Trang chủ PGVN Nhân vật Điếu văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc...

Điếu văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc tại Lễ truy tiễn Đức Pháp chủ Thích Đức Nhuận

550

Kính thưa chư vị Khách quý, cùng toàn thể Tăng, Ni, Phật tử.


 


Đại lão Hoà thượng Thích Đức Nhuận sinh năm 1897, tại thôn Quần Phương, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Nam Hà) trong một gia đình Nho giáo. Năm 1912 Hoà thượng xuất gia đầu Phật tại chùa Đồng Đắc, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình và kế thừa trụ trì khi sư Tổ thị tịch.


Đức Pháp chủ là bậc học rộng, hiểu nhiều, đã khai tràng thuyết pháp ở nhiều đạo tràng, tùng lâm nổi tiếng.


 


Trong chốn Thiền môn, Ngài là một vị đức độ khoan dung, đã hướng dẫn Tăng, Ni, tín đồ đi theo con đường đạo Pháp chân chính, phát huy chính tín, bài trừ mê tín dị đoan, giáo hoá Tăng Ni trên tinh thần phụng Đạo yêu nước, đã có nhiều công lao đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc, là Đường chủ nhiều khoá Hạ, làm hiệu trưởng và giảng sư nhiều trường Phật học của Trung ương trong các khoá, liên tục từ sau những năm 1960 đến ngày thành lập Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (năm 1981).


 


Trong suốt cuộc đời mình, Đức Pháp chủ luôn luôn quan tâm đến việc đào tạo tăng tài, giáo huấn lớp hậu côn kế thế hoằng dương chính pháp và phục vụ dân tộc.


 


Năm 1952, khi vùng Kim Sơn, Phát Diệm bị địch tạm chiếm, Đức Pháp chủ tạm lánh lên Hà Nội.


 


Sau ngày giải phóng miền Bắc, để thực hiện ước nguyện lâu đời của Phật giáo Việt Nam. Ngài đã cùng quý vị Tôn túc ở miền Bắc bắt tay vào công cuộc vận động thống nhất Phật giáo làm tiền đề cho việc thống nhất Phật giáo cả nước. Và đến tháng 3/1958, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được thành lập, Ngài được Đại hội thỉnh cử vào Ban Trị sự Trung ương và được bầu làm Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam cho đến sau ngày giải phóng hoàn toàn đất nước. Khi Cố Hoà thượng Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam thị tịch vào năm 1979, Ngài được cử làm người kế vị Hội trưởng. Đức Pháp chủ lại là người đề xướng công cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước và đứng đầu Ban Chứng minh công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Năm 1981, tại Đại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước họp tại Chùa Quán Sứ, Hà Nội, Ngài được Đại hội tín nhiệm suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (năm 1987) và Đại hội lần thứ III (năm 1992) Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Ngài lại được toàn thể Đại hội tiếp tục suy tôn giữ ngôi vị Pháp chủ cho đến ngày Ngài thị tịch.


 


Là nhà tu hành chân chính, đạo cao, đức trọng, học vấn uyên thâm, có tinh thần phụng Đạo yêu nước, Ngài đã đóng góp rất nhiều công đức chấn hưng Phật giáo, đoàn kết toàn dân đấu tranh cho hoà bình, độc lập và thống nhất Tổ quốc. Ngài đã được Nhà nước trân trọng tặng nhiều Huân chương cao quý.


 


Gần đây, vì tuổi tác quá cao, sức khoẻ giảm sút nhiều, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các giáo sư bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô đã tận tình chăm sóc, nhưng như lời Phật dạy: “Các hành vô thường, là pháp sinh diệt”, nhục thân ngũ uẩn của Ngài đến lúc đã phải ra đi, vĩnh biệt từ chúng!


