Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử Đôi điều tâm sự về hiện trạng Gia đình Phật tử Việt...

Đôi điều tâm sự về hiện trạng Gia đình Phật tử Việt Nam hiện nay

427

I. Dẫn nhập :



Đã hơn 50 năm, GĐPT hiện hữu trên đất nước Việt Nam trãi qua bao thăng trầm do biến chuyển lịch sử, nhưng tổ chức áo Lam trên tình thần bất diệt của đạo Phật vẫn mãi vững bức, vì chúng ta đã đi đúng mục đích cuả mình “đào tạo những Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội trên tinh thần Phật giáo ”



Những người thanh niên đầu tiên của tổ chức thân thương này đến nay kẻ còn, người mất. Những con đường các anh chị đã vạch ra, lớp lớp đàn em hôm nay vẫn thực thi nghiêm túc.



Là những huynh trưởng gia đình Phật tử, với nhịp song hành cùng đất nước đi lên, thiết nghị rằng phát triển tổ chức GĐPT cũng là xây dựng Tổ Quốc. GĐPT vững mạnh có nghĩa là đào tạo được nhân tài, tri thức, đạo đức, đưa xã hội phát triển lành mạnh, hướng thiện và an lạc.



Các nhà sử học và Phật giáo đã đánh giá việc đưa tuổi trẻ đến với Phật giáo là một thành công lớn của phong trào chấn hưng Phật giáo – “Việt Nam Phật giáo sử lược (tác giả Nguyễn Lang NXB Hà Nội 2001 ) đã viết GĐPT là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên quan trọng và có sắc thái độc đáo: có thể nói đó là một nét đặc biệt của đạo Phật ở Việt Nam. Tại các nước Phật giáo khác trên khắp thế giới chưa có một tổ chức nào đông đảo và khéo léo như thế…”



Với hiện trình đất nước hiện tại, khi các nền văn hoá ngoại hạng, đặc biệt là từ phương Tây truyền qua, chúng ta đã ít nhiều chao đảo, lai căng. Nền móng đạo đức từ ngàn xưa đã thấy hụt hẫng khi lối sống hiện sinh, vật chất lấn áp. GĐPT dẫu sao cũng có một phần trách nhiệm ở đây, vì thế cần có một kế hoạch bồi dưỡng thế hệ trẻ lâu dài, bền bỉ và liên tục. Chúng ta cần có những cải tổ, những biện pháp bắt buộc và phải cập nhật chương trình để phù hợp với cuộc sống hiện đại …



Điều cần thiết nhất hôm nay là toàn thể huynh trưởng phải nhiệt tâm với tổ chức, mang lòng vị tha, đoàn kết, sẵn sàng hy sinh công sức, tiền bạc để dẫn dắt đàn em đi đúng đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và GĐPT Việt Nam.



II- Nhìn lại ưu khuyết của điểm GĐPT Việt Nam



Trải qua 2000 năm hiện hữu trong lòng dân tộc qua giáo lý, qua thực tế Phật giáo đã để lại cho chúng ta một kho báu vô tận. Tổ chức GĐPT đã khai thác được điều này. Từ Thiền Sư Khánh Anh, Giác Tiên và Cư sĩ Lê Đình Thám trong những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ trước, các hội đoàn Phật giáo đã hoạt động mạnh mẽ.



Tổ chức áo Lam sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đạn nổ, bom rơi, dân tộc đứng trước nạn diệt vong bởi nhiều thế lực khác nhau. Người Phật tử Việt Nam đã vươn lên với tinh thần dũng cảm tuyệt vời, nhiều tôn túc đã xả thân, nhiều huynh trưởng và đoàn sinh đã ngã xuống để lá cờ dân tộc và Phật giáo tung bay.



Đất nước thống nhất trên 30 năm, chúng ta lại về cùng tự hào khi tổng kết lại chưa có một huynh trưởng đoàn sinh nào dính dáng tới tệ nạn xã hội để hổ thẹn với nhân sinh, mà những hoạt động từ thiện của chúng ta vẫn âm thầm hay công khai đã chứng tỏ tinh thần đại bi, đại trí, đại dũng, gạt bỏ những riêng tư, hoạt động theo chính pháp như mục đích và tôn chỉ của chúng ta.



Tuy nhiên trong giai đoạn hiện tại, không ít các huynh trưởng của chúng ta vì nôn nóng với lý tưởng áo Lam, bức xúc trước hoàn cảnh thực tế của tổ chức dã vô tình rời xa nội quy và quy chế GĐPT, tạo ra những khó xử cho tất cả anh chị em. Điều này các huynh trưỏng cấp cao của GĐPT việt Nam phải có trách nhiệm ngồi lại với nhau, phải lý giải, bàn bạc để tất cả màu Lam phải là một khối thống nhất bền vững.



