. Tối thứ Bảy nào ở đây cũng có một chương trình văn nghệ bỏ túi. Các ca sĩ tài tử địa phương thoải mái lên sân khấu hát bất cứ bài nào mà họ thuộc.


Tối thứ bảy, 15/12, vừa qua, ở Sóng cũng vẫn có một buổi ca nhạc như thế. Lần này có chủ đề “Mừng Giáng Sinh”. Chương trình đã đi sâu vào phần giữa khi cô Yên Ly bước lên sân khấu. Cô khoảng chừng ngoài 40 tuổi, người Ki-tô giáo, mang chiếc thánh giá khá lớn bỏ ngoài áo trên ngực. Trước khi hát, Yên Ly trao quà Giáng sinh cho hết quan khách, rồi cô bắt đầu bằng vài câu tâm sự, “Khi Pháp đã thông, khi Mê đã thức, khi Nghiệp đã giải, thì đường Luân Hồi sẽ không trở lại”.


Cái gì? Đây là ngôn ngữ của một tín đồ Ki-tô giáo? Càng đi sâu vào câu chuyện, Yên Ly không nói gì về mình, mà tiếp tục theo đuổi một “thời pháp” hoạt bát, trôi chảy, nghe như là từ cửa miệng thuyết giảng của một thiền sư nằm lòng kinh sách nhà Phật.


Hỏi ra mới biết rằng cô vừa theo học xong một lớp ở Hội Thiền Tính Không (Sùnyatà Meditation Assocication) của Thiền chủ Thông Triệt, một môn đệ của Thiền sư Thích Thanh Từ. Khi Yên Ly cất tiếng cho bài ca “Hỏi” do một sư cô viết, âm hưởng của văn thiền chuyển sâu ý nghĩa vào giòng nhạc quen thuộc đã làm cho người nghe thấy một cái gì là lạ nhưng lại rất gần. Tôi tự hỏi rằng, không biết rằng cô là một tín đồ Ki-tô giáo đang giảng Phật pháp, hay là một Phật tử đang hát bài ngợi ca Giáng sinh?

Trong men rượu và âm thanh, và qua hình ảnh bình dị của Yên Ly, tôi thấy mơ hồ cái nỗi niềm khúc mắc về tôn giáo như là một số biểu tượng và ngôn từ, đối với nội dung và bản sắc đạo học như là ý nghĩa cứu cánh tối hậu, đang được giải hóa. Trong thể dạng quen thuộc của chiếc thánh giá, hòa theo tiếng ca cũng rất là đơn giản, tôi nhìn ra một tâm chất thuần khiết và cao cả của một con người phụ nữ Việt Nam nơi Yên Ly. Ở đây, tôi xin thuật rất ngắn, với sự cho phép của Yên Ly, về cuộc đời của cô.

Vốn sinh ra trong một gia đình Ki-tô giáo ở Sài Gòn, cha cô là dân “đạo gốc” nhưng ông lại đi theo học Thiền với một tu sĩ Phật giáo trẻ tuổi ở Phan Thiết. Khi đã hiểu được lý của Thiền, ông và cả nhà phát nguyện ăn chay trường mà vẫn giữ đạo Ki-tô giáo, từ lúc mà Yên Ly chỉ mới 4 tuổi cho đến ngày hôm nay.


Khi lớn lên theo học trường Regina Pacis ở Sài Gòn, và được huấn luyện về ngành điện ảnh. Sau 1975, Yên Ly đã yêu một anh cựu lính “nguỵ” đi cải tạo về, với nhiều bệnh tật và đang làm nghề sửa giày độ nhật ở hè phố. Dù có nhiều cơ duyên để lấy chồng “tốt lành” khác, dù cho gia đình cô không bằng lòng, nhưng Yên Ly đã giữ tình chung thuỷ với anh.


Sau khi làm đám cưới với cựu sĩ quan “nguỵ”, Yên Ly bị “đì,” cô không thể theo đuổi nghề điện ảnh. Vợ chồng vượt biên qua Mỹ năm 1993, và anh đã mất năm 1996. Cuộc sống một thân cô độc đầy khó khăn, nhưng Yên Ly vẫn hào sảng với mọi người. Cuối tuần, cô vẫn thường đi hát giúp vui cho các chương trình văn nghệ của chùa và thiền đường.

Các giáo hữu của Yên Ly thắc mắc tại sao mà cô lại “bỏ đạo” đi theo Phật giáo?

Người ta có nói rằng, tôn giáo cũng như là rượu, điều độ và vừa phải thì bao giờ cũng tốt. Nhưng mà đời sống người ta không thể thiếu rượu – vì trong cõi sống thân xác và vật chất thì rượu là tinh thần. Biểu tượng huyền nhiệm đầu tiên trong Tân Ước là khi Jesus đến thành phố Cana xứ Galilee dự đám cưới cùng mẹ và các môn đệ, Ngài đã biến nước lã thành rượu cho quan khách. Ngài đã nói với chú rể, “Hãy mời rượu ngon cho khách trước, cho đến khi họ say mèm xong rồi hãy mời rượu vừa; vậy thế mà nhà ngươi lại giữ rượu ngon lại cho đến giờ” (John 2).