 


Kính bạch Giác linh Đức Pháp chủ,


 


Vẫn biết sự đời biến đổi, có sinh thì có diệt. Dù vậy, trong lòng chúng con không thể nào cấm ngăn được tấm lòng kính thương nhớ tiếc. Bởi từ đây, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam vắng bóng một người Thầy đức độ cao siêu, khả kính; Tổ quốc Việt Nam mất đi một Người trung với nước, hiếu với dân. Nhưng chúng con cũng được một sự an ủi vì Đức Ngài đã để lại cho Tăng, Ni và tín đồ Phật giáo Việt Nam trong nước và ngoài nước một tấm gương cao thượng, hiền sáng vì Đạo pháp, Vì Dân tộc và chúng sinh.


 


Vĩnh biệt Đức Ngài, toàn thể Tăng, Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam chúng con kính nguyện luôn luôn tinh tiến trong Chính pháp, nhất tâm hoà hợp xây dựng ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam được phát triển đúng như tâm nguyện Đức Ngài hằng mong ước.


 


Xin nguyện mãi mãi noi gương Đức Ngài, phát huy truyền thống phụng Đạo yêu nước của Phật giáo Việt Nam, gắn bó hài hoà trong cộng đồng dân tộc, tích cực xây dựng Đạo pháp và Tổ quốc Việt Nam thân yêu luôn được phồn vinh, hạnh phúc.


 


Trước giờ phút di quan trang nghiêm long trọng này, toàn thể Tăng, Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành kính dâng lên Đức Ngài đôi lời cảm niệm.


 


Kính nghe rằng:


Chân không lặng lẽ, há còn sống thác nỗi chi;


Pháp tính tự như, đâu có hoá sinh mà kế.


Song vì nỗi, tướng do tâm tạo, hiện sắc thân mà chứng Pháp thân;


Lại ngẫm xem, quả tự nhân gây, nơi tục đế duyên về chân đế.


Kính cẩn cúi đầu


Trước toà Pháp chú,


Lượng cả từ bi, lòng đầy hỷ xả.


Xuất gia từ nhỏ, ngán cuộc đời ngũ dục xa hoa,


Vì đạo quyết tâm, vui chân lý Nhất thừa tiến hoá.


Quán thông Nho Phật, lọc lấy phần tinh tuý chân thường,


Ứng hoá nhiều phương, vận diệu dụng tuỳ cơ tiếp chúng.


Vì dân vì nước đã góp phần chiến thắng vô minh,


Dù yếu dù già vẫn gắng sức tuyên dương chính Giáo.


Vẫn tưởng rằng còn tăng tuổi thọ, cùng vui chung độc lập hoà bình;


Nào hay đâu vội dứt hoá duyên, khi ánh đạo đương bừng toả sáng.


Rừng Thiền long tượng ngày một vắng thưa,


Biến Thích côn kình tiếng tăm trầm lắng.


Giáo hội Phật giáo Việt Nam mất:


Một bậc đạo sư cao thiền thạc đức, thực là điều tổn thất vô cùng;


Đạo nhiệm chân thường bất diệt bất sinh, nỗi cảm xúc khôn ngăn khôn cấm.


Đôi lời thô thiển xin Tôn sư chứng giám tấc thành,


Tịnh tưởng nhất tâm nguyện chư Phật đón lên Thượng phẩm.


Hộ cho thế giới Sa Bà,


Vườn xuân xã hội nở hoa bốn mùa.


Rừng Thiền hiu hắt gió đông may,


Vẳng tiếng Pháp âm vắng bóng Thầy;


Muôn thủa còn ghi lời giáo huấn,


Nao nao luôn nhớ đức cao dầy!


Kính bạch Giác linh Đức Pháp chủ,


 


Trong giờ phút trang nghiêm này, toàn thể Tăng, Ni, Phật tử chúng con đồng thanh kính nguyện giác linh Đức Ngài:


 


Phật quốc cao đăng, pháp thân thường trụ

Nguyện cầu Giác linh Hoà thượng từ bi chứng giám!