III- Những xu thế phân cách trong GĐPT Việt Nam hiện tại



Những năm tháng sau này đất nước không còn phân cách, không ít đoàn sinh gia đình Phật tử đã tham gia vào HLHTNVN và đoàn TNCSHCM… Một số các em từ vị trí là thanh niên đoàn viên dần dần được kết nạp vào ĐCS và tuần tự lên dần những vị trí lãnh đạo Nhà nước ở địa phương, một số khác không vào Đảng, không làm việc Nhà nước nhưng vẫn được tiếptục đem các khả năng chuyên môn của mình làm việc trong các xã, phường của chế độ mới, một số khác do năng động hoà nhập với cuộc sống mới nên có cuộc sống yên ả, bình thường và không hề mang mặc cảm thù ghét.



Nhưng bên cạnh số đoàn sinh GĐPT có thuận duyên hoà quyện vào cuộc sống như vừa nêu trên, còn lại số anh chị em phải vất vả và lăn lộn trong cuộc sống thường nhật, một số bị phân biệt ít nhiều vì có tham gia vào chế độ cũ, một số ít đi học tập cải tạo… Họ lâm vào tình trạng mất phương hướng bất mãn và luôn u hoài tiếc nuối cho quá khứ đẹp đẽ của tổ chức áo Lam ngày nào. Hậu quả là một số vượt biển, vượt biên ra nước ngoài.



Số khác không có điều kiện vượt trên đành ở lại với tấm trạng nặng nề trước cuộc sống mới. Còn một số ít khác muốn vươn lên nắm lấy quyền lực và địa vị lãnh đạo trong GĐPT để được nêu danh, tôn trọng của đoàn sinh và xã hội tuy rằng vị trí này không hề có một chút bổng lộc nào.



Từ hai cảnh đời trái ngược trên trong tổ chức GĐPT Việt Nam đã này sinh hai thái độ, hai quan điểm, hai ươc vọng và cuối cùng là hai con đường đi khác nhau tuy vẫn muốn tổ chức GĐPT Việt Nam đi lên. Đó là nghịch cảnh mà từ đây anh chị em áo Lam đối mặt như một thách thức lớn nhất trong trang sử của GĐPT việt Nam.



Sau này khi sinh hoạt GĐPT được chấp nhận như mọi thực tế của đất nước do nhiều nỗ lực của chư tôn tức và các huynh trưởng lớn, đã có một số quan điểm cho rằng “tình trạng phân hoá hiện nay là do mâu thuẫn nội bộ của GĐPT” điều đó đúng sai là do cách nhìn vị trí và ý đồ của từng phía đối tượng. Tuy vậy, chúng ta phải đau xót mà chấp nhận rằng: sau 1975 GĐPT Việt Nam đã bị phân rẽ thành hai xu thế:



a. Xu thế đối đầu với Chính quyền: Xem tất cả các tổ chức Phật giáo nào được Chính quyền cho phép hoạt động đều là “quốc danh”, họ công kích dữ dội những người không cùng xu hướng, xem những người đó là phản bội, phản đạo và tự nhận mình là giữ đúng đường lối áo Lam, là truyền thống từ xưa.



b. Xu thế hội nhập để phát triển: Không mang tính chất đối lập với xã hội mới, chấp nhận luật pháp mới, dựa vào đó để phát triển tổ chức GĐPT, tìm mọi cơ hội, thuận duyên để nâng cao, duy trì các tri thức, hoà nhập hẵn vào xã hội như Phật giáo hoà nhập vào các dân tộc mà mình đã du nhập vào.



Thiết nghĩ rằng bên cạnh một chương trình tu học cập nhật thực tế, những xu thế phân cách trên mới là vấn đề cốt tử trong sinh hoạt GĐPT hiện tại. Hãy đoàn kết cùng nhau đặt ra phương hướng cho tương lai thay vì mãi loay hoay suy nghĩ đấu đá và phân biệt giữa “ truyền thống” hay “quốc danh”.



IV- Đôi dòng tâm tư



Hướng về tương lai chúng ta tin tưởng và tự hào rằng GĐPT là tổ chức ưu việt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và xã hội hiện nay. Tổ chức GĐPT không thể bị diệt vong, bởi chủng tử lam như vô vàn mầm sống bay khắp bốn phương trời chỉ cần nơi nào có đất có nước thì lập tức nảy mầm.



GĐPT không thể bị mua chuộc hay đàn áp. Hồn Thiêng của các bậc tiền nhân cũng như phước báu của bao sự dâng hiến, hy sinh sẽ luôn bảo vệ chúng ta trước những cám dỗ vật chất, trước những âm mưu, thế lực muốn khuất phục, chia rẽ Gia đình áo Lam.



Hiện nay tổ chức GĐPT đã xây xong phần nền tảng và đang tiếp tục tô điểm cho ngôi nhà Lam càng ngày thêm khang trang lộng lẫy. Tuy chưa được hoàn toàn như ý nhưng có lẽ tất cả chúng ta cũng đã có thể yên tâm phần nào.



Để kết thúc bài này, chúng tôi xin độc mượn lời của anh Minh Thiện trong bài ca “Chí hướng” để nói lên những ước vọng của mình “Các anh hân hoan vì màu áo Lam hiền, chúng tôi mừng vui vì đàn em yêu mến. Gặp nhau đây ta chung một chí hướng. Đem đuốc tuệ soi đường”.



Kính chào tinh tấn và thân ái.

Tháng 8 2007
Ban Tu Thư
PBHĐ GĐPT Tỉnh Kon Tum