Câu chuyện này không chỉ để miêu tả khả năng làm phép lạ của Jesus, mà đã nói lên ít điều khác. Đời sống hôn nhân của vợ chồng phải như là rượu, hãy biến nước lã của quan hệ thân xác thành tình yêu tinh thần. Và khi đối xử với tha nhân, ta phải đem sự tôn trọng trong tinh thần cao cả (rượu ngon) mà dâng hiến họ. Rượu ngon phải mời trước cho khách, cho đến khi họ say, rồi đến phiên ta thì uống rượu vừa cũng được.

Khi Yên Ly hy sinh đời sống cá nhân, không nghe theo lời khuyên của gia đình, để chấp nhận hôn nhân với một người tù đã cùng kiệt; hay là khi cô mời bạn hữu đi ăn nhà hàng ngon cho số tiền lương nhỏ nhoi vừa mới lãnh được, là lúc Yên Ly, với sức mạnh tinh thần và ý chí vượt qua cái “cho mình,” mà giữ lời hứa với người yêu, hay với cái tâm tốt lành mà đối xử hào phóng trong trân trọng với bạn hữu, đó chính là lúc mà cô đã đi theo sự sống mà Jesus đã căn dặn, “Hãy mời rượu ngon đến tha nhân trước”, còn cô thì chấp nhận cho mình uống rượu nhạt hơn cũng được.

Và khi Yên Ly vái nhận Thiền sư Thông Triệt làm thầy, một lần nữa, cô lại vượt qua cái “của mình” trong niềm tin và truyền thống Ki-tô giáo độc tôn và bảo thủ để tìm đến một con đường đạo học khác, cũng là lúc cô đã nắm được tinh hoa tôn giáo.


Không có tôn giáo nào là tuyệt đối – tất cả là những hệ thống biểu tượng, những chỉ dấu dẫn đường ra khỏi cõi vô minh, để hướng dẫn con người đi vào con đường ánh sáng tới vùng của giải thoát và giác ngộ. Không những Yên Ly biết mời rượu ngon cho tha nhân, cô còn biết đến nguyên tắc điều độ và khai mở trong niềm tin vào tôn giáo truyền thống của chính mình.

Trong buổi ra mắt sách về Thiền lý của Thượng toạ Thông Triệt hai tuần trước ở một nhà hàng gần đó, ngoài Yên Ly, các người học Thiền mới theo Thiền chủ bao gồm một số không nhỏ là tín đồ Ki-tô giáo. Họ cùng lên sân khấu hát nhạc Thiền, phát biểu cảm tưởng trong ngôn ngữ Thiền học, cùng ăn chay, cùng nhau đứng chung với Thầy để chụp hình một cách hân hoan, hỷ lạc. Cơn say tôn giáo của họ thưở nào nay đã trở nên chất rượu giải hòa trong tình người và đạo lý khai dung.

Lý tưởng lớn lao của văn minh Tây phương hiện đại, trong truyền thống Ki-tô giáo, chỉ có thể được đạt đến khi nó có khả năng hóa giải những con người đầy ngã mạn với các tín đồ cuồng nhiệt để đem họ sang đến cõi tâm thức khai phóng, cấp tiến và không cố chấp.


Người Ki-tô giáo hoàn tất tư chất tín đồ khi họ vượt qua biên giới tôn giáo khép kín vốn thường hay nhân danh chỉ có mình mới là người “có đạo”; người Phật giáo hoàn mãn cơ trình tu học khi họ không còn cho đạo ta là “khoa học, cao siêu” nhất. Sự sống còn của đạo học sẽ tuỳ vào khả năng của các tín đồ biết khai tử tinh thần cố chấp tôn giáo tự trong tâm.

Jesus kêu gọi, “Hãy vượt qua bên kia bờ” (Luke 8). “Nếu kẻ nào muốn theo Ta thì hãy bỏ lại cái ‘ta’ (self) của họ bên này bờ… (Thử hỏi) được chi cho kẻ có cả thế gian nhưng đánh mất chân Ngã (true Self)?” (Luke 9). Có phải đây là lời kinh Bát Nhã? Hai bờ của tôn giáo, của Ki-tô giáo đối với Phật Giáo, trong mùa Giáng sinh năm nay đã được nối lại, ít nhất là ở nơi chốn vỉa hè rất bình dị của một thị trấn xứ xa này, bằng một “con đò Bát Nhã” – mà trong lòng thuyền vô cùng đó, tôi có nhìn thấy hình bóng của những con người thế gian lận đận, đầy gian nan, như Yên Ly, ngồi bình an trông chờ.