Trang chủ PGVN Cửa thiền Đời thường ở chốn thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

Đời thường ở chốn thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

83

Sư cô sửa điện, cất nhà


Để tiếp cận nội ni viện là một điều khó khăn. Cánh cửa luôn trong chế độ khoá và các ni sư, ni cô chỉ rảnh rang với một khoảng thời gian khá hạn hẹp – chừng 30 phút – sau 4 giờ chiều.


Ngoài thời gian học giáo lý, chuyên tâm tu hành, số thời gian còn lại họ đều tham gia lao động sản xuất như bất kỳ một người lao động nào ở bên ngoài, để đảm bảo cái ăn cái mặc phục vụ việc tu hành.


Hơn 100 ni sư, ni cô đều được phân công lao động rõ ràng vào các ban, tổ đặc thù tuỳ vào điểm mạnh lao động của từng người một. Bộ phận tri sự điều hành chung tất cả các ban như ban vườn, ban rẫy, ban kiểng, ban may mặc, ban y, ban bảo trì, ban tri khố (kho).


Tất cả các sư đều phải ra rẫy, vườn trồng rau. Với hơn 3ha rẫy, vườn, rau xanh luôn cung ứng đủ cho bữa ăn hàng ngày. Ni sư Hạnh Diệu – phó trụ trì khu ni – cho biết, các sư nữ ở đây dù xuất gia nhưng không quên vườn ruộng. Họ tìm niềm vui trong mỗi lần cầm cuốc ra vườn, hay những lần thu hoạch rau quả.


Một ngày của các sư bắt đầu từ 3 giờ 15 sáng: dậy ngồi thiền, 5 giờ 30 xả thiền, tập thể dục; 6 giờ 10: ăn sáng; 7 giờ 30 đi lao động sản xuất theo sự phân công sẵn có với từng người của từng bộ phận; 10 giờ, lao động xong về nghỉ đến 11 giờ ăn trưa; 1 giờ nghỉ trưa đến 2 giờ dậy, một số tiếp tục ngồi thiền, một số đi học giáo lý; 5 giờ chiều: uống bột; 6 giờ chiều: tụng sám hối; 7 giờ 30: tiếp tục tọa thiền đến 10 giờ đi ngủ. Với thời gian biểu chặt và nghiêm vậy, nhưng các nữ tu này vẫn có những không gian gian sống cho riêng mình và tìm niềm vui trong lao động.


Ban bảo trì gồm 3 sư cô Huyền Lý, Huyền Phổ và Huyền Anh vóc dáng nhỏ nhắn, và sức khoẻ được xếp vào hạng yếu nhất thiền viện nhưng lại làm những công việc mà đến cả trai tráng còn khó gánh vác như sửa điện nước, cất nhà.


Sư cô Huyền Lý ở Thiền viện Trúc Lâm được hơn 10 năm. Gia đình sư làm nghề bán, sữa chữa đồ điện máy ở Bình Dương nên sư đã thành thạo mọi việc trên trước khi xuất gia. 9 năm trước, khu ni có xây mới một số căn phòng. Thợ điện, nước vào lắp đặt nhưng vài ngày sau, điện thì chập chờn, nước thì tắc.


Lúc đó, sư cô Huyền Lý xin lắp lại các hệ thống, từ đó đến nay điện, nước trong các căn phòng trên chưa hề gặp sự cố nào. Kể từ đó, những công việc trên ở khu này được giao phó cho sư Huyền Lý và 2 cộng sự.


Và ít ai tin, đôi bàn tay gầy guộc thường xuyên đổ mồ hôi và đau nhức trong thời tiết lạnh do chứng thấp khớp nặng hành hạ của sư Huyền Lý, lại nhanh thoăn thoắt đào móng, xây nhà.


Hai người phụ việc với sư cô cũng yếu ớt chẳng kém – là sư Huyền Phổ làm thợ mộc, sư Huyền Anh làm thợ sơn. Đã có những căn phòng rất đẹp nằm ẩn hiện dưới những hàng thông trong khu ni là tác phẩm của sự hợp sức 3 sư cô.


Và làm…đẹp


Trang phục cũng do các sư ở ban may tự thiết kế, rồi cắt, may. 8 bàn máy khâu ngày nào cũng trong trạng thái làm việc. Sư cô Hạnh Hiền – người được mệnh danh là “nhà thiết kế áo Phật” – khá vui tính.


Với 10 năm đảm đương công việc thiết kế cắt may ở chốn này, sư quan niệm rằng: “Mặc áo phàm hay áo Phật, đều không đơn giản là cái áo mà là làm đẹp. Cái đẹp ở trong cái chân, miễn sao người mặc cảm thấy dễ chịu với tấm áo theo nghĩa đen của mình, thì mới ý thức rõ hơn cái áo theo nghĩa bóng“.


Chính vì vậy, khi thiết kế, sư Hạnh Hiền chú trọng đến tính cách của từng người chứ không vì “đồng phục” mà cứ may đại trà ai cũng như ai.


Trong tổ may, sư Hạnh Hiền có 4 học trò, hầu hết đều là những thợ may trước khi tu hành. 5 người, phải may đồ cho hơn 100 người, lại làm việc trong một chế độ thời gian nghiêm ngặt, nên gần như các “thợ may” đều có một mẹo là nhớ sẵn các số đo trong đầu để mỗi khi may đến đồ của ai, đã giảm được một quy trình.


Trong mỗi khu vườn, mỗi căn phòng ở khu ni luôn có hoa tươi. Từ nhu cầu “mang cái đẹp tinh thần”, khu ni thành lập hẳn một tổ cắm hoa với nhiều sư cô khá khéo tay như sư cô Như Xuân, Huyền Chiếu.


Có hẳn cả một tổ trồng hoa nên hoa tươi cũng được cung ứng hàng ngày. Sư cô Như Xuân quan niệm rằng, cắm bình hoa là mang lại một niềm vui cho người khác, tại sao mình không làm? Niềm vui nhân lên cho nhiều người, thành niềm vui cho cuộc sống.


Còn sư Huyền Chiếu lại xuýt xoa rằng càng ngày trên báo chí càng có nhiều mẫu bình hoa cắm rất đẹp nên sư luôn mua sách báo về xem để mỗi ngày có được những bình hoa độc đáo.


Những loài hoa quý và những cây kiểng quý ở khu ni luôn tươi tốt, khoẻ mạnh. Theo ni sư Hạnh Diệu, tất cả đều nhờ bàn tay mát và có kỹ thuật chăm sóc của sư cô Huyền Bảng.


Vốn xuất thân từ một gia đình chăm sóc cây kiểng nên sư Huyền Bảng khá am hiểu về đặc tính của các loài cây kiểng. Cộng với lòng thương cây, nên “cứ cây nào sư chăm sóc thì cây đó sẽ xanh tốt”. Cũng như người cắm hoa, người trồng hoa cũng có mong muốn mang lại cho người khác sự dễ chịu bởi sức sống của cây lá.


Với hơn 100 con người, mỗi người trước khi vào chùa đều từ bỏ những cảnh ngộ riêng, nhưng tâm trạng nặng nề thì không thể dứt bỏ. Trong chùa này, chúng tôi quan niệm, hãy tạo ra niềm vui bằng chính những gì trong đời thường thì mới trút hết được cái gánh nặng mang theo đó.


Chúng tôi đã sống như vậy. Và cũng mong muốn cho tất cả mọi người ở bên ngoài cửa thiền viện, cũng hãy tạo cho mình một cuộc sống thanh đạm như vậy, để bớt những lo toan phiền muộn” – Ni sư Hạnh Diệu nhắn nhủ.